Friday, May 13, 2022

FOREIGN POLICY : VỚI QUAN HỆ MỸ - VIỆT HIỆN NAY, WASHINGTON 'ĐÃ' CHIẾN THẮNG (Người Việt Online)

 



Foreign Policy: Với quan hệ Mỹ-Việt hiện nay, Washington ‘đã’ chiến thắng

Người Việt Online

May 11, 2022

https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/voi-quan-he-bang-giao-my-viet-hien-nay-washington-da-chien-thang/

 

WASHINGTON, DC (NV) – “Đừng khiêu khích thành phần bảo thủ cứng rắn tại Hà Nội và Bắc Kinh. Cứ nhìn vào mối quan hệ ngoại giao Mỹ-Việt hiện tại, Washington đã chiến thắng,” lời nhận định của tạp chí Foreign Policy (Chính Sách Đối Ngoại) đưa ra trước chuyến đi Mỹ của ông Phạm Minh Chính, thủ tướng CSVN.

 

Nhận định trên được đưa ra trong bài viết “Vietnam Relations Are a Quiet US Victory Already,” của tác giả Brian Eyler, giám đốc Chương Trình Đông Nam Á của trung tâm Stimson Center.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/05/TS-chinh-vn-1.jpeg

Ông Phạm Minh Chính, thủ tướng CSVN, đến căn cứ Không Quân Andrews Air Force Base, Maryland, hôm 10 Tháng Năm để dự Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN-Mỹ. (Hình: VGP/Nhật Bắc)

 

Tác giả dựa vào các yếu tố như mối bang giao khả quan giữa hai quốc gia, và sự phát triển kinh tế Việt Nam cần gắn vào thị trường Mỹ.

 

Ông Chính, có mặt tại Mỹ từ ngày 11 đến ngày 17 Tháng Năm để tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN-Mỹ và gặp một số giới chức chính quyền, Liên Hiệp Quốc, và doanh nghiệp…

 

Một nhân vật lãnh đạo cao cấp của Việt Nam đến Mỹ không còn là một “chuyện lạ” giữa hai cựu thù nữa kể từ khi đôi bên lập lại quan hệ ngoại giao năm 1995.

 

Dù trong bối cảnh đang diễn ra cuộc chiến tranh xâm lăng Ukraine do Nga dấy lên, phơi bày sự khác biệt quan điểm giữa Washington và Hà Nội, các nhà quan sát tiên đoán rằng chuyến đi đầu tiên của ông Chính đến Mỹ sẽ không gặp khó khăn trong mối bang giao hai nước.

 

Bang giao Mỹ-Việt ngày thêm thân thiện

 

Kể từ giữa thập niên 1990, chính phủ Mỹ, dù là Cộng Hoà hay Dân Chủ, và chính phủ Việt Nam đều từng bước cải thiện mối quan hệ ngoại giao đôi bên.

 

Trong chuyến thăm Tòa Bạch Ốc vào năm 2015, ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN, khẳng định rằng hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh là bước đầu tiên để thiết lập mối quan hệ song phương, nhấn mạnh những thành công trước đây và đề ra những yêu cầu mới.

 

Việt Nam hiện là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ tại khu vực này, và Washington đã đầu tư hàng tỷ đô la để khắc phục hậu quả của chất độc màu da cam (Agent Orange) và hậu quả chiến tranh, trong tinh thần kiên trì và tin tưởng, cả hai phía đều chứng tỏ việc vẫn có thể hợp tác tốt đẹp bỏ qua quá khứ.

 

Quốc Hội Mỹ vẫn tiếp tục phê duyệt các khoản chi ngân sách hàng năm dùng cho việc giải quyết hậu quả và hỗ trợ nạn nhân của chất độc da cam.

 

Tiêu biểu là Thượng Nghị Sĩ Patrick Leahy (Dân Chủ-Vermont), người có đóng góp rất lớn trong việc giải quyết các vấn đề này.

 

Cuộc gặp gỡ giữa ông Leahy và Thủ Tướng Chính tại tòa nhà Quốc Hội Mỹ sẽ là một sự kiện quan trọng để nhắc nhở cả hai đảng tại Thượng Viện rằng cần giữ những cam kết giải quyết hậu quả chiến tranh mà Mỹ đã đồng ý.

 

Ngoài ra, Mỹ nên tăng cường các nỗ lực hỗ trợ trực tiếp cho nạn nhân của chất độc da cam và hợp tác tìm kiếm hài cốt của hàng trăm ngàn người Việt Nam và người Mỹ thiệt mạng trong chiến tranh. 

 

Đổi lại, Việt Nam có thể giúp Mỹ giải quyết các vấn đề ở các quốc gia láng giềng như Lào và Cambodia, xây dựng uy tín với các quốc gia hữu nghị với Việt Nam nhưng không mấy thân thiện với Mỹ.

 

Trước kết quả lạc quan như thế, các giới chức Mỹ, trong đó có ông Marc Knapper, đương kim đại sứ Mỹ tại Việt Nam, bày tỏ mong muốn đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia lên tầm “đối tác chiến lược,” từ vị thế “đối tác toàn diện” hiện nay.

 

Việc nâng cấp quan hệ lên thành “đối tác chiến lược” sẽ tăng cường các phương tiện được dùng cho các hoạt động ngoại giao, đặc biệt là những hoạt động liên quan đến quốc phòng, bao gồm mua bán trang thiết bị quân sự cho Việt Nam, sau khi lệnh cấm được dỡ bỏ vào năm 2016. 

 

Hành động nâng cấp quan hệ này có thể và chỉ nên được thực hiện khi thời cơ thuận lợi, và những nỗ lực hợp tác về mặt an ninh hàng hải và nhận thức về chủ quyền lãnh hải, một chủ đề “nóng” hiện nay tại khu vực Biển Đông, chứng minh rằng cả Mỹ và Việt Nam đều sẽ được lợi từ mối quan hệ chiến lược.

 

Tuy nhiên, nếu quá cố gắng thúc đẩy mối quan hệ trong lần ông Chính đến Mỹ kỳ này rất dễ tạo ra kết quả trái với mong muốn.

 

Đừng tạo cơ hội cho phe thủ cựu và thân Bắc Kinh tại Việt Nam ngáng đường

 

Những thành phần theo đường lối cứng rắn thủ cựu tại Hà Nội luôn có ám ảnh đưa ra lập luận lo ngại Mỹ đang lợi dụng Việt Nam để gia tăng sự hiện diện ở khu vực Đông Nam Á.

Nhóm bảo thủ này đinh ninh rằng, trong suốt gần 30 năm qua, mục tiêu của Mỹ tại Việt Nam là kích động diễn biến hòa bình để làm suy yếu vai trò của đảng Cộng Sản ở quốc gia này. 

 

Chưa hết, phe ủng hộ lợi ích chiến lược của Trung Quốc cũng phản đối việc nâng cấp quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ, cho rằng làm như thế là rơi vào “bẫy” chiến lược be bờ của Washington.

 

Nếu các phe phái này cùng hợp lực, mọi bước tiến trong mối quan hệ Việt-Mỹ sẽ bị trì hoãn.

Bằng cách chú trọng vào bản chất hơn là hình thức, Tổng Thống Joe Biden và Thủ Tướng Phạm Minh Chính có thể xác định một số lĩnh vực mà cả hai quốc gia có thể hợp tác với nhau để hướng đến lợi ích chung.

 

Đây cũng là cơ hội để Mỹ và Việt Nam giải quyết những mâu thuẫn gần đây, trong đó bao gồm quan điểm về chiến tranh Nga-Ukraine, đồng thời chứng minh rằng quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia ổn định đến mức việc bất đồng quan điểm cũng không ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng hợp tác cùng phát triển.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/05/TS-chinh-vn-2-600x400.jpeg

Ông Phạm Minh Chính gặp bà Gina Raimondo, bộ trưởng Bộ Thương Mại Mỹ, hôm 11 Tháng Năm tại Washington DC. (Hình: VGP/Nhật Bắc)

 

Việt Nam cần Mỹ để phát triển kinh tế

 

Nền kinh tế Việt Nam đang kỹ nghệ hóa với tốc độ nhanh chóng, và trong một hoặc hai thập niên tới, nước này sẽ giống như Nam Hàn, góp phần vào chuỗi cung ứng hàng hoá trong nền kinh tế thế giới, đặc biệt là Mỹ.

 

Việt Nam không thể quay lại co cụm trong quan điểm thủ cựu mà bỏ mặc tương lai với viễn ảnh các doanh nghiệp Việt Nam có thể trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng vào thị trường Mỹ. 

 

Khi xét đến tình hình chính trị hiện nay tại Mỹ, có thể một thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam không phải là một nước đi thiết thực, nhưng khi phái đoàn của hai quốc gia gặp mặt tại Washington DC lần này, đôi bên có thể cùng hướng đến một số lợi ích chung thông qua Hiệp Định Khung Về Thương Mại và Đầu Tư (TIFA), đồng thời bàn luận về tiềm năng của khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) mà Mỹ đưa ra, đặc biệt là tiềm năng về chuỗi cung ứng và trở thành đối tác kỹ thuật số.

 

Trước quyết định của cả thế giới theo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế không khí thải, Việt Nam cần hợp tác với Mỹ để hoà nhập với sự tiến hoá toàn cầu.

 

Tại Hội Nghị Liên Hợp Quốc Về Biến Đổi Khí Hậu ở Scotland hồi năm 2021, ông Chính cam kết Việt Nam sẽ giảm khí thải carbon bằng cách ngừng xây thêm nhà máy than mới và chuyển sang sử dụng năng lượng sạch.

 

Việt Nam khó có thể đạt được những mục tiêu này nếu không cải cách nội bộ và cho phép các nguồn vốn ngoại quốc đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho các nguồn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, gió, và khí thiên nhiên hóa lỏng. 

 

Việc xây dựng năng lực để hướng đến các bước cải cách đầu tư được Phòng Thương Mại Mỹ (CC) và Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế Mỹ (AID) ủng hộ có thể tạo điều kiện để Washington đầu tư vào một tương lai không có khí thải carbon.

 

Do đó, quyết định tăng cường hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu trên có thể sẽ mang lại lợi ích gián tiếp cho hai quốc gia này, giúp củng cố mối đoàn kết và vai trò dẫn đầu khu vực của Việt Nam.

 

Tránh căng thẳng trước mắt, đầu tư vào tương lai

 

Tập trung phát triển các lĩnh vực mà hai quốc gia có cùng quan điểm và lợi ích chung, như thương mại, đầu tư, giải quyết hậu quả chiến tranh, và môi trường, sẽ nâng cao và mở rộng mối quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ hướng đến mục tiêu trở thành đối tác chiến lược.

Nếu thành công, chiến lược này cũng giúp củng cố nền kinh tế và lợi ích địa chính trị cho cả Việt Nam và Mỹ. 

 

Nhưng hiện tại, Mỹ nên tránh gây ra căng thẳng không cần thiết và kiên nhẫn chờ đợi thời điểm phù hợp để nâng cấp quan hệ ngoại giao. (MPL) [đ.d.]





No comments: