Nỗi
niềm khó nói của chiếc lư hương Đức Thánh Trần
Bình luận của Nguyễn Duy Hưng
2022.03.18
Lư hương Đức Thánh
Trần ở TPHCM (bên phải) và hình ảnh các thùng rác được đặt trước vị trí lư
hương bị cẩu đi ba năm trước (hình trái).
Facebook/RFA edit
Sáng 17/3, báo chí và mạng xã hội tiếng Việt
bùng lên đủ sắc thái cảm xúc với vụ việc lư hương thờ Đức thánh Trần đã trở lại
vị trí cũ tại công viên Mê Linh sau gần ba năm di dời.
Bối cảnh của việc này là lễ khánh thành dự án
chỉnh trang công viên Mê Linh được tổ chức cùng ngày. Lư hương được an vị về vị
trí cũ vào nửa đêm trước đó.
Cho những ai chưa biết, công viên Mê Linh là
vòng xoay giao thông nằm ở quận 1, kề công viên Bến Bạch Đằng và sông Sài Gòn.
Đây là giao điểm của sáu tuyến phố trung tâm quận 1, ở giữa có một hồ nước nhân
tạo, nơi đặt tượng Trần Hưng Đạo (theo báo chí Việt Nam).
Dưới chân Thánh tổ
Hải quân Việt Nam
Tượng đài được xây và khánh thành vào năm
1967. Theo lời ông Phạm Thông, tác giả thiết kế pho tượng, năm 1967, quân chủng
hải quân Việt Nam Cộng hòa và Hội Đức Thánh Trần ở Sài Gòn tổ chức cuộc thi tạc
tượng Đức Trần Hưng Đạo, Thánh tổ Hải quân để đặt tại công trường Mê Linh, cuối
đường Hai Bà Trưng, sát bờ sông Sài Gòn. Có 13 đồ án của các điêu khắc gia dự
thi. Tác phẩm của ông Nguyễn Thông may mắn trúng giải. Ông cho biết đó cũng là
tác phẩm đầu tay của ông về điêu khắc.
Vẫn theo báo chí Việt Nam: “Trước đó, vào
tháng 2/2019, quận 1 chỉnh trang lại khu vực tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo,
đồng thời dời lư hương dưới tượng đài về đền thờ trên đường Võ Thị Sáu. Việc dời
lư hương gặp một số ý kiến phản ứng bởi họ cho rằng đã lấy đi chỗ thờ phụng Đức
thánh Trần của người dân TP.HCM nhiều năm qua. Hầu hết người dân đi ngang đều
vui mừng, một số tỏ ra xúc động, bởi công trình là một phần ký ức của người dân
và mang nhiều giá trị. Ông Sang ở quận Phú Nhuận đạp xe thể dục buổi sáng đi ngang
qua cũng dừng lại chụp ảnh kỷ niệm”.
Vô số status vui mừng, thành kính, hoặc… hả hê
khi lư hương đã được trả về dưới tượng Đức thánh Trần. Có những người hoạt động
(hoặc tự cho là mình là nhà) dân chủ của Việt Nam. Có những trí thức. Có những
người dân nói cho hay đã quen với hình ảnh chiếc lư hương có tuổi đời…. năm
cùng thói quen ghé lại thắp nhang trước tượng Trần Hưng Đạo mỗi sáng hoặc khi
đi ngang qua, đặc biệt khi ông được mệnh danh là Thánh tổ hải quân Việt Nam và
trong bối cảnh Trung Quốc hạ đặt dàn khoan ở lãnh hải Việt Nam.
Với một số người khác, đó đơn giản là một hình
ảnh đẹp hào hùng và có tính lịch sử của Sài Gòn.
Tại sao một số người lại vô cùng mừng rỡ khi
chiếc lư hương được hoàn vị trước tượng Đức thánh Trần?
Người dân đến thắp
hương tỏ lòng thành kính trước tượng Đức Thánh Trần sáng 17 tháng 3 năm 2022.
Facebook LS. Trinh Vinh Phuc
“Cốt nền lòng
dân”?
Tôi chọn trong số rất nhiều câu chữ na ná nhau
một lời giải thích khá tròn của nhà báo Cù Mai Công (báo Tuổi Trẻ).
“Đôi khi có những chuyện xảy ra mà nhận định
tùy thuộc vào mỗi người, có khi là ngẫu nhiên trùng hợp. Nhưng ngay chuyện tâm
linh, không phải không ẩn chứa cốt nền lòng dân, năng lượng trong dân (…) Theo
nhà nghiên cứu Phúc Tiến (ủy viên Ban chấp hành Hội Quy hoạch phát triển đô thị
Việt Nam), đoạn bờ sông ngày nay từ công trường Mê Linh đến bến Water Bus Sài
Gòn và bến tàu cao tốc Greenlines là đất Bến Ngự. Không phải ngẫu nhiên Nguyễn
Ánh - Gia Long chọn khu đất làm “hành dinh” thủy bộ của mình. Hẳn người xưa cho
rằng nơi đây là điểm “đắc địa” vì cảnh sắc khoáng đạt và thuận thiên theo thuật
phong thủy phương Đông”.
Cũng theo người viết, ở khu vực “khí thiêng thịnh
vượng” này, “tượng đài cùng với chiếc lư hương uy nghi phía trước, được tạo
dáng như một chiến hạm dũng mãnh, đã tạo ra ấn tượng lớn về lịch sử Việt Nam
trong lòng nhiều thế hệ người dân và du khách. Từ ấy đến nay, công trường Mê
Linh và tượng đài Đức Thánh Trần không chỉ là nơi chốn du ngoạn hay đẹp mà còn
là một địa điểm bồi đắp tinh thần uống nước nhớ nguồn, tôn thờ tiền nhân bất
khuất. Chắc chắn cái hồn thiêng sông nước được hun đúc qua bao năm tháng đã và
đang là một nguồn sức mạnh độc đáo của Sài Gòn!”.
“Cái hồn thiêng sông nước được hun đúc” ấy ít
nhất với người Sài Gòn cụ thể là những bái lạy, thắp hương thành kính ở chiếc
lư hương trước tượng đài. Nói như anh Nguyễn Văn Phước (founder & CEO của
First News Trí Việt), “lư hương là nơi tích lũy nhiều năng lượng của bao nhiêu
thế hệ người dân thắp hương, nguyện cầu. Nó có năng lượng chứ không như những
thứ khác”.
Năng lượng ấy có thật, ẩn chứa trong ước mơ, ý
chí, quyết tâm... của dân mình xưa nay khi thành tâm thắp hương, cúng viếng. Đó
là thực tế chứ không phải chỉ là tâm linh.
“Năng lượng” ấy rõ ràng cần cho đất nước ta
trong công cuộc bảo vệ đất nước, trường tồn dân tộc. Lư hương xét cho cùng là
năng lượng của lòng dân. Chọn phương án gì cũng được, trước hết xin trả lại
năng lượng của lòng dân - lư hương của tượng đài Đức Thánh Trần về nơi năng lượng
ấy tích lũy bao năm nay”.
Ở một đoạn khác, tác giả nhắc về việc chiếc lư
hương bị cẩu đi: “Chỉ biết là sau đó, Sài Gòn – Gia Định - TP.HCM xảy ra nhiều
chuyện quá. Cũng COVID, nhưng TP.HCM bị thiệt hại đau xót, bi thương hơn; tổn hại
kinh tế tơi bời hơn; hàng triệu bà con nhập cư bỏ về quê, dân Sài Gòn ở lại lao
đao, lảo đảo…. Cũng bắt cán bộ cấp lãnh đạo, nhưng TP.HCM bị bắt nhiều hơn, mức
độ nghiêm trọng hơn. Một cơn mưa đêm dữ dội ở TP.HCM năm 2021, giữa cơn ba đào
COVID, sấm chớp vang rền, hàng loạt, tua tủa như phóng xuống Sài Gòn. Rồi một
cơn mưa đá đổ xuống Thủ Đức…
Lòng dân Sài Gòn – Gia Định những ngày đó
không thể nào nói là an được.
Giờ lư hương đã về chốn xưa, phục vị dưới chân
Đức thánh Trần Hưng Đạo ba lần đại phá giặc phương Bắc. Bùng binh Cây Liễu cũng
được “phục dựng” cả năm trước. Dân Sài Gòn đang vui hơn tết; trông chờ “Quốc
thái, Sài Gòn thái, dân an”. Đó là cốt nền của tâm linh” (hết trích).
Đọc đến đây tôi bỗng thấy thương cho chiếc lư
hương quá đỗi. Cứ theo tinh thần trên mà suy thì nó đã phải gánh toàn bộ trách
nhiệm cho việc thịnh suy của Sài Gòn.
Người dân ồ ạt rời
TPHCM vào sáng ngày 1/10/2021 sau khi thành phố bỏ lệnh phong toả phòng dịch
COVID-19. AFP
Gánh còng lưng
TP.HCM có các bộ máy quản lý như sau:
-Hệ thống Đảng bao quát từ cấp thành phố đến cấp
phường, xã. Hệ thống này cũng có đầy đủ các bộ phận quản lý các lĩnh vực như
bên chính quyền, được gọi là các ban Đảng. Theo Hiến pháp Việt Nam, Đảng Cộng sản
là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
-Hệ thống chính quyền, gọi là Ủy ban nhân dân
các cấp, cũng xuyên suốt từ cấp thành phố đến tận phường xã.
-Hệ thống dân cử gọi là Hội đồng nhân dân các
cấp, theo cùng một mô hình với hai hệ thống nói trên.
Ngoài ra còn có các tổ chức đoàn thể theo sát
từng lứa tuổi, ví dụ Ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em, Hội phụ nữ, Đội thiếu niên,
Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi…
Nói nôm na, mỗi người dân TP.HCM có ít nhất bốn
người quản lý và đại diện: đảng, chính quyền và hội đồng nhân dân.
Tổng số các cán bộ này là hàng trăm ngàn.
Có những cán bộ lãnh đạo nào đã bị vô lò?
Chỉ tính sơ vài năm qua, đầy đủ Bí thư Thành ủy,
Chủ tịch UBND TP HCM, các phó và cấp sở nối nhau vào tù đông vui. Bí thư Thành ủy
có các ông Đinh La Thăng, ông Lê Thanh Hải (mới bị kỷ luật). Chủ tịch
UBND đồng thời là Phó bí thư Thành ủy có ông Lê Hoàng Quân, ông Tất Thành Cang.
Phó chủ tịch UBND TP có các ông Trần Vĩnh Tuyến, ông Nguyễn Hữu Tín, ông Nguyễn
Thành Tài. Giám đốc các sở trở xuống thì có cả trăm vị. Từ nguyên giám đốc Sở
Xây dựng, giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, phó giám đốc Sở quy hoạch Kiến
trúc, Phó phòng phát triển nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng, Phó
phòng quản lý đất Sở Tài nguyên và môi trường.
Mà đó mới chí là một góc nhỏ của nạn tham
nhũng liên quan đến bất động sản. Một góc rất rất nhỏ, vì bức tranh Thủ Thiêm vẫn
còn nguyên đó.
Năm ngoái thì TP.HCM trở thành mũi nhọn tiên
phong cả nước về số lượng người tử vong do COVID. Song song đó là thành tích
phong tỏa khiến kinh tế ngưng trệ và hàng hóa nghẽn tắc.
Một cách đầy tế nhị mà cả nước đều biết rõ
nguyên do, chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong được đẩy lên trung ương làm phó
Ban kinh tế Trung ương. Mở ngoặc chút cho quý vị độc giả nào chưa biết, Ban này
được mệnh danh là Ban thu thu dung cán bộ trung ương, do (không hiểu
vì sao) nó tập trung các cán bộ lãnh đạo có thành tích đặc biệt yếu kém ở các địa
phương.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của các đồng chí
lãnh đạo như trên suốt các thời kỳ, TP.HCM đã đặc biệt thụt lùi trong khoảng
hai thập kỷ gần đây. Danh xưng đầu tàu kinh tế đầy kiêu hãnh từ lâu nhưng phân
tích ra thì các con số đóng góp ngân sách hầu hết do các công ty tư nhân, nước
ngoài, cũng như các doanh nghiệp đặt nhờ trụ sở trên địa bàn.
Tất cả những bộ máy cồng kềnh chồng chéo, những
sự tham nhũng, quan liêu, bắt chẹt doanh nghiệp và người dân, cũng như thảm cảnh
trùm lên Sài Gòn năm ngoái như thế, mà nguyên nhân (một phần) chỉ là do sự di dời
một chiếc lư hương! Thì cho dù là lư hương rất thánh đi nữa-nói như ngôn ngữ
teen đang thịnh hành-vụ này Đức Thánh Trần đã phải gánh team còng lưng.
Một biểu tượng cảnh
cáo?
Có lẽ với một số người, chiếc lư hương đã trở
thành một biểu tượng tương tự 12 địa ngục trong tín ngưỡng dân gian? Một công cụ
nhằm răn đe-hơn thế nữa-nhằm cảnh cáo những quan chức đang và sẽ lãnh đạo mảnh
đất TP.HCM về một sự giám sát và trừng phạt luôn lơ lửng trên đầu họ.
Sự giám sát và trừng phạt này đến tận từ một bậc thánh của lòng dân, một đấng
linh thiêng chứ không do bàn tay con người (nhất là con người CNXH). Do đó, nó
đáng sợ và bất khả tư nghì. Sấm sét, không thể lường trước, không thể chạy chọt
và không có vùng cấm.
Sợ không các đồng chí chưa bị lộ? Ai chẳng biết
các đồng chí không sợ pháp luật, không sợ quả báo, chỉ sợ “cô” không thương. Lễ
tết, cúng giỗ, nhà thờ họ, chữ ký, kiểu tóc, màu sắc trang phục, hướng xuất
hành, giờ xuất hành, hướng bàn thờ, hướng bàn làm việc, hướng bếp, hướng phòng
ngủ, tuổi vợ, tuổi con, tuổi đồng sự, tuổi lái xe riêng, tuổi bồ, biển số xe,
màu sắc xe... các đồng chí chọn lựa, kiêng kỵ kính cẩn hơn cả giỗ cha. Thế cho
nên gậy ông đập lưng ông, đem thần linh ra dọa các đồng chí là một nước đi
chính xác.
Nhưng cũng vì lý do ấy mà cuộc đấu tranh này
ngậm ngùi quá. Cán cân thiên lệch và tội nghiệp quá. Cũng đau cho cụ Tổng Trọng
quá. Đến cả những nhà bất đồng, những người hoạt động, những người tiên phong
trong xã hội, những người luôn phải có kiến giải sâu sắc và khoa học để lý giải
những gì đang và sẽ xảy ra trong xã hội mà cũng phải trang bị sự bí hiểm làm vũ
khí chiến đấu, thì hóa ra chiếc lò của cụ không có giá trị gì ư? Hệ thống răn
đe và trừng phạt của pháp luật vô hiệu chăng? Bao lời hiệu triệu của cụ về một
tổ chức Đảng trong sạch, gương mẫu và tự nguyện chẳng lẽ là lời cuốn theo chiều
gió?
Trong sự hoan hỉ trước chiến thắng mang tên lư
hương, tôi trông thấy nỗi buồn và xót xa vì niềm tin vào sự công chính trong xã
hội này đã yếu ớt và cô độc biết bao.
_________________
Tham khảo:
https://tienphong.vn/ky-luat-nhieu-lanh-dao-cuu-lanh-dao-ha-noi-va-tphcm-post1362666.tpo
https://zingnews.vn/lu-huong-duc-thanh-tran-ve-lai-vi-tri-cu-post1303091.html
https://tienphong.vn/ky-luat-nhieu-lanh-dao-cuu-lanh-dao-ha-noi-va-tphcm-post1362666.tpo
-----------------------------------------------------------------
* Bài viết không thể
hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Tin, bài liên quan
Chuyện lư hương Đức Thánh Trần: Đi tìm sự chân thành
No comments:
Post a Comment