Sunday, April 23, 2023

TRUNG QUỐC NGOẢNH MẶT VỚI HOA KỲ và NGUY CƠ XUNG ĐỘT (Hiếu Chân / Saigon Nhỏ)

 



Trung Quốc ngoảnh mặt với Mỹ và nguy cơ xung đột

Hiếu Chân  -  Saigon Nhỏ
22 tháng 4, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/van-de-hom-nay/trung-quoc-ngoanh-mat-voi-my-va-nguy-co-xung-dot/

 

Trung Quốc đang chứng kiến những cuộc viếng thăm cao cấp của các nhà lãnh đạo nước ngoài đến mức một nhà báo nhận xét Bắc Kinh đã trở thành “phòng đợi của thế giới”, nơi các nguyên thủ quốc gia xếp hàng chờ tới lượt vào chầu hoàng đế đỏ Tập Cận Bình. Trong lúc đó, Bắc Kinh ngoảnh mặt làm ngơ với các yêu cầu đối thoại của chính quyền Mỹ.

 

Người khách quan trọng nhất của ông Tập trong tuần qua là ông Luiz Inácio Lula da Silva, Tổng thống Brazil – cùng với Trung Quốc và Nga là thành viên của nhóm BRICS. Ông Tập ca ngợi ông Lula là “bạn cũ của nhân dân Trung Quốc”. Đáp lại, ông Lula cao giọng lên án vị thế thống trị của đồng Mỹ kim trong thương mại thế giới; ông đến thăm trụ sở của tập đoàn viễn thông Hoa Vĩ (Huawei) – một công ty Trung Quốc bị Mỹ cấm vận vì nguy cơ an ninh… Về cuộc chiến tranh Nga-Ukraine đang diễn ra ông Lula cho rằng cả Moscow và Kyiv đều phải chịu trách nhiệm, còn Mỹ và các đồng minh NATO nên ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine vì điều đó sẽ kéo dài cuộc chiến. Lập trường của ông Lula bị các nước phương Tây phản ứng mạnh và tố cáo nhà lãnh đạo Brazil phát ngôn cho tuyên truyền của Nga và Trung Quốc.

 

Trước đó vài hôm, ông Tập tiếp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bằng nghi thức trọng thị chưa từng thấy như chiêu đãi quốc yến, bắn 21 phát đại bác chào mừng… Ông ta còn mời ông Macron dùng cơm tối rồi cùng đi Quảng Châu, thăm nhà vườn của thân phụ ông – cựu Phó Thủ tướng Tập Trọng Huân. Đáp lại, ông Macron tôn xưng cái gọi là “sự tự chủ chiến lược” của châu Âu và cảnh cáo việc EU coi chừng bị Mỹ lôi vào cuộc chiến với Trung Quốc ở đảo Đài Loan. Ảo tưởng của Macron bị phê phán khắp châu Âu và chúng tôi đã phân tích nó trong một bài trước.

 

Rồi nhân tháng lễ thánh Ramadan của người Hồi giáo, ông Tập – một lãnh tụ cộng sản vô thần – đã gọi điện chúc mừng Hoàng Thái tử Mohammed bin Salman, nhà lãnh đạo thực tế của vương quốc giàu dầu mỏ Saudi Arabia. Đáp lại ông Mohammed ca ngợi “vai trò xây dựng” của Trung Quốc ở Trung Đông, một cách đá xoáy người Mỹ.

 

Trong khi mở rộng vòng tay chào đón nguyên thủ các nước thì Trung Quốc có thái độ thù địch không giấu giếm với các nhà lãnh đạo Mỹ. Thông tin từ Tòa Bạch ốc cho biết, ông Tập từ chối nhận điện thoại của Tổng thống Joe Biden, các quan chức lãnh đạo quân đội Trung Quốc cũng từ chối yêu cầu thảo luận của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Mark A. Milley. Trung Quốc đã đơn phương ngừng các cuộc đối thoại cấp cao với Mỹ từ tháng Tám năm ngoái, sau chuyến đi gây bão táp của cựu Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi tới Đài Loan.

 

Trên mặt trận tuyên truyền, truyền thông do đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát liên tục đăng bài lên án những hiểm họa và lợi dụng của chủ nghĩa bá quyền Mỹ, phê phán nước Mỹ về nhân quyền, bạo lực súng đạn và kỳ thị chủng tộc. Nhân vụ các tài liệu mật về an ninh quốc gia của Mỹ bị tiết lộ trên mạng xã hội, báo chí Trung Quốc tập trung nhấn mạnh việc Mỹ do thám các nước đồng minh. Họ chế giễu hội nghị thượng đỉnh về dân chủ mà Tổng thống Biden chủ trì tháng trước, nói nền dân chủ Mỹ đang gặp rắc rối to, hỗn loạn và “đang suy thoái triền miên”.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/04/GettyImages-1250883333-1.jpg

Ông Tập (phải) mời Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thưởng thức bản “Cao sơn lưu thủy” bằng đàn thập lục cổ Trung Quốc, ngầm ví tình hữu nghị Trung – Pháp như núi cao biển rộng. Ảnh Yue Yuewei/Xinhua via Getty Images

 

Theo nhiều bình luận gia, thái độ căm ghét Mỹ của Trung Quốc phản ánh nỗi tức giận của Bắc Kinh sau hàng loạt chính sách của Mỹ về Đài Loan, về Philippines, về công nghệ và thương mại. 

 

Từ năm ngoái đến nay, các nhà lập pháp cao cấp nhất của Mỹ đã liên tục viếng thăm Đài Loan hoặc tiếp xúc với lãnh đạo đảo quốc này. Trung Quốc coi chuyến thăm Đài Loan của cựu Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi năm ngoái hoặc cuộc gặp giữa Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và Chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ đương nhiệm Kevin McCarthy mới đây là hành vi khuyến khích các lực lượng ly khai ở Đài Loan đòi độc lập với Hoa Lục.

 

Gần đây Bắc Kinh bất bình với sự gia tăng hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Philippines, theo đó Mỹ sẽ có thêm bốn căn cứ quân sự của Philippines được Mỹ quân đội và khí tài, nâng tổng số căn cứ Mỹ ở đảo quốc này lên chín đơn vị. Một cuộc tập trận chung Mỹ-Philippines lớn nhất từ trước đến nay đang diễn ra ở Biển Đông càng làm Trung Quốc khó chịu.

 

Những nỗi bất bình đó càng củng cố thêm nỗi hận trong lòng người Trung Quốc khi Mỹ áp đặt các biện pháp hạn chế xuất cảng những công nghệ và sản phẩm bán dẫn cao cấp lưỡng dụng, có khả năng chặn đứng đà phát triển của công nghệ mới ở Trung Quốc. Một số đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hòa Lan, Hàn Quốc, Úc và Ấn Độ cũng đi theo chính sách này, làm Trung Quốc rất tức giận.

 

Nhìn xa hơn, Bắc Kinh thấy Washington đã bước đầu thành công trong việc tập hợp một “vành đai” bao vây Trung Quốc cả về quân sự, an ninh lẫn kinh tế thương mại. Thông qua các mối liên kết song phương với Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, Úc và qua các hiệp ước đa phương như QUAD (Bộ Tứ), AUKUS (Anh+Mỹ+Úc), G7, chính quyền Biden đã hình thành thế “hợp tung” lấy việc chống tham vọng của Trung Quốc làm trung tâm dù không bao giờ chỉ đích danh nước này.

 

Bắc Kinh coi những hành vi nói trên của Mỹ là “gây hấn” và “thù địch”. Ông Tập Cận Bình, trong bài phát biểu tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc tháng trước, đã chỉ đích danh Mỹ “bao vây, ngăn chặn và đàn áp” Trung Quốc. Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc do vậy đã rơi vào điểm lạnh giá nhất từ trước đến nay và chưa thấy có triển vọng ấm lại.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/04/GettyImages-1246733924-1.jpg

Bộ trưởng QP Mỹ Lloyd Austin họp với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Manila về mở rộng sự hiện diện của quân đội Mỹ tại nước này làm Bắc Kinh hết sức tức giận. Ảnh Jamilah Sta Rosa-Pool/Getty Images

 

Công bằng mà nói, Washington đã có chủ động chìa tay ra trước để làm tan băng trong quan hệ với Bắc Kinh, phòng ngừa những trường hợp hiểu lầm hoặc thông tin không đầy đủ dẫn tới những biến cố bất ngờ ngoài tầm kiểm soát. Tháng Mười Một năm ngoái, bên lề hội nghị G20 tại Bali, Indonesia, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gặp và hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để yêu cầu nối lại thông tin liên lạc cấp cao giữa chính phủ và quân đội hai nước mà Trung Quốc đơn phương cắt đứt sau chuyến đi bão táp của bà Pelosi ba tháng trước đó. Ông Biden thỏa thuận với ông Tập để nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ là Ngoại trưởng Antony Blinken sang Bắc Kinh đàm phán…

 

Nhưng bất đồ sau đó xảy ra vụ khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay vào không phận, gây chấn động nước Mỹ và ông Blinken phải đình chỉ chuyến đi được cả đôi bên mong đợi. Một trong những nhiệm vụ của ông Blinken là bàn với đối tác Trung Quốc thiết lập những “hộ lan” (guardrail), hay những đường ranh đỏ (red lines) để quan hệ đôi bên không bị rơi xuống vực do những hành động bất cẩn hoặc quá đáng ở những điểm nóng tranh chấp như Biển Đông hoặc eo biển Đài Loan. Không có những quy định, quy trình được hai bên thống nhất, không có mối liên lạc đối thoại trực tiếp thì rủi ro va chạm sẽ rất lớn ở những nơi mà các lực lượng Trung Quốc và Mỹ thường xuyên đối mặt nhau ở khoảng cách gần. Chuyến đi của ông Blinken không thành có nghĩa là cả hai bên đã bỏ lỡ một cơ hội để ngăn chặn những xung đột tương lai.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/04/china-balloon-4-ht-rc-230207_1675787740954_hpEmbed_3x2_992.jpg

Quân đội Mỹ hôm thứ Hai 13/2/2023 cho biết họ đã thu hồi được bộ phận chính, dài khoảng 10 mét, chứa những thiết bị điện tử do thám của quả khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn hạ trên Đại Tây Dương gần 10 ngày trước. Ảnh US Navy

 

“Trách nhiệm gây ra những khó khăn hiện nay trong quan hệ Mỹ – Trung không thuộc về Trung Quốc,” Uông Văn Bân, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời báo chí gần đây khi được hỏi về triển vọng tái lập đối thoại với Washington và tổ chức lại chuyến viếng thăm Bắc Kinh đã bị đình hoãn của Ngoại trưởng Blinken.

 

Chính quyền Trung Quốc coi thiện chí của phía Mỹ là sáo rỗng trong bối cảnh Mỹ tiếp tục “thù địch và gây hấn”; họ cho rằng hai bên chỉ có thể đối thoại sau khi Mỹ chứng tỏ “lòng chân thành tin cậy được bằng hành động cụ thể”, theo báo chí nước này. Thế là thế nào? Uông Văn Bân nói rõ hơn: “Hoa Kỳ cần phải chấm dứt can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và làm hại lợi ích của Trung Quốc, chấm dứt phá hoại nền tảng chính trị của mối quan hệ song phương trong lúc nhấn mạnh nhu cầu thiết lập ‘hộ lan” cho mối quan hệ,” Uông nói. Khổ nỗi, Trung Quốc coi là công việc nội bộ của họ tất cả những vấn đề quốc tế liên quan như vị thế và tương lai của Đài Loan, chủ quyền và tự do hải hành trên Biển Đông hoặc quyền sống của người thiểu số ở Tây Tạng và Tân Cương! Những ai phản đối những yêu sách quái gở của Bắc Kinh đều bị cho là can thiệp vào nội bộ Trung Quốc!

 

Các chuyên gia quan hệ quốc tế còn cho rằng, Trung Quốc rất không muốn minh bạch hóa những giới hạn trong quan hệ với Mỹ; Bắc Kinh coi việc đặt ra các lằn ranh đỏ không thể vượt qua là một hình thức khác của hành động bao vây Trung Quốc của Mỹ và họ sẽ không bao giờ minh bạch đâu là giới hạn mà vượt qua sẽ bị đáp trả bằng quân sự. Tình trạng mơ hồ như hiện nay đang có lợi cho tham vọng của Trung Quốc.

 

Nói chuyện với báo chí tại hội nghị G7 ở Tokyo hôm thứ Ba 18 tháng Tư, Ngoại trưởng Blinken vẫn lạc quan rằng sớm muộn đường dây liên lạc cấp cao Mỹ-Trung Quốc cũng sẽ được nối lại và Bắc Kinh sẽ làm rõ các ý định của họ. 

 

Nhưng các nhà phân tích cho rằng, ông Tập Cận Bình tin rằng Trung Quốc sẽ chẳng gặt hái được gì khi nói chuyện với ông Biden vào lúc này, lúc mà mối ác cảm của người dân và giới chính trị Mỹ đối với Trung Quốc đã sâu nặng hơn bao giờ. Craig Singleton, nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Foundation for Defense of Democracies nhận xét: “Rõ ràng Tập tin rằng, ràng buộc chỉ để ràng buộc là trò ngu ngốc. Thời điểm đối thoại đã qua rồi, bây giờ là lúc Bắc Kinh phải chuẩn bị cho khủng hoảng”. Còn giáo sư Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei) của Claremont McKenna College ở California cho rằng Trung Quốc sẽ tái lập cam kết và đối thoại với Mỹ khi nào họ cảm thấy họ có nhiều ưu thế hơn, chẳng hạn sau khi Bắc Kinh đã làm sâu sắc thêm mối quan hệ với các nước không phải là đồng minh của Mỹ như Brazil hoặc đã chia rẽ được sự đoàn kết giữa Mỹ và châu Âu, hủy hoại một lập trường chung cứng rắn với Trung Quốc ở hai bờ Đại Tây Dương. 

 

“Bây giờ rõ ràng Trung Quốc vẫn chưa đạt được vị thế đó. Thành công của Mỹ trong việc tập hợp các đồng minh và tiến hành cuộc chiến công nghệ chống Trung Quốc chứng tỏ rằng Mỹ vẫn mạnh hơn Trung Quốc rất nhiều và có nhiều thứ vũ khí để sử dụng tùy ý,” giáo sư Bùi nói với báo New York Times.

 

Dẫu sao, cuộc “ly thân” giữa hai cường quốc hạt nhân, hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới, vẫn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho thế giới, cả về kinh tế, thương mại lẫn nguy cơ một cuộc chiến tranh nóng. Và đó là chuyện không ai mong đợi cả.

 

------------

Đọc thêm:

·        Đảng Cộng sản Việt Nam theo Mỹ vì sợ Trung Quốc?

·        Ảo tưởng “tự chủ chiến lược” của Emmanuel Macron





No comments: