Nghiên
cứu mới: Doanh thu bán vũ khí của Nga cho Đông Nam Á đã sụt giảm mạnh
RFA
2022.05.09
Xe
tăng Nga bị phá hủy ở vùng Sumy của Ukraine, ngày 7/3/2022.
Ukrainian Ground Forces/REUTER
Theo một
báo cáo được công bố mới đây, doanh thu bán vũ khí của Nga sang Đông Nam Á đã
giảm mạnh do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt quốc tế được áp đặt kể từ khi bắt
đầu cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014. Đồng thời, cuộc chiến đang diễn ra
giữa Nga và Ukraine có thể sẽ dẫn đến sự sụt giảm hơn nữa nguồn xuất khẩu này của
Nga, tạo cơ hội thị trường cho các nước như Trung Quốc.
Một bài
báo trên bản tin ISEAS Perspective do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS
–Yusof Ishak tại Singapore xuất bản, đã phát hiện ra rằng ngành công nghiệp quốc
phòng của Nga đã bị ảnh hưởng nặng nề, với kim ngạch xuất khẩu giảm từ 1,2 tỷ
USD năm 2014 xuống chỉ còn 89 triệu USD vào năm 2021.
Theo báo
cáo, Nga đã đứng đầu danh sách các nhà cung cấp vũ khí cho Đông Nam Á trong hai
thập kỷ qua nhưng doanh số bán có thể sẽ giảm hơn nữa và các nước trong khu vực
sẽ tìm cách chuyển hướng hợp đồng vũ khí của họ sang các nước khác.
Dữ liệu
do Viện Nghiên cứu
Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cung cấp cho thấy chỉ tính riêng
trong năm 2021, Nga đã tụt lại phía sau Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Theo học
giả Ian Storey đồng thời là tác giả của bài báo, lý do lớn nhất đằng sau sự suy
giảm mạnh này là các lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu mà Mỹ và châu Âu áp
đặt lên ngành công nghiệp quốc phòng của Nga kể từ khi nước này thôn tính
Crimea từ Ukraine vào năm 2014. Những hạn chế đó không nhất thiết ngăn cản các
quốc gia Đông Nam Á mua vũ khí của Nga nhưng sản phẩm của Nga trở nên ít hấp dẫn
hơn vì các nhà sản xuất Nga gặp khó khăn trong việc thực hiện các giao dịch tài
chính và tiếp cận công nghệ cũng như các bộ phận cấu thành quan trọng.
“Cuộc
xung đột đã chấm dứt đột ngột hợp tác lâu dài và sâu rộng giữa các công ty quốc
phòng Ukraine và Nga, đặc biệt là trong việc sản xuất động cơ cho tàu nổi, trực
thăng và máy bay" - ông Storey nhận định.
Một
sĩ quan Quân đội Việt Nam quan sát xe tăng T-90MS của Nga tại Diễn đàn Kỹ thuật
Quân sự Quốc tế “Army-2020” tại Alabino, ngoại ô Mát-xcơ-va, Nga, ngày
23/8/2020. Ảnh AP
Một yếu tố
khác là việc tạm dừng chương trình hiện đại hóa quân đội của Việt Nam, khách
hàng lớn nhất của Nga ở Đông Nam Á. Việt Nam bắt đầu chương trình hiện đại hóa
quân sự từ cuối những năm 1990 và trong giai đoạn 1995-2021, nước này đã mua vũ
khí và trang thiết bị quân sự trị giá 7,4 tỷ USD từ Nga. Con số này chiếm hơn
80% tổng lượng vũ khí nhập khẩu của Việt Nam.
“Việt Nam
đã tạm dừng chương trình hiện đại hóa quân đội do lo ngại về khả năng
hoàn thành các đơn hàng của Moscow đồng thời do công cuộc chống tham nhũng” -
ông Nguyễn Thế Phương, giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Kinh tế
và Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh nhận định trong bài
báo nghiên cứu xuất bản tháng 7/2021 .
Hà Nội sẽ vẫn phải dựa vào Moscow để bảo trì và vận
hành kho tàng vũ khí do Nga sản xuất gồm 06
chiếc tàu ngầm lớp Kilo, 36 máy bay Sukhoi Su-30MK2, 04 khinh hạm lớp Gepard
3.9 và 02 hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển di động Bastion. Tuy nhiên, giới
chuyên gia cho rằng Việt Nam đã tìm kiếm các nguồn cung cấp thay thế bao gồm
Israel, Belarus, Mỹ và Hà Lan.
Xu hướng đi xuống
Trong bối
cảnh cuộc chiến tại Ukraine, bản báo cáo mới cho biết các nhà sản xuất quốc
phòng của Nga sẽ khó phục hồi doanh số bán hàng do “việc áp đặt các biện pháp
trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu mạnh mẽ hơn của một số quốc gia, thiệt hại về
danh tiếng do hoạt động kém hiệu quả của các lực lượng vũ trang Nga ở Ukraine,
và nhu cầu bù đắp vũ khí của bản thân Nga sau những tổn thất trên chiến trường".
Nhà nghiên
cứu Storey chỉ ra rằng các lệnh trừng phạt hiện tại đối với các ngân hàng Nga
và việc họ bị loại khỏi mạng lưới thanh toán quốc tế SWIFT “sẽ khiến ngành công
nghiệp quốc phòng của nước này khó thực hiện các giao dịch tài chính với khách
hàng ở nước ngoài hơn”.
Các biện
pháp kiểm soát xuất khẩu áp đặt lên Nga cũng sẽ hạn chế quyền tiếp cận của các
nhà sản xuất Nga với các công nghệ tiên tiến quan trọng trong các cấu phần và
trang thiết bị quân sự hiện đại mà Nga không sở hữu.
“Do đó,
người mua nước ngoài có thể quyết định chuyển sang các nguồn khí tài quân sự
đáng tin cậy hơn”.
Trụ
sở của Ngân hàng Nông nghiệp Nga tại trung tâm , Nga, ngày 30/7/2014. Đây là một
trong những ngân hàng bị ảnh hưởng bởi các lệnh cấm vận của phương Tây. Ảnh AP
“Những vấn
đề mà lĩnh vực công nghiệp-quốc phòng của Nga đang phải đối mặt sẽ tạo ra cơ hội
tại thị trường Đông Nam Á cho các nước khác, trong đó có Trung Quốc” - báo cáo
nhận định.
Theo dữ liệu
của SIPRI, xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc sang Đông Nam Á năm 2021 đạt 284 triệu
USD, tăng từ 53 triệu USD vào năm 2020.
Cho đến
nay, Trung Quốc đã kiềm chế không lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, và
khi cuộc chiến kéo dài, sự phụ thuộc của Moscow vào Bắc Kinh có thể ngày càng
sâu rộng.
Đổi lại,
“Trung Quốc sẽ tìm cách tăng cường khả năng tiếp cận công nghệ quân sự nhạy cảm
nhất của Nga và thậm chí gây áp lực buộc Moscow phải giảm bán vũ khí cho Việt
Nam” - ông Storey nói.
Một
hệ thống vũ khí tên lửa đất đối không tầm trung được trưng bày trong Triển lãm
Hàng không và Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc lần thứ 12 tại thành phố Chu Hải, tỉnh
Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, vào ngày 6/11/2018. Ảnh AP
Xuất khẩu vũ khí của Ukraine
Đó sẽ là một
đòn giáng mạnh vào các nhà xuất khẩu của Nga cũng như đối với Việt Nam - quốc
gia có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông.
Tình hình ở
Ukraine cũng làm gián đoạn nguồn cung cấp vũ khí của Ukraine cho Hà Nội vốn có
tổng trị giá xuất khẩu là 200 triệu USD trong giai đoạn 2000-2021.
Ukraine là
một phần của các ngành công nghiệp quốc phòng của Liên Xô và sau đó là Nga ngay
cả sau khi tuyên bố độc lập. Ukraine đã là một nhà cung cấp chính máy bay và phụ
tùng, cũng như phương tiện quân sự và đạn dược.
Theo SIPRI ,
trong giai đoạn 2009-2014 cho đến khi Nga thôn tính Crimea, Ukraine nằm trong số
10 nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.
Trong năm
2012, nước này đã trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ tư trên thế giới. Kyiv
đã xuất khẩu tới 1,3 tỷ USD vũ khí thông thường trong năm đó. Công ty xuất khẩu
quốc doanh Ukrspecexport của Ukraine đã có hợp đồng với gần 80 quốc gia trên thế
giới.
Trong thời
kỳ hoàng kim, công ty này điều hành 100 nhà máy và xưởng sản xuất vũ khí và có
tới hàng chục nghìn công nhân.
Cùng với
Việt Nam, ở Đông Nam Á, Thái Lan và Myanmar cũng là những khách hàng lớn, lần
lượt đã chi 479 triệu USD và 111 triệu USD để mua vũ khí Ukraine trong giai đoạn
2000-2021.
Năm 2011,
Bangkok đã đặt hàng 49 xe tăng chiến đấu T-84 Oplot và 236 xe bọc thép BTR-3E từ
Ukraine. Tuy nhiên, việc giao hàng xe tăng Oplot bị trì hoãn do khủng hoảng
Crimea đã buộc Thái Lan phải mua xe tăng chiến đấu chủ lực VT-4 từ Trung Quốc.
Bangladesh,
Campuchia, Lào và Indonesia cũng mua vũ khí từ Ukraine tuy với số lượng ít hơn
nhiều.
Một sĩ
quan quân đội Bangladesh, Brig (Rtd) Sakhawat Hossain, nói với trang BenarNews
của RFA rằng không quân Bangladesh chủ yếu sử dụng trực thăng MI và máy bay
Antonov của Nga và Ukraine.
“Nhiều phụ
tùng của các loại trực thăng và máy bay này được sản xuất ở Ukraine. Việc nhập
khẩu các phụ tùng thay thế và khí tài quân sự như vậy giờ có thể sẽ bị dừng lại"
- sỹ quan này cho biết.
Ông Ishfaq
Ilahi Choudhury, một cựu sỹ quan không quân cao cấp của Bangladesh, nói rằng cuộc
chiến ở Ukraine sẽ không tạo ra bất kỳ vấn đề nào trong việc vận hành máy bay của
Bangladesh trong ngắn hạn.
“Nhưng về
lâu dài, chúng tôi có thể gặp rắc rối khi quân Nga tấn công nhà máy
Antonov" - ông này nhận định.
-------------------
Tin,
bài liên quan
Quân
đội Nhật Bản, Đài Loan trong tình trạng báo động khi đội tàu Trung Quốc tiến ra
Thái Bình Dương
Nga
hạn chế nhập cảnh công dân các nước “không thân thiện”, dỡ bỏ lệnh cấm bay đến/đi
từ 52 nước
Mỹ
cung cấp gói viện trợ an ninh cho Ukraine
Toà
Công lý Quốc tế buộc Nga ngừng lập tức chiến sự ở Ukraine
Anh đóng băng tài sản đối với tỷ phú Abramovich - ông chủ của CLB Chelsea
No comments:
Post a Comment