Chuyến
thăm của Lula khẳng định ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Mỹ Latinh
Thanh Phương - RFI
Đăng ngày: 12/04/2023 - 14:53
Hôm nay,
12/04/2023, tổng thống Brazil Lula da Silva đặt chân đến Trung Quốc mở đầu chuyến
viếng thăm chính thức trong ba ngày để “tăng cường quan hệ” với đối
tác thương mại hàng đầu của Brazil. Trong chuyến đi này, theo dự kiến ông Lula
sẽ gặp chủ tịch Tập Cận Bình vào thứ Sáu, đặc biệt là để bàn về cuộc chiến
Ukraina. Nguyên thủ quốc gia Brazil cũng sẽ gặp các lãnh đạo khác của chế độ Bắc
Kinh như thủ tướng Lý Khắc Cường và tân chủ tịch Quốc Hội Triệu Lạc Tế.
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva tại Brasilia, Brazil ngày
04/04/2023. AP - Eraldo Peres
Chuyến công du này của vị
tổng thống cánh tả không chỉ cho thấy mối quan hệ đặc biệt giữa Brazil với
Trung Quốc, mà còn khẳng định ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh về địa chính
trị và kinh tế ở châu Mỹ Latinh, khu vực mà cho tới gần đây vẫn là “sân
sau” của Hoa Kỳ.
Nhật báo Pháp Le Figaro hôm qua, 11/04/2023,
trích lời bà Leticia Simões, một chuyên gia về Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu
Chiến lược của Đại học Liên bang Rio de Janeiro, ghi nhận: “Trung Quốc
xem Brazil như là một lãnh đạo khu vực ở châu Mỹ Latinh”.
Một ngày trước khi bay sang Trung Quốc, chính
ông Lula cũng đã tuyên bố: “Trung Quốc nay là một đối tác thiết yếu đối
với Brazil và châu Mỹ Latinh. Chúng tôi muốn tăng cường mối quan hệ đó”. Tổng
thống Brazil còn cho biết ông sẽ mời chủ tịch Tập Cận Bình sang thăm Brazil để
cho lãnh đạo chế độ Bắc Kinh thấy “những dự án nào mà Brazil muốn thu
hút đầu tư của Trung Quốc”.
Trao đổi mậu dịch giữa Trung Quốc và Brazil
vào năm ngoái đã đạt mức kỷ lục là 152 tỷ đôla, tăng gấp 20 lần so với năm
2004, khi tổng thống Lula lần đầu tiên viếng thăm Bắc Kinh lúc ông lên nắm quyền
lần thứ nhất (2003-2010).
Theo dự kiến, khoảng 20 hiệp định song phương
sẽ được ký kết nhân chuyến viếng thăm Trung Quốc của tổng thống Brazil, trong
đó có hợp đồng chế tạo một vệ tinh nhân tạo Brazil-Trung Quốc quan sát Trái đất.
Đặc biệt, hai nước cũng dự trù sẽ giao thương với nhau mà không cần đến đồng
đôla.
Theo lời bà Fernanda Magnotta, chuyên gia về
quan hệ Brazil-Trung Quốc-Hoa Kỳ tại một trường đại học ở São Paulo, đã có những
lời đồn đoán về việc Brazil sẽ tham gia vào dự án “con đường tơ lụa mới” của
Trung Quốc và điều này dĩ nhiên là sẽ làm phật lòng Hoa Kỳ. Hiện giờ, đã có 7
quốc gia Nam Mỹ, trong đó có hai nước lớn là Chilê và Achentina, tham gia vào dự
án khổng lồ này.
Dầu sao thì Brazil nay cũng đã là quốc gia thu
hút đầu tư Trung Quốc nhiều nhất khu vực, với 6 tỷ đôla vào năm 2021. Từ nhiều
năm qua, Trung Quốc đầu tư ồ ạt vào các công trình cơ sở hạ tầng trọng yếu của
Brazil: đường xá, viễn thông, thủy điện… Brazil thậm chí còn cho phép triển
khai mạng điện thoại di động 5G của tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi bất chấp phản ứng
của Mỹ.
Trong khi ảnh hưởng của
Trung Quốc ở châu Mỹ Latinh ngày càng lớn, thì ảnh hưởng của Hoa Kỳ đang suy giảm. Trên tờ Le Figaro, chuyên gia Fernanda Magnotta nhấn mạnh: “Đối
với Hoa Kỳ, Brazil và châu Mỹ Latinh không phải là những ưu tiên, Mỹ không có
những dự án lớn trong khu vực, cũng như không đóng góp những nguồn lực đáng kể.
Điều này đã tạo ra một khoảng trống, mà Trung Quốc đang lấp đầy theo hướng có lợi
cho họ”.
Trước chuyến đi Trung Quốc của tổng thống
Lula, chính Ủy ban Ngoại giao Thượng viện Mỹ đã tỏ ra quan ngại về sự suy giảm ảnh
hưởng của Hoa Kỳ ở châu Mỹ Latinh. Nhưng không chỉ gia tăng đầu tư, Bắc Kinh
còn đang nỗ lực thu phục các nước trong khu vực để củng cố chính sách “một
nước Trung Quốc duy nhất”.
Vào đầu thập niên 2000, châu Mỹ Latinh là khu
vực có nhiều quốc gia công nhận Đài Loan nhất. Nay, theo chuyên gia Fernanda
Magnotta, với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc, ở Nam Mỹ chỉ còn Paraguay
giữ quan hệ với Đài Bắc. Nhưng sớm muộn gì chắc là nước này rồi cũng sẽ ngả vào
tay Bắc Kinh.
-----------------------------
CÁC NỘI
DUNG LIÊN QUAN
Tân
tổng thống Brazil Lula Da Silva công du Hoa Kỳ nhằm đẩy mạnh hợp tác về môi trường
Tổng
thống Brazil thăm Trung Quốc với trọng tâm là hợp tác kinh tế và hồ sơ
Ukraina
No comments:
Post a Comment