Wednesday, May 25, 2022

RÚT RA BÀI HỌC SAU BA THÁNG, NGA và UKRAINE CHUẨN BỊ MỘT CUỘC CHIẾN TRANH LÂU DÀI (Thụy My / RFI)

 



 

Rút ra bài học sau ba tháng, Nga và Ukraina chuẩn bị một cuộc chiến tranh lâu dài

Thụy My  -  RFI

Đăng ngày: 24/05/2022 - 23:02

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20220524-r%C3%BAt-ra-b%C3%A0i-h%E1%BB%8Dc-sau-ba-th%C3%A1ng-nga-v%C3%A0-ukraina-chu%E1%BA%A9n-b%E1%BB%8B-m%E1%BB%99t-cu%E1%BB%99c-chi%E1%BA%BFn-tranh-l%C3%A2u-d%C3%A0i

 

Ba tháng đã trôi qua từ khi Putin xua quân sang xâm lăng Ukraina. Các bộ tham mưu phương Tây rút ra được một loạt bài học quân sự quan trọng : vai trò của vũ khí cơ động, thông tin, huấn luyện, cách tổ chức…Cả Nga lẫn Ukraina đều đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lâu dài. Một thỏa thuận bất công không mang lại hòa bình thực sự, nhưng chinh chiến dai dẳng sẽ gây nhiều đau thương cho cả hai phía.

 

https://s.rfi.fr/media/display/ea991200-db86-11ec-99dd-005056bfb2b6/w:1024/p:16x9/tank_06.webp

Một em bé trước một xác xe tăng Nga được triển lãm ở trung tâm thủ đô Kiev, Ukraina ngày 21/05/2022. REUTERS - GLEB GARANICH

 

Ba tháng chiến tranh Ukraina mang lại những bài học quý giá

 

Le Monde dành ba trang báo khổ lớn để phân tích « Những bài học quân sự sau ba tháng chiến tranh ở Ukraina ». Cuộc xâm lăng của Nga bắt đầu từ hôm 24/02 đã giúp các bộ tham mưu phương Tây rút ra được một loạt kết luận.

Trước hết, lực lượng Ukraina thực ra không quá yếu so với Nga về nhân lực. Theo một số ước tính, Matxcơva đưa sang 160.000 quân, tương đương 80 % quân số Pháp, nhưng riêng bộ binh Nga đã có đến 280.000 binh sĩ, chưa kể 50.000 lính nhảy dù và 15.000 thuộc hải quân. Phía Ukraina có 145.000 quân nhân, và số quân dự bị là 240.000 (gọi là lực lượng phòng vệ lãnh thổ), có thể huy động rất nhanh. Kiev còn có thể trông cậy vào hàng ngàn tình nguyện quân quốc tế. Về phương tiện thì rất bất cân xứng, Ukraina không có không quân lẫn hải quân, xe tăng, hỏa tiễn hành trình như Nga.

 

Kế tiếp, tập huấn ở cường độ cao là một yếu tố quyết định. Quân đội Nga tuy đã có chiến đấu ở Syria nhưng chủ yếu chỉ không quân và các đơn vị đặc nhiệm. Còn các chiến sĩ Ukraina đã được phương Tây âm thầm huấn luyện trong những năm gần đây, nên nhanh chóng thích ứng được với các loại vũ khí NATO trong khi kho vũ khí Kiev hầu hết từ thời Liên Xô cũ. Cách chỉ huy tập trung cứng nhắc của quân đội Nga cũng ngược hẳn với sự linh hoạt của Kiev, nhất là quân đội Ukraina có lực lượng hạ sĩ quan trẻ tuổi, nắm vững thực địa trong khi Nga rất thiếu.

 

Về vũ khí, nếu những năm gần đây các cường quốc quân sự chạy đua trang bị những khí tài ngày càng tối tân, thì chiến trường Ukraina cho thấy với những trận đánh trên bộ, chỉ cần những loại căn bản. Chẳng hạn các loại hỏa tiễn vác vai chống tăng (Javelin của Mỹ, NLAW của Anh) và hỏa tiễn phòng không đã gây kinh hoàng cho quân Nga.

 

Đánh nhanh thắng nhanh chỉ là ảo tưởng, vệ tinh làm thay đổi cục diện

 

« Chiến tranh chớp nhoáng » là một ảo tưởng cần được chôn vùi. Cuộc chiến Ukraina trước hết là thất bại của « chiến dịch đặc biệt » dự trù sẽ lật đổ chính quyền Kiev chỉ trong vài ngày. Quân sử có đầy những ví dụ tương tự, trừ vài ngoại lệ như trận chiến Sáu Ngày của Israel (05-10/06/1967). Ước tính Nga đã bắn khoảng 1.300 hỏa tiễn đạn đạo nhưng Ukraina vẫn kháng cự được, trong khi Matxcơva không đầu tư nhiều vào loại bom laser dẫn đường, nên nhanh chóng bị cạn nguồn.

 

Việc tỉ phú Mỹ Elon Musk gởi tặng Ukraina hàng ngàn thiết bị Starlink vào giữa tháng Ba được một số chuyên gia coi là « game changer » thực sự, đã làm thay đổi hẳn tình thế chiến trường. Lực lượng Ukraina không còn bị lệ thuộc vào mạng điện thoại, internet cổ điển hay mạng lưới vệ tinh quân sự nhà nước vốn hạn chế. Sự đột phá của nhà sáng lập Space X đã giúp Ukraina nhanh nhạy hơn và liên lạc được bảo mật, từ đầu tháng Năm có 150.000 người sử dụng mỗi ngày.

 

S-400 của Nga được cho là một trong những hệ thống phòng không hiện đại nhất thế giới, khiến nhiều nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ tìm cách trang bị cho bằng được. Nhưng nay hiệu quả của nó đang là nghi vấn, chỉ riêng S-400 không đủ để bảo vệ không phận của một nước cỡ như Ukraina. Hơn nữa, hệ thống này chỉ ngăn được các cuộc tấn công ở tầm trung vào cao, thế nên phi cơ Ukraina thường bay rất thấp, đôi khi chỉ cách mặt đất 20 mét. Phi công Ukraina được huấn luyện chu đáo và chiến đấu để sống còn, tỏ ra rất táo bạo. Ngược lại, phía Nga thận trọng hơn, khi Kiev đã được viện trợ 1.400 hỏa tiễn Stinger kể từ đầu cuộc chiến. Trên không, Nga vẫn chiếm ưu thế áp đảo với 200 đến 300 cuộc xuất kích một ngày, so với Ukraina chỉ khoảng 30.

 

Trên biển, hạm đội Ukraina hầu như đã bị tiêu diệt năm 2014 khi Matxcơva chiếm Crimée. Nhưng từ bờ biển, Ukraina dùng hỏa tiễn và drone đánh chìm được soái hạm Moskva hôm 14/04, và đầu tháng Năm phá hủy được hai tàu tuần duyên và xà lan đổ bộ, một tàu hộ vệ type Elbruz. Tuy vậy hiện nay Matxcơva rõ ràng có ưu thế vượt trội về hải chiến, kiểm soát được biển Azov và Hắc Hải cũng như địa điểm quan trọng là đảo Rắn.

 

Putin cần một chiến thắng vẻ vang hơn những tàn tích Mariupol

 

Le Figaro phân tích, Nga và Ukraina chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lâu dài. Dù các nước Tây Âu muốn áp đặt ngưng bắn và đàm phán, nhưng hai bên tham chiến không hề tỏ dấu hiệu hòa dịu. Ngày càng có nhiều tiếng nói kêu gọi chấm dứt chiến tranh, từ Roma, Berlin đến Paris. Mới nhất là một kế hoạch hòa bình do Ý đưa ra nhưng một nhà ngoại giao Ukraina đánh giá chỉ là « bản sao mờ nhạt của thỏa thuận Minsk ».

 

Ba tháng sau khi khởi động cuộc chiến, thủ đô Kiev vẫn trong tay chính quyền Ukraina, là quân Nga bị truy đuổi, còn tại Donbass những trận đánh vẫn diễn ra. Tuy đã chiếm được Mariupol, quân Nga tiếp tục củng cố công sự xung quanh các thành phố chiếm đóng Zaporijjia và Kherson để chuẩn bị chuyển sang thế thủ khi cần. Mục tiêu của Kremlin, theo bộ trưởng quốc phòng Ukraina Oleksy Reznikov, luôn là « lập ra một hành lang trên bộ nối Nga với Crimée, » và « chiếm toàn bộ miền nam Ukraina ». Avril Haines, lãnh đạo ngành tình báo Mỹ cũng đánh giá Vladimir Putin sẽ không dừng lại ở một chiến thắng ở miền đông và Donbass.

 

Putin có nhiều lý do để không kết thúc chiến tranh. Ngoài Mariupol, ông ta không đạt được bất kỳ mục tiêu nào khác. Sự kiện soái hạm Moskva bị Ukraina đánh chìm xuống đáy Hắc Hải, thiệt hại vô số kể về nhân mạng và khí tài, phải rút quân khỏi Kiev và những khó khăn ở Donbass đã bôi đen hình ảnh của quân đội Nga. Với cái giá phải trả quá đắt cho cuộc xâm lăng và hậu quả chiến lược là Thụy Điển, Phần Lan xin gia nhập NATO, Vladimir Putin cần có được một chiến thắng huy hoàng. Dù gì đi nữa, cũng phải rực rỡ hơn những tàn tích đang còn bốc khói ở Mariupol.

 

Nhìn từ Matxcơva, một cuộc chiến tranh tiêu hao thậm chí còn có lợi. Kremlin sẽ có thời gian để thay máu cho quân đội, huấn luyện tân binh. Dân Nga đã quen chịu đựng từ thời cộng sản, và Putin cũng có thể trông cậy vào Trung Quốc vốn từ đầu cuộc chiến vẫn luôn bênh vực. Nếu chiến tranh kéo dài, sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraina có thể giảm sút. Một nhà ngoại giao Pháp cảnh báo : « Vladimir Putin thích những cuộc xung đột đóng băng, và ông ta luôn biết kéo dài cuộc chiến ».

 

Ukraina không thể chấp nhận một nền hòa bình bất công

 

Phía Ukraina cũng có lý do để tiếp tục chiến đấu, từ chối một cuộc ngưng bắn theo điều kiện của Nga. Quân đội Ukraina đã đẩy lùi quân Nga ra khỏi Kiev, kháng cự một cách anh hùng ở Mariupol, và trên tất cả các mặt trận khác đã chứng tỏ sự dũng cảm và tính chuyên nghiệp. Phải lao vào một cuộc chiến tranh vệ quốc để bảo vệ chủ quyền đất nước và các giá trị dân chủ, người Ukraina tin rằng họ sẽ chiến thắng chủ nghĩa đế quốc của Nga. Nhất là từ khi phương Tây gia tăng nhịp độ và chất lượng vũ khí viện trợ. Phấn chấn trước sự ủng hộ của phương Tây và sự đảo lộn tương quan lực lượng trên chiến trường, Ukraina bác bỏ những yêu sách của Matxcơva.

 

Putin đòi ít nhất phải nhượng lại tất cả những lãnh thổ Nga chiếm đóng từ ngày 24/02 và phải giải giáp, tóm lại, là đầu hàng. Nếu vội vã chấp nhận một hòa bình bất công như vậy, Zelensky có nguy cơ đánh mất độc lập của đất nước, bị dân chúng và phe dân tộc chủ nghĩa chống đối. Những tội ác chiến tranh của quân Nga ở Bucha và các thành phố khác cũng làm nguội lạnh nhiệt tình của các nhà đàm phán. Kiev cần có thêm chiến thắng trên chiến trường để buộc Matxcơva phải chấp nhận một thỏa thuận trong đó toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của Ukraina được tôn trọng.

 

Le Figaro kết luận, tất cả các cuộc chiến một ngày nào đó đều phải chấm dứt. Nhưng kết thúc quá sớm, không chờ đợi một chiến thắng quân sự hay trong điều kiện quá bất công cho một bên, hiếm khi dẫn đến hòa bình. Thỏa thuận Minsk năm 2014 quá ưu đãi cho Nga, chưa bao giờ giúp Donbass trở nên yên bình. Hiệp ước Dayton giữ nguyên những đường biên chưa trọn trong cuộc chiến Bosnia năm 1995 không làm vùng này ổn định. Nhưng một cuộc chiến tranh kéo dài, không bảo đảm thắng lợi của bên này hay bên kia, mang lại nhiều đau thương. Một nhà ngoại giao cho rằng cả Nga lẫn Ukraina đều thua thiệt. Châu Âu cũng sẽ bị mất an ninh, phải đối phó với khủng hoảng di dân và nguy cơ thiếu lương thực trên thế giới, chưa kể những hậu quả kinh tế khác và xăng dầu tăng giá.

 

Nga-Ukraina : Cuộc đối đầu thế hệ

 

Le Monde nhìn thấy giữa Nga và Ukraina còn là khoảng cách thế hệ. Tổng thống Volodymyr Zelensky 44 tuổi, thủ tướng Denys Chmyhal 46, ngoại trưởng và bộ trưởng nội vụ cùng 41 tuổi. Giám đốc tình báo, cố vấn tổng thống, tổng chưởng lý đều sinh trong thập niên 70. Danh sách còn kéo dài, và không chỉ ở Kiev. Theo với đà tiến (hoặc lùi) của quân Nga, người ta khám phá một loạt thị trưởng, thống đốc gan dạ ở Mykolaiv, Dnipro, ngoại ô Kiev...đa số ở lứa tuổi ba mươi, bốn mươi.

 

Tương phản thấy rõ với đội ngũ cầm quyền ở Matxcơva. Ông Vladimir Putin đã 69 tuổi, và tuổi trung bình của hội đồng an ninh - cơ quan đóng vai trò trung tâm trong hồ sơ Ukraina là 62 tuổi, bộ máy Phủ tổng thống 59. Hoàn toàn ý thức điều này, Putin đã cho kéo dài hoặc hủy bỏ giới hạn tuổi tác đối với viên chức cao cấp. Cuộc chiến ở Ukraina không chỉ là sự đối đầu giữa hai nước mà còn giữa hai thế hệ, với cung cách hoạt động và tầm nhìn khác biệt một cách sâu sắc.

 

Cuối 2021, hai nhà nghiên cứu Maria Snegovaya và Kirill Petrov quan sát con đường thăng tiến của top 100 trong giới tinh hoa Nga, rút ra kết luận 30 năm sau khi Liên Xô sụp đổ, 60 % lực lượng này vẫn là lớp người ăn trên ngồi trước xô-viết (chỉ chiếm 1 đến 3 % dân số). Riêng giới siloviki thừa kế của KGB và các cơ quan an ninh Liên Xô chiếm đến 1/3 trong top 100. Đôi khi cũng có một ít nhà kỹ trị tài năng được cất nhắc, nhưng chủ yếu cánh cửa chỉ mở cho con cái của giới cai trị, con vua thì lại làm vua.

 

Lên cầm quyền từ 1999, Vladimir Putin xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo mạnh mẽ về tinh thần và thể chất. Theo với thời gian, những người làm truyền thông của Kremlin tô vẽ hình ảnh một người ông thông thái, bản lĩnh. Nhưng giờ đây tất cả đã tiêu tan. Ông Putin rõ ràng đã yếu ớt hẳn đi, và đối với nhiều người Nga, hình ảnh Putin gắn kết với boong-ke mà ông vẫn trú ẩn trong đại dịch Covid. Còn với nhiều nhà quan sát, tuổi tác còn là một trong những nguyên nhân của cuộc xâm lăng Ukraina. Trước khi chuyển giao quyền lực, Vladimir Putin muốn để lại một thành tựu mãi mãi cho hậu thế. Không hề quan tâm đến một Zelensky sinh sau đến một phần tư thế kỷ.

 

Mỹ không còn nhập nhằng : Sẽ can thiệp nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan

 

Nhìn sang châu Á, tất cả các báo đều chú ý đến tuyên bố của tổng thống Joe Biden là Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan nếu bị Trung Quốc tấn công. Trả lời câu hỏi trong cuộc họp báo chung với thủ tướng Nhật tại Tokyo, tiếng « yes » của Biden đã chấm dứt sự nhập nhằng chiến lược từ gần nửa thế kỷ qua.

 

Cả một sự thay đổi lớn lao ! Hồi tháng 12/2021, Biden tuyên bố Hoa Kỳ sẽ không tham chiến nếu Nga xâm lăng Ukraina, theo Le Figaro, có lẽ để làm hài lòng giới trung lưu Mỹ. Nhưng khi Ukraina chứng tỏ quyết tâm và khả năng kháng chiến, Biden nhanh chóng thích ứng và viện trợ quân sự ồ ạt, giúp Kiev biến quân Nga thành trò cười. Tuy không phải là thành viên NATO, nhưng lãnh thổ Ukraina chưa bao giờ được quân sự hóa theo kiểu NATO như thế.

 

Tại châu Á, mọi sự cũng đã thay đổi. Bận rộn với Trung Đông, các tổng thống Bush và Obama không biết cách tỏ ra cứng rắn trước cộng sản Trung Quốc. Không chỉ đối với nạn ăn cắp công nghệ Mỹ, và cả trước sự bành trướng trên Biển Đông. Lợi dụng sự thờ ơ của Mỹ, quân Trung Quốc đã chiếm các đảo dù rất xa Hoa lục, nằm sát Việt Nam và Philippines, rồi đào đắp, xây dựng lên phi đạo, bố trí hỏa tiễn, làm nơi hạ cánh những oanh tạc cơ chiến lược mang ngôi sao đỏ.

 

Donald Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên thẳng thừng ra tay cảnh cáo việc Bắc Kinh không tôn trọng sở hữu trí tuệ, ngăn cấm Hoa Vi (Huawei) chiếm thị trường 5G ở Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu. Nhưng lịch sử sẽ nhìn nhận Joe Biden như tổng thống đầu tiên đưa ra chính sách rõ ràng để ngăn sự bành trướng chiến lược của Trung Quốc. Việc Bắc Kinh nhập nhằng ủng hộ Matxcơva xâm lăng Ukraina đã khiến Mỹ thêm cứng rắn. Washington tập hợp được các đồng minh Bộ Tứ (những cường quốc dân chủ ở châu Á-Thái Bình Dương). Nhật Bản, Úc, Ấn Độ đã có những nỗ lực tái vũ trang chưa từng thấy, và Hàn Quốc cũng sẽ tham gia. Gọng kềm chiến lược của thế kỷ 21 đã bắt đầu.





No comments: