Monday, April 10, 2023

ĐỌC LẠI TUYÊN NGÔN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN (Tạ Duy Anh)

 



ĐỌC LẠI TUYÊN NGÔN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN   

Lão Tạ   (Tạ Duy Anh)

10-4-2023  04:48   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid06hvqDMhf9fEcGWWxiQSAYTRMSD1QDPf3dx1WBWuNFweknM8atYAhv8hSLXufytbil&id=1160946631

 

Hồi còn trẻ, tôi đọc toàn văn Tuyên ngôn của đảng Cộng sản không dưới 10 lần. Đến mức tôi thuộc lòng từng đoạn dài. Chính vì thế mà cách nay khoảng chục năm, tôi nhanh chóng phát hiện ra “những lập luận sắc bén” của giáo sư Nguyễn Đức Bình về thời ký quá độ lên CNXH ở Việt Nam và thế giới, chỉ là do ông bỏ chút thời gian xào xáo lại nhiều đoạn trong Tuyên ngôn của đảng Cộng sản.

 

Cái thứ văn triết luận hùng biện của Tuyên ngôn đã khiến tôi mê mẩn. Và tất cả các lập luận được trình bày, với tôi khi đó, đều mang tính chân lý…cuối cùng!

 

Chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian tranh luận xem ai trong hai người Mác và Ăng-ghen, chấp bút cho bản tuyên ngôn. Giọng văn ấy chắc chắn của Ăng-ghen! Tôi quyết định như vậy.

 

Giờ đây, đọc lại cuốn sách mình mê mẩn suốt một thời tuổi trẻ đói khát, tôi chỉ muốn cười phá lên. Cười nội dung cuốn sách thì ít, cười chính bản thân mình thì nhiều. Nhưng tôi cũng nhận ra THIÊN TÀI của các tác giả, khi mọi nhận định, phân tích, đánh giá, tiên đoán sẽ đúng gần hết, NẾU HIỂU NGƯỢC LẠI.

 

Tôi nhớ cuốn sách mình đọc hồi trẻ, dày khoảng 48 trang, in ty-po. Giờ đây nhờ công nghệ thông tin, tôi đếm được có tới 44 lần các tác giả sử dụng từ XÓA BỎ.

 

Tóm lại, tinh thần toát lên từ Tuyên ngôn là XÓA BỎ.

 

Xin trích lại một số đoạn, phục vụ bạn nào ngại đọc cả văn bản.

 

“Điều kiện sinh hoạt của xã hội cũ đã bị xoá bỏ trong những điều kiện sinh hoạt của giai cấp vô sản. Người vô sản không có tài sản; Quan hệ giữa anh ta với vợ con không còn giống một chút nào so với quan hệ gia đình tư sản; lao động công nghiệp hiện đại, tình trạng người công dân làm nô lệ cho tư bản, ở Anh cũng như ở Pháp, ở Mỹ cũng như ở Đức, làm cho người vô sản mất hết mọi tính chất dân tộc. Luật pháp, đạo đức, tôn giáo đều bị người vô sản coi là những thành kiến tư sản che giấu những lợi ích tư sản”.

 

“Những người vô sản chẳng có gì là của mình để bảo vệ cả, họ phải phá huỷ hết thảy những cái gì, từ trước đến nay, vẫn bảo đảm và bảo vệ chế độ tư hữu”.

 

“Giai cấp vô sản, tầng lớp ở bên dưới nhất của xã hội hiện tại, không thể vùng dậy, vươn mình lên nếu không làm nổ tung toàn bộ cái thượng tầng kiến trúc bao gồm những tầng lớp cấu thành xã hội”.

 

“Trong khi phác ra những nét lớn của các giai đoạn phát triển của giai cấp vô sản, chúng tôi đã nghiên cứu cuộc nội chiến ít nhiều mang tính chất ngấm ngầm trong xã hội hiện nay cho đến khi cuộc nội chiến ấy nổ bung ra thành cách mạng công khai, mà giai cấp vô sản thiết lập sự thống trị của mình bằng cách dùng bạo lực lật đổ giai cấp tư sản”.

 

“Người công nhân hiện đại, trái lại, đã không vươn lên được cùng với sự tiến bộ của công nghiệp, mà còn luôn luôn rơi xuống thấp hơn, dưới cả những điều kiện sinh sống của chính giai cấp họ. Người lao động trở thành một người nghèo khổ, và nạn nghèo khổ còn tăng lên nhanh hơn là dân số và của cải”.

 

“Nhưng phải chăng lao động làm thuê, lao động của người vô sản, lại tạo ra sở hữu cho người vô sản? Tuyệt đối không”.

 

“…vấn đề đặt ra là chủ nghĩa cộng sản phải xoá bỏ buôn bán, xoá bỏ những quan hệ sản xuất tư sản và xoá bỏ ngay cả giai cấp tư sản nữa”.

 

“Gia đình tư sản hiện nay dựa trên cơ sở nào? Dựa trên tư bản, trên lợi nhuận cá nhân.”

 

“Đại công nghiệp phát triển càng phá huỷ mọi mối quan hệ gia đình trong giai cấp vô sản và càng biến trẻ em thành những món hàng mua bán, những công cụ lao động đơn thuần, thì những lời huênh hoang của giai cấp tư sản về gia đình và giáo dục, về những mối quan hệ thân thiết gắn bó con cái với cha mẹ, lại càng trở nên ghê tởm”.

 

“Đối với người tư sản, vợ hắn chẳng qua chỉ là một công cụ sản xuất”.

 

“Công nhân không có tổ quốc”.

 

“Sự thống trị của giai cấp vô sản sẽ càng làm cho những sự cách biệt và những sự đối lập mất đi nhanh hơn. Hành động chung của giai cấp vô sản, ít ra là ở những nước văn minh, là một trong những điều kiện đầu tiên cho sự giải phóng của họ”.

 

“Cách mạng cộng sản chủ nghĩa là sự đoạn tuyệt triệt để nhất với những quan hệ sở hữu kế thừa của quá khứ; không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy rằng trong tiến trình phát triển của nó, nó đoạn tuyệt một cách triệt để nhất với những tư tưởng kế thừa của quá khứ”.

 

“Giai cấp vô sản sẽ dùng sự thống trị chính trị của mình để từng bước một đoạt lấy toàn bộ tư bản trong tay giai cấp tư sản, để tập trung tất cả những công cụ sản xuất vào trong tay nhà nước, tức là trong tay giai cấp vô sản đã được tổ chức thành giai cấp thống trị, và để tăng thật nhanh số lượng những lực lượng sản xuất”.

 

“Cố nhiên, điều đó lúc đầu chỉ có thể thực hiện bằng cách xâm phạm một cách chuyên chế vào sở hữu và những quan hệ sản xuất tư sản, nghĩa là bằng những biện pháp, mà về mặt kinh tế thì hình như không được đầy đủ và không có hiệu lực, nhưng trong tiến trình vận động, những biện pháp ấy sẽ vượt quá bản thân chúng[10] và là thủ đoạn không thể thiếu để đảo lộn toàn bộ phương thức sản xuất”.

 

“Quyền lực chính trị, theo đúng nghĩa của nó, là bạo lực có tổ chức của một giai cấp để trấn áp một giai cấp khác. Nếu giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản, nhất định phải tự tổ chức thành giai cấp, nếu giai cấp vô sản thông qua con đường cách mạng mà trở thành giai cấp thống trị và với tư cách là giai cấp thống trị, nó dùng bạo lực tiêu diệt những quan hệ sản xuất cũ, thì đồng thời với việc tiêu diệt những quan hệ sản xuất ấy, nó cũng tiêu diệt luôn cả những điều kiện tồn tại của sự đối kháng giai cấp, nó tiêu diệt những giai cấp nói chung và cũng do đấy, tiêu diệt cả sự thống trị của chính nó với tư cách là một giai cấp”.

 

“Những người cộng sản chú ý nhiều nhất đến nước Đức, vì nước Đức hiện đương ở vào đêm trước của một cuộc cách mạng tư sản, vì nước Đức sẽ thực hiện cuộc cách mạng ấy trong những điều kiện tiến bộ hơn của nền văn minh châu âu nói chung và với một giai cấp vô sản phát triển mạnh mẽ hơn nhiều so với nước Anh trong thế kỷ XVII và nước Pháp trong thế kỷ XVIII. Và do đấy, cách mạng tư sản Đức chỉ có thể là màn đầu trực tiếp cho một cuộc cách mạng vô sản”.

 

“Những người cộng sản coi là điều đáng khinh bỉ nếu giấu giếm những quan điểm và ý định của mình. Họ công khai tuyên bố rằng mục đích của họ chỉ có thể đạt được bằng cách dùng bạo lực lật đổ toàn bộ trật tự xã hội hiện hành. Mặc cho các giai cấp thống trị run sợ trước một cuộc Cách mạng cộng sản chủ nghĩa! Trong cuộc cách mạng ấy, những người vô sản chẳng mất gì hết, ngoài những xiềng xích trói buộc họ. Trong cuộc cách mạng ấy, họ sẽ giành được cả thế giới”.

 

HÌNH : TUYÊN NGÔN của ĐẢNG CỘNG SẢN

https://www.facebook.com/photo/?fbid=10226672250930028&set=a.10214678173885598

 

.

228 BÌNH LUẬN   





No comments: