Wednesday, May 25, 2022

MUA SẮM PHƯƠNG TIỆN QUỐC PHÒNG, BAO GIỜ . . . 'CHỌN CHÍNH NGHĨA'? (Trân Văn)

 



Mua sắm phương tiện quốc phòng, bao giờ... ‘chọn chính nghĩa’? (Bài 1)

Trân Văn

23/05/2022

https://www.voatiengviet.com/a/mua-s%E1%BA%AFm-ph%C6%B0%C6%A1ng-ti%E1%BB%87n-qu%E1%BB%91c-ph%C3%B2ng-bao-gi%E1%BB%9D-ch%E1%BB%8Dn-ch%C3%ADnh-ngh%C4%A9a-(b%C3%A0i-1)/6585310.html

 

https://gdb.voanews.com/2CD25826-801B-48F4-8F6E-BB2E726FFB6D_w650_r1_s.jpg

Việt Nam đã trở thành khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Nga trong năm 2009, với các hợp đồng mua sáu tàu ngầm Project 636 hạng Kilo trị giá tới 4 tỷ đôla cũng như tám máy bay chiến đấu Su-30 trị giá 400 triệu đôla.

 

Khả năng thu thập tin tức trong việc phòng – chống tội phạm nhằm bảo vệ, thực thi pháp luật của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam không bằng một nhà báo Israel hay vì lý do nào đó mà... không được phép bằng, hoặc tệ hơn, tự thấy... không nên bằng hay...  không muốn bằng Yossi Melman?

 

Có những yếu tố... “ngẫu nhiên” cho thấy việc phát lệnh “truy nã đặc biệt” bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Tiến bộ Quốc tế AIC (AIC Group) vì liên quan đến vụ án “vi phạm qui định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai (1) không đơn giản chỉ là như vậy.

 

Trụ sở AIC Group bị khám xét hôm 29/4/2022 cùng lúc với việc các viên chức hữu trách trong hệ thống bảo vệ, thực thi pháp luật tại Việt Nam loan báo đã ra lệnh bắt bà Nhàn. Chỉ hai ngày sau (1/5//2022), Haaretz (ấn bản tiếng Anh của một tờ báo tại Israel), giới thiệu bài viết của Yossi Melman, nhận định, bà Nhàn trở thành bị can mà các cơ quan bảo vệ, thực thi pháp luật tại Việt Nam muốn bắt giữ hoàn toàn không phải chỉ vì liên quan đến vụ án “vi phạm qui định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai mà thực ra là vì bà Nhàn giữ vai trò rất quan trọng trong các thương vụ mua bán trang bị, thiết bị quốc phòng giữa Việt Nam và Israel.

 

Theo Haaretz, những thương vụ vừa kể đã trở thành một phần của cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa các phe, nhóm trong đảng CSVN. Bà Nhàn bị... “nhắm bắn” vì thân cận với ông Phạm Minh Chính và ông Thủ tướng này thì đang đấu với cả Tổng Bí thư, Chủ tịch Nhà nước, Bộ trưởng Công an (2)...

 

Nếu thử phối kiểm để xác định mức độ khả tín của những thông tin từ Haaretz thì sẽ dễ dàng tìm ra chuyện: Chín ngày trước khi bà Nhàn được xác định là bị can và công an vây, khám trụ sở của AIC Group, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) của BCH TƯ đảng “đề nghị Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương chỉ đạo, kiểm tra một số tổ chức đảng trực thuộc Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Vạn Xuân, Bộ Quốc phòng nhiệm kỳ 2015-2020” vì “có liên quan đến những vi phạm, khuyết điểm trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện Quy chế làm việc, trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn doanh nghiệp và việc thực hiện nhiệm vụ được giao” (3).

 

Ở Việt Nam có nhiều doanh nghiệp mang tên Vạn Xuân nhưng không có doanh nghiệp nào giống... Tổng Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Vạn Xuân, Bộ Quốc phòng. Doanh nghiệp này có tên giao dịch là VAXUCO và theo giới thiệu của chính VAXUCO thì VAXUCO vốn là một đơn vị thuộc Cục Vật tư của Bộ Quốc phòng Việt Nam.

 

VAXUCO là đơn vị thay mặt Bộ Quốc phòng Việt Nam tìm kiếm thông tin, đối chiếu nhu cầu, tiếp cận đối tác, thương lượng để mua sắm trang bị, thiết bị, phương tiện quân sự cho quân đội Việt Nam. Năm 1994 - ba năm sau khi thành lập, VAXUCO tách ra khỏi Cục Vật tư, trở thành đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng.

 

Kể từ đó, VAXUCO “thâu tóm” nhiều đơn vị khác có cùng chức năng trong Bộ Quốc phòng (Công ty Xuân Mai – XUMACO - của Tổng cục Kỹ thuật, Công ty Vật tư và dịch vụ xuất nhập khẩu - GAET – của Tổng Cục Công nghiệp Quốc phòng, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội -MIPECORP,...)

 

Ngoài mua sắm và nhập cảng, VAXUCO còn là đơn vị tổ chức quản lý, bảo quản, phân phối sản phẩm phục vụ quốc phòng, hàng hóa dự trữ trong lĩnh vực quốc phòng, nguyên liệu – vật liệu cho sản xuất quốc phòng,... VAXUCO hiện có 21 đơn vị trực thuộc với 1.500 người và có cơ sở trên toàn Việt Nam cũng như ngoại quốc (4).

 

Phải phác họa như thế thì mới thấy, nhận định của UBKT của BCH TƯ đảng về “vi phạm, khuyết điểm” của “một số tổ chức đảng trực thuộc Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Vạn Xuân, Bộ Quốc phòng nhiệm kỳ 2015-2020” không hề đơn giản khi những “vi phạm, khuyết điểm” đó liên quan đến... “xây dựng, tổ chức thực hiện Quy chế làm việc, lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn doanh nghiệp và việc thực hiện nhiệm vụ được giao”. Tuy chưa thể xác định những nhận định trên Haaretz là chính xác song việc UBKT của BCH TƯ đột nhiên đề cập đến VAXUCO, mười ngày sau, đột nhiên bà Nhàn bị khởi tố rất đáng ngẫm nghĩ!

 

Ngay sau khi Bộ Công an loan báo đã ra lệnh bắt bà Nhàn (19/4/2022), Haaretz cho biết bà Nhàn đã rời Việt Nam và đang ở châu Âu (1/5/2022). Mười ngày sau (10/5/2022), Bộ Công an mới thừa nhận... “bà Nhàn đã bỏ trốn” do vậy mới công bố “lệnh truy nã đặc biệt”, khuyến khích tất cả công dân tìm bắt người phụ nữ này để giao cho công an!

 

Khả năng thu thập tin tức trong việc phòng – chống tội phạm nhằm bảo vệ, thực thi pháp luật của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam không bằng một nhà báo Israel hay vì lý do nào đó mà... không được phép bằng, hoặc tệ hơn, tự thấy... không nên bằng hay... không muốn bằng Yossi Melman?

 

Sở dĩ cần nêu những thắc mắc như thế bởi đã từng có những ý kiến cụ thể của những cá nhân cụ thể, những nguồn tin cụ thể với những số liệu cụ thể và những sự kiện cụ thể cho thấy việc mua sắm trang bị, thiết bị, phương tiện quân sự cho quân đội Việt Nam rất đáng ngờ và được che đậy bằng nhãn... “bí mật quốc phòng”!

(Còn tiếp)

 

.

Chú thích

 

(1) https://thanhnien.vn/truy-na-dac-biet-doanh-nhan-nguyen-thi-thanh-nhan-post1454320.html

 

(2) https://www.haaretz.com/israel-news/.premium.HIGHLIGHT-israel-vietnam-arms-deals-at-risk-after-arrest-warrant-against-key-middlewoman-1.10772845

 

(3) https://vov.vn/chinh-tri/uy-ban-kiem-tra-trung-uong-ky-luat-hang-loat-can-bo-post938643.vov

 

(4) http://vaxuco.vn/About/28/gioi-thieu-chung.html

 

                                                                  ***

Mua sắm phương tiện quốc phòng, bao giờ... ‘chọn chính nghĩa’? (Bài 2)

Trân Văn

24/05/2022

https://www.voatiengviet.com/a/mua-s%E1%BA%AFm-ph%C6%B0%C6%A1ng-ti%E1%BB%87n-qu%E1%BB%91c-ph%C3%B2ng-bao-gi%E1%BB%9D-ch%E1%BB%8Dn-ch%C3%ADnh-ngh%C4%A9a-(b%C3%A0i-2)/6585884.html

 

https://gdb.voanews.com/6BD74811-3C0B-4FDA-99A3-5383C535F150_w650_r1_s.png

Bộ Quốc phòng Việt Nam họp với tuỳ viên quân sự của các quốc gia ASEAN+ vào ngày 8/10/2020. Hình minh họa.

 

Sở dĩ các thương vụ mua bán vũ khí giữa Mỹ và Việt Nam thất bại vì các viên chức hữu trách trong lĩnh vực quốc phòng tại Việt Nam đòi “lại quả” 25% tổng giá trị hợp đồng. Bởi luật pháp Mỹ cấm “lại quả” nên các đối tác phía Mỹ phải từ chối đáp ứng.

 

Vai trò của VAXUCO (Tổng Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Vạn Xuân của Bộ Quốc phòng) trong mua sắm trang bị, thiết bị, phương tiện quân sự cho quân đội Việt Nam...

 

Thông báo nửa úp, nửa mở của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) thuộc Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng về những “vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy (BTV ĐU) VAXUCO và một số tổ chức đảng trực thuộc BTV ĐU này...

Việc khởi tố nhưng chỉ bắt... “bóng” bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc AIC Group...

 

Cũng như thông tin trên tờ Haaretz của Israel về chuyện đấu đá giành quyền lực ở thượng tầng, khiến bà Nhàn – người giữ vai trò quan trọng trong các thương vụ mua bán phương tiện quốc phòng giữa Việt Nam và Israel - bị... “truy nã đặc biệt”...

 

Như đã đề cập ở bài thứ nhất góp phần minh họa cho điều mà công chúng Việt Nam thắc mắc từ lâu: Tại sao việc dùng công quỹ để “hiện đại hóa quân đội” luôn luôn thiếu minh bạch? Giữ “bí mật quốc phòng” như thế có cần thiết không?

 

                                                                         ***

Trước nay ở Việt Nam, thông tin liên quan đến chi tiêu cho quốc phòng, mua sắm phương tiện quốc phòng luôn là “bí mật quốc gia”, tuy nhiên có thể khẳng định, loại “bí mật” này chỉ hiệu quả trong phạm vi... “quốc gia”!

 

Nếu sử dụng Google để tìm những thông tin liên quan đến chi tiêu quốc phòng của Việt Nam và các thương vụ mua bán phương tiện quốc phòng, riêng tiếng Anh đã có hàng ngàn trang web và vài chục ngàn tài liệu, bài viết với rất nhiều chi tiết về những chủ đề này. Ví dụ như trang web của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế đặt tại Stockholm, Thụy Điển (Stockholm International Peace Research Institute – SIPRI) (1). Ví dụ như Air University thuộc Bộ Chỉ huy Giáo dục và Đào tạo của Không lực Mỹ (2). Ví dụ như Export.GOV, một website của Cục Quản lý Thương mại Quốc tế của Bộ Thương mại Mỹ - ITA (3) hay trang web chính của ITA (4). Ví dụ như Defense Update một tạp chí online của Israel (5). Hay New Delhi Times của Ấn Độ (6)...

 

Những ví dụ vừa kể kèm đường dẫn bên dưới về một số tài liệu, bài viết cụ thể chỉ để minh họa một điều, trừ người Việt bị “che mắt, bịt tai”, thiên hạ, bao gồm cả đối tác lẫn... đối thủ đều biết khá tường tận về chi tiêu của Việt Nam cho quốc phòng, các dự tính về mua sắm phương tiện quốc phòng, những thương vụ cụ thể cũng như triển vọng mua bán phương tiện quốc phòng với Việt Nam,...

 

Cho dù chính quyền Việt Nam thường im lặng về chi tiêu cho quốc phòng cũng như cách phân bổ khoản chi này nhưng phân tích các số liệu không thường xuyên của Bộ Tài chính, thiên hạ ước đoán chi tiêu cho quốc phòng của Việt Nam đã tăng từ 4,9 tỉ Mỹ kim hồi 2017 lên hơn 6 tỉ Mỹ kim vào năm 2021, chiếm hơn 8% tổng chi tiêu của chính phủ. Chi tiêu cho quốc phòng của Việt Nam trong những năm gần đây chiếm hơn 2% GDP.

 

Đầu thập niên 2010, chính quyền Việt Nam dùng 93% ngân sách quốc phòng để mua phương tiên quân sự của Nga, 6% để mua phương tiện quân sự của Ukraine và 1% để mua phương tiện quân sự của Romania, Israel. Tỉ lệ vừa kể đã và đang thay đổi khi Việt Nam mở rộng tìm kiếm đối tác ở Úc, Brazil, Bulgaria, Canada, Pháp, Đức, Ấn Độ, Israel, Hà Lan, Ba Lan, Romania, Nga, Singapore, Nam Hàn, Tây Ban Nha, Ukraine, Anh, Mỹ.

 

Thiên hạ kể rất tường tận, chính quyền Việt Nam đã hoặc định mua những loại phương tiện quốc phòng gì, từ đâu (Chiến đấu cơ đa năng Eurofighter Typhoon. Chiến đấu cơ FA-50 của Hàn Quốc. Hỏa tiễn điều hướng, hỏa tiễn không đối khôngHeron 1 – phương tiện bay không người lái của Israel,...), bắt tay với nơi nào để nâng cấp phương tiện quốc phòng hoặc nhận chuyển giao công nghệ (Hợp tác với Hà Lan để nhận hỗ trợ thiết kế và sản xuất tàu chiến. Nhờ Ấn Độ giúp nâng cấp khinh hạm lớp Petya để có thể chống tàu ngầmnâng cấp phương tiện quốc phòng thời Liên Xô như: Hệ thống tầm nhiệt điều khiển hỏa lực cho T-54T-55, trực thăng M-17, MI-8. Hợp tác với Nga và Ukraine để sản xuất xe vận tải quân sự. Với Israel để sản xuất súng trường Galil ACE 31/32)...

 

Tuy cùng nhấn mạnh Việt Nam là một khách hàng lớn, có nhu cầu tiêu thụ cao đủ loại phương tiện quốc phòng nhưng những tài liệu, bài viết liên quan đến vấn đề này đều đề cập đến thiếu minh bạch trong các chương trình mua sắm và tình trạng tham nhũng được... “thể chế hóa”. Chất lượng cũng như giá cả không quan trọng bằng “mối quan hệ với Bộ Quốc phòng và các bộ phận khác trong cơ chế ra quyết định của Việt Nam”!

 

Năm 2017, dựa trên các nguồn khả tín từ Bộ Quốc phòng Mỹ, Shephard Media (cơ quan chuyên thu thập các thông tin liên quan đến tình báo và quốc phòng của Anh), cho biết, sở dĩ các thương vụ mua bán vũ khí giữa Mỹ và Việt Nam thất bại vì các viên chức hữu trách trong lĩnh vực quốc phòng tại Việt Nam đòi “lại quả” 25% tổng giá trị hợp đồng. Bởi luật pháp Mỹ cấm “lại quả” nên các đối tác phía Mỹ phải từ chối đáp ứng (7).

 

Không phải ngẫu nhiên mà thiên hạ kháo nhau rằng, việc tham gia vào những thương vụ mua bán phương tiện quốc phòng với Việt Nam “đầy thách thức và rủi ro liên quan đến tham nhũng - đặc biệt là đối với những phía giữa vai trò môi giới hay là trung gian trên thị trường này”, chưa kể những trở ngại do tình trạng thiếu dân chủ và vi phạm nhân quyền tại Việt Nam có thể khiến chính phủ một số quốc gia sẽ ngăn cản việc thực hiện những thương vụ ấy.

 

------------

Chú thích

 

(1) https://www.sipri.org/

 

(2) https://www.airuniversity.af.edu/JIPA/Display/Article/2870567/the-usvietnam-comprehensive-partnership-and-the-key-role-of-air-force-relations/

 

(3) https://www.export.gov/apex/article2?id=Vietnam-Defense-Sector

 

(4) https://www.trade.gov/country-commercial-guides/vietnam-defense-and-security-sector

 

(5) https://defense-update.com/20111001_vietnam-defense-market-opportunities-and-entry-strategies-2011-2016.html

 

(6) https://www.newdelhitimes.com/vietnam-emerges-as-a-big-military-equipment-market/

 

(7) https://www.shephardmedia.com/news/defence-notes/can-us-get-foot-vietnams-door/

 

 

                                                                   ***

Mua sắm phương tiện quốc phòng, bao giờ... ‘chọn chính nghĩa’? (bài 3)

Trân Văn

24/05/2022

https://www.voatiengviet.com/a/mua-s%E1%BA%AFm-ph%C6%B0%C6%A1ng-ti%E1%BB%87n-qu%E1%BB%91c-ph%C3%B2ng-bao-gi%E1%BB%9D-ch%E1%BB%8Dn-ch%C3%ADnh-ngh%C4%A9a-(b%C3%A0i-3)/6586993.html

 

https://gdb.voanews.com/031a0000-0aff-0242-b080-08da38e6311c_w650_r1_s.jpg

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Hình: screenshot từ thanhnien.vn)

 

Thế còn trong đối nội, trong những chuyện dường như có liên quan giữa Tổng Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Vạn Xuân, Bộ Quốc phòng (VAXUCO) và bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn nói riêng, những thương vụ mua sắm phương tiện quốc phòng nói chung, họ sẽ chọn thứ gì? Chọn “bên” hay chọn  “chính nghĩa”?

 

Ở phần hai, kẻ viết loạt bài này đã dẫn một số trong vô số tài liệu, bài viết liên quan đến chi tiêu của Việt Nam cho quốc phòng, cũng như những thông tin của thiên hạ về các thương vụ mua sắm phương tiện quốc phòng giữa Việt Nam và các công ty, tập đoàn sản xuất – kinh doanh phương tiện quốc phòng của nhiều quốc gia, hoặc kế hoạch mua sắm phương tiện quốc phòng của Việt Nam...

 

Những thông tin, tài liệu đó nhằm chứng minh, việc chính quyền Việt Nam đem “bí mật quốc gia” dán lên việc sử dụng công quỹ để mua sắm trang bị, thiết bị, vũ khí, phương tiện cho Bộ Quốc phòng, cũng như Bộ Công an (sẽ đề cập vào dịp khác) không phải để đối phó với ngoại nhân vì không thể, mà chỉ nhằm loại bỏ trách nhiệm giải trình, ngăn cản hoạt động giám sát, kiểm tra, điều tra...

 

                                                                          ***

Trên thực tế, chẳng riêng dân chúng mà một số viên chức hữu trách cũng cảm thấy không thể bỏ qua tình trạng lợi dụng “bí mật quốc gia” trong mua sắm trang bị, thiết bị, vũ khí, phương tiện quốc phòng, an ninh.

 

Tại kỳ họp của Quốc hội Việt Nam khóa 13 diễn ra hồi cuối năm 2013, ông Nguyễn Hòa Bình, lúc đó là Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, đã đề nghị kiểm soát việc mua sắm phương tiện phục vụ quốc phòng, an ninh dù những thông tin liên quan đến các thương vụ loại đó là “nhạy cảm” nhưng chi phí dùng cho việc mua sắm là tiền của dân thành ra phải kiểm soát để bảo đảm tiền bạc được sử dụng đúng mục đích.

 

Ở vị trí vừa là Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, vừa là Đại biểu Quốc hội, ông Bình đề nghị Quốc hội Việt Nam nên thành lập một hội đồng thẩm định nhu cầu và những hợp đồng mua sắm phương tiện – thiết bị cho quân đội, công an.

 

Ông Lê Việt Trường, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội khóa 13, không chỉ tán thành đề nghị của ông Bình mà còn yêu cầu phải thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch trong mua sắm thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh (1)…

 

Cần lưu ý, trước khi đảm nhận vai trò Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, ông Bình từng là Thiếu tướng, Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an. Ông Trường thì có tám năm làm việc liên tục tại Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội Việt Nam. Họ có lý do để đưa ra những đề nghị như vậy. Tuy nhiên, mua sắm phương tiện quốc phòng đã, đang và chưa rõ đến lúc nào mới không còn là… “bí mật quốc gia”.

 

                                                                             ***

Mua sắm phương tiện quốc phòng, an ninh vốn không đơn giản vì liên quan đến nhiều yếu tố như nhu cầu (cả hiện tại lẫn dự báo) – tính năng – tài chính – huấn luyện sử dụng - bảo trì – sửa chữa - nâng cấp...

 

Thiếu minh bạch và không giám sát chặt chẽ không đơn thuần chỉ là thiệt hại cho công quỹ. Vụ chiến đấu cơ loại SU-22U rơi ngày 26/7/2018 tại huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, khi đang thực hiện một phi vụ huấn luyện là ví dụ.

 

Lúc đó, một số nguồn thạo tin tại Việt Nam cho biết, chiến đấu cơ này nằm trong lô Su-22U cũ mà Việt Nam mua lại từ một số quốc gia ở Đông Âu, sau đó chuyển cho Ukraine “nâng cấp”, chuyển đổi mục đích sử dụng. Theo thiết kế Su-22U chỉ thực hiện các phi vụ trên đất liền, “nâng cấp” nhằm thực hiện các phi vụ trên biển (2). Tờ Sputnik cho biết, các công ty ở Ukraine tham gia “nâng cấp” lô Su-22U cho Việt Nam đều thuộc loại không đủ năng lực để thực hiện đơn đặt hàng (3).

 

Việt Nam cũng đã từng gửi một container chứa các đầu dẫn Vympel R 73E (một loại hỏa tiễn tầm ngắn thường gắn trên các chiến đấu cơ Su-27, Su-30 của Nga) sang Ukraine để “bảo dưỡng”. Khi container được vận chuyển đến Phần Lan thì bị Phần Lan tạm giữ do “không khai báo” và “không xin phép Bộ Quốc phòng Phần Lan”. Trong khi Phần Lan tuyên bố có thể sẽ tịch thu vì vi phạm luật pháp Phần Lan về xuất cảng “vật liệu quốc phòng” thì Việt Nam khẳng định, gửi “bảo dưỡng” là “bình thường” (4)...

 

Nhãn “bí mật quốc gia” vừa có thể giúp Bộ Quốc phòng tùy tiện định đoạt khoản tiền lên tới vài tỉ Mỹ kim/năm, vừa tạo điều kiện cho Bộ Quốc phòng phủi sạch trách nhiệm mỗi khi xảy ra những biến cố có dính líu đến các thương vụ mua sắm phương tiện quốc phòng. Tuy nhiên, do tính chất của các trang bị, thiết bị, vũ khí, phương tiện phục vụ quốc phòng, duy trì việc biến “bí mật quốc gia” thành khiên, che chắn cho các thương vụ mua sắm trong lĩnh vực quốc phòng sẽ tạo ra giá rất đắt không chỉ về tiền mà còn về nhân mạng và độc lập, chú quyền quốc gia khi xứ sở nguy biến. Những thông tin, hình ảnh và kết quả mà quân đội Nga gánh chịu trên chiến trường Ukraine chính là ví dụ.

 

                                                                              ***

Có lẽ các viên chức hữu trách ở Việt Nam sẽ còn tiếp tục lặp đi, lặp lại về chuyện trong đối ngoại sẽ “không chọn bên mà chọn chính nghĩa”. Thế còn trong đối nội, trong những chuyện dường như có liên quan giữa Tổng Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Vạn Xuân, Bộ Quốc phòng (VAXUCO) và bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn nói riêng, những thương vụ mua sắm phương tiện quốc phòng nói chung, họ sẽ chọn thứ gì? Chọn “bên” hay chọn “chính nghĩa”?

 

------------

Chú thích

 

(1) https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/de-nghi-quoc-hoi-kiem-soat-viec-mua-sam-tau-ngam-ten-lua-2912057.html

 

(2) http://soha.vn/cuong-kich-su-22-viet-nam-vua-gap-nan-co-the-la-chiec-tung-duoc-nang-cap-tai-ukraine-20180726153039584.htm

 

(3) https://www.voatiengviet.com/a/chien-dau-co-viet-nam-gap-nan-vi-nang-cap-kem-o-ukraine/4515464.html

 

(4) https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/nguoi-phat-ngon-bo-ngoai-giao-noi-ve-lo-hang-quan-su-bi-giu-o-phan-lan-20140724191743861.htm





No comments: