Monday, May 23, 2022

THẾ GIỚI HÔM NAY : 23/05/2022 (The Economist)

 



THẾ GIỚI HÔM NAY : 23/05/2022

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

23/05/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/05/23/the-gioi-hom-nay-23-05-2022/

 

Ukraine gia hạn thiết quân luật thêm 90 ngày cho đến cuối tháng 8. Được biết thị trưởng do Nga bổ nhiệm của một thị trấn ở miền trung Ukraine, ngay sát nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, đã bị thương trong một vụ nổ. Trong khi đó, giao tranh gia tăng ở vùng Luhansk khi Nga nhắm đến kiểm soát toàn bộ vùng. Một cố vấn của tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết nước ông sẽ không chấp nhận một thỏa thuận hòa bình có điều khoản cắt đất cho Nga.

 

Anthony Albanese thề sẽ chiến đấu chống biến đổi khí hậu khi lên nhậm chức thủ tướng Australia vào thứ Hai. Đảng Lao động của ông đã đánh bại liên minh Tự do-Quốc gia cầm quyền trong cuộc bầu cử thứ Bảy vừa qua, mặc dù chưa rõ liệu có đạt được đa số ở nghị viện hay không. Sự ủng hộ ngày càng cao dành cho các đảng độc lập cũng đồng nghĩa với việc sẽ không có bên nào nắm giữ được đa số trong quốc hội.

 

“Bộ tứ” Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản dự kiến ​​sẽ công bố một sáng kiến ​​nhằm hạn chế hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, theo Financial Times. Sáng kiến này sẽ sử dụng vệ tinh để giám sát các tàu đánh cá ngay cả khi chúng đã tắt thiết bị phát sóng.

 

Các quan chức Thượng Hải đã mở lại một đoạn nhỏ của hệ thống tàu điện ngầm vốn bị đóng cửa trong gần hai tháng qua để chống dịch covid-19, khi số ca nhiễm mới giảm xuống thấp. Song gần đây một số khu vực đã thắt chặt hạn chế để đối phó với các cụm dịch nhỏ, đặc biệt khi Trung Quốc trung thành với chính sách “zero covid.”

 

Bệnh đậu mùa khỉ tiếp tục gây quan ngại, với hơn 100 ca nhiễm đã được ghi nhận, với chủ yếu ở châu Âu. David Heymann, cố vấn cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới, cho biết dường như bệnh lây qua đường quan hệ tình dục. Thật ra cũng không quá nghiêm trọng: virus không lây quá nhanh, trong khi các loại vắc-xin hiện có đủ khả năng phòng bệnh cho các nhóm nguy cơ.

 

Kristalina Georgieva, người đứng đầu IMF, khuyến khích các chính phủ trợ cấp lương thực và năng lượng cho người nghèo trong bối cảnh giá cả tăng. Đại dịch và chiến tranh Ukraine đã khiến giá hàng hóa tăng cao, và đặc biệt tác động mạnh đến các nước nghèo. Bà Georgieva cũng bày tỏ lo ngại về khả năng trả nợ của các ngân hàng trung ương trong thời kỳ đại dịch.

 

Trong chuyến thăm tới Seoul, tổng thống Mỹ Joe Biden đã hứa sẽ mở rộng tập trận chung với Hàn Quốc để răn đe nước láng giềng phía bắc. Ông cũng bày tỏ muốn gặp Kim Jong Un với điều kiện nhà độc tài Triều Tiên “nghiêm túc” và “chân thành.” Ông Biden cho biết Mỹ đã đề nghị cung cấp vắc-xin covid-19 cho Triều Tiên – nước đang trải qua một đợt bùng dịch lớn – nhưng “không nhận được phản hồi.”

 

Con số trong ngày: 47 triệu, là số người bị đẩy vào tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng do chiến tranh Ukraine.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

Tiêu đề 42 bị bỏ ngỏ cho toà án

Số phận của “Tiêu đề 42” đang trở thành một câu hỏi mở. Đây là chính sách y tế công có từ thời Trump và cho phép trục xuất những người di cư ở biên giới phía nam nước Mỹ, một phần nhằm hạn chế Covid-19 lây lan. Quy định này cho phép các quan chức biên giới loại bỏ người di cư một cách nhanh chóng mà không cần thực hiện các thủ tục trục xuất theo luật. Được biết chính quyền Joe Biden từng muốn kết thúc nó vào ngày 23 tháng 5, song đã bị một thẩm phán liên bang bác bỏ hôm 20 tháng 5.

 

Hiện lượng người di cư đến biên giới phía nam của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất 22 năm qua. Phe muốn giữ lại Tiêu đề 42, bao gồm 24 tiểu bang đã khởi kiện để giữ nguyên quy định, cho rằng nếu không có nó, người di cư vào Mỹ sẽ làm quá tải các dịch vụ xã hội. Nhà Trắng sẽ kháng cáo phán quyết, và để số phận của Tiêu đề 42 cho Tòa Tối cao quyết định. Đây là ví dụ mới nhất cho thấy trước việc Quốc hội trở nên bế tắc, các tòa án ngày càng trở nên quan trọng trong tiến trình làm chính sách. Kết quả là sự biến động và khó dự đoán.

 

Ukraine trở thành trọng tâm của diễn đàn Davos

Diễn đàn Kinh tế Thế giới sẽ khai mạc cuộc họp thường niên tại Davos vào ngày 23 tháng 5, lần đầu tiên kể từ năm 2020. Chiếm trọng tâm chương trình là cuộc chiến ở Ukraine. Bài phát biểu đầu tiên của diễn đàn sẽ là của tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ông tham dự online, trong khi phó thủ tướng Mykhailo Fedorov và thị trưởng Kyiv, Vitali Klitschko, đến dự trực tiếp. Mục tiêu lần này của ông Zelensky là lập được một kế hoạch tài chính cho việc tái thiết Ukraine sau chiến tranh.

 

Cuộc họp năm nay ở Alpine sẽ không có sự tham dự của phái đoàn Nga. Giữa các lệnh trừng phạt, người Nga đã không được mời. Cũng vắng mặt là Russia House, trụ sở của phái đoàn Nga ở Davos. Thay vào đó là một cuộc triển lãm do Ukraine tài trợ mang tên “Triển lãm Tội phạm Chiến tranh Nga”.

 

Sri Lanka có thể cài cách chính trị

Nội các lâm thời của Sri Lanka có thể sẽ thực hiện các bước đầu tiên để khôi phục trách nhiệm giải trình chính trị trong tuần tới đây, bằng cách hạn chế quyền lực của tổng thống. Được biết quyền hành của chức vụ này đã được mở rộng đáng kể vào năm 2020 bởi tổng thống đương nhiệm Gotabaya Rajapaksa. Đây là tin đáng mong chờ cho những người Sri Lanka đã biểu tình suốt nhiều tuần qua để yêu cầu Gota (tên ngắn của ông) từ chức.

 

Nhưng nó không giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc mà hai tuần trước đã lật đổ chính phủ của cựu thủ tướng Mahinda Rajapaksa, anh trai của Gota. Sri Lanka thậm chí đã vỡ nợ nước ngoài. Cả quốc gia đang tồn tại nhờ các hạn mức tín dụng đặc biệt từ Ấn Độ và trợ giúp khẩn cấp của Ngân hàng Thế giới. Lạm phát nghiêm trọng vẫn tiếp diễn, cũng như tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu, thuốc men và nhiều hàng hoá khác. Vòng đàm phán cho một gói cứu trợ từ IMF và đưa đất nước đi theo một con đường bền vững hơn dự kiến sẽ khép lại vào ngày 24 tháng 5. Trước mắt người Sri Lanka là nhiều tháng khó khăn nữa.





No comments: