Tù nhân chính trị tại trại
giam Gia Trung tố bị ngược đãi vì từ chối lao động
RFA
2022.05.17
Trại giam Gia
Trung đang áp dụng chính sách không lao động thì không ra khỏi buồng giam đối với
tù chính trị.
Hình minh họa: Tù
nhân đi lao động về tại trại Gia Trung, Gia Lai . Báo Gia Lai
Hôm 16 tháng 5, tù nhân lương tâm Huỳnh Thục Vy gọi điện
về cho gia đình và báo tin rằng các tù nhân chính trị bị giam tại trại giam Gia
Trung đang bị ngược đãi vì từ chối lao động.
Đài Á châu Tự do phỏng vấn ông Lê Khánh
Duy, chồng đã ly dị và đang nuôi hai con nhỏ của tù nhân lương tâm Huỳnh Thục
Vy, để tìm hiểu thêm về sự việc:
“Trong cuộc gọi ngắn khoảng năm phút ngày
hôm qua thì Vy nói cho tôi hay rằng anh em tù chính trị ở trong trại đang bị
đàn áp. Họ lấy lý do là vì không đi lao động nên phải bị nhốt ở trong phòng. Một
ngày thì chỉ mở cửa khoảng một tiếng cho đi lấy cơm, lấy nước thôi.”
Cũng theo lời ông Duy, bà Huỳnh Thục Vy còn tiết
lộ với tâm trạng lo lắng rằng đã bị “các thành viên tự giác” khác ở trong tù
gây sự. Đó là những người tù nhân bị nghi nhận sự chỉ đạo của quản giáo, nhằm
gây khó dễ cho tù chính trị.
Tù nhân lương tâm người Đắk Lắk này bị chuyển
tới trại Gia Trung ở tỉnh Gia Lai, cách nhà khoảng 200km từ hồi tháng hai năm
nay. Bà Huỳnh Thục Vy hiện đang thụ án hai năm chín tháng tù giam với cáo buộc
“Xúc phạm Quốc kỳ” theo Điều 276 Bộ Luật Hình sự.
Đây cũng là nơi nhiều tù nhân chính trị
khác bị giam giữ, đơn cử như ông Nguyễn Trung Tôn, thành viên của Hội
Anh Em Dân Chủ đang thụ án 12 năm tù. Một người khác là ông Lưu Văn Vịnh
thuộc nhóm Liên Minh Dân Tộc Tự Quyết, hiện đang thụ án 15 năm tù.
Ngoài ra còn có ông Phan Văn Thu, người
đứng đầu giáo phái Hội Đồng Công Luật Công Án Bia Sơn, đang thụ án chung thân.
Trao đổi với đài Á châu Tự do, bà Lê Thị Thập,
vợ của tù chính trị Lưu Văn Vịnh cho biết chồng bà trước đó cho biết rằng ông
không đi lao động, nên vào khoảng thời gian người khác đi lao động ông sẽ
phải ở trong phòng, tuy nhiên hàng ngày vẫn được ra ngoài hai lần, thế nhưng gần
đây bà cũng nghe nói có sự thay đổi:
“Như anh Vịnh mới cả mấy người ở trong là
không đi lao động, khi người ta đi làm hết thì các anh ấy phải vô phòng, buổi
trưa thì mở cửa một lúc và chiều lại mở, nhưng thấy từ tháng trước tới giờ nghe
được thông tin không hay lắm thì tôi cũng muốn cuối tuần này đi thăm để nói
chuyện trực tiếp.”
Lao
động cưỡng bức trong các trại giam ở Việt Nam là đề tài nhận được nhiều sự chú
ý của các tổ chức nhân quyền quốc tế, trong đó các tổ chức như Theo dõi Nhân
quyền và Ân xá Quốc tế là hai tổ chức đã lên án chính sách này.
Tuy nhiên, hồi tháng 8 năm 2020, tạp chí Thời
đại của Liên hiệp Các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam, một tổ chức do Nhà nước quản
lý, cho đăng tải bài báo có tiêu đề “Việt Nam không có lao động cưỡng bức” của
tác giả Nguyễn Văn Điều, Phó Trưởng phòng, Cục Cảnh sát quản lý trại giam.
Tác giả của bài báo này cho rằng việc tổ chức
cho phạm nhân lao động trong các trại giam là nhằm “thể hiện tính nhân văn
trong chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam”.
Phóng viên của đài Á châu Tự do đã nhiều lần gọi
vào số điện thoại công khai của trại giam Gia Trung để xác minh thông tin,
nhưng không ai trả lời máy.
--------------------
Tin, bài liên quan
·
Việt
Nam thả một tù nhân lương tâm đang thụ án 13 năm tù cùng lúc với chuyến đi Mỹ của
ông Chính
·
Thân
nhân của các tù nhân chính trị gửi thư tới Phó tổng thống Mỹ trước chuyến thăm
Việt Nam
·
Văn
phòng Chủ tịch nước công bố quyết định đặc xá năm 2021 nhưng chưa có danh sách
·
TNLT
Nguyễn Văn Đức Độ bị biệt giam, quản giáo thả chó săn cắn
·
Các
TNLT Lê Đình Lượng, Hồ Đức Hoà, Lê Thanh Tùng tuyệt thực, trại giam Nam Hà nói
“đang xử lý”
No comments:
Post a Comment