“Fan” thể thao: Từ thiểu số lập dị đến cộng đồng
tưởng tượng
Y CHAN - Luật
Khoa
24/05/2022
https://www.luatkhoa.org/2022/05/fan-the-thao-tu-thieu-so-lap-di-den-cong-dong-tuong-tuong/
Khi danh tính cá nhân và cộng đồng được xây dựng qua sự hâm mộ.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/05/F-1024x536.jpg
Bìa sách: The University of Chicago
Press. Ảnh nền: toquoc.vn
Không ai
biết chính xác từ “fan” được du nhập vào tiếng Việt từ bao giờ, và có lẽ chẳng
mấy người bận tâm.
Một cách rất
tự nhiên, ai ở Việt Nam cũng có thể trở thành fan, và trong nhiều trường hợp –
nhất là khi xuất hiện các thành tích thể thao đáng chú ý – ai cũng muốn được gọi
là fan.
Ít người
biết rằng, khi mới xuất hiện, “fan” là một từ có ý miệt thị, và những ai bị gọi
là “fan” thường bị người khác tránh như tránh tà. Nhưng rất nhanh sau đó, fan
trở thành một phần tất yếu của văn hóa đại chúng, thậm chí là công cụ giúp tạo
dựng và củng cố danh tính của cá nhân lẫn của cả một cộng đồng.
Quyển sách
“The I in Team: Sports Fandom and the Reproduction of Identity”
là câu chuyện thú vị về quá trình hình thành và vai trò của “fan/ fandom” trong
xã hội hiện đại. [1] Tác giả của nó là Erin Tarver, phó giáo sư chuyên ngành
triết học tại trường Oxford College thuộc Đại học Emory, Hoa Kỳ.
Những kẻ lập dị điên khùng
Theo nhiều
tài liệu, từ “fan” xuất hiện lần đầu vào cuối thế kỷ 19 tại vùng Trung Tây
(Midwest) nước Mỹ.
Chuyện kể
rằng, một ngày đẹp trời, một người đàn ông đến gặp huấn luyện viên của đội bóng
chày địa phương tại St. Louis. Người này có thể kể vanh vách tên và thành tích
của tất cả các vận động viên bóng chày xuất sắc trong cả nước. Trước mặt các
thành viên khác của đội bóng, ông liên tục chất vấn huấn luyện viên, đưa ra ý
kiến chỉ đạo về mọi thứ liên quan tới bóng chày.
Sau khi
ông ta bị đuổi ra ngoài, huấn luyện viên quay qua hỏi những người khác: Ta gọi
kẻ ngớ ngẩn này là gì bây giờ?
Một người
trả lời: Tay đó bị khùng (He is a fanatic).
Huấn luyện
viên: Vậy tôi sẽ gọi ngắn gọn đó là thằng fan.
Từ đó về
sau, mỗi khi người này loanh quanh khu vực của đội bóng, các thành viên lại bảo
nhau: “Thằng khùng” (the fan) xuất hiện kìa.
“Fan”
vì vậy được cho là bắt nguồn từ chữ “fanatic”.
Theo từ điển
từ nguyên Etymology, vào đầu thế kỷ 16, “fanatic”
mang nghĩa chỉ một người điên (insane person). [2] Từ điển Oxford ghi nhận “fanatic” dùng để mô tả hành vi bị quỷ ám, từ đó có nghĩa một
kẻ điên loạn với niềm tin tôn giáo của mình (a religious maniac). [3] Ngày nay,
“fanatic” được dịch phổ biến là “cuồng tín”.
Ban đầu, từ
“fan” được dùng để chỉ những người “không bình thường”, thể hiện sự nhiệt tình
quá mức đối với các trận đấu (bóng chày).
Tuy nhiên,
sang thế kỷ thứ 20, “fan” mất đi ý nghĩa đáng sợ của nó, và nhanh chóng trở
thành một từ được dùng phổ biến. Ngày nay, phần lớn người Mỹ đều nhận mình là
fan – hoặc của một câu lạc bộ, đội tuyển, hay một môn thể thao nào đó.
Fan trở
thành một thứ “tự định danh” (self-identifier).
Cộng đồng đặc quyền (của các quý ông)
Các fan và
“fandom” (những nhóm người hâm mộ) đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng,
duy trì và củng cố danh tính của một cá nhân và đồng thời là của cộng đồng nơi
cá nhân đó sinh sống hoặc gắn bó.
Điều này đặc
biệt quan trọng, theo tác giả, khi các hội nhóm truyền thống xưa kia, như tôn
giáo, ngày càng mất đi sức ảnh hưởng thống trị.
Những cộng
đồng fan được hình thành với các liên kết vô hình, nhưng mạnh mẽ, giữa các
thành viên.
Những người
tham gia các cộng đồng này không chỉ chia sẻ chung mối quan tâm (care) với một
câu lạc bộ/ đội tuyển/ vận động viên, mà còn chia sẻ các thực hành (practice) để
chứng minh nó.
Erin
Tarver chỉ ra ba nhóm thực hành nổi bật: thu thập kiến thức (knowledge
acquisition), tham gia vào các hoạt động tập thể (demonstration/ performance)
và tham gia vào các cuộc thảo luận (fan discourse).
Trong đó,
thu thập kiến thức là một thực hành đáng chú ý.
Tác giả
đưa ra ví dụ về sự sùng bái kiến thức của các fan thể thao. Fan thể thao thường
được biết đến là những người ngấu nghiến tìm hiểu và ghi nhớ mọi tin tức, bao gồm
cả những thông tin vô thưởng vô phạt, về câu lạc bộ/ đội tuyển mà họ quan tâm.
Việc thu thập kiến thức này không chỉ thỏa mãn đam mê của họ, mà còn được xem
là chỉ dấu xác định “fan chân chính” và “fan nửa mùa”.
Nó là rào
cản nhập môn được đặt ra cho ai muốn nhận mình là fan của một nhóm nào đó.
Không phải
ngẫu nhiên mà trong các cộng đồng fan thể thao, phụ nữ là đối tượng bị chất vấn
và yêu cầu phải bước qua rào cản này nhiều nhất.
Theo tác
giả, thể thao – phần lớn là các hoạt động ganh đua thể chất – vốn dĩ ngay từ đầu
đã thể hiện và là biểu trưng cho nam tính (masculinity). Nhưng chỉ một số ít
nam giới có đủ năng lực và điều kiện để tham gia thi đấu thể thao, bất kể là
chuyên nghiệp hay nghiệp dư. Chất nam tính của thể thao, vì vậy, không được
chia đều cho tất cả đàn ông.
Cho đến
khi khái niệm và danh tính “fan” xuất hiện.
Các fan,
thông qua những thực hành của mình, chia sẻ – ít nhất là trong suy nghĩ của họ
– chung danh tính lẫn số phận với câu lạc bộ, đội tuyển hay vận động viên mà họ
ủng hộ.
Việc trở
thành fan đem lại cảm giác khoan khoái, giận dữ, hồi hộp, thất vọng, vui sướng,
tự hào, v.v. không khác gì trực tiếp thi đấu.
Với những
môn thể thao thể hiện sức mạnh nam tính theo suy nghĩ truyền thống, cộng đồng
fan cũng “hưởng ké” chất nam tính đó.
Tác giả
cho rằng đó là lý do rất nhiều fan thể thao hay xem thường và luôn chất vấn hiểu
biết của những fan nữ, có thiên kiến rằng các fan nữ không xứng đáng, hoặc
không được phép đứng ngang hàng với nam trong cộng đồng fan.
Thành kiến
đặc quyền đó cũng tồn tại ở Việt Nam. Bài hát cổ động bóng đá gần đây của Đen Vâu là một
minh họa sinh động cho nó. [4]
Anh hùng hay linh vật
Đối với
các cộng đồng fan của những vận động viên, tác giả Erin Tarver đặt ra một vấn đề
thú vị: trong mắt các fan hâm mộ, một cá nhân là người hùng (hero) hay linh vật
(mascot)?
Sự khác biệt
ở chỗ người hùng được xem là đại diện cho các đặc tính tốt đẹp nhất của cộng đồng,
không chỉ qua các thành tích thi đấu mà còn ở nhân cách và thực hành sống của họ.
Linh vật,
trong khi đó, chỉ là công cụ để thỏa mãn nhu cầu của fan. Các fan chỉ quan tâm
cá nhân – linh vật khi họ đem lại chiến thắng, hoặc linh vật đó không làm gì phật
lòng họ. Còn khi làm trái ý fan hoặc không may thất bại, linh vật dễ dàng bị vứt
vỏ, thậm chí trở thành dê tế thần.
Tác giả đặt
ra câu hỏi trong bối cảnh xem xét vấn đề phân biệt chủng tộc ở Mỹ. Với người Việt
Nam, câu chuyện chủng tộc có lẽ chưa nhức nhối bằng (hay ít nhất chưa được thể
hiện ra rõ ràng). Tuy nhiên, câu hỏi này vẫn đáng được người Việt suy ngẫm.
Cách thức
nhà nước, truyền thông và dư luận “anh hùng hóa” tất cả những vận động viên thể
thao đạt thành tích mang khá nhiều màu sắc của linh vật. Các người hùng này biến
mất, thậm chí là bị vùi dập không thương tiếc ngay khi không còn khả năng đạt
thành tích cao.
Tác giả
liên hệ những cộng đồng fan thể thao với các “cộng đồng tưởng tượng” (imagined
communities), một khái niệm được Benedict Anderson dùng để nói về chủ nghĩa dân
tộc (nationalism) trong quyển sách nổi tiếng cùng tên.
Có thể
nói, không đâu mà tính chất tưởng tượng và tạm bợ của cộng đồng fan lại rõ ràng
hơn qua việc “anh hùng hóa các linh vật”.
Tuy vậy,
điều đó không có nghĩa là mọi cộng đồng fan đều hời hợt và dễ rã. Tác giả cũng
như nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra sự tương đồng giữa các cộng đồng fan thể thao
và những cộng đồng tôn giáo, từ trải nghiệm sung sướng/ đau khổ tột cùng, các
thực hành củng cố niềm tin cho đến sự trung thành vốn chỉ dành cho những thành
viên gia đình.
Không phải
ngẫu nhiên mà người ta dùng từ “tín đồ” để chỉ những người hâm mộ thể thao.
Bạn có
thể mua quyển “The I in Team: Sports Fandom and the Reproduction of
Identity” bản tiếng Anh qua Amazon. Luật Khoa được hưởng chiết khấu
nếu bạn mua sách từ link của Amazon theo chương trình Amazon
Associates.
Bài viết
nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng
tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban
biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.
Ghi
chú: Bài viết
được cập nhật vào lúc 12:40pm ngày 25/5/2022, theo giờ Việt Nam, thêm vào một
đoạn giải thích các nghĩa ban đầu của từ “fanatic” và nghĩa thông dụng ngày
nay.
Chú
thích
1. The
I in Team: Sports Fandom and the Reproduction of Identity: Tarver, Erin C.:
9780226470139: Books: Amazon.com. (2017). Amazon.
2. fanatic
| Search Online Etymology Dictionary. (2022). Online Etymology
Dictionary.
https://www.etymonline.com/search?q=fanatic
3. fanatic_2
noun – Definition, pictures, pronunciation and usage notes | Oxford Advanced
Learner’s Dictionary at OxfordLearnersDictionaries.com. (2022). Oxford
Advanced Learner’s Dictionary.
https://www.oxfordlearnersdictionaries.com/definition/english/fanatic_2
4.
Thảo P. (2022, May 12). Lời bài hát “Đi trong mùa hè” của Đen Vâu
vì sao gây tranh cãi? Báo giao thông.
No comments:
Post a Comment