Kiểm
soát quyền lực trong bối cảnh độc quyền chính trị
03/04/2023
https://live.staticflickr.com/65535/52792367266_9185ccda18.jpg
Ông Nguyễn Phú Trọng, người đảm nhiệm ba nhiệm kỳ Tổng
bí thư dù đã quá tuổi, đã vi phạm ngay cả Điều lệ Đảng và không hề bị phản đối
- Ảnh minh họa
Chúng
ta hay nói về nguy cơ tha hóa của quyền lực. Vậy, đâu là nguyên nhân gốc rễ của
tình trạng quyền lực bị tha hóa khi ở Việt Nam thể chế chính trị là độc quyền,
tức không có sự cạnh tranh ?
Hội thảo "Thực trạng kiểm soát
quyền lực nhằm phòng chống tham nhũng ở Việt Nam", do Viện Chiến
lược và Khoa học thanh tra chủ trì vừa diễn ra tại thành phố Nha Trang
(Khánh Hòa).
Đây cũng chính là đề tài nghiên cứu cấp
nhà nước, đã được bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ quyết định phê
duyệt, giao Viện Chiến lược và khoa học thanh tra (thuộc Thanh tra chính
phủ) chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị thực hiện.
Lợi ích nhóm từ độc quyền chính trị
Trong tham luận về kiểm soát quyền lực
thanh tra, ông Nguyễn Quốc Văn (viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học
thanh tra) cho rằng : "Quyền thanh tra luôn có khả năng bị tha hóa.
Các chủ thể của quyền thanh tra luôn có nguy cơ lạm quyền, tham nhũng,
tiêu cực, xung đột lợi ích trong tất cả các giai đoạn của quá trình
thanh tra".
Theo ông Văn, hiện nay, về nguyên tắc đã có
các cơ chế để kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra. Đó là
các cơ chế kiểm soát từ bên ngoài và từ bên trong hệ thống cơ quan
thanh tra nhà nước và cơ quan hành chính nhà nước ; kiểm soát của
các cơ quan theo cơ chế của Đảng cộng sản Việt Nam ; của Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Ban Nội chính trung
ương, nhìn nhận rằng, nếu như trước đây "lợi ích nhóm" đơn giản là lợi
ích cục bộ, móc ngoặc với nhau…, đôi bên cùng có lợi, chung nhau làm ăn vì lợi
ích cục bộ. Nhưng bây giờ nhiều khi không chỉ quan hệ giữa hai bên, hai người
mà đã thành "đường dây", "sự ăn cánh" của một nhóm người
mưu lợi ích riêng, làm hại lợi ích chung".
Do đó, "lợi ích nhóm" trong xây dựng
thể chế chính là lợi ích cục bộ, nhằm mang lại lợi ích nhất định cho một nhóm
người. Biểu hiện của "lợi ích nhóm" trong công tác xây dựng pháp luật
được cho là "Lợi dụng quyền lực, lạm dụng quyền lực để đưa vào chương
trình xây dựng pháp luật các văn bản pháp luật chỉ có lợi cho một nhóm người hoặc
một cơ quan hoặc một tổ chức hoặc một địa phương hoặc một doanh nghiệp" ;
hoặc "Tác động, gây ảnh hưởng hoặc lợi dụng, lạm dụng quyền lực để đưa
chính sách chỉ có lợi cho một nhóm người hoặc một cơ quan hoặc một tổ chức hoặc
một địa phương hoặc một doanh nghiệp vào các văn bản pháp luật".
Độc quyền khiến lạm quyền thêm khó trị
Bàn luận quanh chủ đề của hội thảo trên, trong
một hội luận ở nhóm thân hữu trang Việt Nam Thời Báo, một số ý kiến cùng đánh giá là những
biểu hiện lạm quyền đang có xu hướng gia tăng trong khoảng 2 thập kỷ gần đây.
Nền kinh tế thị trường phát triển cũng đồng
nghĩa với sự hình thành và lớn mạnh của nhiều nhóm lợi ích khác nhau đặt trong
bối cảnh Việt Nam thiếu vắng sự cạnh tranh các ghế đảng phái chính trị ở Quốc hội.
Chính lẽ đó nên chuyện xây dựng các mối quan hệ và tìm cách tác động đến các cơ
quan công quyền là nhu cầu tất yếu của các nhóm lợi ích kinh tế, tài chính.
Thực tế này tất yếu sẽ ảnh hưởng đến hoạt động
của chính quyền theo cả 2 chiều hướng. Ở hướng tích cực, chính quyền sẽ nắm bắt
được nhu cầu của các chủ thể đa dạng trong xã hội, từ đó điều chỉnh chính sách
cho phù hợp. Ở hướng tiêu cực, một bộ phận cán bộ không giữ được bản lĩnh, bị
chi phối bởi lợi ích vị kỷ, sẽ có thể ban hành những quyết định chính sách, và
quản lý theo hướng có lợi cho nhóm lợi ích mà họ có liên quan.
Nếu tình trạng quan hệ thân hữu vì các lợi ích
cá nhân, nhóm không được ngăn chặn thì lợi ích công sẽ bị xâm phạm nghiêm trọng,
chất lượng hoạt động của hệ thống quản trị quốc gia bị giảm sút, trở thành mối
đe dọa cho sự ổn định và phát triển của cả xã hội.
"Thách thức của việc độc quyền chính trị,
độc quyền đảng phái là nguy cơ lạm quyền luôn hiện hữu, bởi không tồn tại một
chủ thể thứ hai có đủ sự khách quan và sức mạnh để có thể giám sát cái cấu trúc
quyền lực thống nhất đó.
Nói nhẹ nhàng hơn, trọng tâm trong việc thiết
kế thể chế kiểm soát quyền lực ở Việt Nam hiện nay là xử lý mối quan hệ giữa
quyền lực chính trị (Đảng) với quyền lực công (Nhà nước), và thẩm quyền của
chính quyền với các quyền của công dân.
Lâu nay cả ba quyền lực này gần như chỉ mang
tính đối ngoại, và thực chất thì quyền lực chính trị đã làm thay luôn cả quyền
lực công, khi ấy đương nhiên quyền công dân phụ thuộc vào quyền lực chính trị.
Phản kháng điều đó là đối mặt các điều luật hình sự như 117, 331" – đó là
nhìn nhận tạm gọi là được "nhất trí cao" ở hội luận của nhóm thân hữu
trang Việt Nam Thời Báo.
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 03/04/2023
No comments:
Post a Comment