MẤY
LỜI BỘC BẠCH CỦA DƯƠNG THU HƯƠNG
Những ghi chép dưới đây được tôi ghi vội sau
những cuộc “chuyện vặt” với tác giả trước sau 1990. Riêng phần CUỘC PHỎNG VẤN
40 PHÚT thì là một buổi trò chuyện có chuẩn bị trước tại một phòng làm việc ở
65 Nguyễn Du, Hà Nội. Tất cả những dòng dưới đây chỉ mới một lần được đưa trên
trang blog của tôi ngày 18 tháng 1 năm 2016.
***
*Quan hệ với các đồng nghiệp
– Có lần ông Tuân đưa cho tôi cái các-vi-dít
và bảo thêm 12 giờ trưa bao giờ cũng độc ẩm. Hương có thể đến chơi bất cứ ngày
nào.
Tôi nhận, cám ơn, nhưng không đến.
– Lúc bé, gia đình tôi với gia đình Đỗ Chu gần
nhau, nó chuyên môn đến choẹ ông bố tôi. Bao nhiêu khách khứa của nó, ông bố
tôi phải tiếp cả. Trong Các vĩ nhân tỉnh lẻ, viết về Đỗ Chu thế là còn hiền đấy
chứ!
– Nhàn: Tôi là người hay bị lừa lắm.
Hương: Tôi cũng thế. Thằng Bách nó vẫn bảo nó
cho tôi ăn quả lừa luôn đấy chứ.
– Dương Thu Hương nói hồi gặp ở Moskva 1987:
– Tôi là phụ nữ, cho nên tôi mê hai cái. Một
là ở nhà, tôi phải lo làm món ăn. Hai là, đi một đại hội festival như thế này,
thế nào tôi cũng tìm được một vài kiểu quần áo đẹp, và trở về, tôi sẽ may giống
vậy.
Trần Ninh Hồ: Con bé chê gì thì chê, nhưng gia
chánh thì lại rất chuẩn.
– Tôi không ghét gì Xuân Quỳnh. Tôi thích thơ
nó nữa. Tôi chỉ không thích nó cái tính này – sự khiếp nhược đàn ông. Làm gì mà
nó phải quỵ luỵ thằng Vũ thế? Tự nó không sống được à? Đàn bà phải tự trọng thì
đàn ông nó mới quý mình được.
Tôi cũng không chơi với cái Thái. Tôi tả nó
trong ‘Bên kia bờ ảo vọng’ do tưởng tượng. Ví dụ, tôi tin gần như chắc chắn rằng
cứ về nhà là nó tụt ngay quần ra.
– Tôi thường nhận được nhiều thứ của các cụ
già đã về hưu, thứ nào cũng dặn là con phải giữ gìn.
Lại còn cái đám trí thức khoa học của mình,
thư nhiều lắm.(Lại Nguyên Ân xác định đám trí thức này phần lớn là người của những
năm 60. Ngày 9-2-1990, Hương từng nói chuyện với trí thức Hà Nội ở một CLB).
– Có lần trước đại hội nhà văn, báo Lao động
phỏng vấn Hương, và Hương đã nói là trong những năm gần đây người viết văn nổi
nhất là Nguyễn Huy Thiệp.
– Thiệp nó có đến tìm tôi. Trong thâm tâm tôi
vẫn chịu là nó viết được hơn mình. Thiệp được chuẩn bị hơn chị, nó nói lại. Mày
xông ra như một con mãnh hổ vậy, tôi công nhận.
– Nó nói với tôi là bên Bộ Ngoại giao có cho
nó biết, bên Pháp mời hai nhà văn Dương Thu Hương và Nguyễn Huy Thiệp sang. Nó
có cho tao đi thì tao đi. Còn nếu bắt tao làm con tin, nói những chuyện gì của
bọn nó thì tao không chịu. Thiệp bảo chị phải bình tĩnh mới được. Theo như Thiệp
biết, thì bên Bộ Ngoại giao họ rất thiện ý.
***
*Tuổi trẻ vỡ mộng
– Năm 20 tuổi, tôi tự nguyện vào Trường Sơn.
Cùng với đoàn văn nghệ đi các địa phương Quảng Bình (nơi mà tiếng khóc như ri cất
lên sau những trận bom).
Đi với niềm tin trong sáng để rồi vỡ mộng. Nhớ
một kỷ niệm. Bí thư Tỉnh uỷ gặp trưởng đoàn văn công, phẩy tay bảo mang ngay
cho nó ít bột trứng, táo tầu. Giống như một cú sốc đầu tiên.
Nghe bí thư tỉnh ủy Tư Thoan nói, cảm thấy gã
như một cường hào. Hai chữ đồng chí vang lên như một sự lừa bịp. Tôi còn ngu dại,
chưa biết gì thêm.
– Cuộc sống như thời đồ đá. Nguồn cung cấp thức
ăn là kho gạo bên kia sông nơi thỉnh thoảng cũng cho chúng tôi những hộp thịt.
Kho hết phải đi lên xanh, rồi vòng xuống đồng bằng lấy gạo. Nhớ một vụ kỷ luật
mấy cô y tá. Tỉnh đội trưởng tỉnh đội Quảng Bình đẹp trai, quyến rũ. Bê bối về
nam nữ tràn lan. Những cô gái đó sau bị thuyên chuyển công tác để cấp trên trốn
tội.
Tôi sinh ra với tâm lý phong kiến rất nặng.
Nghĩ bọn có quyền đó, dùng quyền lực để chiếm đoạt phụ nữ. Hỏi tại sao không phản
ứng. Mọi người bảo không thể. Tôi nghĩ chúng ta hèn nhát chúng ta đẫm đầu óc nô
lệ.
… Thời kỳ đó qua đi. Sau 1975, tôi vào miền
Nam. Tôi không mê lụa là son phấn. Chỉ để tâm một điều – ở đó có hệ thống thông
tin hoàn chỉnh. Người dân người ta biết nhiều. Các vỉa hè đầy sách…
Solzhenitsyn, Pasternak đủ cả.
Tôi choáng váng. Văn hoá ngoài ta bị khuôn
dính. Tại sao chỉ biết Nga? Dân nghe đài nước ngoài thời ấy bị quy là phản động.
Mà cũng mấy ai có đài Mẫu đơn, Xiangmao để nghe? Ở miền Nam, người ta biết nhiều
hơn hẳn… Làm sao mà dân trí ta nâng lên được? Ngay cánh gọi là trí thức trình độ
cũng thấp thảm hại. Dễ đi theo giáo điều. Được chỉ đạo bằng chỉ một tư tưởng
duy nhất. Tôi nhớ sách lược bọn thống trị Trung Quốc chôn nhà nho, đốt sách.
Việc này phản ánh khát vọng
kẻ cầm quyền muốn đặt nhân dân trong vòng ngu dốt trở thành bày cừu. Ngu dân là
thế. Người đúng là người không bao giờ cam tâm kiếp con cừu.
– Tại sao ta chiến đấu, để làm gì. Ta phải
đánh giá lại cuộc sống của chính mình. Tôi nghĩ vậy. Tôi không hối tiếc những
việc đã làm. Nhưng đặt ra câu hỏi sống để làm gì.
Bạn bè tôi chết nhiều khủng
khiếp ở chiến trường B5.
Xã hội phải có lý tưởng. Lý tưởng đó phải chân
thực. Đó không thể là một xã hội phong kiến được đánh bóng mạ kền bằng những
danh từ xa lạ.
Tôi không biết làm gì,
đành viết văn. Động cơ viết là muốn chỉ ra những ngộ nhận của con người trong đời
sống.
Sau chiến tranh nhiều kẻ giàu lên. Nhiều người
lính khổ sở. Trở về với một khung xe đạp, một con búp bê. Người lính đó là tôi.
Còn những kể khác, thu hoạch không giới hạn.
Chúng ta chấp nhận hy sinh. Nhưng thực tế, có
sự khập khiễng giữa lý tưởng và bộ máy thực thi. Hình như đồng hồ quay ngang.
***
*Về mấy tác phẩm đầu tay
– Lúc đầu tôi thích viết truyện tình cốt hấp dẫn,
thanh niên đọc. Thầm mong trong truyện tình có thể phát hiện ra bản chất xã hội.
Tôi không buộc bản thân phải nhớ mình là đàn bà. Tôi không coi mình khác đàn
ông trong văn học
.
Với con người ở các nước khác, bi kịch nổi lên
là trong tình yêu. Nhưng ở ta khác, ở xã hội ta, có những gia đình tự tử vì thiếu
ăn.
Quan niệm về tình yêu chi phối phương thức biểu
hiện tình yêu trong văn học.
– Trong viết văn, tôi ẩu tả. Không nghĩ về nghề
nhiều. Chỉ viết văn như một nhiệm vụ công dân. Tôi có tư tưởng phong kiến. Tôi
hiểu điều đó. Tôi lùi lại. Nay là thời đại đổ vỡ niềm tin. Ở nhiều người là đổ
vỡ mà không sao kiềm chế. Lớp trẻ “hiện sinh” một cách vô ý thức. Họ cho không
còn tình yêu nữa. Chỉ có va chạm. Tình yêu như ly nước, cần thì uống. Vì quá khứ
đè nặng, tôi dị ứng với những cái đó. Ngay những người đàn ông, đàn bà truỵ lạc
nhất cũng không bớt đau khổ.
Người ta phải tìm những cái gì hợp với cá
nhân.
– Về cuốn ‘Bên kia bờ ảo vọng’. Tiểu thuyết đầu
tay nhiều nhược điểm. Hăng say. Tự nhủ không nên bán mình vì khi bán mình thì
chính anh cũng sụp đổ.
Còn cuốn ‘Những thiên đường mù’. Khi cải cách
ruộng đất tôi 9 tuổi. Đang ở Bắc Ninh. Một lần qua đường tàu, thấy một đảng
viên tự sát, bộ quần áo nâu trên người còn mới. Một phú nông .
Một lần khác, lại nghe chuyện có một người bị
quy là địa chủ tự tử. Người ta kể lai lịch trong kháng chiến ông ta là đảng
viên. Ta cài làm lý trưởng. Nay bị quy oan.
– Tôi không sinh ra ở nông thôn, nhưng
thường đi công tác ở nông thôn. Tôi hình dung ra biến cố đó. Một nhà văn phải
nghĩ đến nỗi đau. Không có quyền chỉ nghĩ đến những gì tốt đẹp.
Lương tâm nhà văn chỉ thanh thản khi anh không
bỏ qua những nỗi đau từng sống và chứng kiến.
Tôi biết so với thực tế, mình viết chưa thấm
thía gì. Tôi nghe có chuyện cả ngàn người chà lên một xác chết. Có những hoàn cảnh
người ta buộc phải làm việc đó. Không ai dám từ chối.
Không thể tiến lên một xã hội mới, khi dày đạp
con người như thế. Tôi không có kinh nghiệm trực tiếp. Nhưng lòng tôi lúc nào
cũng bị ám ảnh. Một nhà văn lớp trước, anh Mai Văn Tạo góp ý kiến cho tôi. Ông
Tạo bảo Cải cách ruộng đất là cả một sự ngạo mạn. Khinh bỉ sinh mạng con người…
Tôi không quên được. Không cần bôi đen. Bôi đen là không lương thiện.
– Tôi chưa bằng lòng với Những thiên đường
mù. Chỉ được 1%. Nhưng thế cũng được rồi. Thành công sẽ đến khi nhà văn viết
như một sự nghiệm sinh, viết về những gì mình từng phải trả giá.
***
*Tìm lại sự thật
– Xã hội ta luôn luôn tự ngắm mình, ve vuốt
mình. Cho nên mới có sự tha hoá như hôm nay. Nhân loại chỉ một lần như thế, thời
cộng sản nguyên thuỷ. Xã hội ấy xa rồi. Đến xã hội nô lệ, đã có những thằng hề.
Phong kiến còn có gián quan có ngự sử. Họ sửa sai cho nhà cầm quyền. Chúng ta nổ
pháo hoàn thành cách mạng. Nhưng đây là thời kỳ khác. Việc bắt chước thời
nguyên thuỷ là một sự chế giễu lịch sử.
– Tôi không ngắm mình. Nghề văn luôn luôn
bất trắc. Có thể mai đây, tôi phải bỏ bút. Luôn luôn người ta phải lựa chọn một
cách lương thiện nhất.
Mỗi con người có thể và cần tìm cho mình một lối
sống. Mỗi nhà văn đến với văn học theo con đường của mình. Tôi đặt chức trách
công dân lên trên vai trò nhà văn.
Cá nhân tôi, tôi nghĩ: những bi kịch của dân tộc
lớn hơn mọi chuyện gia đình… Hãy tha thứ cho sự nóng vội của tôi. Bây giờ tôi cần
nói ngay. Chờ đến khi tôi hiểu được hết có khi người ta không cần tôi nữa.
Nhiệm vụ tối thượng nhà
văn – giải ảo tưởng. Cái đó cao hơn hết.
Biết ơn nhân dân là chuyện cũ mà không cũ.
Quên dân quá lâu. Việc đó gây ra tai vạ cho cả hai. Tôi nói điều đó, với ý
nghĩ: phải hiểu đám đông. Sau cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cần cuộc đấu
tranh nâng cao dân trí. XHCN kiểu ta trước đây, là kiểu trại lính. Trêu ghẹo
nó, chịu tai vạ.
– Những khi luồng thông tin hồi đáp bị chặt
đứt – xã hội không thể lành mạnh.
Mọi người cho tôi là liều
lĩnh. Tôi thua kém mọi người ở đây về rất nhiều điều nhưng tôi không liều lĩnh.
Ta đi theo cách mạng, vì một xã hội tự do. Là kẻ hậu sinh tôi thấy các bậc đàn
anh sống trong một tâm trạng đầy đau khổ. Kiểu xã hội trại lính chỉ đẻ ra những
gia nô. Tôi biết nhiều người những nghệ sĩ, đã trở thành gia nô.
***
*Vai trò trí thức
– Lịch sử đang được nói tới rất hàm hồ.
Nhiệm vụ trí thức tìm lại chân lý bị đánh rơi. Tôi rất thương những người bị thất
sủng về vườn đốt than. Nhưng không còn con đường nào khác. Người trí thức phải
chiến đấu cho công bằng xã hội. Các trí thức đi theo CNXH không còn rung động với
cuộc sống đau khổ của nhân dân. Trong những năm qua, nhiều trí thức bó giáo lai
hàng, bởi chế độ không chỉ nắm dạ dày, mà còn nắm vận mệnh họ.
Tôi hiểu trí thức chân
chính đang trong tình trạng tan nát. Cơ chế thiếu dân chủ đẩy họ vào bóng tối.
Người ta không thể hy
sinh thế hệ này thế hệ khác vì một lý tưởng ảo. Tôi thấy đau lòng khi thấy các anh có tài phải
sống trong đau khổ. Chế độ chuyên chế bao giờ cũng tiêu diệt trí thức. Trước
bóp mồm bóp mũi người ta không cho người ta nói. Nay khủng bố họ bằng con đường
êm dịu hơn. Cắt đứt tất cả quan hệ, làm cho họ ung thối đi không còn khát vọng.
– Một xã hội không thể tiến
lên, nếu không có trí thức. Xã hội tiêu diệt trí thức là man rợ, là có tội với
lịch sử. Nhân dân đau khổ cũng là nhân dân thần thánh.
Nhưng trong mòn mỏi có lúc họ bao che cho tội ác. Chúng ta cần đấu tranh cho thể
chế cụ thể. Quốc hội thông qua luật báo chí. Tôi nghĩ rất lạ. Trong đó có cái ý
không được in những bài ở nước ngoài. Chân lý được quy nạp trên những quyết định trái chiều. Nếu không ai được
nói khác đi, xã hội sẽ chìm vào bóng tối chuyên chế.
***
Tại sao tự do quan trọng?
Mấy thời kỳ vừa qua, đẻ ra một lớp quý tộc mới.
Đó không phải những người có tài. Mà là những rập khuôn, là những công chức
ngoan ngoãn. Quyền lực đem theo những món lời khác. Xã hội chỉ có bọn lập trường
giả tạo, bọn cơ hội.
Không có điều luật nào quyết định được sự suy
nghĩ. Trí nhớ không thể bị chi phối bởi quyền lực. Không có lưỡi dao nào chặt
được trí nhớ người ta, chỉ để phần có lợi còn lại. Tự hoàn thiện của nhà nước
là điều kiện sống còn của xã hội.
***
CUỘC PHỎNG VẤN 40 PHÚT
Bắt đầu kể:
– Lúc đầu tôi chỉ mơ làm cầu thủ bóng bàn, làm
vận động viên… Ở trong đội tuyển của tỉnh Bắc Ninh (lúc ấy chưa sát nhập tỉnh).
Lớn lên thích âm nhạc, kéo đàn ắc coóc. Học ắc – coóc 1965-1968. Học ở địa điểm
sơ tán Yên Dũng gần trường nhạc.
13 tuổi có thơ đăng báo. Vào Quảng Bình, chơi
với Mây, Dạ (tôi ở Ty Văn hoá, bọn kia ở Hội).
Sau giải phóng về Huế, làm công tác văn hoá
cho sinh viên. Từ 1977 – càng mở rộng quan hệ với giới nghệ thuật.
*Bà
không nghĩ văn chương như một nghề?
– Đúng.
*Tức
cho rằng không thể sống bằng viết văn?
– Không. Không bao giờ.
*Nhưng
vẫn xem mình như một nhà văn. Điều đó bắt đầu từ lúc nào?
– Ngay bây giờ tôi vẫn không tin là tôi đi mãi
với nghề. Ngày mai có thể chán viết. Ngày mai có thể bỏ đi đâu đó. Trước tôi
toàn viết truyện ngắn và trước nữa làm thơ. Bây giờ đây nghĩ viết mãi những thứ
đó là vô nghĩa.
Tôi trọng văn chương mà cũng khinh văn chương.
Ảnh hưởng Nguyễn Huy Thiệp. Thái độ coi văn chuơng là ghê gớm – với tôi – là xa
lạ. Một thánh đường ư, tôi có thể vứt bỏ thánh đường đó.
*Bà
không coi cái gì là thiêng liêng?
– Sự thiêng liêng là những giá trị mà mình xác
lập. Lúc này đây là tự do, là công bằng xã hội. Lý tưởng này khiến tôi bắt tay
với những người khác kể cả người tôi không thích. Ai yêu tôi, nhưng khác lý tưởng,
tôi không chơi.
*Mục
tiêu của người viết văn?
– Với trí thức, là đấu tranh cho công bằng xã
hội. Dám bỏ cả viết văn, nếu cần. Mục tiêu viết văn của tôi không phải là văn
chương.
*Tôi
được biết là nghề này dính lắm, ai vào không ra được?
– Nó còn có danh vọng, có tiếng tăm. Xã hội cổ
lỗ, người ta không dễ làm người với nghĩa có quan niệm riêng. Tôi thì khác.
Trong sự thách đố xã hội, tìm thấy niềm vui. Tôi chấp nhận cô đơn, kể cả tự tử.
Nhưng không thể đánh mất mình. Phải làm mọi việc vì niềm vui.
*Bà
nhìn giới viết văn ra sao?
– Thương hại. Xin lỗi nhưng tôi không bỏ được
từ này. Người ta chạy vạy lặt vặt. Tôi thấy ái ngại cho họ. Có những người tôi
kính trọng như nhà thơ Hữu Loan. Ông sẵn sàng từ bỏ nghề văn nếu không được
dùng ngòi bút làm việc của mình. Tôi thương và kính trọng. Ông ấy nghèo khó bần
cùng đi. Lựa chọn con đường ấy coi như cuộc đời đã hết, còn hơn làm điếm.
*Vai
trò kiến thức văn hoá với nhà văn?
– Quan trọng. Phải có cái vốn nào đó.
*Có
cố viết?
– Cũng có cố với nghĩa được gì hay đấy. Tôi đi
chơi đến chán, rồi về viết. Mọi sự dùi mài cũng thảm hại, nhưng thà thế còn hơn
lười biếng buông trôi.
*Ai
là người có ảnh hưởng?
– Gần đây, là Nguyễn Huy Thiệp. Ông Nguyễn
Minh Châu tốt, quý, nhưng không nói chuyện được. Chưa có Nguyễn Huy Thiệp, chả
có ai. Chơi nhiều. Bỏ nhiều.
*Thiệp
ảnh hưởng gì?
– Tôi chú trọng công dân. Tôi thiếu cái phần
nhân bản. Chưa đủ thì đúng hơn. Ở Thiệp, nghề văn là nghiêm túc, đồng thời là
đáng khinh. Nếu nó không biết khinh bỉ tôi không chơi với nó.
*Làm
sao giữ được cân bằng?
– Cheo leo thế, kệ nó.
*Nghiêm
túc với Thiệp nghĩa là gì?
– Chú ý đến nghệ thuật. Có ý thức về nội lực.
Tôi làm khơi khơi. Đáng lẽ phải tu luyện nhiều về nghề nghiệp.
*Bà
có tin mình làm được như Thiệp?
– Được.
*Bà
làm việc như thế nào?
– Đọc sách hàng ngày.
*Có
đọc đi đọc lại quyển nào?
– ‘Quyền lực’ của B. Roussel, ‘Thần đêm u ám’
của Koestler. Rồi đọc linh tinh sách Sài Gòn trước 1975. Nhà văn Nga thích nhất
là Tchékhov (phần kịch) rồi ‘Đốt’. Vấn đề mà ông ấy quan tâm. Đọc Paustovski thấy
nhạt nhẽo.
*Bà
tự nhận kiến thức chắp vá?
– Đúng. Tôi không cần hoàn chỉnh.
*Văn
học Pháp?
– Đọc hết…
*Văn
học cổ VN?
– Hồ Xuân Hương. Thích máu nổi loạn. Cả Kiều
cũng không thích bằng.
*Tự
lực văn đoàn?
– Ghét. Văn chương trước 1930-1945 chỉ có Vũ
Trọng Phụng.
*Nghĩ
gì khi thấy một bạn trẻ viết văn?
– Thấy buồn cười như thấy người ta cưới nhau,
rồi nghĩ lại có lúc kính thưa quý toà, bỏ nhau.
*Trong
đó có chút gì ngớ ngẩn?
– Đúng. Nhưng đó là kiếp người, kể cả tôi.
*Thuở
bé?
– Tôi là người phụ nữ trưởng thành muộn. Khi
các bạn đã yêu nhau tôi trong cặp vẫn có cặp na – củ đậu để đi chơi.
*Người
đàn bà viết văn vất vả. Vất vả hơn đàn ông?
– Trong xã hội bạo lực, người đàn ông lại khó
khăn hơn.
*Ấn
tượng về những phụ nữ viết văn?
– Tôi ít nghĩ tới. Vì mải nghĩ chuyện khác. Với
họ, không chơi. Tôi coi họ như không có.
*Có
bị họ ghét?
– Tôi không để ý
*Bà
không sợ dư luận?
– Đến bạo lực tôi cũng không sợ. Tôi chỉ sợ
mình chán mình, mình không kính trọng mình nữa. Ngoài ra, cần gì.
*Có
tình bạn trong văn chương?
– Không có. Chơi với ông Châu, với ông Khải là
chuyện cơm nước, trò chuyện, châm chọc.
*Viết
xong, có hay mang cho ai đọc?
– Không!
*Đọc
thư bạn đọc, cảm tưởng ra sao?
– Cảm thấy lúc ấy, mình có ích cho người ta. Cộng
với lòng tha thiết với lẽ công bằng mình đã được đền đáp.
*Bà
tin ở tác dụng với mọi người?
– Cái đó có. Tôi thiếu thành kính với văn
chương. Nhưng tôi thành kính với con người. Tôi thấy có thể giúp cho đau khổ
con người được thuyên giảm. Mặc dù tôi biết có khi là mình đau khổ trước tiên.
*Dạo
này bà hay nói “nhà văn của nhân dân”?
– Mới vài năm nay. Trước kia viết bản năng.
Không muốn vào nhóm nào. Kiến thức là nghe người ta nói, cả những cái về cải
cách ruộng đất… Nhưng không muốn ràng buộc với bất cứ ai.
*Bà
không định thành con người hoàn chỉnh?
– Kể cả khuynh hưóng văn chương. Có nhiều người
muốn dạy tôi. Rất tốt bụng. Nhưng tôi từ chối.
*Một
người học trò ngỗ ngược?
– Đúng, tôi thấy mình thế. Mặc dù anh Phạm Mạnh
Hùng mắng tôi xa xả nhưng anh ấy quý tôi. Ai quý, tôi tha thứ. Các ông Nhân văn
Giai phẩm mời tôi đến tôi không đến.
Đấy, tôi là thế. Tôi bảo thủ. Tôi không uyển
chuyển. Tôi ít thay đổi, chấp nê, dễ chết. Người đàn ông tử tế đã khổ; đàn bà
khổ cách khác.
*Bà
ít đọc sách tôn giáo và không muốn nhẫn nhục?
– Tôi không chấp nhận sự nhẫn nhục. Một là tôi
chết. Hai là tôi sống, tôi chống lại cái ác.
*Có
cho là mình gặp may?
– Nếu sống thời trước, chết rồi. Vậy gặp may.
May mắn nhất là có một quan niệm văn chương thoải mái.
*Có
lúc nào cảm thấy mình bất hạnh?
– Không và có. Có lúc nghĩ không ai khổ bằng
mình Rồi lại nghĩ người khác bất hạnh hơn.
*Tại
sao viết văn?
– Thấy nhờ đó đấu tranh chống cái ác tốt hơn.
*Có
bao giờ định bỏ?
– Sau ‘Bên kia bờ ảo vọng’, tôi muốn tự tử.
Tôi chả hiểu vì tại sao? Cộng với những đau khổ cá nhân, lúc ấy tôi cảm thấy mọi
chuyện vô nghĩa.
Thấy trong cuộc sống, bất hạnh và hạnh phúc có
từ lâu, mà vẫn như không có.
Nói chung tôi chả yêu ai bao giờ. Nhưng thấy
truyện tình người ta viết nhiều thì viết. Không có ý thức gì. Như là Chuyện
tình kể trước lúc rạng đông. Không phải chuyện của mình. Chỉ nghe kể rồi viết lại.
* Bà nghĩ sao về giới phê bình?
– Nhiều người trong họ có học nên thông minh hơn
cánh viết văn. Nhưng họ bị nô lệ.
.
No comments:
Post a Comment