Sunday, April 23, 2023

SỰ PHỤ THUỘC CỦA NGA VÀO TRUNG QUỐC SẼ CÒN KÉO DÀI SAU THỜI KỲ PUTIN (Alexander Gabuev  -  The Economist)

 



Sự phụ thuộc của Nga vào Trung Quốc sẽ còn kéo dài sau thời kỳ Putin

Alexander Gabuev  -  The Economist  

Nguyễn Thanh Mai, biên dịch

21/04/2023

https://nghiencuuquocte.org/2023/04/21/su-phu-thuoc-cua-nga-vao-trung-quoc-se-con-keo-dai-sau-thoi-ky-putin/

 

Khi Tập Cận Bình đến Moscow trong chuyến thăm chính thức vào ngày 20 tháng 3, các nghi lễ của Điện Kremlin đã tập trung vào việc thể hiện không chỉ sự tôn trọng đối với vị khách nước ngoài quan trọng nhất mà Nga từng tiếp đón kể từ khi bắt đầu cuộc chiến với Ukraine, mà còn là sự bình đẳng giữa nhà lãnh đạo Trung Quốc và chủ nhà, Tổng thống Vladimir Putin. Tuy nhiên, nghi thức ngoại giao phức tạp này không thể che giấu sự bất cân xứng ngày càng tăng giữa hai nước.

 

Putin thích đóng khung cuộc tấn công của mình vào Ukraine như một hành động nổi loạn chống lại sự thống trị toàn cầu của Mỹ, và là một bước nhảy vọt hướng tới chủ quyền hoàn toàn của Nga. Nhưng thực tế không như vậy. Mười ba tháng sau khi chiến tranh bắt đầu, Nga ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc như một thị trường xuất khẩu cho hàng hóa cơ bản của mình, một nguồn nhập khẩu quan trọng, cũng như đối tác ngoại giao thiết yếu nhất trong bối cảnh sự cô lập toàn cầu ngày càng tăng cao. Năm 2022, Trung Quốc chiếm gần 30% xuất khẩu và 40% nhập khẩu của Nga. Một phần của các giao dịch thương mại này được thực hiện thông qua đồng Nhân dân tệ Trung Quốc, vì Nga chịu lệnh trừng phạt từ phương Tây trong việc sử dụng đồng đô la và đồng euro. Sự phụ thuộc này sẽ tiếp tục gia tăng, bởi phương Tây đang nhanh chóng thoát khỏi sự lệ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên của Nga.

 

Thật vậy, Nga sẽ sớm phụ thuộc vào Trung Quốc còn nhiều hơn vào châu Âu từ trước tới nay. Nước này đã bắt đầu xoay trục sang Trung Quốc vào năm 2014, sau khi sáp nhập Crimea, để đa dạng hóa đối tác và thoát khỏi sự phụ thuộc vào châu Âu. Bây giờ mối quan hệ với phương Tây đã bị phá vỡ không thể sửa chữa, Nga không có lựa chọn hợp tác lâu dài nào khác ngoài Trung Quốc.

 

Hiện tại, Trung Quốc chỉ đơn giản là kiếm tiền từ đòn bẩy địa kinh tế ngày càng tăng của mình đối với Nga bằng cách giành được dầu khí xuất khẩu giá rẻ từ Nga và chinh phục thị trường tiêu dùng nước này. Nhưng có lẽ chỉ là vấn đề thời gian trước khi Trung Quốc đòi hỏi sự trung thành nhiều hơn về mặt chính trị để giúp đỡ chế độ Putin tiếp tục tồn tại.

 

Bởi sự phụ thuộc của Nga vào Trung Quốc làm giảm đòn bẩy của Điện Kremlin, Trung Quốc có thể yêu cầu nhiều sự nhượng bộ chính trị hơn. Nước này có thể yêu cầu Nga chia sẻ các công nghệ quân sự nhạy cảm, chấp nhận sự hiện diện của hải quân Trung Quốc ở vùng Bắc Cực của Nga, hoặc bật đèn xanh cho nhiều cơ sở của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ở Trung Á. Trung Quốc cũng có thể muốn có tiếng nói về mối quan hệ của Nga với các nước châu Á có bất đồng với chế độ của Tập. Ví dụ, Trung Quốc có thể yêu cầu Nga không cung cấp thiết bị quân sự mà họ đã bán cho Ấn Độ trong nhiều thập niên qua. Điện Kremlin có lẽ không thể từ chối một số đề nghị này.

 

Tại sao Nga lại muốn trói mình vào mối quan hệ mang tính thần phục sâu sắc hơn với Trung Quốc nếu đã từng bị ám ảnh về sự thống trị của Mỹ trong mối quan hệ với phương Tây? Lý do là vì cuộc chiến chống lại Ukraine và, nói rộng hơn, là với các đồng minh phương Tây của nó, đã trở thành nguyên tắc tổ chức chính trị, kinh tế và chính sách đối ngoại của Nga. Putin và đoàn tùy tùng của ông đã đặt cược quá nhiều vào chiến dịch này đến nỗi cuộc chiến giờ đã mang tính sống còn. Trong tâm trí đen tối của những lãnh đạo cứng rắn ở Điện Kremlin, thua cuộc có nghĩa là mất quyền lực, mất nước, và thậm chí có thể là mất cả tự do và mạng sống của chính họ.

 

Khi sự kiểm duyệt và đàn áp trở thành chuyện bình thường ở Nga, và nền kinh tế đang ngày càng bị đặt vào tình trạng căng thẳng do chiến tranh, Điện Kremlin đang đánh giá lại mọi mối quan hệ ngoại giao thông qua lăng kính các mối quan hệ đó mang lại ích lợi gì cho cuộc chiến. Trung Quốc xuất hiện với tư cách là đối tác quan trọng nhất, vì ba lý do.

 

Đầu tiên, việc quốc gia này tăng mua hàng hóa của Nga đã giúp mang lại ngân quỹ chiến tranh cho Putin. Thứ hai, Trung Quốc là một nguồn cung cấp không thể thay thế được cho cỗ máy chiến tranh của Putin, cho dù đó là linh kiện cho vũ khí Nga hay vi mạch cho máy móc công nghiệp. Cuối cùng, mặc dù Điện Kremlin đã tìm cách trừng phạt phương Tây – nhất là nước Mỹ – vì đã hỗ trợ cho Ukraine, nhưng cho đến nay các công cụ mà họ đã triển khai, như vũ khí kĩ thuật số hoặc “tống tiền” năng lượng, đã cho thấy không hiệu quả. Do đó, Điện Kremlin ngày càng tin rằng việc giúp Trung Quốc, đối thủ toàn cầu chính của Mỹ, hạ bệ đối thủ lớn của mình là cách tốt nhất để trả thù cho việc chính quyền Biden giúp đỡ Ukraine. Đây là lý do tại sao việc chia sẻ bí mật quân sự nhạy cảm với Trung Quốc, hoặc hỗ trợ bộ máy quân sự của nước này, dường như không còn là điều cấm kỵ nữa.

 

Điều làm sự phục tùng đối với Trung Quốc trở nên chấp nhận được không chỉ là sự vui sướng về sự sụp đổ sắp tới của bá quyền Mỹ, mà là khả năng đáng chú ý của Trung Quốc trong việc xoa dịu cái tôi của Nga, mang lại cho Putin thể diện trước công chúng, bao gồm cả thông qua chuyến thăm cấp nhà nước của Tập Cận Bình. Một thực tế an ủi khác là Trung Quốc không quan tâm đến sự đàn áp và tham nhũng bên trong nước Nga, miễn là lợi ích của Trung Quốc được bảo đảm.

 

Thái độ mới của Nga đối với Trung Quốc hoàn toàn trái ngược với một năm trước. Trước ngày 24 tháng 2, nhiều ý kiến trong hệ thống quyền lực của Nga đã cảnh giác và phản đối việc Nga nhanh chóng ngã vào vòng tay Trung Quốc một cách mù quáng, ủng hộ một chính sách đối ngoại cân bằng hơn. Những tiếng nói này giờ đây đã lắng xuống, đi theo tầm nhìn hẹp của Putin về lợi ích quốc gia Nga: phá hủy Ukraine và trả thù phương Tây. Bi kịch đối với Nga là ngay cả sau khi Putin rời khỏi chính trường, chính sách mới của chế độ độc tài Á-Âu khổng lồ trong việc phục tùng Trung Quốc có thể vẫn tiếp tục tồn tại.

 

Một ngày nào đó cuộc chiến ở Ukraine sẽ kết thúc, với kết quả không có lợi cho tất cả các bên. Xét cho cùng, Nga có vũ khí hạt nhân, và không có gì chứng minh được là họ sẽ không sử dụng chúng nếu Putin tin rằng thua cuộc có nghĩa là ông sẽ chết. Vì vậy, việc phục hồi biên giới Ukraine, như được quốc tế công nhận năm 1991, dù là điều đáng mong muốn nhưng dường như không thể xảy ra. Tương tự là việc Putin và các tội phạm chiến tranh khác của Nga sẽ tự nguyện bay đến La Hay để đối mặt với một phiên tòa.

 

Vài năm nữa, phương Tây sẽ loại bỏ được sự phụ thuộc kinh tế vào Nga, trên bất cứ lĩnh vực gì. Nền kinh tế Nga sẽ được điều chỉnh lại – với sự giúp đỡ to lớn của Trung Quốc – để đi theo một mô hình mới: nghèo hơn và lạc hậu về công nghệ, nhưng vẫn tiếp tục sống sót. Trung Quốc sẽ tiêu thụ phần lớn hàng xuất khẩu của Nga và trở thành nguồn duy nhất cung cấp công nghệ hiện đại cho Nga; hệ thống tài chính Nga sẽ được nhân dân tệ hóa hoàn toàn. Các nhà lãnh đạo đang bị trừng phạt thuộc các cơ quan an ninh và quân đội Nga sẽ trở thành giới tinh hoa mới của đất nước: chủ yếu là các cựu chiến binh của chiến dịch Ukraine, những người chưa hề đến thăm phương Tây kể từ năm 2014, và con của nhiều người trong số đó sẽ học tại các trường đại học hàng đầu Trung Quốc.

 

Để khôi phục quan hệ với phương Tây và thoát khỏi sự thống trị của Trung Quốc, Nga sẽ phải đáp ứng các yêu cầu của Ukraine về trách nhiệm giải trình đối với tội phạm chiến tranh, bồi thường và trả lại tất cả các lãnh thổ bị sáp nhập, để nhận được phần thưởng là lời hứa dỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt. Đó sẽ là một việc khó thực hiện được ngay cả trong một tương lai không tưởng khi Nga có một chính phủ dân chủ thời hậu Putin, và gần như là điều bất khả đối với đội ngũ có thể sẽ điều hành Điện Kremlin sau khi Putin cuối cùng rời đi. Tình trạng làm chư hầu cho Trung Quốc dần sẽ trở nên điều bình thường, dễ đoán hơn và cũng mang lại nhiều ích lợi hơn cho Nga.

 

-------------------

Alexander Gabuev là giám đốc sáng lập của Trung tâm Carnegie Á-Âu về Nga, đặt trụ sở tại Berlin.

 

Nguồn: Alexander Gabuev, “Russia ’s reliance on China will outlast Vladimir Putin, says Alexander Gabuev”, The Economist, 18/03/2023.

 

 



No comments: