Nga
mượn tay Việt Nam đàn áp kiều dân phản đối chiến tranh ở Ukraine
09/04/2023
Serkhio Kuan ngủ
trên băng ghế đá trong một khoảng không gian công cộng nằm giữa những con đường.
Ông không còn lựa chọn nào khác. Ban ngày ông ngồi nép vào bóng râm của những cửa
hàng bên đường để tránh cái nắng chói chang của Dubai, nơi ông đến vào đầu
tháng 4 năm ngoái. Ông thương nhớ vợ và con trai ba tuổi mà giờ đã cách xa ông
hàng ngàn kilômét. Nhưng ông không thể làm gì khác hơn được, ông phải rời xa họ.
Một tháng rồi lại hai tháng, ông sống vất vưởng
trong thành phố này ở vùng Trung Đông với chỉ hơn 100 đôla trên người. Ông
không quen biết ai ở đây. Ông không nói được tiếng Anh ngoại trừ một vài câu
giao tiếp đơn giản. Những bữa ăn từ thiện phần nào giúp ông chống chọi cơn đói.
Nếu ông nghĩ đến tương lai, đó là làm sao để sinh tồn mỗi ngày.
Nhưng ông thấy mừng. Tình cảnh hiện tại dù cơ
cực nhưng vẫn chưa lấy đi một thứ vô cùng quý giá đối với ông.
“Libre,” ông nói bằng tiếng Tây Ban Nha, nghĩa
là “tự do.” “Tôi ở Dubai, không phải ở Moscow.”
Ông Kuan, công dân Nga 52 tuổi gốc Colombia, bị
trục xuất khỏi Việt Nam sau khoảng sáu năm sinh sống ở đây. Lý do: ông gửi
email tới lãnh sự quán Nga ở Đà Nẵng để bày tỏ phẫn nộ về cuộc chiến tranh xâm
lược toàn diện mà Nga khi đó vừa phát động ở Ukraine.
“Tôi đã rất tuyệt vọng và lo lắng cho gia đình
tôi ở Ukraine,” ông giải thích với VOA trong một cuộc trò chuyện gần đây qua
tin nhắn. “Cha tôi là người Ukraine và sức khỏe của ông ấy rất yếu.”
Chỉ hơn một tuần sau khi email được gửi đi vào
ngày 24 tháng 3 năm ngoái, ông Kuan bị công an áp tải từ Nha Trang ra Hà Nội để
đưa lên một chuyến bay trở về Nga, nơi mà ông nói cảnh sát đang đợi ông tại sân
bay ở Moscow.
Vì công an không đi cùng nên ông đã nhân cơ hội
rời khỏi sân bay khi đang quá cảnh tại Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất. Một
chuyến bay thẳng Hà Nội-Moscow có lẽ sẽ đưa tới một kết cục khác. “Bị bắt giữ.
Năm, bảy năm tù,” ông đoán.
Ông Kuan không phải là công dân Nga duy nhất bị
buộc phải rời khỏi Việt Nam vì chống đối cuộc chiến ở Ukraine. VOA Tiếng Việt
phát hiện ít nhất hai trường hợp khác nữa mà trong đó những đại diện của chính
phủ Nga tại Việt Nam đã dùng ảnh hưởng chính trị của nước mình để buộc nước sở
tại thực hiện việc trục xuất với căn cứ pháp lý mập mờ và thậm chí đáng ngờ nhắm
vào công dân của chính họ.
Điều hiện rõ từ những trường hợp này là mức độ
quyết liệt trong cách thức mà Điện Kremlin sử dụng nhằm trấn áp những biểu hiện
phản đối chiến tranh của một số công dân Nga, ngay cả khi họ đang ở ngoài nước.
Công an Việt Nam đóng vai trò như một cánh tay nối dài của Tổng cục An ninh
Liên bang Nga (FSB) trong một chiến dịch gia tăng cường độ nhằm bóp nghẹt quan
điểm bất đồng công khai trong nước mà các tổ chức nhân quyền quốc tế đánh giá
là “chưa từng thấy.”
Các vụ việc cũng cho thấy mức độ hợp tác của
nhà chức trách Việt Nam từ cấp địa phương cho tới trung ương trong việc thực
thi ý chí chính trị của Nga, nước mà Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược
toàn diện và từng là đồng minh ý thức hệ. Nó đặt ra những câu hỏi về tính chính
đáng pháp lý trong những biện pháp mà Việt Nam thực hiện cũng như chính sách đối
ngoại của nước này đối với Nga trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine, khơi lên
thêm nghi vấn về tuyên bố của Việt Nam không đứng về bên nào.
Những trường hợp mà VOA tìm hiểu dường như là
những vụ đàn áp kiều dân Nga đầu tiên được biết tới tại Việt Nam liên quan tới
cuộc chiến ở Ukraine. Tất cả đều có sự can dự trực tiếp của phái bộ ngoại giao
Nga tại Việt Nam và ít nhất một trường hợp có phần chắc thu hút sự can dự trực
tiếp của Moscow. Không rõ có những trường hợp nào khác nữa không bị yêu cầu trục
xuất hoặc đã bị trục xuất.
Bộ Ngoại giao Nga ở Moscow, Đại sứ quán Nga ở
Hà Nội, và các Lãnh sự quán Nga ở Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh không hồi
đáp email của VOA hỏi về những trường hợp này về những trường hợp khác có thể
chưa được biết tới.
Bộ Ngoại giao Việt Nam, Cục quản lý Xuất nhập
cảnh Bộ Công an Việt Nam, Công an tỉnh Khánh Hòa, và Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh
Công an tỉnh Khánh Hòa cũng không phản hồi yêu cầu bình luận về cách thức mà
các trường hợp này được xử lý.
Ông Kuan rời khỏi Dubai sau khi được một nhà hảo
tâm người Thái Lan ở đó quyên góp tiền giúp mua vé bay về một nước Châu Á. Cuộc
sống của ông vẫn bấp bênh và gia đình ông vẫn bị chia cắt. Ông không được cho
giữ bất cứ giấy tờ nào liên quan đến việc ông bị trục xuất, ông nói.
Thứ duy nhất còn sót lại gợi nhớ đến chuyện gì
đã xảy ra với ông chính là email mà ông đã gửi đến Lãnh sự quán Nga ở Đà Nẵng
trong cơn nóng giận nhất thời. Nó đã nhanh chóng được chuyển tới cho công an Việt
Nam và được mô tả là một lời đe dọa.
“Lãnh sự quán đã nói dối,” ông khẳng định.
.
‘Chống Nga là chống Việt Nam’
Sergey Kuropov nhận
được thông báo anh bị sa thải khỏi vị trí giáo viên dạy tiếng Anh tại một trường
mẫu giáo ở Nha Trang vào ngày 4 tháng 7 năm ngoái. Đó là kế sinh nhai của anh
trong suốt đại dịch khi mà ngành du lịch đình đốn khiến anh từ bỏ nghề hướng dẫn
viên đi tour mà anh đã làm trong suốt sáu năm.
Tin xấu tiếp tục ập đến. Chỉ vài giờ sau đó, một
người bạn Việt Nam có các mối liên lạc tại bộ ngoại giao gửi cho anh một tin nhắn
cấp bách.
“Tôi không can thiệp được. Có công hàm ngoại
giao chính thức từ Moscow với yêu cầu trục xuất anh về Nga,” người này viết bằng
tiếng Nga. “Anh phải mau mau rời đi sang nước thứ ba.”
Mọi việc đã trở nên rõ ràng đối với anh. Sau
khoảng tám năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam, anh chưa bao giờ có bất cứ
hành vi vi phạm pháp luật nào ở nước sở tại, anh nói. Nhưng giờ đây công dân
Nga 39 tuổi này đối mặt với hình phạt mà những người nước ngoài vi phạm pháp luật
ở Việt Nam thường phải chịu.
Trước đó chưa đầy một tháng, anh bị mời lên
làm việc tại Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh Công an tỉnh Khánh Hòa, nơi các viên
chức thu hồi thẻ tạm trú của anh để “phục vụ xác minh, giải quyết các thủ tục
xuất, nhập cảnh,” theo một biên bản lập vào ngày 10 tháng 6 mà VOA xem qua. Họ
không bao giờ trả lại thẻ cho anh.
https://gdb.voanews.com/01000000-0a00-0242-fd68-08db38089396_cx0_cy5_cw100_w650_r0_s.png
Thẻ
tạm trú của Sergey Kuropov
https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-abd3-08db38089381_cx11_cy35_cw88_w650_r0_s.png
Hình ảnh
trích xuất từ camera cho thấy công an đến làm việc tại nhà của anh Kuropov ở
Nha Trang.
Rồi khi anh hỏi một nhân viên của trường học
nơi anh giảng dạy về lý do sa thải, anh được cho biết là công an đã gọi điện
thoại cho hiệu trưởng của trường. “Họ nói họ đã gửi tất cả giấy tờ của anh tới
phòng giáo dục, họ nói anh bị đưa vào danh sách đen,” tin nhắn của nhân viên gửi
cho anh viết.
Anh biết một chiến dịch gây sức ép đang được đẩy
mạnh để buộc anh phải chấm dứt điều mà anh đang làm từ hơn bốn tháng qua: chỉ
trích gay gắt Nga, Tổng thống Vladimir Putin, và cuộc chiến tranh mà ông đang
tiến hành ở Ukraine.
Bản thân từng là nhà báo làm việc cho đài truyền
hình khi còn ở Nga và trở thành người sáng tạo nội dung YouTube khi đến sống ở
Việt Nam, những bài đăng của anh trên các mạng xã hội và sự tham gia của anh
trong những cuộc thảo luận công khai qua video lên án cuộc xâm lược của Nga dễ
dàng thu hút sự chú ý của nhà chức trách, anh nói. Tháng 6 là lúc anh bắt đầu hứng
chịu “hậu quả.”
“Tổng cộng họ gọi tôi để thẩm vấn sáu hay bảy
lần,” anh nói, nhắc tới các viên chức công an từ Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh
Công an tỉnh Khánh Hòa trong một cuộc phỏng vấn với VOA bằng tiếng Anh tại
thành phố Windsor ở Canada, nơi anh cùng vợ và hai con đến định cư vào tháng 1
năm nay trong tư cách những người tị nạn.
“Họ yêu cầu tôi ngừng phát biểu công khai về
chiến tranh và cáo buộc Nga phạm tội ác chiến tranh. Họ liên tục đe dọa tôi rằng
họ sẽ dẫn độ tôi về Nga, nơi tôi sẽ bị cầm tù,” anh nói thêm. “Họ nói ở Việt
Nam cấm nói gì xấu về Nga.”
“Một viên chức công an khi nói chuyện ở nơi
riêng tư với tôi nói rằng Nga là đàn anh của Việt Nam và chống Nga cũng là chống
Việt Nam.”
Anh Kuropov nói anh biết được sự can dự của
nhà chức trách Nga trong yêu cầu trục xuất anh qua hai nguồn tin nữa: một viên
chức công an tỉnh Khánh Hòa là họ hàng của một người bạn của vợ anh và một người
bạn của anh nghe ngóng được từ một nhân viên lãnh sự quán Nga ở Thành phố Hồ
Chí Minh.
Cũng trong tháng 6, anh nhận được một cuộc gọi
từ một người không rõ là ai giới thiệu mình là công an. Người này nói rằng đã
có quyết định dẫn độ anh về Nga, anh cho biết.
Những buổi làm việc với công an, những lời đe
dọa dẫn độ, việc anh bị tước thẻ tạm trú và bị sa thải khỏi công việc của mình
khiến anh đi tới quyết định nộp đơn xin bảo hộ tị nạn chính trị tại Việt Nam.
Anh cũng gửi hồ sơ xin công nhận tư cách tị nạn đến văn phòng của Trưởng Cao ủy
Liên Hợp Quốc về Người Tị nạn ở Bangkok, Thái Lan.
“Một ngày nọ, công an bất ngờ gọi tôi lên văn
phòng gấp. Thì ra hai viên chức từ Hà Nội vào chỉ vì trường hợp của tôi,” anh kể.
“Họ mặc đồ dân sự, hành vi và cách cư xử thì giống viên chức an ninh nhà nước.
Họ thẩm vấn tôi rất lâu, sau đó họ bắt tôi kí vào một văn bản kì lạ mà trong đó
tôi ‘hứa sẽ không ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Việt Nam.’”
“Họ nói vì tôi là một blogger, có nhiều người
đọc và xem tôi, vì vậy tôi có ảnh hưởng tới chính trị Việt Nam và tôi phải kí tờ
cam kết đó,” anh thuật lại. “Lời lẽ nguyên văn là như vậy. Công an đọc cho tôi
viết tay.”
Anh nói sau buổi làm việc này anh không nhắc
gì tới quan điểm của Việt Nam về cuộc chiến trong những bài đăng trên mạng xã hội
nữa. Nhưng anh vẫn tiếp tục bày tỏ quan điểm của mình.
Bộ Ngoại giao Việt Nam, Cục quản lý Xuất nhập
cảnh Bộ Công an Việt Nam, và Công an tỉnh Khánh Hòa không trả lời những câu hỏi
chi tiết của VOA gửi qua email về trường hợp của anh Kuropov. Những câu hỏi được
gửi đến địa chỉ email của Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh Công an tỉnh Khánh Hòa bị
trả lại vì lý do kĩ thuật.
“Đương nhiên là tôi lo sợ cho sự an toàn của
mình,” cựu phóng viên truyền hình này nói. “Nếu tôi bị dẫn độ về Nga, tôi sẽ phải
ngồi tù 10-15 năm, thậm chí còn hơn nữa.”
.
Đàn áp xuyên quốc gia
Lo sợ của anh Kuropov là có căn cứ. Cuộc chiến
tranh xâm lược toàn diện của Nga nhắm vào Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm ngoái
đánh dấu “sự khởi đầu của một nỗ lực mới, tổng lực nhằm xóa bỏ quan điểm bất đồng
chính kiến ở Nga,” tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói trong Báo cáo Thế giới
2023 của họ công bố vào tháng 1.
“Nhà chức trách Nga tăng cường cuộc tấn công
không ngớt nhắm vào việc vận động dân sự, báo chí độc lập, và quan điểm bất đồng
chính trị, nhằm dập tắt sự phản đối công khai đối với cuộc chiến, bất kì chỉ
trích nào nhắm vào chính phủ hoặc bất cứ biểu hiện nào không thuận theo xã hội,”
báo cáo nói.
Chỉ vài ngày sau khi ông Putin phát động chiến
tranh, nghị viện Nga thông qua luật áp đặt án tù lên tới 15 năm đối với
hành vi cố ý lan truyền tin tức "giả mạo" về quân đội nước này. Những
hành vi bị xem là “tội” bao gồm nhắc đến cuộc xung đột vũ trang ở Ukraine là
“chiến tranh,” chỉ trích cuộc xâm lược, bàn luận về hành vi của các lực lượng
vũ trang Nga, và đưa tin về tội ác chiến tranh của quân đội Nga hoặc thương
vong của thường dân Ukraine, theo HRW.
https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-cbd2-08db3808a490_w1023_r1_s.png
Cảnh sát Nga bắt giữ những người tham gia một cuộc biểu tình không được cấp
phép, sau khi các nhà hoạt động đối lập kêu gọi biểu tình trên đường phố chống
lại việc huy động lực lượng dự bị do Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh, tại
Moscow, Nga, ngày 21 tháng 9 năm 2022.
Các nhà hoạt động nhân quyền người Nga và
chuyên gia về đàn áp chính trị ở Nga nhận định với VOA rằng Nga lâu nay vẫn tìm
cách bịt miệng những người Nga bất đồng chính kiến ở nước ngoài, với những vụ
việc nổi bật trong những năm gần đây như vụ đầu độc cựu điệp viên Sergey
Skripal ở Anh và ở những nơi khác. Kể từ khi chiến tranh nổ ra, những khuynh hướng
đàn áp xuyên quốc tồn tại từ trước đó đã “tăng tốc,” theo Yana Gorokhovskaia,
Giám đốc Nghiên cứu đặc trách Chiến lược và Thiết kế của Freedom House, một tổ
chức vận động chuyên về dân chủ, tự do chính trị và nhân quyền ở Mỹ.
“Đây là những trường hợp đầu tiên mà tôi biết
tới ở Việt Nam,” bà nói, nhắc tới hai công dân Nga Serkhio Kuan và Sergey
Kuropov. “Chúng tôi có thấy một số vụ vào năm ngoái ở Trung Á. Có ít nhất hai
trường hợp mà chúng tôi biết tới là người Nga bị bắt giữ và một trường hợp bị
trục xuất khỏi Kazakhstan.”
“Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, chúng tôi đang
thấy một vài vụ đàn áp nhắm vào những cá nhân mà theo một cách thức nào đó
kháng cự tham gia cuộc chiến hoặc là lên tiếng phản đối cuộc chiến. Vì thế tôi
nghĩ hai vụ này [ở Việt Nam] tương tự như vậy.”
Điện Kremlin thường xuyên sử dụng các cơ chế dẫn
độ để truy tố các đối thủ chính trị, và cho đến ngày 24 tháng 2 năm ngoái,
chính phủ Nga đã có lịch sử lâu dài “lạm dụng” thông báo đỏ của Tổ chức Cảnh
sát Hình sự Quốc tế (Interpol) vì những mục đích chính trị, theo Kseniya
Kirillova, một chuyên gia về Nga và nhà phân tích tại Jamestown Foundation, một
tổ chức ở Mỹ chuyên cung cấp phân tích nghiên cứu về an ninh và diễn biến chính
trị ở khu vực Âu Á.
“Kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện
nhắm vào Ukraine, Interpol đã ngừng hợp tác với Moscow và giờ Điện Kremlin đang
cố gắng giải quyết vấn đề dẫn độ trực tiếp với các nước thân thiện,” bà nói.
“Điều chính yếu khiến Điện Kremlin lo lắng là hoạt động phản chiến mà người Nga
đã phát động ở nước ngoài. Gần như ở mọi nước có đông kiều dân Nga, sự chống đối
cuộc chiến đã gia tăng.”
Dan Storyev, Tổng biên tập của OVD-Info Tiếng Anh, một dự án truyền thông nhân quyền
độc lập chuyên đưa tin về những trường hợp bị bức hại chính trị ở Nga, lưu ý một
số chính phủ nước ngoài sẵn lòng thuận theo ý muốn của Điện Kremlin khi họ tìm
cách mở rộng ảnh hưởng lên những người Nga bất đồng chính kiến ở nước ngoài.
Ông dẫn ra một ví dụ gần đây ở Kyrgyzstan: một
nhóm người Nga lánh chiến tranh đến sinh sống ở thủ đô Bishkek đang chịu áp lực
ngày càng lớn từ lực lượng chấp pháp địa phương sau khi một số thành viên bị cảnh
sát thẩm vấn và phạt tiền vì tổ chức các cuộc tập hợp phản đối chiến tranh và
“bày tỏ sự ủng hộ không được cho phép dành cho Ukraine.”
“Nhìn chung, các bộ máy đàn áp ít khi dừng lại
và thường tìm cách đem sự đàn áp ra ngoài biên giới,” ông nhận xét. “Một điều
quan trọng cần biết là dù chịu áp lực ở trong nước và ngoài nước, người dân ở Nga
và người Nga lưu vong tiếp tục kháng cự cuộc chiến tranh của Putin.”
.
‘Tự nguyện’ trục xuất
Đó là điều mà Serkhio
Kuan đã làm khi ông tham gia một cuộc biểu tình phản
đối chiến tranh ở Nha Trang vào ngày 26 tháng 2 năm ngoái.
Đứng trên Quảng trường 2 tháng 4 của thành phố,
ông cầm bảng với khẩu hiệu “Không chiến tranh” viết bằng tiếng Nga bên cạnh những
người cùng biểu tình khác. Chỉ có 12 người tham gia cuộc tụ tập ôn hòa này mà
sau đó bị lực lượng chấp pháp giải tán với lý do Nha Trang là thành phố du lịch
và không có chiến tranh ở Việt Nam, một người biểu tình cho VOA biết.
Khi chiến sự gia tăng cường độ trong tháng 3
và thủ đô Kyiv của Ukraine oằn mình dưới bom đạn của Nga, nỗi lo lắng của ông
Kuan bùng nổ thành cơn phẫn nộ. Cha của ông sống gần khu nhà bị ném bom và ông
không thể liên lạc được với người nhà.
“Xin chào, cha tôi là người Ukraine. Ông ấy có
mệnh hệ gì thì các người biết tay,” ông viết bằng tiếng Nga trong một email gửi
lãnh sự quán Nga tại Đà Nẵng vào ngày 24 tháng 3.
Chỉ hai hoặc ba ngày sau đó, ông bị công an xuất
nhập cảnh triệu tập để điều tra về “mối đe dọa” mà ông đề ra đối với cơ quan
ngoại giao này, ông cho biết.
Ông cho VOA xem ảnh chụp lại nội dung email mà
ông nói “không đe dọa ai cả.” Những người nói tiếng Nga mà VOA tham vấn nói
ngôn ngữ và giọng điệu trong email có thể được hiểu là một lời dọa dẫm chung
chung, không báo hiệu một mối nguy hiểm ngay tức thì, và cho thấy sự nóng nảy bột
phát.
“Trưởng công an chỉ quan tâm tới bức thư. Tôi
cho ông ấy xem email có cái thư đó. Họ không thấy có gì phạm pháp cả,” ông Kuan
nói, kể lại buổi làm việc đầu tiên tại phòng quản lý xuất nhập cảnh Nha Trang.
“Sau đó ông ấy nói với tôi là đã có lệnh trục xuất tôi từ trên.”
“Ông ấy nói rằng họ là đồng minh của Nga, và họ
sẽ tống khứ hết tất cả những người Nga nào chống chiến tranh,” ông nói thêm.
Cũng trong buổi làm việc đầu tiên, qua lời người
phiên dịch, ông Kuan nghe thấy từ người mà ông mô tả là thư kí an ninh một điều
khiến ông lo sợ: người Nga có thể giết ông ở Việt Nam.
Một nguồn tin nắm rõ vụ việc xác nhận với VOA
công an có hối thúc ông rời khỏi Việt Nam để “bảo toàn tính mạng.” Nguồn tin
phát biểu với điều kiện ẩn danh vì những lo ngại về sự an toàn của mình.
Không rõ mối đe dọa mà công an nêu ra có căn cứ
thực tế hay không, hay là một chiêu thức để buộc ông chấp hành lệnh trục xuất.
Thượng tá Hoàng Văn Hiến, Trưởng phòng Quản lý
Xuất nhập cảnh Công an tỉnh Khánh Hòa, từ chối trả lời khi VOA liên lạc qua điện
thoại để hỏi những chi tiết về trường hợp của ông Kuan.
Ông Kuan nói ông bị gọi lên phòng quản lý xuất
nhập cảnh hai lần nữa và công an tiếp tục hỏi cùng những câu hỏi. Sau đó ông được
yêu cầu kí “nhiều giấy tờ khác nhau” mà trong đó có văn bản đồng ý “tự nguyện”
trục xuất.
https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-8975-08db380a02bf_w650_r0_s.png
Serkhio cùng
vợ và con trong một bức hình chụp vào dịp tết năm 2022. VOA làm mờ gương mặt của
vợ và con ông vì sự an toàn của họ.
“Họ bảo tôi kí giấy tờ đi để vợ con được nhờ.
Tôi không chịu thì họ nói họ sẽ đem con tôi vào cho tới khi tôi chịu kí. Nghe vậy
tôi vừa sợ vừa tức giận. Tôi la lên. Nhưng cuối cùng tôi nhận ra rằng tôi phải
kí những giấy tờ đó,” ông kể.
Nguồn tin nắm rõ sự việc nói ông Kuan có kí một
văn bản với nội dung xác nhận ông tự nguyện rời khỏi Việt Nam, và dù “kí hay
không kí cũng phải đi.”
Nguồn tin cho biết ông Kuan bị khép vào tội
“gây rối trật tự công cộng” và bị xử phạt hành chính 12 triệu rưỡi đồng. Ông có
làm đơn miễn đóng tiền phạt do hoàn cảnh khó khăn và được chấp thuận.
“Tội không đáng phải bắt đi, nhưng do thái độ
coi thường luật pháp Việt Nam,” nguồn tin giải thích.
Trong những tin nhắn với VOA, ông kể lại câu
chuyện của mình với sự nuối tiếc pha lẫn cay đắng. Ông yêu mến nước Việt Nam
nơi ông đã gặp gỡ và kết hôn với người vợ “khiêm nhường, tảo tần, nhân hậu.”
Ông không hối tiếc đã tham gia cuộc biểu tình phản chiến hay gửi email đến lãnh
sự quán, nhưng ông nói sự lo lắng cho cha ông đã khiến ông hành động “một cách
ngu ngốc.”
“Tôi muốn gặp con trai tôi,” ông nói khi được
hỏi giờ ông cảm thấy thế nào. Ông chua chát nhớ lại lúc ông đặt bút kí chấp thuận
cho sự chia cắt gia đình của mình.
“Công an Việt Nam dùng những biện pháp trái với
nhân quyền. Dùng con trai tôi để gây áp lực với tôi,” ông nói.
.
Lật bài ngửa
Ông Kuan bị áp tải đến
sân bay Nội Bài ở Hà Nội để đáp chuyến bay rời khỏi Việt Nam vào một ngày đầu
tháng 4 năm ngoái. Vợ ông không thể có mặt để trực tiếp nói lời từ biệt vì những
thay đổi vào phút chót, dù trước đó đã được hứa sẽ cho đi tiễn chồng.
Tại sân bay, những viên chức công an áp tải
ông lấy lại hết tất cả những giấy tờ mà ông đã kí trước đó, ông nói.
“Ngày 4 tháng 4, cơ quan quản lý di trú Việt
Nam đã trục xuất về Liên bang Nga một công dân Nga, người mà trước đó đã gửi
thư đe dọa cơ quan lãnh sự Nga,” Phòng lãnh sự của Đại sứ quán Nga loan báo bằng tiếng Nga trên trang Facebook của mình.
Vài ngày sau đó, trang Facebook này đăng một thông báo kêu
gọi công dân Nga ở Việt Nam báo cáo cho phòng lãnh sự “những việc mà quý vị đã
biết về việc công bố thông tin có định hướng chống Nga và thông tin giả mạo”
liên quan tới cuộc chiến tranh ở Ukraine.
Những đăng tải này thu hút sự chú ý của Sergey
Kuropov. Chúng cho thấy nỗ lực tích cực của những người đại diện chính phủ Nga
tại Việt Nam trong việc truy lùng và trấn áp những công dân Nga phản đối chiến
tranh mà anh là một trong số đó.
Suốt từ tháng 7 đến tháng 12, anh nhận được nhiều
cuộc gọi mời lên cơ quan công an làm việc hoặc các viên chức đến nhà anh để kiểm
tra giấy tờ, anh nói. Những yêu cầu ngừng phát biểu và những lời đe dọa tiếp tục
được đưa ra.
Một cuộc hẹn nói chuyện không chính thức tại một
quán cà phê với hai viên chức công an vào tháng 9 mang tới cho anh câu trả lời
về đơn xin bảo hộ tị nạn của anh tại Việt Nam. Yêu cầu bị từ chối vì Việt Nam
“không có quy định cấp quy chế tị nạn chính trị,” theo lời một viên chức công
an.
Anh nói anh không nhận được văn bản hồi đáp
chính thức nào từ nhà chức trách mà chỉ được thông báo bằng lời nói.
Trong một đoạn âm thanh được ghi lại tại buổi
gặp mặt này, Thượng tá Hoàng Văn Hiến, Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập cảnh Công
an tỉnh Khánh Hòa, cảnh báo anh rằng anh sẽ bị coi là lợi dụng ở lại Việt Nam để
chống Nga nếu tiếp tục bày tỏ quan điểm phản đối chiến tranh của mình trên mạng.
“Chính phủ Nga, chính quyền Nga có theo dõi,
có phản ánh với Việt Nam về anh ấy những hoạt động mà họ không mong muốn, thậm
chí họ có những điều luật quy định mà anh ấy vi phạm pháp luật của Nga,” ông Hiến
nói với vợ của anh, người đóng vai trò phiên dịch tại buổi làm việc.
“Giữa Việt Nam và Nga có những hiệp định, thỏa
thuận giao người. Nếu như mà anh ấy cố tình rơi vào cái điều luật mà Việt Nam
phải giao một người nào đó quốc tịch Nga cho phía Nga, và ngược lại, tại vì thỏa
thuận thì phải đồng ý, phải chấp nhận. Lúc đấy không có gì gỡ lại được đâu. Thế
nên là bớt cái tôi của mình đi.”
Một viên chức nữ khác sau đó nói thêm rằng
chính phủ Việt Nam có chính sách không hoan nghênh một người cư trú ở Việt Nam
mà lại có hoạt động chống lại bất kì nhà nước nào khác.
Anh Kuropov hiểu nhà chức
trách Việt Nam đã lật bài ngửa khi họ tiết lộ sự can dự trực tiếp của Moscow
trong vụ việc của anh và ý định của họ nhắm vào anh: dẫn độ về Nga để đối diện
với việc truy tố khả dĩ.
Nhà chức trách Nga và Việt Nam không trả lời
câu hỏi của VOA liệu có cáo trạng nào đã được đưa ra nhắm vào anh Kuropov ở Nga
hay chưa, và liệu có bất cứ giấy tờ nào liên quan tới việc dẫn độ đã được phía
Nga chuyển cho phía Việt Nam hay chưa.
Cánh cửa hi vọng mở ra cho anh vào tháng 11
khi anh được Cơ quan Người Tị nạn Liên Hợp Quốc UNHCR công nhận tư cách người tị
nạn. Đến tháng 12, Canada cấp quy chế bảo hộ tị nạn chính trị cho anh và gia
đình.
Michelle Carbert, phát ngôn viên của Bộ Nhập
cư, Người Tị nạn, và Nhập tịch Canada, từ chối bình luận khi phản hồi câu hỏi của
VOA về việc hồ sơ của anh Kuropov được chấp thuận như thế nào. Bà dẫn ra luật về
quyền riêng tư của Canada.
“Ở Canada, tôi cảm thấy
an toàn,” anh nói khi VOA đến thăm nơi ở mới của anh vào tháng 3. “Ở đây Nga
hay Việt Nam không thể đe dọa tôi được nữa, họ không thể bắt giữ tôi, bỏ tù tôi
hay chia cắt tôi khỏi gia đình tôi. Và quan trọng nhất là họ không thể bắt tôi
im tiếng về những tội ác của Nga ở Ukraine.”
https://gdb.voanews.com/01000000-0a00-0242-471e-08db3808a909_w650_r0_s.png
Sergey
Kuropov được Canada cấp quy chế bảo hộ tị nạn vào tháng 12. Anh hiện sinh sống
tại thành phố Windsor.
.
‘Một tuần địa ngục’
Sergey Pavlov ngồi
đợi trong một căn phòng đóng kín cửa tại Lãnh sự quán Nga ở Thành phố Hồ Chí
Minh và anh nhận thấy có điều gì đó không bình thường: anh không đợi cùng tất cả
những người khác đang ở ngoài đường chờ đến lượt. Khoảng 40 đến 50 phút sau, anh
nghe thấy các nhân viên lãnh sự bàn tán về anh. Anh bắt đầu cảm thấy lo lắng.
Con gái của anh ra đời ở Nha Trang chỉ vài tuần
trước đó vào cuối tháng 12 và anh cần một con dấu trên hộ chiếu chứng thực con
anh ở Việt Nam hợp pháp. Để có được con dấu này, anh không có cách nào khác
ngoài việc đối mặt với nỗi e sợ của chính mình. Anh phải đến cơ quan lãnh sự của
Nga.
Trong 10 năm qua, công dân Nga 34 tuổi này đến
từ thành phố Novosibirsk thường xuyên chống đối Tổng thống Vladimir Putin và Đảng
Nước Nga Thống nhất của ông. Anh nói những đăng tải của anh trên mạng xã hội chỉ
trích chính phủ đã khiến anh bị tòa án ở Nga áp đặt khoản tiền phạt 60.000
ruble, tương đương gần 800 đôla Mỹ vào thời điểm đầu năm 2022.
“Họ lấy những gì tôi viết trên Instagram và
đưa cho tòa án. Tòa án nói tôi là kẻ xấu, nói xấu quân đội Nga, thế nên ra hai
án phạt,” anh nói. “Nếu vi phạm nữa thì án phạt sẽ không phải là đóng tiền mà
là bốn, năm năm tù.”
Anh Pavlov nói anh phản đối cuộc chiến của Nga
ở Ukraine nhưng không bao giờ nói gì về quân đội Nga trong những đăng tải của
mình. Anh đến Việt Nam vào tháng 3 năm ngoái vì bất bình về cuộc xâm lược mà đất
nước anh phát động và “không muốn dính dáng đến kẻ gây hấn,” anh nói.
“Người Ukraine chẳng làm điều xấu với tôi cả,
nhưng Putin và đảng của ông ta làm rất nhiều điều xấu với tôi,” anh nói, nhắc tới
việc tài khoản ngân hàng ở Nga của anh bị chặn khiến công ty của anh không thể
thanh toán và cuối cùng phải ngừng kinh doanh.
“Họ lấy hết mọi thứ của tôi,” anh nói.
Tại Việt Nam, anh tin chắc anh bị làm khó dễ
vì quan điểm chính trị của mình khi anh cần sự hỗ trợ lãnh sự. Anh dự định sẽ rời
khỏi Việt Nam vì anh biết nước này hợp tác với Nga, dù anh chưa bao giờ bị công
an gọi đến văn phòng để làm việc như hai công dân Nga phản chiến Serkhio Kuan và Sergey Kuropov.
Anh và vợ có thể xuất cảnh nhưng em bé sơ sinh
thì không, trừ phi hộ chiếu được đóng dấu.
“Đó là vấn đề của anh, anh phải tự giải quyết,”
anh thuật lại điều mà lãnh sự quán Nga ở Đà Nẵng nói với anh khi họ từ chối
giúp đỡ. Anh vào Thành phố Hồ Chí Minh, nghĩ rằng anh phải làm thật nhanh vì có
thể không còn nhiều thời gian nữa trước khi nhà chức trách Nga hành động.
Giờ anh không thể làm gì khác ngoài việc ngồi
đợi trong căn phòng của lãnh sự quán. Dù sốt ruột, anh cảm thấy yên lòng đôi
chút vì biết không có chuyến bay thẳng về Nga. Giả sử anh có bị trục xuất đi nữa
thì anh vẫn có thể thoát đi trong khi quá cảnh ở một nước thứ ba.
Khoảng ba, bốn tiếng sau đó, lãnh sự quán đưa
cho anh một văn thư để nộp cho nhà chức trách Việt Nam để giải quyết vấn đề hộ
chiếu của con anh, anh nói. Anh hối hả rời đi và chạy ngay sang cơ quan quản lý
xuất nhập cảnh, không kịp đọc văn thư viết gì cho đến khi được phía Việt Nam
cho biết:
“Họ viết là tôi và gia đình tôi phải bị trục
xuất khỏi Việt Nam,” anh nói. “Viên chức xuất nhập cảnh nói đó lần đầu tiên ông
ấy thấy lãnh sự quán viết một bức thư như vậy.”
Anh Pavlov nói anh may mắn nhận được sự giúp đỡ
tận tình của viên chức này để có được dấu mộc xác nhận trên hộ chiếu và những
giấy tờ cần thiết khác sớm nhất có thể, vì một khi yêu cầu trục xuất được đưa
ra, anh phải nhanh chóng rời đi.
Lãnh sự quán Nga ở Thành phố Hồ Chí Minh không
hồi đáp email của VOA hỏi về trường hợp của anh Pavlov.
https://gdb.voanews.com/01000000-0a00-0242-eb32-08db3808a96c_w650_r0_s.jpg
Sergey
Pavlov cùng vợ và con. Họ hiện cư ngụ tại thành phố Tampa ở bang Florida của Mỹ
sau khi đến đây xin bảo hộ tị nạn từ Mexico vào tháng 3.
Nói chuyện với VOA qua điện thoại vào một ngày
đầu tháng 4, anh nhớ lại những ngày anh chạy đôn chạy đáo khắp nơi từ Nha Trang
ra Đà Nẵng vào Thành phố Hồ Chí Minh để lo giấy tờ cho con. “Một tuần địa ngục,”
anh nói.
Giờ anh và vợ con đang sống tại thành phố
Tampa ở bang Florida của Mỹ, nơi anh xin quy chế bảo hộ tị nạn sau hành trình đầy
gian truân vượt qua biên giới Mexico vào tháng 3. Chi phí chuyến đi tiêu tốn gần
10.000 đôla, anh cho biết, chưa kể những khoảnh khắc khiếp sợ khi đối diện với
nguy hiểm dọc đường.
Việt Nam vẫn để lại trong anh những tình cảm
lưu luyến. Anh nói đây là nơi yêu thích nhất của anh trong những nơi anh từng tới
và đã đến đây năm lần. Chiến tranh cho anh một lý do để dọn đến sống cuộc sống
mà anh mong ước.
Nhưng cánh tay vươn dài của Điện Kremlin bóp
nát niềm hạnh phúc nhỏ nhoi ở những nơi tưởng như quá xa xôi cho sự truy bức. Đối
với anh, nước Nga giờ là nỗi phẫn uất.
“Đòi trục xuất một em bé mới một tháng tuổi khỏi
Việt Nam, những kẻ này không phải con người,” anh nói.
Alexey Gorbachev của VOA Tiếng Nga
đóng góp cho bài tường trình này.
No comments:
Post a Comment