Mạc Văn Trang
18/05/2022
https://baotiengdan.com/2022/05/18/nghe-chuyen-quang-ninh/
Ra chơi TP
Hạ Long, đi qua Bãi Cháy, Hồng Gai, Uông Bí, Vân Đồn… thấy Quảng Ninh phát triển
ghê quá: Những con đường rộng thênh thang, những cây cầu, sân bay hiện đại, những
bãi biển mới, những khu phố mới với nhiều ngôi nhà kiểu cách cổ lẫn kim, tầng lớp
khá giả ăn chơi sành điệu…
Ngồi tâm
tình với một quan chức hưu trí ở đây, ông hay đọc Facbook của mình, nên thân
tình mới biết nhiều chuyện.
Mình nói
thật lòng:
– Mỗi lần
ra Hạ Long tôi lại thấy mới lạ hơn, rất vui mừng. Công nhận Quảng Ninh phát triển
nhanh thật đấy.
–
Bác bảo điều kiện thuận lợi như thế này không phát triển được thì còn làm gì?
Thứ nhất, cứ đào than nên mà bán
thôi; đào càng nhanh, bán càng nhiều, càng lắm tiền, vào nhà nước một phần, vào
túi các quan phần khá lớn. Nhiệm kỳ trước ra sức đào, nhiệm kỳ sau càng đào quyết
liệt hơn. Họ ủi hàng núi đất đá để khai thác than lộ thiên cho nhanh, cho nhiều,
kệ cha hậu quả, kệ bố thằng sau. Bác có nhìn thấy những giếng than sâu thăm thẳm
và những đất đá ủi chất cao như núi đó không? Sợ quá!
Thứ hai là, vận dụng lời Cụ Hồ:
“Đào núi và lấp biển, tiền lắm ắt càng hăng”! Bác thấy đấy, mấy hòn đảo trước
kia ở ngoài biển, nay thành núi non bộ trên cạn rồi. Đào núi san nền là có đất,
có tiền; lấp biển là thêm mặt bằng, thêm tiền. Ở đây không cần cướp đất của cá
nhân, nên ít dân oan kiện cáo; mà cướp đất núi, cướp mặt biển “thuộc sở hữu
toàn dân” do chính quyền quản lý thì còn sợ gì! Tất nhiên cũng có “phê duyệt
quy hoạch”, nhưng xin lấp lấn ra biển 500m mà nó ra 2.000m rồi phù phép cũng
xong tất.
– Đúng vậy,
hồi 1980 mình nghỉ ở Nhà nghỉ Công đoàn, Bãi Cháy, chỉ đi mấy chục mét, qua con
đường là ra bãi biển, nay chắc phải đi 2km mới đến biển!
– Chỗ nào
lấn được là nó cũng lấn. Cái quán ta đang ngồi đây, trước là biển đấy. Cả vùng
quanh đây trước là biển hết. Hồi mới lấp biển, đất nền ở đây chỉ hơn 10 triệu
1m2, nay hơn 200 triệu 1m2 rồi. “Cạp đất mà ăn” mới giàu nhanh được chứ!
Ba là, Quảng Ninh có hàng chục cửa khẩu
thông quan với Trung quốc, Chính ngạch, Tiểu ngạch, buôn lậu đủ các kiểu, cửa
ngõ thông thương như vậy sao không giàu. Anh em Hải quan có truyền nhau phương
châm “Ba lợi ích”, ăn chia từ dưới lên trên…
– “Ba lợi
ích” là thế nào?
– Ví dụ
đơn giản, chẳng hạn bắt được mẻ hàng lậu, đáng phạt nó 300 triệu thì phạt 200,
nộp nhà nước 100, anh em chia nhau 100. Thế là chia đều “ba lợi ích”. Dân bảo,
thế là “triệt để” nhưng mà nhân văn, “triệt” nhưng vẫn “để” thì dân mới sống được;
dân sống thì mới nuôi cán bộ được. Chứ mà “triệt” hết như thời bao cấp thì đói
nhăn răng cả lũ!
Bốn là, thu nhập từ du lịch. Vịnh Hạ Long là
Kỳ quan của thế giới, khách nào đến Việt Nam cũng ao ước đến du thuyền, ngắm
nghìn đảo giữa biển khơi như cảnh Thần tiên. Du lịch, chính quyền nó chưa quan
tâm, làm chưa tốt lắm nên nhiều khách đến một lần rồi không muốn đến nữa. Vướng
covid-19 đấy, chứ lượng khách bên kia biên giới đông lắm mà dễ tính. Chỉ bực
mình là nó tuyên truyền, giáo dục cho dân nó: Đây là đất thuộc về Trung Quốc,
nên nhiều đứa sang nghênh ngang, rất láo, dân ta khó chịu lắm.
– Cũng tại
mình không dám “phản tuyên truyền” đó. Có lần mình vào xem Bảo tàng Quảng Ninh
– một Bảo tàng xây dựng khá hiện đại- trong đó trưng bày đủ hết tội ác khai
thác than, đàn áp biểu tình, chiến tranh của thực dân Pháp; tội ác của Phát xít
Nhật gây ra nạn đói 1945; tội ác đế quốc Mỹ gây chiến tranh phá hoại, ném bom
miền Bắc. Nhưng không hề thấy một tội ác nào của Trung cộng xâm lược 1979 tàn
phá đất nước ta, giết hại dân ta dọc các tỉnh biên giới, mà Quảng Ninh cũng là
tỉnh bị đánh phá tàn khốc. Tôi hỏi mấy cô nhân viên Bảo tàng, tại sao không có
trưng bày tội ác của Trung cộng gây ra chiến tranh biên giới năm 1979? Mấy cô ấp
úng, cô thì bảo, nó nhạy cảm vì rất đông khách Trung quốc vào xem. Tôi hỏi, thế
người Pháp, người Nhật, người Mỹ cũng xem Bảo tàng, không sợ “nhạy cảm” à? Cô
khác đành bảo, trên chỉ đạo, chúng cháu chỉ chấp hành thôi ạ. Ừ, nhưng các cô
nói với “trên” là người dân thắc mắc thế đó.
– Bác bảo,
làm du lịch phải công phu, bền bỉ, học hỏi các mô hình tiến bộ rồi rèn cho dân
ta có ý thức, biết làm du lịch một cách có văn hoá, đem lại lợi ích thiết thực
cho người dân thì mới phát triển bền vững được. Những việc đó mất công lắm mà
quan chức ít thu lợi nhanh, nên họ tập trung vào cái gì chộp giựt ngay, nhanh,
nhiều trong nhiệm kỳ của mình là chủ yếu.
– Nhưng
tôi thấy Quảng Ninh xây dựng cầu, đường khá nhanh và hiện đại. Đi từ Hà Nội ra
Quảng Ninh cầu, đường rất đẹp, chạy xe ô tô có chừng 4 tiếng.
– Đó là thực
tế, ai cũng thấy và vui mừng. Nhưng bác phải biết, càng xây cầu to, đường lớn
thì quan chức càng kiếm được nhiều tiền, nên họ hăng hái, tích cực làm quên
mình luôn. Nếu không tham nhũng thì ít ra xây dựng được gấp đôi như hiện nay.
Nhưng khi thắt chặt kiểm tra và bỏ tù kẻ tham nhũng thì họ chả muốn làm gì. Bác
thấy đấy, bây giờ Chính phủ rồi Quốc hội thúc giục các tỉnh giải ngân mà họ có
muốn làm đâu, anh nào cũng sợ thành “củi” cho “lò” bác Trọng!
Cảm ơn anh
bạn, quen biết trên “phây” mà như thân thuộc, tin cậy nhau từ lâu. Nghe chuyện
mới “sáng ra” nhiều điều. Đúng là hỏi người “trong chăn” mới biết “các loại rận”
cỡ nào.
Đang viết
đến đây thì nghe tin ông Phạm Hồng Hà –
nguyên Chủ tịch UBND TP Hạ Long (Quảng Ninh) vừa bị bắt, điều tra về tội “Lợi dụng
chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Bài trên báo nhà nước VTC News
“Nguyên Chủ tịch UBND TP Hạ Long vừa bị bắt giàu cỡ nào?”
cho biết:
Ngoài 4
chiếc xe sang bị niêm phong, “Bên cạnh đó, theo nguồn tin từ một chủ doanh nghiệp
từng nhiều lần tới nhà nguyên Chủ tịch UBND TP Hạ Long, khu đất ông Hà ở có vị
trí đẹp, nằm trên đường bao biển Trần Quốc Nghiễn, giá đất thời điểm hiện tại
dao động 300 – 350 triệu đồng/m2; diện tích dao động từ 315 – 400m2.
“Chỉ tính
riêng đất, thời điểm này có thể lên tới 100 tỷ đồng. Giờ ở đó không có đất mà
mua vì không ai muốn bán. Ngôi nhà đó không dưới 70 tỷ khi hoàn thiện, được xây
dựng kiểu biệt thự, sử dụng nhiều hệ thống tự động”, chủ doanh nghiệp này nói.
Ngoài ra, căn nhà ông Hà ở gồm 4 tầng, nội thất được bày biện bằng những đồ
sang trọng, đắt giá. Loạt cây cảnh cũng thuộc dạng hiếm.”
Từ ông Hà
suy ra tầng lớp quan chức giàu cỡ nào; họ không chỉ cướp để giàu mà còn tàn phá
các nguồn lực của đất nước, đặc biệt là huỷ hoại đời sống đạo đức, văn hoá tinh
thần xã hội, kỷ cương phép nước.
Tiềm năng
đất nước lớn như vậy, mà ăn tàn phá hại, mới ti toe được một chút đã dương
dương tự đắc! Thảo nào chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan gọi Việt Nam là đất nước
“không chịu phát triển”!
No comments:
Post a Comment