Sunday, May 15, 2022

QUAN HỆ VIỆT - MỸ : NHỮNG KỶ NIỆM CỦA TƯƠNG LAI (Đinh Hoàng Thắng)

 



Quan hệ Việt – Mỹ: Những kỷ niệm của tương lai

Đinh Hoàng Thắng

16/05/2022

https://www.voatiengviet.com/a/quan-h%E1%BB%87-vi%E1%BB%87t-m%E1%BB%B9-nh%E1%BB%AFng-k%E1%BB%B7-ni%E1%BB%87m-c%E1%BB%A7a-t%C6%B0%C6%A1ng-lai/6574305.html

 

https://gdb.voanews.com/03180000-0aff-0242-7ddc-08da34e0d606_w650_r1_s.jpg

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đón Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại Nhà Trắng ngày 12/5/2022. Photo US Embassy in Hanoi.

 

Vì lẽ trên, Hoa Kỳ đang áp dụng phương cách đối xử với Hà Nội khá tế nhị. Ở mặt công khai, Hoa Kỳ đẩy mạnh quan hệ với Việt Nam trên mọi lĩnh vực, cử các quan chức cao cấp nhất tới Hà Nội, tặng tàu tuần tra giúp Việt Nam bảo vệ vùng biển, tặng vaccine và thiết bị y tế giúp chống dịch COVID-19.

Đinh Hoàng Thắng

 

                                                       *

Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt đầu chuyến công du Hoa Kỳ 7 ngày (từ 11 – 17/5/2022) bằng buổi nói chuyện tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Thủ tướng đã trình bày viễn kiến về một Việt Nam như quốc gia tầm trung trong vòng 10 – 20 năm tới, và một thế giới tốt đẹp hơn được xây dựng trên nền tảng của “sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm”. Thuật ngữ này được ông Chính nhắc lại 18 lần trong bài nói chuyện của mình tại một trong những “think-tank” hàng đầu của nước Mỹ về chiến lược, chính sách đối ngoại và các vấn đề quốc tế.

 

Tương đối ấn tượng khi Thủ tướng Phạm Minh Chính mở đầu bài diễn văn chiều 11/5 bằng việc nhắc lại sự tương đồng giữa hai bản Tuyên ngôn Độc lập nổi tiếng của Hoa Kỳ và của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sự tương đồng ấy, theo ông Chính, thể hiện khát vọng chia sẻ những giá trị chung, mang tính phổ quát, không chỉ của hai quốc gia Mỹ – Việt, mà còn của toàn nhân loại. Phát biểu của Thủ tướng lấp lánh một số tia hy vọng toát ra từ mối bang giao đầy duyên nợ. Ông Chính cũng hàm ý, hai nước đang chuẩn bị cho một cuộc hành trình “vươn ra biển lớn” giữa mùa giông bão, khi ông thừa nhận thập niên thứ ba của thế kỷ 21 đang đứng trước thời điểm khó khăn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Thật vậy, xung đột ngay giữa lòng châu Âu, theo ông Chính, đã gây ra những hệ lụy to lớn đối với tình hình an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội toàn cầu.

 

Từ “những kỷ niệm của tương lai…”

 

Khi tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tối 12/5/2022 tại Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden đã bày tỏ tình cảm đặc biệt ông dành cho đất nước và con người Việt Nam. Dịp này, hai nhà lãnh đạo bày tỏ sự đồng tình về việc tôn trọng độc lập và chủ quyền của các quốc gia. Thủ tướng Chính gặp Tổng thống Biden trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ – ASEAN diễn ra tại Thủ đô Washington từ ngày 12 – 13/5. Ông Biden nhắc lại, ông luôn dành nhiều tình cảm cho Việt Nam, bằng chứng là trong thời gian làm Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, ông và người đồng nghiệp quá cố John McCain đã vận động để tăng cường mối quan hệ của Hoa Kỳ với Việt Nam. Tổng thống Joe Biden nhất trí với Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị giữa các quốc gia, không sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp, xung đột, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Ông Chính đã chuyển lời mời thăm Việt Nam từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, ông Biden cám ơn, và hứa sẽ thu xếp thăm Việt Nam vào thời gian phù hợp.

 

Trong bài nói chuyện tại CSIS, Thủ tướng Việt Nam nhiều lần nhấn mạnh đến cơ sở nền tảng của quan hệ “đối tác toàn diện” giữa hai nước. Ông Chính nhắc đến thư Tổng thống Joe Biden gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2021, tái khẳng định “quan hệ đối tác toàn diện mạnh mẽ, đầy sức sống mà hai nước đã và đang cùng nhau xây dựng là dựa trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”. Đặc biệt, ông Chính viện dẫn bức thư ngày 16/2/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Harry Truman, trong đó nhấn mạnh mục tiêu của Việt Nam “là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ”. Bài nói chuyện khẳng định tiếp, Việt Nam và Hoa Kỳ giờ đây “đang đứng trước những cơ hội mới để đưa quan hệ đối tác toàn diện phát triển ổn định, lâu dài, thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu”. Ông Chính bày tỏ “sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm là chìa khóa để các quốc gia giải quyết các vấn đề còn bất đồng, khác biệt trong một thế giới đầy biến động như hiện nay” và đấy cũng là những nhân tố “thúc đẩy quan hệ đối tác tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ lên tầm cao mới, thực chất, hiệu quả hơn trong những năm tới”.

 

Dư luận quan tâm, tại sao suốt cả bài phát biểu, Thủ tướng Chính không đề cập cụ thể về khả năng nâng cấp mối bang giao Việt – Mỹ lên tầm “đối tác chiến lược” như sự đón đợi của phía Hoa Kỳ? Thật ra vấn đề “chiến lược “ hay “không chiến luợc” đã được dư luận từ cả hai phía nêu ra suốt hàng chục năm có lẻ, và giờ đây, ngay trong từng nội dung cốt lõi của bài phát biểu tại CSIS, Thủ tướng đều nhấn mạnh tính tất yếu của tiến trình “xây dựng bệ phóng để góp phần đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới”. Thiết tưởng nên nhắc lại ở đây ý kiến của Giám đốc Brian Eyler, từ Chương trình Đông Nam Á (Trung tâm Stimson), dóng lên cũng đúng vào ngày 11/5, phân tích những bước tiến thần kỳ trong quan hệ Hà Nội – Washington ngay trước thềm chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng. Theo GS. Eyler, phát triển được quan hệ với Việt Nam như ngày nay đã là một chiến thắng thầm lặng của Hoa Kỳ. Việc vội vàng cố nâng quan hệ Việt – Mỹ lên tầm “đối tác chiến lược” ngay trong cuộc gặp lần này giữa Tổng thống Joe Biden với Thủ tướng Phạm Minh Chính có thể phản tác dụng và chỉ khiêu khích chọc giận Trung Quốc.

 

Nhưng theo giới phân tích, quan hệ Việt – Mỹ ngay giờ đây, thực chất đã ở mức “đối tác chiến lược”, không kém quan hệ của Việt Nam với Nga, Trung Quốc hay Ấn Độ, nếu không nói là sâu sắc hơn trên nhiều phương diện, từ kinh tế, văn hóa giáo dục đến an ninh quốc phòng. Bang giao Việt – Mỹ rồi sẽ đạt đến điều mà Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Kritenbrink dự phóng khi chia tay những người bạn Việt Nam lúc kết thúc nhiệm kỳ ở Hà Nội: Chỉ có bầu trời là giới hạn cho mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Cho đến khi đó, và chỉ khi đó mà thôi, lịch sử sẽ có dịp nhắc lại các bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại các diễn đàn: từ CSIS đến Đại học Havard, từ Asia Society đến Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN… và một số nơi khác nữa trên đất Mỹ. Chưa hết, các chính khách tương lai của cả hai nước (giờ này họ đang miệt mài học tập và nghiên cứu tại các đại học Mỹ) sẽ ôn lại các buổi thảo luận của Thủ tướng Chính với các quan chức Hoa Kỳ về “Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” (IPEF) của Tổng thống Joe Biden. Tất cả các kỷ niệm từ tương lai hứa hẹn ấy sẽ dồn về trong khoảnh khắc để hoài niệm về sự hợp tác tuyệt vời giữa hai khối quyết tâm chính trị đã thúc đẩy các mục tiêu của khuôn khổ kinh tế làm nền tảng cho không gian “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP).

 

Trở về chuyến công du hiện tại

 

Từ cái lõi kinh tế của cấu trúc an ninh liên vùng ấy, ông Chính hẳn ý thức được những “chuyển dịch địa tầng” trong nền chính trị và kinh tế toàn cầu vào những thập kỷ tới. Do đó, việc ông bày tỏ sự quan tâm và sẵn sàng hợp tác với Hoa Kỳ để thực thi bốn trụ cột: ổn định chuỗi cung ứng, nền kinh tế kỹ thuật số, chống biến đổi khí hậu và vấn đề liên quan đến lao động – thuế – chống tham nhũng, có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Ông Chính nhấn mạnh, những trụ cột này rất quan trọng đối với Hoa Kỳ, đối với Việt Nam và các quốc gia khác. Nếu tham vọng của ông Chính trong chuyến công du này chỉ đơn thuần là quyền lực kinh tế, thì ông sẽ thi triển năng lực trên cương vị Thủ tướng thời hội nhập sâu rộng. Mà đã là kinh tế tức là thị trường, không còn mấy làn ranh tư bản hay cộng sản, dù chỉ là trên danh nghĩa. Nhưng nếu ông Chính chọn vị thế Thủ tướng như một giai đoạn chuyển tiếp để đạt được tham vọng cao hơn về quyền lực chính trị, thì đương nhiên ông sẽ hướng tới các mối quan tâm trải dài trên tất cả các lĩnh vực. Không gian tư duy và hành động lúc này không chỉ là vấn đề thị trường, ở đây sự lựa chọn không còn là theo Mỹ hay Trung Quốc, mà như ông Chính đã nhấn mạnh: “Việt Nam không chọn bên, mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, cùng thắng”.

 

Nhưng tuyên bố nói trên cũng lại là “gánh nặng” cho Thủ tướng khi ông sẽ đến Trụ sở LHQ những ngày tới để trang trải với thế giới ba lá phiếu “bất thường” của Việt Nam từ khi có cuộc xâm lăng của Nga trên đất Ukraine. Ông Chính nên cám ơn bà Phó Đại sứ Ukraine từ Hà Nội đã “chia lửa” với ông, cũng đúng vào ngày 11/5, khi ông phát biểu tại CSIS. Bà Nataliya Zhynkina cho rằng, việc Việt Nam bỏ phiếu trắng tại LHQ tránh lên án hành động Nga xâm lược Ukraine, chưa được hiểu đúng ở nhiều nơi, lẫn trong lòng Việt Nam. Bà nói, mọi tuyên bố của Việt Nam tại LHQ đều mạnh mẽ và rõ ràng: Việt Nam không tán thành việc vi phạm luật pháp quốc tế, sử dụng vũ lực và đe dọa tấn công vũ lực, sát hại dân thường và phá hủy cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, bà Phó Đại sứ cũng bình luận thêm: “Vì lợi ích ngắn hạn, có thể một vài nước vẫn bị cám dỗ tiếp tục việc giao thương với Nga như bình thường. Đồng thời, với chính sách trừng phạt quy mô lớn của các quốc gia hàng đầu thế giới nhằm vào Nga, về lâu dài những nỗ lực đó sẽ gây ra những hậu quả theo hệ thống một cách sâu sắc cho nền kinh tế của những nước vẫn dựa vào hợp tác với Nga và cho sự ổn định toàn cầu nói chung….

 

Vì lẽ trên, Hoa Kỳ đang áp dụng phương cách đối xử với Hà Nội khá tế nhị. Ở mặt công khai, Hoa Kỳ đẩy mạnh quan hệ với Việt Nam trên mọi lĩnh vực, cử các quan chức cao cấp nhất tới Hà Nội, tặng tàu tuần tra giúp Việt Nam bảo vệ vùng biển, tặng vaccine và thiết bị y tế giúp chống dịch COVID-19. Nhưng trong những phòng họp khép kín, Washington vẫn tiếp tục thảo luận với Hà Nội về những vấn đề khúc mắc trong bang giao giữa hai nước như quan hệ với Nga, vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, chênh lệch cán cân thương mại, thao túng tỷ giá tiền tệ… Chính quyền Biden đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước thao túng tỷ giá tiền tệ để giành lợi thế về thương mại, nhưng trong các cuộc gặp giữa ông Chính với bà Janet Yellen, bộ trưởng Tài Chính và bà Gina Raimondo, bộ trưởng Thương Mại, hôm 12/5/2022, những vấn đề này chắc chắn vẫn được đề cập dù cho đến nay, phía Mỹ vẫn thận trọng không tiết lộ nội dung của các cuộc làm việc.

 

Theo Daniel Kritenbrink khi làm Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, 96% người Việt Nam thích làm ăn với Mỹ. Hiện có hơn 30 ngàn sinh viên Việt Nam theo học ở Mỹ. Năm 2022, thặng dư thương mại của Mỹ với Việt Nam suýt soát 100 tỷ USD. Sau chuyến công du Mỹ của ông Chính, dư luận có quyền quan tâm, liệu khi nào Việt Nam sẽ có những quyết sách mạnh mẽ hơn, tránh để Hoa Kỳ cho rằng, Việt Nam “lập lờ chiến lược” quá lâu? Hy vọng, sau 7 ngày được tiếp xúc với người thật việc thật, Thủ tướng Phạm Minh Chính hiểu rõ được đâu là giới hạn của “sự kiên nhẫn chiến lược” từ Hoa Kỳ. Nghĩa là nước Mỹ chưa từ bỏ sứ mệnh giành giật lại trái tim của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, sứ mệnh này chủ yếu hướng tới lớp trẻ, trí thức và các doanh nghiệp. Bởi vì họ chính là nhân dân! Nhân dân đón đợi điều mà ông Chính đã nhấn mạnh trong bài phát biểu sẽ còn được nhắc đến nhiều dịp khác nữa. “Trong 27 năm kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ, đã có 4 vị Tổng thống Hoa Kỳ liên tiếp đến thăm Việt Nam và để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân hai nước… Mối quan hệ đó đã ‘đơm hoa kết trái’ với nỗ lực của hai bên bằng sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm, bằng sự cảm thông, chia sẻ và sự tôn trọng lẫn nhau để đạt được mục tiêu hai nước mong muốn hướng tới, đáp ứng nguyên vọng của nhân hai nước”.

 

---------------

 

LIÊN QUAN

 

Các vấn đề nổi cộm trước Thượng đỉnh Mỹ – ASEAN 

BLOG TRẦN ĐÔNG A

Sau ‘phiên quyết đấu’ hôm nay, Tổng Trọng có chịu rời ghế?

BLOG HOÀNG TRƯỜNG





No comments: