Friday, April 14, 2023

BỒ CÂU hay CHÓ : TRUNG QUỐC GIỮ HÒA BÌNH NHƯNG VẪN NHE NANH (Tessa Wong / BBC News)

 



 

 

Bồ câu hay chó: Trung Quốc giữ hòa bình nhưng vẫn nhe nanh

Tessa Wong

Phóng viên Kỹ thuật số châu Á, BBC News

14 tháng 4 2023, 13:41 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/crgq0rmv872o

 

Hôm 8/4, chỉ vài giờ sau khi Tập Cận Bình thưởng trà cùng Emmanuel Macron và kêu gọi hòa bình ở Ukraine thì các chiến đấu cơ đã bay qua eo biển Đài Loan để phô trương sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/1010/live/33a44c10-da8e-11ed-8df1-d74cbf1089d7.png

Ông Tập và ông Macron dự tiệc trà tại Quảng Châu

 

Nhằm dọa nạt Đài Loan, các cuộc tập trận của Trung Quốc bắt đầu một ngày sau chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Pháp, đánh dấu điểm nhấn trong ngoại giao Trung Quốc.

 

Sự tương phản gay gắt ấy là ví dụ mới nhất về hai khuôn mặt mà Trung Quốc đang thể hiện với thế giới – một nhà kiến tạo hòa bình quốc tế theo đường lối bồ câu và một con chó tấn công đang nhe nanh để bảo vệ cái mà họ coi là lãnh thổ của mình.

 

Nhưng liệu Bắc Kinh có thể duy trì chiến lược này?

 

Về mặt ngoại giao, Trung Quốc đã không phí thì giờ kể từ khi thoát khỏi sự đóng cửa vì Covid-19. Trong vài tháng gần đây, Chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin; tiếp đón một số nhà lãnh đạo thế giới bao gồm tổng thống Brazil đã đến vào tuần này; cử sứ giả hàng đầu đến châu Âu; và trình bày giải pháp 12 điểm cho cuộc chiến Ukraine.

 

Bắc Kinh cũng làm trung gian giúp giảm thiểu căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran trong một trong sự xoay trục chính sách ngoại giao lớn nhất của chính quyền Tập Cận Bình; Trung Quốc đã thực hiện được điều này ở Trung Đông, nơi mà sự can thiệp của Mỹ đã bị sa lầy trong những khó khăn và thất bại, là điều đặc biệt quan trọng.

 

Đồng thời, Bắc Kinh đã công bố nhiều đề xuất khác nhau về an ninh và phát triển toàn cầu - một dấu hiệu rõ ràng rằng họ đang thu hút "phía nam bán cầu" như họ đã làm với sáng kiến ​​Vành đai và Con đường trước đó, khi rót hàng tỷ USD cho các quốc gia khác.

 

Trung Quốc thậm chí dường như đã bớt đi giọng điệu đối đầu "Chiến lang" của mình bằng cách thuyên chuyển nhà ngoại giao gây tranh cãi Triệu Lập Kiên, và đề bạt những nhân vật ôn hòa hơn như Vương Nghị và Tần Cương - dù ông Tập vẫn tiếp tục khuyến khích các sứ giả của mình thể hiện "tinh thần quyết chiến".

 

Lý do Trung Quốc khởi động 'đắc nhân tâm' liên quan đến Ukraine

Ngoại trưởng Đức sẽ thể hiện lập trường nào đối với Trung Quốc?

TT Macron nói châu Âu không nên theo chính sách của Mỹ hoặc TQ về vấn đề Đài Loan

 

Nỗ lực ngoại giao đặt Trung Quốc vào vị trí là một nhà trung gian quyền lực toàn cầu có thể có cội nguồn từ chủ trương “Trung Hoa dân tộc phục hưng”, một khái niệm dân tộc chủ nghĩa lâu đời nhằm đưa Trung Quốc giành lại vị trí trung tâm của mình trên thế giới.

 

Zhang Xin, phó giáo sư về chính trị và quan hệ quốc tế tại East China Normal University, cho biết gần đây ông Tập nhắc lại "Giấc mơ Trung Hoa" khi ông mới nắm quyền, phản ánh "sự tự tin vào con đường và cách tiếp cận hiện đại hóa của chính họ".

 

Nhưng đó không chỉ là truyền bá chân lý theo cách của Trung Quốc - phần lớn nó còn nhằm mục đích đảm bảo các mối quan hệ kinh tế toàn cầu.

 

Neil Thomas, một nhà nghiên cứu về chính trị Trung Quốc tại Viện Chính sách Xã hội Châu Á, cho biết: “Ông Tập biết rằng bạn không thể phục hưng một quốc gia Trung Quốc nếu không có một nền kinh tế tốt.

 

"Trung Quốc cần tiếp tục phát triển trong khi đạt được ảnh hưởng ngoại giao. Bạn không thể làm điều đó nếu bạn xa lánh phương Tây, bạn vẫn cần duy trì các mối quan hệ kinh tế tốt đẹp. Điều đó đòi hỏi ngoại giao và bớt cách tiếp cận kiểu "Chiến lang".

 

Nhưng lý do chính cho sự xáo động ngoại giao gần đây là Bắc Kinh cảm thấy ngày càng bị vây hãm.

 

Sự hoài nghi ở phương Tây đã dẫn đến các liên minh quốc phòng mạnh mẽ hơn như Aukus và Quad, đồng thời có những động thái hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến của Trung Quốc.

 

Vào tháng 3, ông Tập đã cáo buộc "các nước phương Tây do Mỹ cầm đầu" "ngăn chặn, bao vây và kìm kẹp Trung Quốc, điều này đã mang lại những thách thức nghiêm trọng chưa từng có đối với sự phát triển của đất nước chúng ta".

 

Ian Chong, nghiên cứu viên khách mời tại Carnegie Trung Quốc, lưu ý rằng đó là một cảm giác đã được nhấn mạnh trong năm qua với cuộc chiến Ukraine và các mối quan hệ được củng cố trong Nato.

 

Ông nói: “Bắc Kinh đã nhận ra rằng Mỹ có rất nhiều bạn bè hùng mạnh. Người Trung Quốc cảm thấy sự ngăn chặn này nhiều hơn, vì vậy tạo cho họ động lực lớn hơn để thoát ra”.

 

Đây là lý do tại sao một ván bài quan trọng trong chiến lược của Trung Quốc là "thế giới đa cực", một thế giới có nhiều trung tâm quyền lực. Bắc Kinh quảng bá đây là một giải pháp thay thế cho cái mà họ gọi là “quyền bá chủ của Mỹ”, điều mà họ cho rằng đã thúc đẩy các quốc gia thành lập các khối liên minh và làm trầm trọng thêm căng thẳng.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/6649/live/84945c00-da8e-11ed-8df1-d74cbf1089d7.png

Ông Tập giới thiệu "Giấc mơ Trung Hoa" ngay từ đầu nhiệm kỳ

 

Điều này được thể hiện rõ ràng trong chuyến thăm của ông Macron, khi ông Tập khuyến khích châu Âu tự coi mình là một "cực độc lập" trong khi lặp lại lời của ông Macron về "quyền tự chủ chiến lược".

 

Trong khi Bắc Kinh lập luận rằng sự phân bổ quyền lực cân bằng hơn sẽ giúp thế giới an toàn hơn, thì những người khác coi đó là nỗ lực lôi kéo các quốc gia rời khỏi quỹ đạo của Mỹ và làm mạnh hơn sức ảnh hưởng của Trung Quốc.

 

Trung Quốc thường nêu bật những thất bại trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở Iraq và Afghanistan trong khi tự cho mình là một quốc gia tay không dính máu, ngụ ý rằng họ là ứng cử viên sáng giá hơn để lãnh đạo thế giới.

 

Một quan điểm chung trong luận điệu của Trung Quốc là Trung Quốc Cộng sản chưa bao giờ xâm lược một quốc gia khác cũng như không nhúng tay vào các cuộc chiến tranh ủy nhiệm.

Nhưng họ đã thôn tính Tây Tạng và gây ra cuộc chiến tranh biên giới với Việt Nam. Trung Quốc đã bị cáo buộc chiếm đoạt lãnh thổ trong các cuộc đụng độ biên giới gần đây với Ấn Độ và trong các tranh chấp hàng hải với một số quốc gia ở Biển Đông. Bắc Kinh cũng coi Đài Loan - hòn đảo tự trị là một tỉnh ly khai và tuyên bố sẽ sử dụng vũ lực để thực hiện yêu sách chủ quyền nếu cần thiết.

 

Vậy, việc lôi kéo có đang hiệu quả?

 

Ở "bán cầu nam" và các quốc gia khác không liên kết chặt chẽ với Trung Quốc hoặc Mỹ, chính sách ngoại giao của Trung Quốc có thể sẽ được hoan nghênh. Tiến sĩ Zhang cho biết Trung Quốc đang đưa ra một chiến lược hòa giải không cưỡng chế, chiến lược này sẽ có "sự hấp dẫn rộng rãi".

 

Ý tưởng không can thiệp này sẽ đặc biệt gây tiếng vang ở các quốc gia có chính phủ độc tài. “Nhiều quốc gia không tập trung vào dân chủ và nhân quyền và Trung Quốc sẽ là nhà vô địch của họ trong quản trị toàn cầu”, Tiến sĩ Thomas nói.

 

Nhưng "liệu họ có đủ đồng ý để dấn thân vì Trung Quốc hay không vẫn chưa biết được", Tiến sĩ Chong chỉ ra. Có những lằn ranh đỏ mà họ sẽ không vượt qua, như đã thấy trong cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc về cuộc chiến Ukraine, nơi hầu hết các nước chọn lên án cuộc xâm lược, trong khi Trung Quốc bỏ phiếu trắng.

 

Trong khi đó, các đồng minh truyền thống của Mỹ như châu Âu tiếp tục tranh luận về cách xử lý các đề nghị của Trung Quốc.

 

Một số người có vẻ không dễ bị lay chuyển, như chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, người đã có giọng điệu nghiêm khắc hơn với ông Tập khi tháp tùng ông Macron tới Bắc Kinh.

 

Nhưng những người khác quan tâm đến việc duy trì mối quan hệ kinh tế của đất nước họ với Trung Quốc đã cởi mở hơn. Trong chuyến đi của mình, ông Macron đã được người Trung Quốc đối xử rất hậu hĩnh, họ đã chào đón ông bằng một cuộc duyệt binh hoành tráng. Trong một bước đi bất thường, đích thân ông Tập tháp tùng Tổng thống Pháp đến thành phố Quảng Châu ở phía nam, nơi ông ra hiệu rằng họ là "bạn tri kỷ".

 

Ông Macron sau đó nói với các phóng viên rằng sẽ không có lợi cho châu Âu nếu tham gia vào vấn đề Đài Loan và "bị cuốn vào những cuộc khủng hoảng không phải của chúng ta". Kể từ đó, ông đã bảo vệ bình luận của mình, nói rằng trở thành đồng minh của Mỹ không có nghĩa là trở thành "chư hầu" của nước này. Đối với một số người, đây là bằng chứng cho thấy sự lôi kéo của ông Tập đã phát huy tác dụng.

 

Theo Tiến sĩ Thomas, châu Âu đang trở thành "chiến trường trung tâm" trong quan hệ Mỹ-Trung và bất kỳ ai được châu Âu ủng hộ sẽ giành được ưu thế.

 

Nhưng hiện tại, ông Macron là một ngoại lệ trong số các nhà lãnh đạo châu Âu. Phát biểu của ông đã bị chỉ trích và Đức đã cử ngoại trưởng của mình tới Bắc Kinh để củng cố lập trường cứng rắn hơn của EU đối với Đài Loan.

 

Trong khi châu Âu đang phòng ngừa các vụ đánh cược giữa Mỹ và Trung Quốc, Tiến sĩ Thomas nói, "họ biết rằng vụ cá cược tốt hơn vẫn là với Mỹ".

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/f3af/live/a46cd340-da8e-11ed-8df1-d74cbf1089d7.png

Tổng thống Đài Loan Tsai Ing-wen gặp Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy khiến Trung Quốc tức giận

 

Tuy nhiên, chủ đề Đài Loan là điều mà sự lôi kéo của Trung Quốc bắt đầu bộc lộ.

 

Các cuộc tập trận quân sự mới nhất của Bắc Kinh - được phát động để đáp trả việc Tổng thống Đài Loan Tsai Ing-wen gặp quan chức hàng đầu của Mỹ Kevin McCarthy vào tuần trước - chứng kiến Bắc Kinh triển khai một loạt chiến thuật thông thường, gửi máy bay chiến đấu và tàu và mô phỏng các cuộc tấn công vào hòn đảo.

 

Đài Bắc cho biết Bắc Kinh đã tăng cường xâm nhập vào không phận của họ trong những năm gần đây, qua việc máy bay quân sự Trung Quốc thực hiện hàng trăm vụ mỗi tháng.

 

Các nhà phân tích cho rằng những động thái như vậy đã làm suy yếu những tuyên bố của Trung Quốc về việc trở thành một người kiến tạo hòa bình. Trong khi những người khác coi đó là hành vi xâm lược quân sự, Bắc Kinh luôn khẳng định đây là những động thái phòng thủ, và do đó, là vấn đề trong nước.

 

Nhưng một cuộc chiến tranh Đài Loan sẽ gây ra những hậu quả toàn cầu, tiến sĩ Chong phân tích. Hòn đảo này sản xuất 60% chất bán dẫn của thế giới và nằm ở giao lộ của một số tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp nhất, cũng như cáp viễn thông ngầm nối châu Âu với châu Á.

 

Trung Quốc cũng không thể bỏ qua thực tế rằng nếu một cuộc xung đột nổ ra thì nước này sẽ bị đổ lỗi, ít nhất là một phần, vì đã gây bất ổn cho châu Á.

 

Hầu hết các nhà quan sát tin rằng Trung Quốc không có ý định sớm xâm chiếm Đài Loan. Nhưng điều đáng lo ngại là hành động quân sự leo thang có thể dẫn đến một tính toán sai lầm nguy hiểm và chiến tranh với Mỹ, do Washington cam kết hỗ trợ phòng thủ cho Đài Loan nếu hòn đảo này bị tấn công.

 

"Tập Cận Bình đang cố gắng khôi phục sự hiện diện ngoại giao [của Trung Quốc] trong khi thể hiện sức mạnh đối với vấn đề Đài Loan. Sẽ ngày càng khó khăn trong việc xác định ranh giới giữa các mục tiêu đó, khi nhiều quốc gia trở nên lo ngại hơn về khả năng tấn công Đài Loan của Trung Quốc", Tiến sĩ Thomas nhận định.

 

Khi Bắc Kinh tiến hành chiến dịch chinh phục thế giới, họ cũng sẽ thấy các hành động của mình bị giám sát ngày càng chặt chẽ. Chẳng mấy chốc họ có thể phải đưa ra lựa chọn - trở thành chim bồ câu hay chó.

 

Grace Tsoi đưa tin bổ sung.

 

=========================

TIN LIÊN QUAN

 

Lý do Trung Quốc khởi động 'đắc nhân tâm' liên quan đến Ukraine

25 tháng 2 năm 2023

.

Ngoại trưởng Đức sẽ thể hiện lập trường nào đối với Trung Quốc?

13 tháng 4 năm 2023

.

TT Macron nói châu Âu không nên theo chính sách của Mỹ hoặc TQ về vấn đề Đài Loan

10 tháng 4 năm 2023

.

'Mặt xanh, mặt đỏ' của châu Âu sẽ gặp Chủ tịch Tập Cận Bình

6 tháng 4 năm 2023





No comments: