Friday, May 13, 2022

LÁ THƯ ĐOẠT GIẢI và THÔNG ĐIỆP BỊ HIỂU LẦM (Thái Hạo)

 



Lá thư đoạt giải và thông điệp bị hiểu lầm   

Thái Hạo

13/5/2022  08:56   

https://baotiengdan.com/2022/05/13/la-thu-doat-giai-va-thong-diep-bi-hieu-lam/

 

Em Nguyễn Bình Nguyên, lớp 9A1, THCS Nguyễn Tri Phương, Hà Nội, vừa giành giải nhất UPU với  bức thư gửi nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn. Tôi đọc bức thư ấy và thật sự thấy khâm phục em, dù trước nay tôi vốn có tâm lý hờ hững và không mấy thiện cảm với cuộc thi này ở VN.

 

Nhưng hình như không nhiều người hiểu điều Em muốn nói (?)! Họ thể hiện sự không hiểu ấy qua nhìn nhận, đại loại như sau: “Thông qua lời nhắn nhủ tới nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn, Bình Nguyên gửi gắm thông điệp: “Quyền lực mềm” có thể giúp mọi người thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường sống, âm nhạc sẽ làm dịu bầu không khí căng thẳng về khủng hoảng khí hậu” (báo vnexpress).

 

Không phải! Đó không phải là điều mà học sinh lớp 9 Nguyễn Bình Nguyên muốn nói. Hãy đọc lại lá thư của cậu ấy. “Ông vẫn nói: “Bạn cứ nghe tôi chơi nhạc, bạn sẽ hiểu tôi muốn nói gì!”. Cháu cảm biết được tấm lòng của ông với cuộc đời. Nên, cháu hy vọng, ông và nghệ thuật của ông – mang sức mạnh tạo nên thay đổi, cứu vãn thảm hoạ thiên nhiên và gió nhỏ đã tận mắt chứng kiến”. Xin hãy lưu ý, bạn ấy viết “ông VÀ âm nhạc của ông”, chứ không phải chỉ một vế. Lưu ý, cách nói này được lặp lại không chỉ một lần. Bạn ấy phân biệt Đặng Thái Sơn và âm nhạc của Đặng Thái Sơn, chứ không nhập làm một.

 

Hãy đọc Nguyễn Bình Nguyên viết: “Bạn cứ nghe tôi chơi nhạc, bạn sẽ hiểu tôi muốn nói gì!”. Hỡi nhạc sĩ tài ba! Cháu khẩn thiết ông lên tiếng kêu gọi con người cứu bầu khí quyển ốm yếu này!” Rồi cậu ấy lại lặp lại điều đó: “Ông ơi! Cháu có một thỉnh cầu, khi nốt nhạc cuối cùng ngưng lại, ông hãy lên tiếng rằng: “Tôi, và âm nhạc của tôi, xin góp một hành động chữa lành vết thương của Trái đất này!”

 

“Hãy lên tiếng”, đó là điều cậu ấy muốn (yêu cầu!). Ông cứ chơi nhạc đi, cứ đam mê đi, cứ cống hiến bằng âm nhạc của mình đi; nhưng khi “khi nốt nhạc cuối cùng ngưng lại, ông hãy lên tiếng”. Chàng trai ấy không đồng ý, không chấp nhận việc cho rằng chỉ âm nhạc là đủ, dù cậu đề cao sức mạnh của âm nhạc. Với cậu, người nghệ sĩ cần hành động bằng tiếng nói trực diện của mình với những vấn đề nóng hổi của cuộc sống. Nói theo ngôn ngữ của chúng ta, chàng trai ấy đang phê phán nghệ thuật tháp ngà; người nghệ sĩ không thể chỉ trú thân trong ngôi đền nghệ thuật của mình mà bưng tai bịt miệng trước những vấn nạn của xã hội.

 

Cũng chính với cái quan điểm ấy, cậu, bằng một cách nói khiêm nhu, ý nhị mà không kém phần “khó nghe” nhưng phải tinh ý mới nhận ra được, đã chỉ ra cho người nghệ sĩ thấy rằng “Nhưng hơn ai hết, ông – một nghệ sĩ chọn cho mình cuộc sống không biên giới, hiểu rằng nhìn từ một phía nào đó, mọi ranh giới đều không tồn tại phải không?” Không chỉ âm nhạc của ông là không ranh giới mà “trước khủng hoảng khí hậu, nếu con người không hành động, thảm hoạ diệt vong cũng sẽ không ranh giới?”. Nguyễn Bình Nguyên đòi hỏi trách nhiệm của một người có tầm ảnh hưởng, vì cậu hiểu rõ, âm nhạc thôi chưa đủ, nếu âm nhạc không biên giới thì cái ác cũng không biên giới, cái ác không nghe nhạc!

 

Là một học sinh lớp 9, Nguyễn Bình Nguyên khó mà viết thẳng thắn, gai góc trước một danh nhân; nhưng cậu đã nói được điều quan trọng nhất.

 

Tôi cho rằng, bức thư này đã chạm đến những vấn đề lớn của xã hội, đặc biệt là đối với nhân sinh quan của rất nhiều người trong giới có học, rằng họ – những nghệ sĩ, những nhà khoa học, những người của công chúng – không thể chỉ viện đến cái thế riêng của mình để tự miễn trừ trách nhiệm xã hội. Tiếc thay, điều này lại tìm được minh chứng hùng hồn là xã hội Việt Nam, nơi mà phần lớn đang lấy đời sống cá nhân làm cứu cánh và biện minh.

 

Khi một cánh rừng đang bị ngang nhiên tàn phá, ông không thể mang đàn ra đó ngồi chơi và chờ đợi mọi thứ sẽ dừng lại; khi núi bị đào, sông bị lập khiến lũ lụt trở thành quỷ dữ trên đầu người dân, anh không thể mang giá vẽ ra đó để họa một bức về tình yêu cuộc sống; trước những thiếu niên nhảy lầu, nhà thơ không thể đứng trong sa-lông mà ngâm thơ… Đó mới là điều mà Nguyễn Bình Nguyên muốn nói và muốn mọi người hiểu.

 

“Khi nốt nhạc cuối cùng ngưng lại, ông hãy lên tiếng”! Tiếc thay, tôi có cảm giác rằng chàng trai ấy cô đơn trong thế giới của người lớn, vì họ luôn có lý do để không muốn hiểu điều chàng nói.

 

Thái Hạo

 

Link bức thư ở cmt đầu, link hồi đáp Nguyễn Bình Nguyên của nghệ sĩ Đặng Thái Sơn ở cmt 2.

 

22 BÌNH LUẬN  

 

.

Tác giả

Thái Hạo

Bức thư: https://vnexpress.net/thu-gui-dang-thai-son-doat-giai…

VNEXPRESS.NET

Bức thư đoạt giải nhất của Bình Nguyên

Bức thư đoạt giải nhất của Bình Nguyên

.

Tác giả

Thái Hạo

Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn hồi đáp tác giả bức thư: https://tuoitre.vn/video-tam-tinh-rat-hay-cua-nghe-si…

TUOITRE.VN

Video tâm tình rất hay của nghệ sĩ Đặng Thái Sơn với học sinh đoạt giải nhất viết thư UPU

Video tâm tình rất hay của nghệ sĩ Đặng Thái Sơn với học sinh đoạt giải nhất viết thư UPU




 

No comments: