Vài ý
nghĩ nhân sự ra đi của nhà văn Đặng Tiến
24/04/2023
https://vietbao.com/a315602/vai-y-nghi-nhan-su-ra-di-cua-nha-van-dang-tien
Mấy tháng
nay người quen biết với tôi ra đi nhiều tới chóng mặt. Con người ta khi tuổi đời
càng cao thì thấy người quen biết của mình “xuống hoàng tuyền” càng nhiều. Lý
do là những người không may kia cũng thuộc tuổi cao của tôi (U90) cho nên ‘ra
đi’ nhiều thôi.
https://vietbao.com/images/file/jO1Q7TdF2wgBAGEy/dtien.jpg
Nhà phê bình văn học Đặng Tiến [1940-2023].
Vài tháng trước là GS Nguyễn Văn Trung, rồi gần đây là BS Phạm Gia
Cổn, GS Nguyễn Thế Anh, Thi sĩ Thi Vũ, Đốc sự Phùng Minh Tiến, GS Nguyễn Ngọc Kỳ. Mới nhứt là nhà báo Trương Gia
Vy, nhà văn phê bình Đặng
Tiến (DT). Mỗi người ra đi để lại tiếng khen chê
tùy theo quan điểm cá nhơn của người phát biểu. Khen nhiều, chê ít hay ngược lại
đều có đối với người nổi tiếng hay đã trở thành gương mặt của quần chúng. Khen
chê thường dựa trên sự nghiệp cũng như thái độ chánh trị của người qua vãng.
Tôi nghĩ là mình nên
nói về trường hợp Đặng Tiến, ông và tôi có vài kỷ niệm nho nhỏ với nhau mà ít
người biết. Từ đó tôi suy ra con người nhân cách của ông.
Tôi với DT không phải
là bạn, dầu học cùng thời ở cùng trường – khác Ban ngành dĩ nhiên. Năm 1964,
trường Đại học Văn Khoa Saigon, sinh viên (s/v) ghi danh làm Cao Học nói chung
mà tôi được biết hình như là con số 9 người. Năm sau, 1965, không biết mấy vị
kia thế nào, nhưng tôi, NVS, nhận được giấy gọi trình diện nhập ngũ vì thời
gian hoãn dịch “đã hết đối với s/v Cao Học.”
Dựa trên đại ý mấy chữ
“việc hoãn dịch đã hết” tôi làm đơn khiếu nại với Nha Động Viên của Bộ Quốc
Phòng giải thích rằng qui chế Cao Học của trường ĐHVK khác với qui chế Cao Học
của Trường Luật. Ở trường Luật có kỳ thi Cao Học mỗi năm và chương trình Cao Học
ở đây là 2 năm. Ở trường ĐHVK không có chuyện thi như vậy mà s/v làm việc từng
người riêng rẽ với GS hướng dẫn, chừng nào GS thấy rằng s/v đó hoàn tất Luận
văn thì cho trình Luận văn của người đó, nghĩa là không có kỳ thi chung. Thời
gian hoàn tất Luận Văn Cao học, thì coi như thời gian của học trình và sẽ được
hoãn dịch. Thời gian nầy tùy thuộtc vào s/v và vào GS hướng dẫn Luận Văn.
Khó lòng cho s/v viết
luận văn trong một năm vì GS hướng dẫn không nhiều thời giờ tiếp xúc với sinh
viên để chỉ dẫn. Vậy thì xin đề nghị Nha Động Viên cho các s/v Cao học trường
Văn Khoa được hoãn dịch hai năm để hoàn tất tất Luận văn, tương đương với thời
gian học Ban Cao học của trường Luật khoa.
Đơn khiếu nại được viết
và tôi đi tìm 8 vị anh em cùng trường kia để xin chữ ký. Còn nhớ năm đó tôi gặp
s/v Cao Học Pháp Văn Đặng Tiến lần đầu, anh vui vẻ ký vô đơn và nói vui: Ký thì
tôi ký, nhưng mấy cha nhà binh trên chóp bu nầy chả nghe gì đâu, họ còn đương bận
bịu đánh đấm... tôi thì chưa nhận giấy kêu trình diện nhập ngũ như ông nhưng rồi
chắc cũng sẽ có thôi.
Tôi vui mừng thấy sự
xin chữ ký tưởng là khó khăn mà coi bộ trơn tru nên không chú ý tới mấy chữ
đánh đấm mà Đặng Tiến đưa ra. Lúc đó là sau thời gian đảo chánh Tổng Thống Ngô
Đình Diệm không bao lâu, chuyện chỉnh lý, chuyện hiến ước, ước pháp hình như
sôi nổi thường trực.
Rồi thôi, chúng tôi
không có dịp giao tình gì thêm, ai đi con đường nấy, học hành, làm việc và viết
lách theo kiểu của mình.
Hình như năm 1966, bộ
Ngoại Giao VNCH mở kỳ thi lấy chừng chục nhân viên với chức danh Tham Vụ Ngoại
giao và anh Đặng Tiến được đậu, anh được bổ đi làm việc ở vài nước bên Âu châu
cho tới tháng 04/75 thì nhiệm sở không còn nữa. Chuyện nhà văn Đặng Tiến phát
biểu nầy nọ về chánh trị sau 1975 thì nhiều người biết, tôi nghĩ là không cần
nêu ở đây.
Nhiều lần qua Paris rồi
sang Thụy Sĩ ghé thăm cháu Vy Dân bịnh tật đương được chăm sóc ở Yverdon, tôi
may mắn quen biết với anh Thạch, anh em đồng hao với nhà văn Đặng Tiến, đương
ngụ tại Lausanne, anh Thạch có nhắc tôi là qua Pháp nên tới Orléans kết bạn với
nhà văn Đặng Tiến, khi Thạch biết tôi cũng có viết lách chút đỉnh gọi là cho có
người để nói chuyện văn chương khi ở Pháp cho đỡ buồn.
Rồi thì do thời gian
Tây du không nhiều của mỗi lần, tôi chưa ghé Orléans lần nào cho tới năm trước
đại dịch, 2019, đi với người bạn trẻ Hoàng Minh người chơi sách có tiếng ở
Saigon, ghé nhà anh và được hai vợ chồng anh tiếp đãi thiệt là nồng hậu.
Hoàng Minh bàn chuyện
mua sách gì đó nhiều ít tôi không biết khi hai người rủ nhau lên kho sách, lúc
xuống khi anh Đặng Tiến thấy tôi rút ra trên kệ sách trước mặt cuốn Climats của
André Maurois mà nhà văn Mặc Đỗ có bản dịch Tâm Cảnh rất hay, DT không đợi tôi
hỏi đã hào phóng rút ra thêm bản dịch nói là tặng khách cả hai cuốn – nguyên bản
và bản dịch. Tôi ấn tượng với người đối diện không phải vì được hai cuốn sách
mà vì cử chỉ thiệt mau mắn của ông khi rút sách ra tặng. Hình ảnh DT với tôi trở
về trong trí bằng những bài ông viết cho bán nguyệt san Văn thời Trần Phong Giao
coi sóc: bài sâu sắc, nhận định tương đối mới, những tác giả Âu Châu ông đưa ra
thời đó đối với những người theo học chương trình Việt nói chung thiệt là cần
thiết và hấp dẫn.
Hình : https://vietbao.com/images/file/qwVVQjhF2wgBACRH/w400/sam-2.jpg
Không còn nhớ hết những gì chúng tôi nói chuyện
hôm ấy, chỉ còn nhớ đại ý chủ nhà nói rằng mình sưu tập tranh VN để giữ cũng có
mà còn cốt để các tranh đó khỏi bị phát tán vào tay những kẻ không biết chơi
tranh, chỉ mua để thỏa mãn lòng tự cao của mình khi có chút tiền, chút quyền. Với
những người chơi tranh kiểu nầy thì... DT nói tiếp sau cái cười nhẹ như lời
than: Tranh thường sẽ có số phận nằm trong tay các sưu tập gia ngoại quốc không
biết bao giờ mới chường mặt ra để người đời biết tài của họa sĩ Việt Nam. Trong
số tên họa sĩ được nhắc tới tôi nghe và còn nhớ là Nguyên Khai, Thái Tuấn, Duy
Thanh, Lê Phổ, Trương thị Thịnh... Trong số các tên tuổi vừa được kể tôi chú ý
tới tên Nguyên Khai vì chúng tôi có quen biết nhau.
Không biết về tranh
cũng như thị trường tranh quí ở VN, tôi chỉ âm ừ ghi nhận cho đến lúc về vẫn
không có gì góp ý về đề tài nầy...
Chuyện đã 6 năm qua,
sáu năm hai bờ Mỹ Pháp không có dịp gặp lại, chỉ thỉnh thỏang thấy nhau trên
FB, thường là DT viết hai chữ mừng vui gọi là góp lời và như là đánh
dấu mình đã đọc.
Tháng 10/2022, nhân
đi Paris, tôi có email nói với DT là mình sẽ ghé thăm ông, được trả lời là đang
nằm viện. Tháng 11, email lần nữa bạn nói rằng chưa đỡ. Vậy là không gặp nhau
trong khi Gare du Nord - Orléans quá gần.
Giờ thì nghe tin anh
ra đi mãi mãi. Những lời khen chê anh không còn nghe được nữa rồi. Với tôi DT
thời trẻ đã đóng góp nhiều cho văn học Việt Nam. DT, người với tôi và Nguyên
Khai là tằng nỉ (đồng tuế), dễ mến, anh hanh thông trong cuộc đời,
khôn ngoan trong đời sống xã hội, có thể nói là có lúc gây vạ miệng, nhưng chắc
chắn mọi phán xét nầy nọ không còn làm anh bận tâm.
Chúc anh thanh thản
ra đi.
– Nguyễn Văn Sâm
(21-4-2023)
No comments:
Post a Comment