Trung
Quốc độc đoán với zero Covid, doanh nhân nước ngoài vỡ mộng
Thụy My - RFI
Đăng
ngày: 21/05/2022 - 20:42
Trong
bài phóng sự dài « Và Trung Quốc lại đóng cửa... », Le Point tuần
này đề cập đến việc Tập Cận Bình cô lập đất nước để chống Covid, bất chấp hậu
quả kinh tế, doanh nhân ngoại quốc bỏ chạy. L’Express nhìn thấy
ở đây « thông điệp thực sự » của việc phong tỏa Thượng Hải.
https://s.rfi.fr/media/display/a44ec036-d935-11ec-84e3-005056bf30b7/w:1024/p:16x9/thuonghai_05.webp
Một
người dân Thượng Hải nhìn ra đường nhờ một lỗ trống trên bức vách ngăn trong thời
gian bị phong tỏa, ngày 06/05/2022. REUTERS - ALY SONG
Bài viết kể
ra trường hợp của một doanh nhân Pháp, cách đây ba năm rất hào hứng khi đến làm
việc ở Thượng Hải, nhưng nay cùng với 30.000 đồng hương đang sống trong khủng
hoảng với chính sách zero Covid. Bây giờ họ mới biết thế nào là độc tài :
các trạm kiểm soát ở khắp ngả đường, phải tải ba ứng dụng điện thoại để bị kiểm
tra mọi lúc và một loạt những quy định ngặt nghèo …Người vợ của doanh nhân trên
đi sinh con, cả nhà phải cách ly trong bệnh viện, và khi trở về đến 40 ngày sau
vẫn chưa đến được lãnh sự quán để khai sinh, em bé thành vô tổ quốc.
Một người
bạn Ý vợ cũng mới sinh con thì còn tệ hại hơn : bà mẹ bị buộc đi cách ly
trong lúc đang cho con bú vì dương tính với Covid, người cha ở nhà ngồi ôm con
nhưng sữa tìm mua không có… lãnh sự can thiệp cũng như không. Nhờ tuần báo đăng
lên trường hợp của mình, họ được cấp giấy và lập tức mua vé máy bay về nước dù
với cái giá cắt cổ, chẳng bao giờ muốn quay lại Hoa lục.
Người khổng
lồ châu Á không còn thu hút được các doanh nhân ngoại quốc. Phòng Thương mại
Pháp ở Trung Quốc cho biết phân nửa số người Pháp làm việc ở Hoa lục đã quay về
nước, tỉ lệ này có thể lên đến 70-80 % vào mùa thu tới. Tại các trường trung tiểu
học, giáo viên người nước ngoài ra đi ồ ạt. Nhà trường bèn giảm số giờ học tiếng
Anh, và các giáo viên môn sử nhấn mạnh đến giáo dục ái quốc. Một nhà đầu tư
Pháp lâu nay vẫn ca ngợi Trung Quốc, nay cảnh báo : « Sau 15
năm mở cửa với thế giới - từ 2000 đến 2015 - Trung Quốc lại bước vào một chu kỳ
đóng cửa, cũng có thể kéo dài 15 năm ».
Phong tỏa Thượng Hải : Thông điệp cho
phương Tây và dân chúng
L’Express nhìn thấy « thông điệp thực
sự » của việc phong tỏa Thượng Hải, để có thể hiểu thêm về nhiệm kỳ thứ ba
sắp tới của Tập Cận Bình. Trước hết, là hai nước Trung Quốc đối nghịch : Bắc
Kinh khép kín so với những nơi khác chỉ phong tỏa cục bộ. Tiếp đến là ý thức hệ
được đặt lên trên lợi ích kinh tế, tách biệt ngày càng nhiều với phương Tây.
Tập Cận
Bình muốn « trả lại châu Á cho người châu Á ». Và Thượng Hải, thành
phố cảng tiêu biểu cho việc mở cửa ra thế giới cũng phải chấp hành việc
« phi phương Tây hóa » theo ba trục. Đó là « phi dân chủ
hóa » với dân tộc chủ nghĩa đang lên, « phi NATO hóa » do tình hữu
nghị « vô biên » với Nga, và « phi đô la hóa » các trao đổi.
Một thông
điệp khác dành cho toàn bộ dân chúng Trung Quốc : thời kỳ bốn mươi năm huy
hoàng đã kết thúc. Ngược với chính sách hỗ trợ « bằng mọi giá » của tổng
thống Pháp Emmanuel Macron, Tập Cận Bình áp đặt việc « người dân phải hy
sinh bằng mọi giá », mà biểu tượng là việc nhốt dân Thượng Hải trong nhà,
thực phẩm cung cấp « được chăng hay chớ ».
Bắc Kinh
muốn dùng năng lực sản xuất làm vũ khí, và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây đã
cảnh báo 46 % tập đoàn lớn của Đức đang lệ thuộc vào nhà cung cấp Trung Quốc.
Việc phong tỏa Thượng Hải báo trước những thay đổi cơ cấu sâu sắc về tăng trưởng
Trung Quốc tương lai cũng như trật tự mới của thế giới. Các nhà lãnh đạo châu
Âu chỉ còn rất ít thời gian để hiểu thấu hậu quả và tìm cách thích ứng.
No comments:
Post a Comment