LẠI RỘ LÊN CHUYỆN GIẢI CỨU ĐỒNG BÀO VIỆT
KẸT!
Chuyện này bắt đầu diễn ra cách nay đã gần 3
năm và kết thúc cũng đã cả năm rồi, thế mà đến bây giờ, chúng vẫn còn hừng hực
tính thời sự trên các phương tiện truyền thông! Bởi vì danh sách số bị can bỏ
túi những đồng tiền xương máu của đồng bào họ ngày càng dài thêm. Có ông cựu
Phó Giám đốc CA thôi cũng đã bỏ túi hàng triệu USD, một thư ký của Thứ trưởng Bộ
Y tế hốt về hàng chục tỷ đồng…, thế còn những giới chức cao hơn họ nữa thì sao?
Còn nhớ ngày 7.12.2020, mình có một status với
nhan đề “khịa”: “Chúng tôi là ai?”, nhân có một kẻ nào đó kể lể trên báo chí về
công lao của họ trên các “chuyến bay nhân đạo” đưa đồng bào bị kẹt ngoài nước
trở về quê hương. Lời kể lể đó còn được một giáo sư mà tên tuổi đang nổi đình nổi
đám là Ngô Bảo Châu vào phụ họa, cho rằng những kẻ chỉ trích các nỗ lực của họ
là “vô ơn”.
Trong chuyện này, tôi có một cô cháu bị kẹt tại
Mỹ cùng cậu con trai sắp sửa tựu trường. Trong lúc bấn xúc xích, cô được một
người quen ở một cơ quan có thẩm quyền trên đất Mỹ lo cho được lên một “chuyến
bay nhân đạo” với giá 60 triệu cho mẹ và 40 triệu cho con, về miền Bắc, được
cách ly miễn phí trong một doanh trại quân đội.
Trường hợp cô cháu gái là một may mắn không dễ
có được. Càng về sau, tính nhân đạo của những chuyến bay càng được nâng cao,
lên tầm “giải cứu”, với chi phí trọn gói từ gần 5.000 USD đến 7-8 ngàn USD, tức
tối thiểu hơn 100 triệu đồng đến gần 200 triệu đồng/người. Những người hồi
hương trên các chuyến bay này còn được chăm sóc triệt để khi được cách ly trong
các khách sạn 4-5 sao với chi phí hàng trăm USD/ngày (tính chung trong gói giải
cứu).
Tháng 7.2021, tin về một người Việt Nam bị kẹt
hơn 16 tháng tại thành phố Louisville, bang Kentucky (gồm phần lớn là người Mỹ
trắng), khiến ban biên tập tờ báo Courier Journal ở đây vô cùng ngạc nhiên. Họ
không tưởng tượng được chuyện một người bay qua Mỹ dễ dàng mà sau gần một năm
rưởi lại không về nước được. Họ tức tốc cử cô nữ phóng viên Maggie Menderski đến
tận nhà tiếp xúc với chúng tôi và mấy ngày sau, đăng lên trang nhất tấm hình to
tướng của toàn bộ người trong nhà, với bài báo dài có hàng tít “Vietnamese man
still here after 16 months” (Người Việt Nam vẫn còn ở đây sau 16 tháng). Bằng
tính chuyên nghiệp và khả năng nắm bắt vấn đề một cách sắc bén của cô phóng
viên Menderski, bài báo tường thuật đúng và đầy đủ nội dung cuộc trao đổi giữa
2 bên.
Chuyện tưởng đã tạm kết thúc ở đó, không ngờ
bài báo lọt vào mắt xanh ông Mitch McConnell, Thượng nghị sĩ bang Kentucky, thuộc
đảng Cộng hòa. Văn phòng ông McConnell liên lạc với người nhà của tôi, đề nghị
trả lời một số câu hỏi liên quan và ngay sau đó, ông McConnell gửi một văn bản
cho sứ quán Việt Nam tại Washington D.C.. Chắc ông (ngây thơ) nghĩ rằng mình bị
trù úm sao đó nên không về nước được. Thì đây, ông được trả lời ngay: một buổi
sáng nọ, một viên chức sứ quán VN gọi điện cho tôi, yêu cầu cung cấp thêm một số
chi tiết về nhân thân. Và ngay buổi chiều hôm đó, nhân viên sứ quán vừa gửi tin
vào email, vừa gọi điện báo cho biết là 4 ngày sau sẽ có một “chuyến bay giải cứu”,
muốn đi thì xác nhận trước chiều hôm sau. Họ không nói giá, song qua tìm hiểu bằng
những kênh khác, mình biết giá vé trọn gói của chuyến bay đó gần 5.000 USD, gấp
8 lần giá vé đã có lãi ở một chuyến bay bình thường của các hãng hàng không quốc
tế.
Tất nhiên là mình xin được phép từ chối chuyến
bay giải cứu, và tất nhiên là sứ quán Việt Nam xem như đã làm hết trách nhiệm với
TNS McConnell. Chỉ có ông McConnell tội nghiệp, chắc không hiểu vì sao có một
anh người Việt lại “ngoan cố” đến thế, được giúp đỡ hết mình mà lại cứ muốn ở
lì tại Mỹ!
Những tháng cuối cùng của năm 2021, một “biến
cố” xảy ra. “Sáng kiến đường vòng” bỗng nhiên xuất hiện, “cái khó ló cái liều”,
nhiều người bỏ ra chỉ 600 USD, mua vé từ Mỹ bay qua phi trường Phnom Penh của
Campuchia, rồi từ đó lặn lội tới biên giới Việt-Cam, tổng chi phí chưa tới
1.000 USD. Đến đây thì những người có thẩm quyền và trách nhiệm hết cách, chẳng
lẽ đóng cửa biên giới không cho những kẻ ly hương lăn lóc bụi đời được trở về
nhà qua ngả biên giới!
Cũng từ đó, những chuyến bay giải cứu tàn lụi
dần, sau khi nhiều người đã bỏ túi hàng triệu, triệu USD. Ngày 21.1.2022, một
gã U80 cũng lếch thếch kéo va li từ thành phố Louisville của nước Mỹ đã cưu
mang anh ta 22 tháng trời, về đến Phnom Penh, rồi tìm cách lê lết đến cửa khẩu
Mộc Bài. Phải thẳng thắn ca ngợi tinh thần cứu khổ phò nguy của chính quyền
Campuchia, họ đối xử với người Việt ly hương rất tận tình. Tại sân bay Phnom
Penh, kẻ hành khách này chỉ phải “trà nước” cho vui với 2 viên chức sở tại tổng
cộng 15 USD rồi qua trót lọt trong không đầy 15 phút. Không là đồng bang, đồng
chủng, mà sao người ta tử tế với người Việt của mình đến vậy?
Trong thời gian qua, báo chí tường thuật nhiều
vấn đề liên quan đến Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, các cơ quan thi hành
pháp luật… trong các “chuyến bay giải cứu”, song hình như chưa thấy ai đề cập đến
trách nhiệm của một cơ cấu hành chánh rất có thẩm quyền trong nội vụ. Đó là sứ
quán Việt Nam tại các nước sở tại, vì nghe đâu danh sách hành khách các chuyến
bay “giải cứu” đều phải được nơi đây ký duyệt.
Lạy trời, mong cho tin đồn ký duyệt này chỉ là
tin thất thiệt.
_____
1) CHÚNG TÔI LÀ AI?
2) KẺ LY HƯƠNG …QUÝ TỘC
3) CÂU CHUYỆN VỀ MỘT KẺ LY HƯƠNG BẤT ĐẮC DĨ
TRÊN PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG NƯỚC MỸ
4) GIỚI VIỆT KẸT VỚI SỰ MỞ RỘNG NHỮNG “ĐƯỜNG
BAY THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ” … ĐỘC QUYỀN https://www.facebook.com/lenguyenpd/posts/pfbid02YLvuQFSDMnhrcu9DeXWLhEbv9zr9SpC984iK6mbVxUWeRYS6C7RHhUo2TNcTW9Pql
Hình :
https://www.facebook.com/photo/?fbid=6002391023192157&set=a.109929159105069
Vietnamese man still here after 16 months
.
No comments:
Post a Comment