Rừng
giàu Tây Nguyên suy giảm 90% vì chuyển đổi mục đích sử dụng!
An Vui -
Saigon Nhỏ
7 tháng 4, 2023
Từ 3.8 triệu ha rừng tự nhiên, nay Tây Nguyên chỉ
còn 2.1 triệu ha, trong số này chỉ 10% là rừng giàu, nghĩa là mất đến 90% rừng
giàu.
Trong hội thảo phát triển kinh tế nông, lâm
nghiệp gắn với bảo vệ và phát triển rừng tổ chức tại TP.Ban Mê Thuột ngày 4
Tháng Tư, ông Hà Công Tuấn, cựu Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp cho biết: Diện tích rừng
tự nhiên ở Tây Nguyên từ 3.8 triệu ha giảm còn 2.1 triệu ha, trong số này chỉ
10% là rừng giàu (trữ lượng cây đứng từ 201– 300 m³/ha).
Ông Tuấn cho biết sau năm 1975, Tây Nguyên là
thủ đô của lâm nghiệp, với 3.8 triệu ha rừng tự nhiên, độ che phủ toàn vùng
70%. Sau gần 5 thập niên (thống nhất đất nước), diện tích rừng ở đây chỉ còn
khoảng 2.1 triệu ha, trong đó chỉ còn gần 10% là diện tích rừng giàu, phân bổ ở
sáu vườn quốc gia và các rừng phòng hộ; còn lại là rừng nghèo kiệt (trữ lượng
cây đứng từ 10 đến 100 m³/ha).
Từ năm 1976 đến 2005, mỗi năm Tây Nguyên để mất
khoảng 34,000 ha rừng tự nhiên. Sau Chỉ thị 13/2017 của Ban Bí thư, ông Tuấn nhận
định tình trạng phá rừng giảm nhưng cũng mất 25,000 ha rừng mỗi năm. Trong số
này, 78% mất rừng do chuyển đổi mục đích sử dụng! Còn lại, 6% mất do phá rừng;
4% mất do khai thác rừng trồng cây công nghiệp; 1% mất do cháy rừng; còn 11% mất
là do nguyên nhân khác.
Loạt bài “Đất rừng Tây Nguyên “bay màu”” ngày
17 – 18 Tháng Mười 2022 của SGGP đã nêu hiện trạng đất rừng
Tây Nguyên bị mất vì bị người dân/công ty xà xẻo, mua bán đất rừng công khai để
làm dự án hay canh tác cây công nghiệp. Nhiều dự án được chuyển đổi từ đất rừng
hoạt động không hiệu quả, nhưng khi nhà cầm quyền thu hồi thì…rừng đã chết!
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/04/7.4.23_Anh-4.jpg
Đất rừng tại xã Ea Bung, huyện Ea Súp (Đắk Lắk) đang được rao bán công
khai – Ảnh: SGGP
Từ những khu rừng xanh tốt, theo thời gian, rừng
Tây Nguyên bị “cạo trọc” và hoàn toàn rỗng ruột. Nhiều khu vực đất rừng bị phù
phép, “hô biến” thành đất sản xuất, thậm chí ra sổ đỏ mua bán công khai. Trong
vai người mua đất, phóng viên SGGP đã gặp nhiều chủ đất ở huyện
Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk… Họ chào mời giá từ 150-200 triệu đồng/ha và nói là “đất rừng”
nên không có sổ đỏ và giao dịch chỉ có giấy viết tay.
Không chỉ người dân lấn chiếm mà cán bộ giữ rừng
cũng lấn chiếm đất rừng, thậm chí đất rừng còn bị “hô biến” thành đất có sổ đỏ
như Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ (tỉnh Gia Lai) đã làm. Qua xác minh của
cơ quan chức năng, ban quản lý này để mất hơn 2,471ha đất lâm nghiệp, trong đó
nhiều cán bộ, nhân viên của ban quản lý lấn chiếm sử dụng hơn 84,000m2 đất
lâm nghiệp để làm rẫy và xây nhà ở. Điều đáng nói là 47,000m2 đất
chiếm dụng trái phép đã được Ủy ban TP. Pleiku cấp sổ đỏ sai!
Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư nhắm đến đất rừng
để xây dựng dự án du lịch nghỉ dưỡng, nông – lâm kết hợp, trồng rừng bảo vệ rừng
tại Tây Nguyên… sau khi nhận giấy phép thì rừng hoàn toàn biến mất. Tiêu biểu
như dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt do công ty Sài Gòn – Đại Ninh làm chủ đầu tư ở
huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Tổng diện tích đất quy hoạch lên đến 3,595ha,
trong đó diện tích thuê rừng trên 1,050ha. Thế mà, trong 10 năm đầu nhận dự án,
chủ đầu tư đã để mất 368ha rừng, trong đó bị phá 257ha, lấn chiếm 111ha!
Tại Đắk Lắk, năm 2003, Ủy ban tỉnh giao cho Viện
Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung bộ – Tây Nguyên 3,280ha rừng thuộc địa giới hành
chính xã Đắk P’lao, huyện Đắk Nông (nay là xã Đắk Som, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk
Nông) để thực hiện việc nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc
tế, tư vấn và tham gia đào tạo về lĩnh vực lâm nghiệp. Sau 19 năm, những cánh rừng
tự nhiên đã bị thay thế bằng những rẫy cà phê, mía… Hơn 2,000 ha rừng đã
bị mất sạch!
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/04/7.4.23_Anh-6.jpg
Công ty xây dựng 515 múc trót lọt 11,000m2 đất
rừng giữa lòng thành phố Ban Mê Thuột mà nhà cầm quyền vẫn không hay biết? – Ảnh:
Người Lao Động
Tại Kon Tum, dự án chuyển đổi rừng ở xã Đắk
Long, huyện Kon Plông cũng thất bại. Hơn 100 ha rừng thông bị khai tử để trồng
cây mắc-ca nhưng sau 5 năm, mắc-ca phát triển èo uột, không thể thay thế được rừng
thông đã mất.
Mới nhất là dự án đại lộ Đông – Tây TP.Ban Mê
Thuột (tỉnh Đắk Lắk) của công ty xây dựng 515 đã làm biến mất 11,000m2 đất
rừng, điều đáng nói là đất này nằm ngoài phạm vi được cấp phép. Người
Lao Động ngày 13 Tháng Giêng 2023 dẫn báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh
Đắk Lắk cho hay, công ty xây dựng 515 được Ủy ban tỉnh Đắk Lắk cho phép múc lấy
đất để làm đại lộ Đông-Tây TP.Ban Mê Thuộc với diện tích 0.93 ha tại thôn 6, xã
Hòa Thắng, TP.Ban Mê Thuộc. Tuy nhiên, qua kiểm tra, công ty này đã san ủi, múc
đất ngoài ranh giới cho phép với diện tích khoảng 1.1 ha tại lô 4, khoảnh 7, tiểu
khu 911, là đất rừng, khiến toàn bộ cây ở đó biến mất.
Trao đổi với Người Lao Động, một
người dân sống gần khu vực múc đất cho biết có những ngày cả chục chiếc ben chở
đất từ quả đồi nối đuôi nhau chạy trên đường hẹp ra đại lộ Đông-Tây TP.Ban Mê
Thuộc. Họ múc đất trong thời gian dài, cả trăm ngàn mét khối đất đá đã được chở
đi nhưng không hiểu sao cơ quan chức năng chậm phát hiện?
Dự án đại lộ Đông-Tây TP.Ban Mê Thuột chỉ dài
6.9km (4.2 miles) nhưng có tổng mức đầu tư hơn 1,200 tỷ đồng ($51,179,280), được
xem là tuyến đường đắt đỏ nhất Tây Nguyên, xây dựng từ cuối Tháng Chín 2015
nhưng đến giờ vẫn chưa xong!
“Ăn của rừng, rưng rưng
nước mắt”, lời nguyền đó hoàn toàn ứng nghiệm với Tây Nguyên hay miền Trung hiện
nay. Khi chỉ còn rừng nghèo kiệt, Tây Nguyên và miền Trung đang phải đối diện với
hạn hán vào mùa khô và lũ lụt kinh hoàng vào mùa mưa.
No comments:
Post a Comment