Sunday, April 23, 2023

HỢP TÁC QUÂN SỰ VỚI NGA, TRUNG QUỐC KHAI THÁC THẾ YẾU CỦA MOSCOW (Thanh Hà / RFI)

 



Hợp tác quân sự với Nga, Trung Quốc khai thác thế yếu của Matxcơva

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 22/04/2023 - 09:36

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-%C4%91%E1%BA%B7c-bi%E1%BB%87t/20230...BB%A7a-matxc%C6%A1va

 

Kết thúc chuyến công tác tại Matxcơva hôm 19/04/20023 bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh « nâng hợp tác quân sự với Nga lên tầm cao mới ». Trong chuyến xuất ngoại đầu tiên ở cương vị bộ trưởng ông Lý Thượng Phúc đã ra về với cam kết của đồng cấp Nga Serguei Choigu là « đôi bên hỗ trợ lẫn nhau kể cả về an ninh quốc gia ».

 

https://s.rfi.fr/media/display/77c62308-e053-11ed-ba79-005056a90321/w:980/p:16x9/AP23107148263807-1.webp

Tổng thống V. Putin (phải) tiếp hai bộ trưởng Quốc Phòng Nga S. Choigu và Trung Quốc Lý Thượng Phúc. Ảnh ngày 16/04/2023. AP - Pavel Bednyakov

 

Bắc Kinh và Matxcơva nâng cấp hợp tác quân sự. Cuộc nội chiến tại Sudan khiến Nga và Trung Quốc cùng lúng túng vì muốn bảo vệ quyền lợi của mình tại quốc gia châu Phi đang bị hai viên tướng tranh giành quyền lực. Ai Cập, sát cạnh Sudan, lấn cấn vì bị lộ kế hoạch sản xuất vũ khí, cung cấp rocket cho Nga phục vụ chiến tranh Ukraina. Tại Pháp, luật cải tổ hưu trí đã được ban hành, phong trào chống đối vẫn chưa nguôi : phe chống đối chọn giải pháp khua xoong nồi, làm ầm ĩ mỗi lần tổng thống Emmanuel Macron thị sát dân tình. 

 

Nâng hợp tác quân sự với Nga, Trung Quốc được lợi gì ? 

Từ đầu chiến tranh Ukraina phương Tây lo ngại Bắc Kinh giao vũ khí tiếp sức cho cỗ máy chiến tranh Matxcơva đã khởi động từ tháng 2/2022. Giới phân tích đồng loạt cho rằng việc bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc chọn Nga là điểm đến đầu tiên trong nhiệm kỳ là một tín hiệu mạnh cả Bắc Kinh lẫn Matxcơva cùng gửi đến cộng đồng quốc tế. Song câu hỏi đặt ra là đẩy mạnh hơp tác quân sự với chính quyền Putin vào thời điểm này có lợi gì cho ông Tập Cận Bình khi mà nhiều nhà quan sát cho rằng « sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã vượt xa hơn so với của Nga » ?

 

Nhà nghiên cứu Marc Julienne, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI trả lời báo Le Figaro hôm 18/04/2023 ghi nhận về « hợp tác kỹ thuật », từ trước đến nay, Nga là một nguồn cung cấp vũ khí cho Trung Quốc cho dù khoảng cách đang được thu hẹp lại, bởi nền công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc đã có những bước tiến đáng kể trong thời gian gần đây.

 

Nga hiện lâm vào thế yếu và đây có thể là cơ hội để Bắc Kinh « đàm phán về giá cả, và những điều khoản trong việc chuyển giao công nghệ mới » với Matxcơva, đòi Nga xuất khẩu những loại trang thiết bị quân sự như là « radar với công nghệ cao để giám sát không gian, hay các hệ thống chống tên lửa và phòng không ». Bắc Kinh « thường lợi dụng thế yếu của Nga để đẩy mạnh các chương trình chuyển giao công nghệ » có lợi cho các tập đoàn của Trung Quốc. Đó là trường hợp từng xảy ra năm 2014 sau khi tổng thống Vladimir Putin thôn tính bán đảo Crimée của Ukraina và Matxcơva bắt đầu bị phương Tây cô lập về ngoại giao, trừng phạt kinh tế. Cũng chính từ 2014 Nga và Trung Quốc đã « ký kết hàng loạt thỏa thuận quan trọng trong các lĩnh vực năng lượng, không gian và quốc phòng ».   

  

Ai Cập nhận viện trợ quân sự của Mỹ để … cung cấp vũ khí cho Nga ?

Cũng trong lĩnh vực quân sự, tiếp tục vụ rò rỉ thông tin từ Lầu Năm Góc mà truyền thông thường gọi là vụ PentagonLeaks, nhật báo Washington Post (ngày 11/04/2023) tiết lộ tổng thống Ai Cập đã ra lệnh sản xuất đến 40.000 đầu đạn rocket để cung cấp cho Nga.

 

Tổng thống Abdel Fatthah Al Sissi đã nhấn mạnh Cairo cần hành động một cách « kín đáo (…) tránh gây phiền toái với phương Tây ». Washington Post nhắc lại, cung cấp vũ khí cho Nga để phục vụ cỗ máy chiến tranh Ukraina là một trò chơi nguy hiểm khi biết rằng Ai Cập là quốc gia hưởng viện trợ quân sự của Mỹ nhiều nhất. Từ nhiều thập niên qua, hàng năm Washington rót cho Cairo hơn 1 tỷ đô la. Điều đó không cấm cản Ai Cập và Nga có những mối « liên hệ chặt chẽ ». Tờ báo bình luận : « quan trọng hơn cả, có lẽ là với chiến tranh Ukraina, Ai Cập đã bắt đầu chuyển hướng nhập khẩu ồ ạt lúa mì của Nga ».  

 

Washington và Cairo cùng khó xử khi kế hoạch hợp tác quân sự của Ai Cập với Nga bị lộ. Bộ Ngoại Giao Ai Cập trong tuần đã ra thông cáo : « Cairo chủ trương không can thiệp ngay từ đầu khủng hoảng Ukraina ». Phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ, John Kirby quả quyết « không có chứng cớ là Ai Cập đã cung cấp tên lửa cho Nga » và Cairo là một đồng minh quý giá của Hoa Kỳ tại Trung Đông. Đương nhiên Matxcơva đã đánh giá tin Nga mua rocket của Ai Cập mà Washington Post loan tải là « tin giả ».

 

Nội chiến tại Sudan : Nga và Trung Quốc lo bảo vệ quyền lợi  

Rất xa Ukraina, ở tận Châu Phi, Sudan là một chủ đề nổi bật của thời sự quốc tế trong tuần : cuộc nội chiến tranh giành quyền lực giữa hai viên tướng trong chưa đầy một tuần lễ làm hơn 350 thường dân thiệt mạng tại thủ đô Khartoum, từ 10 đến 20 ngàn dân Sudan di tản sang nước láng giềng là Tchad.

 

Năm 2019, tướng Abdel Fattah al Buhrane và cánh tay phải của ông Mohammed Hamdan Dalgo, biệt danh là Hemedti từng hợp lực lật đổ chế độ dân sự của tổng thống Omar el Bechir. Nhưng từ 2021, quan hệ giữa Buhrane và Hemedti đã xấu đi khi hai phe cùng tranh giành quyền lực. Cả hai cùng được Matxcơva yểm trợ. Hemetti có mối liên hệ mật thiết với nhóm lính đánh thuê Wagner của Nga. Sudan là một mỏ vàng của thế giới và phần lớn đang do phe của Hemedti kiểm soát.

 

Tháng 2/2023 ngoại trưởng Nga, Serguei Lavrov khẳng định Wagner hiện diện tại Sudan là theo yêu cầu của chính quyền Khartoum. Đầu tuần thủ lĩnh tập đoàn quân sự này, Evgueni Prigojine tuyên bố « không một người lính Wagner nào hiện diện ở Sudan từ 2 năm nay ». Vậy thì Wagner ủng hộ Buhrane hay Hemedti ?

 

Giới quan sát cho rằng, tập đoàn này đang « nghe ngóng tình hình mà đã là lính đánh thuê, thì Prigojine đương nhiên sẽ trung thành với phe nào có nhiều tiền trong túi ». Nhà nghiên cứu Roland Marchal trung tâm nghiên cứu về quan hệ quốc tế của Pháp CERI ghi nhận : đối với « Nga cũng như Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Trung Quốc, Buhrane hay Hemedti thắng cũng được, miễn là lợi ích của những quốc gia đã đầu tư vào Sudan phải được vẹn toàn ». Cũng chính vì Sudan có nhiều mỏ vàng mà đã có hơn một trăm doanh nghiệp Trung Quốc đến đây hoạt động. Sứ quán Trung Quốc kêu gọi các công dân ở yên trong nhà, tránh « đạn lạc ».

 

Thông tín viên Stéphane Lagarde từ Bắc Kinh tường trình :

« Tòa đại sứ Trung Quốc tại Khartoum đặt các công dân Trung Quốc trong tình trạng báo động tối đa. Mọi người được kêu gọi ở yên trong nhà, tránh xa cửa sổ và những nơi nhìn thẳng ra ngoài đường, đề phòng đạn lạc. Đây là những quy định được nhắc đi nhắc lại mỗi lần Sudan lâm vào khủng hoảng kể từ sau cuộc đảo chính hồi tháng 10/2021 và Khartoum bị phương Tây xa lánh. Giờ đây Trung Quốc hiện diện nhiều hơn tại quốc gia châu Phi này. Từ 1996 Trung Quốc bắt đầu đầu tư vào Sudan, đôi bên thắt chặt thêm quan hệ về kinh tế hồi tháng 6/2022. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Sudan, kim ngạch xuất khẩu năm ngoái lên tới 2,5 tỷ đô la, có giảm một chút so với 3 tỷ hồi 2020.

130 doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động trong các lĩnh vực năng lượng và tại nhiều công trường xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhiều công nhân Trung Quốc đã về nước do tình hình bất ổn từ hai năm nay. Hôm Chủ Nhật 16/04 Bắc Kinh kêu gọi 2 bên tham chiến nhanh chóng buông vũ khí, tránh một cuộc căng thẳng mới leo thang ».

 

Pháp : Nhạc cụ xoong nồi chào đón tổng thống Macron

Chặng cuối tạp chí thế giới đó đây tuần này tất nhiên phải dừng lại tại Pháp. Tòa Bảo Hiến đã ra phán quyết, tổng thống Emmanuel Macron đã ký sắc lệnh ban hành luật cải tổ hưu trí. Trên nguyên tắc, luật mới có hiệu lực kể từ tháng 9/2023 nhưng một phần công luận Pháp vẫn không chấp nhận phải làm việc thêm hai năm, phải đợi đến 64 tuổi mới được nghỉ hưu thay vì 62 như hiện tại.

 

Để phản đối, giới công đoàn, các đảng phái đối lập và dân chúng tìm ra một hình thức mới bày tỏ phẫn nộ. Mỗi lẫn ông Macron tiếp xúc với công chúng thì ông sẽ được nghênh tiếp bằng những « bản nhạc xoong nồi ».

 

Hôm 18/04 ở Saint-Denis ngoại ô Paris rồi những ngày tiếp theo tại vùng Bas-Rhin (đông bắc) hay ở tỉnh Hérault (miền nam), tổng thống Emmanuel Macron luôn được tiếp đón một cách ồn ào và những tiếng hò hét đòi tổng thống từ chức.

 

Đặc phái viên của RFI Pierrick Bonno từ Saint Denis tường thuật :

 

« Hàng chục người hưởng ứng kêu gọi của các công đoàn, đã đứng đợi ở trước cửa tòa thị chính thành phố. Một số đã mang xoong nồi đến để khua gõ. Ông Théo cầm muỗng gõ vào cột đèn đường để gây tiếng ồn. Một phụ nữ đã về hưu bày tỏ phẫn nộ. Bà nói ‘Không thể chấp nhận là Macron đến đây. Ông ấy đến đây để làm gì khi mà đã xem thường tất cả mọi người ?’

 

Dù vậy người biểu tình không được đến gần nơi tổng thống Pháp dừng chân. Thậm chí họ cũng không trông thấy đoàn xe chính thức của Emmanuel Macron đi qua. Xe của hiến binh lưu động che kín tòa nhà nơi ông Macron dừng lại. Nhưng đối với hai đại diện của công đoàn CGT làm việc trong lĩnh vực văn hóa tại thành phố này, thì họ đã đủ mãn nguyện vì có mặt ở đây để thể hiện bất bình, để phản đối luật cải tổ lao động. Một người nói ‘Macron đi đâu cũng phải có cả trăm lính hộ tống. Vậy là được rồi và tôi hài lòng vì có mặt nơi này để hét to lên phẫn nộ của mình’. Dân biểu Eric Coquerel của đảng Nước Pháp Bất Khuất cũng đã đến đây để ủng hộ người biểu tình. Ông nói ‘Macron chớ nuôi ảo vọng. Từ giờ ông không thanh thản đi đến bất kỳ nơi nào trên đất nước này, bởi mỗi nơi Emmanuel Macron đi qua, dân chúng sẽ tập hợp để nói lên rằng họ không đồng ý với luật hưu trí của ông. Tôi nghĩ tình trạng này sẽ kéo dài’. Hôm nay (19/04/2023) cũng vậy, các công đoàn kêu gọi tập hợp tại vùng Bas Rhin, trên lộ trình mà tổng thống Macron sẽ đi qua ».

  

-----------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Biểu tình phản đối cải cách hưu trí tại Pháp : Một nhãn quan khác

 

Nghịch lý trong chiến tranh Ukraina

 

Đổi thiết bị quân sự lấy dầu hỏa: Trung Quốc lấn sâu vào sân sau của Mỹ tại vùng Vịnh ?

 




No comments: