Đông Á và chiến tranh ở Ukraine
Hiếu Chân/Người Việt
March 5,
2022
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/dong-a-va-chien-tranh-o-ukraine/
Cuộc chiến
tranh xâm lược của Nga ở Ukraine và phản ứng mạnh mẽ của thế giới sẽ có tác động
như thế nào tới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nói chung, tới các nước nhỏ cận
kề cường quốc Trung Quốc như Đài Loan, Việt Nam, Philippines nói riêng?
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/03/A1-Dong-A-chien-tranh-Ukraine-1068x712.jpg
Hôm Thứ Năm, 3 Tháng Ba, Nam Hàn công bố siết
chặt xuất cảng hàng hóa sang Nga, tham gia cắt kết nối của các ngân hàng Nga với
mạng SWIFT. Trong hình, người dân Nam Hàn thắp nến cầu nguyện cho Ukraine hôm 4
Tháng Ba tại thủ đô Seoul, gần Đại Sứ Quán Nga, trong cuộc mít tinh phản đối việc
Nga tấn công Ukraine. (Hình minh họa: Chung Sung-Jun/Getty Images)
Phản đối Nga để dằn
mặt Trung Quốc?
Trong phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ của phương Tây chống lại cuộc phiêu
lưu quân sự tàn ác và sai lầm của ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, đáng chú
ý có rất nhiều biện pháp trừng phạt mạnh từ các nước Châu Á. Nhật Bản, Nam Hàn,
Đài Loan, Singapore đã hưởng ứng nhanh chóng các biện pháp cấm vận kinh tế của
Hoa Kỳ và Châu Âu, không chỉ nhằm giáng một đòn sinh tử vào chính thể độc tài của
Vladimir Putin mà còn gửi một tín hiệu cảnh báo tới ông Tập Cận Bình, “hoàng đế”
xứ Trung Hoa – kẻ cũng đang có mưu đồ bành trướng lãnh thổ.
Các giới chức cao cấp và giới phân tích chính trị đều nhận định rằng một
số quốc gia Đông Á tham gia cùng Hoa Kỳ và phương Tây áp đặt những biện pháp cấm
vận tài chính quan trọng lên chính phủ Nga là một bước đi chưa có tiền lệ, khác
thường, được thôi thúc vì lòng căm giận cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở
Ukraine, và bởi mối lo lắng về sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc trong
khu vực.
Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ ba thế giới – là nước không mấy mặn mòi
với cấm vận kinh tế kiểu Hoa Kỳ. Nhưng trong vài ngày qua, khi Tokyo thông báo
những biện pháp cấm vận Nga, thì Nhật đồng thời muốn nhắn nhủ rằng Bắc Kinh nên
rút ra bài học đúng đắn từ việc Nga xâm lăng một nước láng giềng nhỏ bé hơn nếu
không muốn trả cái giá vô cùng lớn mà Moscow đang hứng chịu.
Nhật không chỉ đóng băng hàng chục tỷ đô la dự trữ ngoại tệ mà Moscow gửi
trong ngân hàng trung ương Nhật Bản mà còn tham gia cùng các nước Nhóm G7 và
Châu Âu cắt đứt mối liên kết của các ngân hàng Nga với hệ thống thông tin thanh
toán liên ngân hàng SWIFT, phong tỏa tài sản các quan chức và giới chính trị
chóp bu của Nga và cả Belarus. “Chúng tôi muốn chứng tỏ điều gì sẽ xảy ra khi một
quốc gia xâm lăng một quốc gia khác,” một giới chức Nhật Bản ẩn danh nói với
trang The Washington Post.
Một số nước Đông Á làm theo phản ứng của Nhật Bản. Hôm Thứ Năm, 3 Tháng
Ba, Nam Hàn công bố siết chặt xuất cảng hàng hóa sang Nga, tham gia cắt kết nối
của các ngân hàng Nga với mạng SWIFT. Singapore, một đảo quốc có truyền thống
né tránh cuộc xung đột giữa các cường quốc, cũng đã tuyên bố có biện pháp kiểm
soát chặt các mặt hàng xuất cảng sang Nga có tiềm năng được dùng làm vũ khí chống
lại người dân Ukraine, đóng cửa các ngân hàng Nga và phong tỏa các giao dịch
tài chính với đất nước của Putin.
Đài Loan – được coi như một trường hợp tương tự với Ukraine trong âm mưu
xâm chiếm của Trung Quốc – cho biết các công ty sản xuất linh kiện bán dẫn hàng
đầu thế giới của kình sẽ ngừng xuất cảng sang Nga và Đài Loan sẽ cùng các nước
phương Tây loại các ngân hàng Nga ra khỏi mạng lưới SWIFT.
Bằng cách hiệp đồng tác chiến với Hoa Kỳ và Châu Âu để chống lại Nga,
các nước Đông Á nói trên đã chọn lựa đứng về phe dân chủ chống độc tài, bảo vệ
hệ giá trị dân chủ, luật pháp quốc tế và trật tự thế giới hiện tồn thay vì chọn
lợi ích riêng của đất nước mình trong cuộc tranh đua giữa các cường quốc.
Nhật Bản và các nước nhỏ như Nam Hàn, Đài Loan, Singapore cho rằng điều
tối quan trọng là phải bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ chống lại
hành vi của các nước lớn muốn chiếm đóng, sáp nhập các nước nhỏ bằng cách sử dụng
sức mạnh quân sự. Đại sứ quán Singapore tại Washington ra thông cáo khẳng định,
tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia “là điều cốt tử với những nước
nhỏ như Singapore.”
Không phải ngẫu nhiên mà trong lúc bom rơi đạn nổ ở Châu Âu, Đài Loan lại
nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Hoa Kỳ và các nước trong khu vực. Ai cũng nghĩ
nếu ông Putin thành công ở Ukraine thì ông Tập Cận Bình sẽ mạnh tay thôn tính
Đài Loan.
Hôm 2 Tháng Ba, một phái đoàn cựu tướng lĩnh quân đội và giới chức an
ninh cao cấp của Hoa Kỳ đã có chuyến viếng thăm chính thức tới Đài Loan theo ủy
nhiệm của Tổng Thống Joe Biden. Phái đoàn do ông Mike Mullen, cựu chủ tịch Hội
Đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ, dẫn đầu và đã có cuộc hội đàm với Tổng
Thống Thái Anh Văn (Tsai Ing Wen) của đảo quốc với mục đích “trấn an” chính quyền
và người dân Đài Loan. “Tôi hy vọng có mặt ở đây với các bạn chúng tôi có thể
tái cam đoan với các bạn và người dân Đài Loan, cũng như các đồng minh và đối
tác của chúng ta trong khu vực, rằng Hoa Kỳ vẫn đứng vững sau những cam kết của
mình,” ông Mullen nói tại Đài Bắc.
Mạnh mẽ nhất có lẽ là tuyên bố của ông Fumio Kishida, thủ tướng Nhật,
sau cuộc họp trực tuyến các nhà lãnh đạo Nhóm Bộ Tứ (QUAD, gồm Hoa Kỳ, Nhật, Ấn
Độ và Úc): “Chúng tôi đã đồng thuận rằng không cho phép có động thái đơn phương
thay đổi hiện trạng bằng vũ lực kiểu này ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình
Dương.” Ông Kishida đề cập đến cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, tuy không nhắc
đến Trung Quốc nhưng hàm ý của ông Kishida khá rõ.
Những hành động như vậy của Hoa Kỳ và các đồng minh Châu Á chưa chắc đã
có thể ngăn cản ý đồ dùng vũ lực thâu tóm Đài Loan hoặc xâm chiếm các vùng đất
khác, gây bất ổn ở khu vực Đông Á nhưng có thể buộc ông Tập Cận Bình phải suy
nghĩ kỹ hơn trước khi phát động chiến tranh như kiểu ông Putin đang làm ở
Ukraine.
Đông Nam Á đang
khích lệ Bắc Kinh?
Tuy vậy, Trung Quốc cũng nhận được những tín hiệu khác từ các nước Đông
Nam Á. Cho đến nay, đa số các nước trong Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á
(ASEAN) – trừ Singapore và Indonesia – đều bày tỏ một lập trường tương tự với lập
trường của Bắc Kinh: không lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Nga, thậm chí
không gọi đó là “cuộc xâm lược” và không tham gia các biện pháp cấm vận kinh tế
chống Moscow. ASEAN coi việc “đứng ngoài” cuộc đụng độ ở Châu Âu là thái độ phù
hợp với chính sách “trung lập,” “không liên kết” của tổ chức này.
Tiêu biểu cho thái độ ba phải đó là lập trường của Việt Nam. Nhà cầm
quyền CSVN, qua phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng, qua trưởng phái
đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc Đặng Hoàng Giang, cứ nhắc đi nhắc lại một điệp
khúc cũ mòn “hết sức quan ngại” rằng: “Quan điểm của chúng tôi là Việt Nam luôn
theo dõi sát sao và hết sức quan ngại về tình hình Ukraine,” “Chúng tôi cho rằng,
ưu tiên hiện nay là cần kiềm chế tối đa, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực
để tránh gây thương vong và tổn thất đối với dân thường, nối lại đàm phán đối
thoại trên tất cả các kênh để đạt được các giải pháp lâu dài có tính đến lợi
ích chính đáng của tất cả các bên trên cơ sở phù hợp với Hiến Chương Liên Hiệp
Quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”…
Nói như vậy nhưng tại cuộc bỏ phiếu thông qua một nghị quyết của Đại Hội
Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 2 Tháng Ba lên án hành vi xâm lược của Nga, Việt Nam
đã bỏ phiếu trắng – không tán thành mà cũng không phản đối. Lá phiếu của Việt
Nam cùng màu với lá phiếu của Trung Quốc; và trong ASEAN chỉ Việt Nam và Lào bỏ
phiếu trắng như vậy. Đáng chú ý là Cambodia – hiện đảm nhiệm vai trò chủ tịch
ASEAN và là nước được coi là “chư hầu” của Trung Quốc – đã bỏ phiếu tán thành
nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, cùng với 141/193 nước tán thành.
Có thể hiểu Việt Nam đang ở vị thế khó khăn khi Nga là “đối tác chiến
lược toàn diện,” là nguồn cung cấp vũ khí cho Việt Nam và hợp tác với Việt Nam
khai thác nguồn tài nguyên dầu khí ở Biển Đông. Việt Nam cũng không muốn làm
khác với Trung Quốc trong những vấn đề liên quan tới các siêu cường. Nhưng lập
trường đu dây của Việt Nam rất không phù hợp với tình hình thế giới hiện tại và
chắc chắn sẽ gây tác hại không nhỏ cho quyền lợi của Việt Nam trong cuộc đối đầu
với Trung Quốc sau này.
Nhìn rộng ra toàn ASEAN tình hình cũng như vậy. Đường lối trung lập,
không đứng về phía Bắc Kinh hay Washington mà ASEAN theo đuổi suốt mấy chục năm
nay đã lỗi thời, có nguy cơ biến ASEAN thành một nhóm các quốc gia bên lề,
không có vai trò gì trong các vấn đề lớn của thời đại.
Trên báo Nikkei Asia Review, nhà nghiên cứu Lê Thu Hương của Viện
Nghiên Cứu Chiến Lược Úc và Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế ở
Washington, DC, nhận định khá chí lý rằng nhà nước pháp quyền, luật pháp quốc tế
là hàng rào bảo vệ đầu tiên cho các nước nhỏ sống dưới bóng của các mối đe dọa
và xâm lấn công khai của các cường quốc, cho nên bảo vệ các nguyên tắc pháp luật
quốc tế là tự bảo vệ chính mình.
“Ngày nay luật pháp quốc tế là sự bảo vệ căn bản nhất chống lại sự
can thiệp từ bên ngoài, chủ nghĩa đa phương căn bản là có lợi cho các quốc gia
cỡ nhỏ và cỡ trung. ASEAN không thể tiếp tục im lặng; các quốc gia thành viên
phải đấu tranh cho các nguyên tắc mà họ đã tuyên thệ giữ vững khi trở thành
thành viên Liên Hiệp Quốc,” bà Hương viết. Không lên tiếng khi chính quyền
độc tài của Nga vi phạm luật pháp quốc tế là một lập trường không chỉ sai lầm
mà còn có hại.
Trong cuộc chiến tranh tại Ukraine, lập trường đu dây của Việt Nam và
các nước ASEAN là dấu hiệu khích lệ cho Trung Quốc. Nhà nghiên cứu cao cấp về
Đông Á Richard McGregor của Viện Lowy ở
Úc nhận định trên Washington Post: “Trung Quốc sẽ chú ý tới hành động thống
nhất và mạnh mẽ của các nước phát triển phản ứng với cuộc xâm lược của Nga.
Nhưng họ cũng sẽ được khích lệ rất nhiều bởi sự kiện phần lớn các quốc gia Châu
Á về căn bản chỉ đứng bên ngoài quan sát… Đó là điều họ hy vọng nhìn thấy trong
một cuộc xung đột với Đài Loan.”
***
Tổng Thống Joe Biden đã triệu tập Hội Nghị Cấp Cao Đặc Biệt ASEAN-Hoa Kỳ
tại thủ đô Washington, DC, vào cuối tháng này và ông Phạm Minh Chính, thủ tướng
CSVN, dự kiến sẽ tham dự hội nghị.
Chương trình hội nghị đã được chuẩn bị từ trước khi nổ ra cuộc chiến
tranh ở Ukraine, mà trọng tâm là củng cố quan hệ hợp tác về an ninh giữa Hoa Kỳ
và các quốc gia ASEAN trong công cuộc cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc. Nhưng
với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đang chi phối mọi hoạt động quốc tế, đề
tài chiến tranh Ukraine và phản ứng đáng thất vọng của một số quốc gia ASEAN chắc
chắn sẽ được đem ra mổ xẻ tại hội nghị. Phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Hà Nội
đã bày tỏ công khai nỗi thất vọng đó.
Chưa biết tại hội nghị lãnh đạo Việt Nam và các nước ASEAN sẽ biện minh
như thế nào cho thái độ “trung lập” trước hành vi xâm lược của Nga nhưng hội
nghị Washington có thể là cơ hội quý để lãnh đạo ASEAN và Việt Nam hãy nhìn vào
trường hợp Ukraine và phản ứng của quốc tế để điều chỉnh chiến lược đu dây,
hành xử theo các nguyên tắc dân chủ và nhân quyền phổ quát chứ không thể duy
trì tính trung lập đã lỗi thời mà cũng không thể chỉ biết chăm bẵm vào lợi ích
riêng, ngắn hạn mà đánh mất lợi ích toàn cục, lâu dài. (Hiếu Chân) [qd]
---------------------------------------------
XEM THÊM
Hiếu Chân/Người Việt
March 4,
2022
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/bai-hoc-ukraine/
Cuộc chiến
tranh xâm lược Ukraine mà ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, phát động đã diễn
ra một tuần lễ nhưng quân Nga đã không làm cỏ được nước Ukraine bé nhỏ như dự
tính. Ngược lại, nước Nga có dấu hiệu sa lầy vào một cuộc chiến tranh hao người
tốn của và hứng chịu sự khinh bỉ của cả thế giới.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/03/A1-Bai-hoc-Ukraine-1068x712.jpg
Một cuộc mít tinh ở Hallandale, Florida, hôm
Thứ Năm, 3 Tháng Ba, ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến chống Nga xâm lăng. (Hình
minh họa: Joe Raedle/Getty Images)
Kể từ khi
tái lập năm 1991 đến nay chưa bao giờ nước Nga bị cô lập như hiện nay. Trong cuộc
đối đầu giữa chàng David bé nhỏ và tên Goliath khổng lồ, nước Ukraine bỗng chốc
trở thành thỏi nam châm thu hút sự ngưỡng mộ và ca ngợi của những dân tộc yêu
hòa bình, kiên cường và bất khuất trước bạo lực.
Cuộc chiến
Ukraine-Nga do vậy đang đặt ra nhiều bài học lớn, được giới chính trị và phân
tích quốc tế quan tâm sâu sắc.
Nga – cường quốc bị ruồng bỏ
Nga là một
cường quốc – đó là điều không cần bàn cãi. Nga là một trong năm thành viên thường
trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc có quyền phủ quyết mọi vấn đề của thế
giới, là nước có kho vũ khí nguyên tử lớn nhất thế giới, là nền kinh tế có nguồn
tài nguyên dầu khí dồi dào, có công nghệ tân tiến về vũ khí và hàng không không
gian.
Trong lịch
sử, Nga là một nền văn hóa lớn; Liên Xô – tiền thân của Nga – là lực lượng quan
trọng tiêu diệt chủ nghĩa phát xít Đức, quân phiệt Nhật, là một cực quyền lực
trong Chiến Tranh Lạnh và đứng đầu phe xã hội chủ nghĩa thế giới.
Nhưng khi
nổ súng xâm lược một quốc gia láng giềng, Nga bỗng chốc biến thành một tên vô lại
bị cả thế giới xa lánh và ruồng bỏ.
Truyền
thông quốc tế đã có nhiều bài tường thuật về tình trạng bị cô lập thê thảm của
Nga. Trong một thế giới được kết nối chặt chẽ bằng các mạng hết sức tinh vi về
thông tin, chuỗi cung ứng, tài chính ngân hàng, giao thông vận tải và cả thể
thao và văn nghệ, nước Nga bỗng chốc mất hết kết nối, trở thành một kẻ “vô thừa
nhận” trong cộng đồng toàn cầu. Khả năng của các ngân hàng Nga giao dịch trên
các thị trường tài chính toàn cầu bị đột ngột cắt đứt khi các ngân hàng Nga bị
loại ra khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng toàn cầu SWIFT.
Phi cơ của
Nga bị cấm bay vào không phận Châu Âu và Bắc Mỹ. Các tập đoàn kinh tế lớn của
phương Tây như công ty dầu hỏa BP, Shell, các ngân hàng quốc tế lần lượt công bố
rút ra khỏi thị trường Nga, hủy bỏ các dự án hợp tác nhiều tỷ đô la với các tập
đoàn tài chính và dầu khí của nước này. Rồi rượu vodka – một đặc sản đầy tự hào
của người Nga – bị rút khỏi kệ hàng siêu thị ở nhiều tiểu bang Hoa Kỳ. Ngay đến
các cuộc tranh tài thể thao như đá banh hoặc trượt băng (skating) các đội tuyển
và câu lạc bộ của Nga đều bị cấm tham dự; trong đó có giải vô địch đá banh thế
giới World Cup 2022.
Tại trụ sở
Liên Hiệp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ, các nhà ngoại giao đã đồng loạt bỏ ra khỏi
phòng họp để phản đối cuộc xâm lược của Nga khi ông Sergei Lavrov, ngoại trưởng
Nga, phát biểu qua video vì máy bay chở ông ta không được phép vào không phận
Châu Âu. Trước đó Hoa Kỳ công bố trục xuất 12 nhà ngoại giao trong phái đoàn
Nga tại Liên Hiệp Quốc ở New York. Lần đầu tiên thế giới chứng kiến một cường
quốc nhanh chóng bị ruồng bỏ chỉ vì một hành động phiêu lưu quân sự không thể
biện minh được.
“Cảm ơn Putin!”
Cũng lần đầu
tiên thế giới chứng kiến một sự đồng tâm hiệp lực sâu sắc của các nền dân chủ để
chống xâm lược, bảo vệ trật tự quốc tế và bảo vệ hệ giá trị dân chủ tự do đang
bị các thể chế độc tài Nga và Trung Quốc đe dọa.
Quan hệ giữa
Bắc Mỹ với Châu Âu, giữa các nước Châu Âu từ lâu vẫn bị coi là cuộc hôn nhân “đồng
sàng dị mộng” – tuy đều là các nước dân chủ nhưng mỗi nước có những ưu tiên chiến
lược riêng, những mối quan hệ đồng minh riêng, nhiều khi đặt quyền lợi của quốc
gia lên trên lợi ích chung của tập thể. Đỉnh điểm của sự chia rẽ trong nội bộ
Châu Âu là cuộc ra đi của Anh (Brexit) năm 2016, mối ác cảm của Hungary với các
định chế EU và thái độ kém thân thiện của ông Donald Trump, tổng thống Mỹ, với
NATO và Châu Âu nói chung.
Bất đồng
sâu sắc tới mức khi Tổng Thống Joe Biden tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO và
tuyên bố “Nước Mỹ đã trở lại” thì có không ít nhà quan sát tỏ ra nghi ngờ thiện
chí của Hoa Kỳ cũng như tính chất khả thi của việc lập lại mối quan hệ thân thiết
giữa hai bờ Đại Tây Dương.
Nhưng cuộc
chiến tranh Ukraine đã chứng minh một thực tế: Các nền dân chủ dễ dàng tạm gác
bất đồng để cùng đoàn kết chống lại hành vi xâm lược của ông Putin. Ngay sau
khi quân Nga nổ súng tiến vào lãnh thổ Ukraine, Hoa Kỳ và các thủ đô Châu Âu đã
lập tức tung ra các biện pháp cấm vận kinh tế-thương mại, phong tỏa tài sản, chặn
việc rút ngoại tệ dự trữ khiến cho đồng ruble của Nga nhanh chóng mất giá 106%,
thị trường chứng khoán đóng cửa và nhiều hàng dài người dân xếp hàng tại các
máy rút tiền ATM.
Cho đến
nay, đã có hàng chục quốc gia gửi thiết bị quân sự, đạn dược, súng chống tăng,
hỏa tiễn phòng không đến trợ giúp quân đội và người dân Ukraine chiến đấu bảo vệ
các thành phố của họ trước quân xâm lược Nga. Ngay cả Thụy Sĩ – đất nước trung
lập ở trung tâm Châu Âu, cũng từ bỏ truyền thống trung lập vốn có, cắt đứt mọi
giao dịch tài chính với các ngân hàng Nga và phong tỏa tài sản của các quan chức
tham nhũng của Nga gửi trong các ngân hàng Thụy Sĩ. Nhỏ bé như Đài Loan,
Singapore và Nam Hàn cũng tham gia các biện pháp cấm vận kinh tế của phương
Tây, ngừng xuất cảng các sản phẩm công nghệ cao mà Nga đang rất cần.
Đức là trường
hợp mà ông Putin cay đắng nhất. Trong EU, Đức là nước thân thiện với Nga nhất,
vì lợi ích của các đại công ty và giới chính trị tinh hoa xứ này. Cả ba cựu thủ
tướng Đức Helmut Schmidt, Helmut Kohl và Gerhard Schroeder đều đầu quân cho các
tập đoàn Nga như Gazprom sau khi rời chính trường, trở thành bạn thân thiết của
ông Putin và biện hộ cho các hành động của ông này trước sự phê phán của Châu
Âu và khối NATO, kể cả hành vi xâm chiếm Crimea năm 2014.
Đức bất chấp
sự phản đối của Hoa Kỳ, tham gia dự án xây dựng đường ống Nord Stream II trị
giá $11 tỷ, dẫn khí đốt của Nga sang thị trường Đức không qua Ukraine – Đức có
nhiên liệu cho nền kinh tế trong khi Nga bán được tài nguyên.
Thế nhưng
khi tiếng súng nổ ra, Berlin đã quay ngoắt 180 độ. Hàng trăm ngàn người Đức xuống
đường biểu tình phản đối. Ông Olaf Scholz, tân thủ tướng Đức, ra trước Quốc Hội
lên án ông Putin phát động một cuộc chiến xâm lược máu lạnh (cold-blooded war
of aggression), khẳng định Nga chính là mối đe dọa đối với nước Đức.
Ông Scholz
đồng thời tuyên bố gửi vũ khí chống xe tăng và hỏa tiễn đất đối không Stinger
cho quân đội Ukraine ngay lập tức và quyết định tăng chi tiêu quốc phòng hằng
năm lên trên mức 2% GDP để đối phó mối đe dọa từ Nga. Đức có tiếng nói rất nặng
ký ở NATO và EU nên sự quay đầu của Đức là một yếu tố có thể thay đổi cục diện
cuộc chiến Nga-Ukraine hay Nga-NATO.
Hãng tin
AP nhận định: “Chỉ
trong vài ngày Tổng Thống Nga Vladimir Putin đã hoàn thành được việc mà nhiều
thập niên qua vẫn nằm ngoài tầm tay của Liên Minh Châu Âu: cùng mua và cung cấp
vũ khí cho vùng chiến sự và khôi phục sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương đã bị tan
vỡ trong nhiều năm.”
Bà Jen
Psaki, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, nói mỉa: “Tổng Thống Putin là một trong những người
đoàn kết vĩ đại nhất của NATO trong lịch sử hiện đại, vì thế tôi cho rằng đây
là điều mà chúng ta nên cảm ơn ông ấy.”
Tất nhiên
ông Putin rất không hài lòng. Trong bài phát biểu hôm Thứ Hai, 28 Tháng Hai,
trên truyền hình Nga, ông Putin hằn học lên án Hoa Kỳ và mô tả các đồng minh
phương Tây như là “những vệ tinh của Mỹ, bợ đỡ Mỹ, khấu đầu trước Mỹ, sao chép
hành vi của Mỹ và hân hoan làm theo những luật lệ của Mỹ.”
“Có thể
nói rằng toàn bộ khối phương Tây là do Mỹ lập ra theo ý thích của mình, thành một
đế quốc dối trá,” ông Putin nói.
Có một
chút sự thật ở đây là sự đoàn kết bất ngờ của phương Tây có phần là kết quả những
nỗ lực kết nối không mệt mỏi của chính quyền Joe Biden và guồng máy ngoại giao
nhiều kinh nghiệm của ông. Những chuyến ngoại giao con thoi tới thủ đô các nước
của Ngoại Trưởng Antony Blinken, những cuộc điện đàm video trực tiếp và liên tục
của ông Biden với nguyên thủ quốc gia các nước EU, Anh nhằm thống nhất phản ứng
với cuộc xâm lược của Nga đã góp phần dựng nên bức tường thành cô lập Nga với
thế giới. Các nghị sĩ Cộng Hòa trong Quốc Hội Hoa Kỳ đã không công bằng khi
đánh giá chính quyền Biden chưa làm hết sức trong việc ngăn chặn cuộc xâm lược
của Nga vào Ukraine.
Bài học Ukraine cho Tập Cận Bình
Nếu có một
người chú tâm theo dõi tình hình và chắc sẽ thất vọng sâu sắc thì đó là ông Tập
Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc. Trên bàn cờ địa chính trị quốc tế, ông Tập đang
sử dụng ông Putin như một tên lính trinh sát, dùng quân đội Nga như một đạo
xung kích để thử phản ứng của Hoa Kỳ và phương Tây. Nếu ông Putin thành công
trong việc xâm chiếm và sáp nhập Ukraine mà phương Tây không có phản ứng mạnh –
như chuyện đã xảy ra với bán đảo Crimea năm 2014 – ông Tập sẽ có động lực để
xua quân đánh chiếm Đài Loan hoặc các đảo ở Trường Sa; ngược lại nếu ông Putin
thất bại thì ông Tập sẽ biết được thực lực của phương Tây, từ đó tính toán lại
chiến lược và chờ thời cơ khác.
Ông Putin
chỉ nổ súng khi được ông Tập bật đèn xanh. Ngày 4 Tháng Hai, ông Putin sang Bắc
Kinh triều kiến ông Tập, bề ngoài là đi dự khai mạc Olympic Mùa Đông 2022 nhưng
trọng tâm là xác nhận lại với ông Tập mối quan hệ hợp tác “không giới hạn” giữa
hai cường quốc chuyên chế hàng đầu thế giới. Khi đó tình báo Mỹ đã cảnh báo Nga
có thể tấn công Ukraine vào ngày 16 Tháng Hai nhưng các nguồn tin rò rỉ cho biết
ông Tập ủng hộ cuộc xâm lược của ông Putin nhưng yêu cầu dời ngày nổ súng đến
sau khi Olympic Bắc Kinh kết thúc. Olympic bế mạc ngày 20 Tháng Hai và bốn ngày
sau, ngày 24 Tháng Hai, xe tăng Nga bắt đầu vượt biên giới tấn công Ukraine.
Quả đúng
như dự báo, Trung Quốc là nước lớn duy nhất không lên án hành động quân sự của
ông Putin, không gọi đó là “cuộc xâm lược” và bỏ phiếu trắng ngăn chặn Hội Đồng
Bảo An Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết yêu cầu Nga triệt thoái quân đội.
Tuy nhiên
khi thấy phương Tây phản ứng dữ dội với hành vi xâm lược của Nga, Bắc Kinh tìm
cách thay đổi thái độ, thay vì bỏ phiếu chống các dự thảo nghị quyết lên án Nga
tại Hội Đồng Bảo An, Trung Quốc bỏ phiếu trắng; Bộ Ngoại Giao Trung Quốc bác bỏ
thông tin Bắc Kinh bật đèn xanh cho Nga xâm lược Ukraine. “Lãnh đạo Nga tự quyết
định hành động, không việc gì phải hỏi ý kiến Trung Quốc,” bà Hoa Xuân Oánh,
phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, tuyên bố.
Nga đang
tìm cách dựa vào Trung Quốc để chống đỡ các đòn trừng phạt kinh tế của phương
Tây, chẳng hạn bán sang Trung Quốc các sản phẩm dầu khí bị phương Tây cấm vận.
Nhưng với việc các ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT, Bắc Kinh khó mà hỗ
trợ được Moscow và trong thâm tâm chắc ông Tập cũng không muốn chống đỡ cho ông
Putin – kẻ đang bị cả thế giới khinh bỉ và căm ghét – vì ông Tập chưa dám đi nước
cờ xung đột trực diện với phương Tây như ông Putin đang làm.
So với
Nga, kinh tế Trung Quốc gắn bó với phương Tây mật thiết hơn rất nhiều và sẽ là
thảm họa cho ông Tập Cận Bình nếu Trung Quốc bị cô lập với thế giới như tình cảnh
hiện nay của Nga. Vì thế, ông Tập phải nghiền ngẫm một bài học Ukraine: một cường
quốc chuyên chế, dù hùng mạnh đến đâu, cũng vẫn sẽ sụp đổ nếu chỉ biết lợi ích
ích kỷ của quốc gia mình, đi ngược lại luật pháp quốc tế, thách thức lương tri
của nhân loại. Trong thời gian tới, có thể ông Tập chưa vội động binh sau khi
chứng kiến số phận thê thảm của Nga. Và Đông Á có thể vẫn an bình một thời gian
nữa.
Từ Ukraine nghĩ tới Đài Loan và Việt Nam
Chỉ sau một
tuần lễ chiến tranh, Ukraine đã nổi lên thành một biểu tượng “lương tâm thời đại.”
Nhiều nước cho phép công dân đến Ukraine tham chiến chống xâm lược trong các
“binh đoàn quốc tế.” Truyền thông đã đưa rất nhiều hình ảnh xúc động về người
dân Ukraine tổ chức chiến đấu trên đường phố, về những người vợ tiễn chồng ra
trận, những đứa trẻ chế bom xăng, những bà mẹ với những lời dặn dò đầy chất
minh triết và những người Ukraine ở nước ngoài tìm đường về nước gia nhập đội
quân kháng chiến. Những hình ảnh ấy gây được cảm tình và sự ủng hộ của các dân
tộc yêu hòa bình trên toàn thế giới.
Thêm nữa, Ukraine là nước nhỏ, có quá khứ Cộng Sản nhưng hiện đã là một quốc
gia dân chủ, tổng thống được bầu lên hợp pháp và vị tổng thống đó đã đoàn kết
toàn dân chiến đấu anh dũng ngay từ đầu, làm sụp đổ ý đồ đánh nhanh thắng nhanh
của ông Putin.
Lãnh đạo
và người dân Ukraine chứng tỏ họ là những người có chính nghĩa, có quyết tâm bảo
vệ đất nước và họ xứng đáng được cộng đồng quốc tế ủng hộ, giúp đỡ để chống chọi
cuộc xâm lược của một nước lớn tham lam và tàn ác.
Ở Châu Á,
Đài Loan là một nước như vậy dưới sự lãnh đạo của vị tổng thống dân cử Thái Anh
Văn (Tsai Ing-wen). Và đó là điều ông Tập Cận Bình phải cân nhắc trước khi liều
lĩnh đưa quân vượt eo biển đổ bộ lên đảo Đài Loan.
Việt Nam
thì không được như vậy trong cuộc đối đầu với tham vọng bành trướng của ông Tập
Cận Bình. Nếu chiến tranh với Trung Quốc nổ ra, ai sẽ là người ủng hộ Việt Nam
khi chính Việt Nam đã không hết lòng hết dạ bảo vệ đất nước mình mà vẫn coi kẻ
thù là một đồng minh ý thức hệ – một ý thức hệ đã hết sức lỗi thời, cản trở con
đường tiến hóa của dân tộc? (Hiếu Chân) [qd]
No comments:
Post a Comment