Tuesday, May 17, 2022

NHIỄM KHUẨN, COVID-19, và BẢO HỘ làm SỮA BỘT TRẺ EM KHAN HIẾM TẠI HOA KỲ (Người Việt Online)

 



Nhiễm khuẩn, COVID-19, và bảo hộ làm sữa bột trẻ em khan hiếm tại Mỹ

Người Việt

May 16, 2022

https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/nhiem-khuan-covid-19-va-bao-ho-lam-sua-bot-tre-em-khan-hiem-tai-my/

 

WASHINGTON, DC (NV) – Nước Mỹ đang lâm vào tình cảnh khan hiếm nghiêm trọng sữa bột cho trẻ em.

 

Ba yếu tố đưa đến sự thiếu hụt sữa dành cho trẻ em tại thị trường Mỹ là: Nhiễm vi khuẩn trong khâu sản xuất, hệ quả đại dịch COVID-19, và chính sách thương mại trong kỹ nghệ sữa, theo phân tích của tạp chí The Atlantic.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/05/TS-baby-formula-1-1068x712.jpeg

Nước Mỹ đang trong tình cảnh khan hiếm nghiêm trọng sữa bột trẻ em khiến nhiều bậc cha mẹ lâm vào tâm trạng tuyệt vọng và khủng hoảng. (Hình: Scott Olson/Getty Images)

 

Hiện nay, sự thiếu hụt nguyên vật liệu không phải là chuyện mới kể từ khi toàn thế giới mở cửa lại sau thời gian cách ly vì đại dịch COVID-19.

 

Nhưng khẩu phần ăn cần thiết cho trẻ sơ sinh bị thiếu hụt là một bước ngoặc hiếm hoi về sự khan hiếm tại Mỹ.

 

Sự việc khiến các bậc cha mẹ tuyệt vọng trước tình cảnh nhiều tiểu bang, như Texas và Tennessee, đang chứng kiến hơn một nửa số lượng sữa cạn kiệt trong các cửa hàng. Còn tính trên mức toàn quốc, 40% sữa công thức đã hết – tăng gấp 20 lần kể từ nửa đầu năm 2021. 

 

Các phụ huynh có con nhỏ bắt đầu phải gom sữa bột trẻ em để tích trữ, trong khi các tiệm bán lẻ như Walgreens, CVS, và Target bắt đầu hạn chế số lượng mua.

 

Lý do đầu tiên: Nhiễm vi khuẩn trong việc sản xuất

 

Sau cái chết của ít nhất hai trẻ sơ sinh vì một bệnh nhiễm trùng hiếm gặp gần đây, Cơ Quan Quản Trị Thực Phẩm & Dược Phẩm (FDA) đang điều tra Abbott, một công ty lớn chuyên sản xuất sữa bột trẻ em, và phát hiện ra dấu vết của mầm bệnh Cronobacter Sakazakii trong một nhà máy ở Michigan. 

 

Do đó, FDA ra lệnh thu hồi một số sản phẩm của công ty này, và khuyến cáo các bậc cha mẹ được không nên mua hoặc dùng một số loại sữa bột trẻ em được sản xuất tại nhà máy ở đó.

 

Công ty Abbott sản xuất phần lớn sữa bột trẻ em dưới tên thương hiệu Similac, cùng một số nhãn hiệu khác, cho thị trường Mỹ.

 

Abbott đã phải đóng cửa nhà máy vào Tháng Hai.

 

Và cho đến nay, giữa Tháng Năm, nhà máy này vẫn chưa hoạt động trở lại.

 

Hiện chưa ai biết rõ chính xác vì sao Abbott và FDA chưa đạt được thỏa thuận để tiếp tục sản xuất trở lại.

 

Vì thế,  sự thiếu hụt sản phẩm sữa bột trẻ em càng lúc càng trầm trọng.

 

Lý do thứ nhì: COVID-19!!!

 

Đại dịch COVID-19 kéo theo hệ quả toàn bộ chuỗi cung ứng trên thế giới rơi vào tình trạng trì trệ, khan hiếm nguyên vật liệu.

 

Điều khiến giới chuyên nghiệp cũng phải bất ngờ đó là kỹ nghệ sản xuất sữa bột cho trẻ em bị ảnh hưởng nặng.

 

“Vào mùa Xuân năm 2020, doanh số sữa bột trẻ em tăng vọt vì tất cả các phụ huynh lo lắng đã ào ạt mua tích trữ. Giống như cảnh mọi người tranh nhau mua các cuộn giấy vệ sinh,” ông Lyman Stone, giám đốc nghiên cứu của công ty Demographic Intelligence, nhận xét. 

 

Sau đó, “các gia đình tiêu thụ dần trên số lượng khổng lồ mà họ đã dự trữ khiến doanh số bán ra của nhà sản xuất bị sụt giảm nặng nề. Sự biến động này khiến việc lập kế hoạch sản xuất trở nên vô cùng khó khăn. Rất phức tạp để suy đoán trong việc đáp ứng tình hình thực tế của thị trường,” ông Stone cho biết.

 

Điểm bất ngờ đáng chú ý là các nghiên cứu của Demographic Intelligence phát hiện ra rằng dù tỉ lệ sinh đẻ có tăng đầu năm 2022  “các bà mẹ có con đầu lòng bú sữa mẹ giảm rất mạnh,” và như thế lại càng làm nhu cầu sữa bột trẻ em thêm gia tăng.

 

Tóm lại, nhu cầu về sữa bột trẻ em tăng cao do các phụ huynh tích trữ vào năm 2020, sau đó nhu cầu giảm, làm các nhà cung cấp phải cắt giảm sản lượng cho đến năm 2021.

 

Yếu tố mới hiện nay là ít phụ nữ cho con bú khiến nhu cầu sữa bột trẻ em trên thị trường tăng vọt.

 

Các đơn đặt hàng hiện tăng nhanh hơn so với nguồn cung cấp đang trong tiến trình phục hồi.

 

FDA đưa ra những quy định rất nghiêm ngặt cho việc sản xuất sữa bột trẻ em khiến những sản phẩm tương tự từ Châu Âu đều là không hợp pháp để mua tại Mỹ. (Hình: ​​Scott Olson/Getty Images)

 

Lý do thứ ba: Chính sách thương mại của Mỹ 

 

Đây là điều mà người nghe có thể không cảm thấy thú vị bằng vụ vi khuẩn và COVID-19, nhưng có thể là lý do quan trọng nhất.

 

FDA đưa ra những quy định rất nghiêm ngặt cho việc sản xuất sữa bột trẻ em đến mức hầu hết những sản phẩm tương tự nhập cảng từ Châu Âu vào Mỹ đều không hợp pháp vì các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như yêu cầu về nhãn hiệu. 

 

Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy các loại sữa trẻ em của Châu Âu đáp ứng các hướng dẫn dinh dưỡng của FDA, thậm chí còn có thể tốt hơn sản phẩm của Mỹ, bởi vì Liên Âu cấm một số loại đường, chẳng hạn như mật bắp, và yêu cầu các loại sữa bột cho trẻ phải có tỉ trọng sữa cao hơn đường lactose.

 

Nhiều cha mẹ, bất chấp quy định của FDA, cố gắng đặt mua sữa bột cho trẻ em từ Châu Âu, qua trung gian thứ ba.  

 

Và các lô hàng này bị quan thuế Mỹ bắt giữ trên đường nhập vào biên giới.

 

Chính sách nhập cảng sản phẩm sữa trẻ em của Mỹ, vì thế, làm hạn chế số lượng sữa để đáp ứng các yêu cầu của FDA. 

 

Đã vậy, chính phủ Donald Trump lại còn thiết lập hiệp định thương mại Bắc Mỹ ngăn cản tích cực việc nhập cảng sữa bột trẻ em từ Canada, đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ về các sản phẩm sữa.

 

Chính sách quản trị nghiêm ngặt sản phẩm sữa bột trẻ em nội địa khiến cho kỹ nghệ sản xuất mặt hàng này tại Mỹ trở thành ít ỏi, và gần như được các “đại công ty” thống trị.

 

Một phân tích năm 2011 của Bộ Nông Nghiệp Mỹ cho biết chỉ có ba công ty chiếm tất cả thị trường bán sữa bột trẻ em của Mỹ, đó là các công ty Abbott, Mead Johnson, và Gerber.

 

Chính trị lưỡng cực tại Mỹ làm vấn đề thiếu sữa trầm trọng hơn

 

Những người theo chủ nghĩa dân túy, và ngay cả những người theo chủ nghĩa cấp tiến, đều hoài nghi về toàn cầu hóa. Họ có chung quan điểm rằng nên làm mọi thứ trong phạm vi biên giới nước Mỹ, thì sẽ giúp đỡ nền kinh tế nội địa. 

 

Nhưng tình hình thiếu hụt sữa bột trẻ em minh chứng rằng mọi thứ không phải lúc nào cũng diễn ra theo lập luận chống toàn cầu hoá.

 

Thay vào đó, thực tế hiện nay cho thấy hậu quả của việc giảm giao thương với các quốc gia khác vì quan điểm “bảo hộ nội địa” trên những mặt hàng “thiết yếu” đẩy nước Mỹ vào tình trạng dễ bị thiệt hại hơn trong các trường hợp có biến chuyển khẩn cấp, chẳng hạn nhà máy sản xuất sữa bị nhiễm khuẩn.

 

“Đối với mặt hàng thiết yếu như sữa, khi xảy ra một biến cố, thì thị trường nước Mỹ bị ‘giam hãm’ do tuỳ thuộc vài công ty nội địa như Abbott,” ông Scott Lincicome, giám đốc kinh tế của viện Cato Institute, nhận định.

 

Chính sách bảo đảm an toàn sản phẩm sữa cho trẻ em của FDA khiến nước Mỹ đưa ra chính sách bảo hộ mậu dịch một cách phi lý trong kinh tế thị trường.

 

Hệ quả áp dụng chính sách này là khi gặp biến cố gây tác động vào việc sản xuất, thì cả nước Mỹ rơi vào khủng hoảng. (MPL) [đ.d.]

 

====================================================

.

.

Mỹ khan hiếm sữa bột cho trẻ em : Khủng hoảng chính trị đối với Biden

Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 14/05/2022 - 11:18

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220514-m%E1%BB%B9-khan-hi%E1%BA%BFm-s%E1%BB%AFa-b%E1%BB%99t-cho-tr%E1%BA%BB-em-kh%E1%BB%A7ng-ho%E1%BA%A3ng-ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B-%C4%91%E1%BB%91i-v%E1%BB%9Bi-biden

 

Hoa Kỳ từ nhiều ngày nay phải đối mặt với tình trạng khan hiếm sữa bột cho trẻ em. Sự khan hiếm này đang trở thành một cuộc khủng hoảng chính trị đối với tổng thống Mỹ Joe Biden. Bị chỉ trích là thiếu hành động để khắc phục tình hình, Nhà Trắng tuyên bố sẽ cố gắng hết sức, nhưng cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng sữa bột này có thể kéo dài. 

 

Phóng sự của thông tín viên David Thomson từ Miami :  

 

« Là loại thực phẩm duy nhất của đa số trẻ sơ sinh ở Mỹ, nhưng các hộp sữa bột ngày càng khó thấy trên các kệ hàng ở siêu thị. Theo ước tính, gần một nửa lượng sữa bột cho trẻ em trong kho dự trữ đã được tiêu thụ. Cho nên, nhiều gia đình đang rất hoang mang, đặc biệt là những hộ nghèo nhất, trong bối cảnh nước Mỹ đang trong chiến dịch vận động tranh cử giữa kỳ. Đảng Cộng Hòa chỉ trích mạnh mẽ chính quyền Biden là đã không lường trước được tình hình.  

 

Xin nhắc lại sự khan hiếm này không phải là mới xảy ra, mà một phần nào đó là do tình trạng thiếu nhân công và do các chuỗi cung ứng bị gián đoạn vì đại dịch, nhưng cũng do hồi tháng 02/2022 một nhà máy rất lớn của nhà sản xuất Abbott ở bang Michigan phải đóng cửa, sau vụ thu hồi sữa bột bị nghi ngờ là nguyên nhân gây ra cái chết của 2 trẻ sơ sinh. Abbott là 1 trong 3 tập đoàn chiếm tới 95% sản lượng sữa bột cho trẻ em tại Hoa Kỳ.

 

Từ hôm thứ Năm (12/05), Nhà Trắng đã cố gắng hành động. Tổng thống Joe Biden đã nói chuyện qua điện thoại với các hãng lớn trong chuỗi phân phối hàng hóa. Ông hứa sẽ nhập khẩu nhiều sữa bột hơn từ châu Âu, nhưng cũng cảnh báo các gia đình đang hoang mang là sự khan hiếm ​​sẽ còn kéo dài thêm « vài tuần ». 

 

Theo Le Monde, tại Mỹ, chỉ có 25% các bà mẹ cho con bú hoàn toàn cho đến khi con được 6 tháng tuổi, số còn lại nuôi con bằng sữa bột, hoặc kết hợp với sữa mẹ. Chi phí cho sữa bột nuôi trẻ nhỏ là rất lớn : 1.000 đô la cho năm đầu tiên. Còn loại sữa bột đặc biệt, chẳng hạn sữa dành cho trẻ bị dị ứng, được xem là mặt hàng xa xỉ, có khi lên tới vài trăm đô la/hộp.  





No comments: