Nỗi
ngậm ngùi của chúng ta: Có lãnh đạo, người dân Ukraine quá anh hùng
Hoàng
Ngọc Nguyên
18/03/2022
Tính đến ngày 18-3, cuộc chiến xâm lăng vô cớ
của Putin (cho dù Putin có viện dẫn đủ lý do) cho quân Nga đánh vào nước
Ukraine đã bước vào ngày thứ 22. Người ta càng ngày càng thấy sự bạo tàn của
Putin, bởi vì ông ta vẫn mang dòng máu bạo chúa mà lịch sử nước Nga đã cho thấy
từ nhiều đời trước đó (bởi thế mới có “Ivan Khủng khiếp”, “Peter Vĩ đại”, và cách
gọi là “Sa hoàng”, từ chữ “Đại đế Cesar” mà ra).
Thế nhưng trái với ý tưởng, mong đợi hão huyền
của bạo chúa, cuộc chiến không kết thúc trong 2-3 ngày, hay thậm chí một tuần.
Trên từng thành phố, những người còn lại vẫn chiến đấu anh dũng đến mức Nga hầu
như vẫn chưa chiếm được thành phố quan trọng nào. Và mọi người dân, không chỉ
người dân Ukraine, ngưỡng vọng người lãnh đạo của họ, Tổng thống Volodymyr
Zelensky, mà cả thế giới vừa kinh ngạc vừa phải đứng sau lưng người lãnh đạo
anh hùng này.
Trong khi thôi thúc quyết tâm giữ nước của người
dân Ukraine “đến giọt máu cuối cùng” với xác quyết “Tôi còn đây, ngay trong
dinh tổng thống, vẫn đứng bên đồng bào, chiến sĩ”, Zelensky không ngừng tìm
cách chiêu hồi những người lính Nga “tuyệt vọng và bị lừa dối vừa bị đe dọa
tính mạng”, và vừa kêu gọi Nga đàm phán để tái lập hòa bình “cho người dân đỡ
khổ”, nhưng khẳng định, trong khi Ukraine có thể không cần gia nhâp NATO nữa,
nhưng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là những điều không thể thỏa hiệp
được…
Chính Tổng thống Zelensky (44 tuổi) là người
anh hùng khó tin mà có thật trong thời nay. Ông khiến chúng ta ngậm ngùi khi nhớ
lại câu chuyện cách đây 47 năm, chúng ta mất nước vì lãnh đạo Saigon đã lũ lượt
bỏ người dân…
Ngày thứ Hai 21-2-2022 là một ngày lịch sử
sang trang đậm nét cho thế giới chúng ta, cho dù từ đây những chuyện gì sẽ xảy
ra, chúng ta sẽ đi đâu, về đâu, hầu như không ai thấy được. Chỉ có điều biết chắc
là cái thế giới toàn cầu hóa từ hai ba chục năm qua sẽ thêm phơi bày hiện trạng
hỗn loạn của “thời mạt pháp”.
Chúng ta từng mong đợi, đêm ngày vọng tưởng thế
kỷ thứ 21 sẽ mở ra một chương mới cho nhân loại khi người ta không còn phải sống
trong thời chiến tranh lạnh và sẽ dần quen thuộc với một “thế giới đại đồng”,
nguy cơ xung đột quốc tế đang được kiểm soát tốt hơn và khả năng phát triển
kinh tế mở ra ngay cho những nước trước đây vẫn bế tắc, lạc hậu. Chỉ có điều
chúng ta đã không hiểu đúng mức những đe dọa nghiêm trọng từ sự thiếu sót quá
lâu một trật tự quốc tế mới sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1990. Chúng ta quên rằng
nước Nga vẫn còn đó với tham vọng đế chế của nó đã ấp ủ từ bao đời; Trung Cộng
vẫn còn đó và không bao giờ không nghĩ rằng mình là thiên triều với chư hầu tứ
phía.
Bởi thế, hiện nay chúng ta đang đứng ngồi
không yên trước cuộc chiến xâm lược có tính cách diệt chủng của Nga nhằm vào
Ukraine, chúng ta chứng kiến sự tàn bạo vô song đáng kinh hoàng của Sa hoàng
Vladimir Putin, qua mặt bất cứ bạo chúa nào Điện Cẩm Linh từng có trước đây…
Sự chiến đấu hào hùng, anh dũng của người dân
Ukraine thật khó tưởng trong đời này, khiến cho cả thế giới phải ngưỡng mộ khâm
phục, và sự ủng hộ của hầu như toàn cầu, sự yểm trợ của đông đảo những nước
công khai đối nghịch với Nga thật đáng phấn khởi.
Thế nhưng, đúng là hai tuần sau khi cuộc chiến
khởi sự chúng ta thật chưa thấy có ánh sáng ở cuối đường hầm. Putin tưởng rằng
có thể dễ dàng kết thúc cuộc chiến trong đại thắng chỉ trong vòng 2-3 ngày,
nhưng chiến tranh xem chừng cứ kéo dài, khiến Putin càng điên tiết và càng lo sợ,
càng điên tiết và càng lo sợ, đương nhiên ông ta càng khát máu. Cho nên ông ta
đang cố sức leo thang cuộc chiến, đẩy mạnh chiến dịch biến các thành phố thành
các đống gạch vụn khổng lồ, tàn sát thường dân, pháo kích vào cả bệnh viện, biến
các sinh lộ của người di tản thành tử lộ để người dân không có lối thoát, trừ
phi đi vào địa ngục là nước Nga hay Belarus …
Nay đã có hơn 2 triệu người dân Ukraine, tức
5% dân số, chạy qua nước Ba Lan láng giềng (*). Số còn lại vẫn mắc
kẹt hay đang tử thủ tại các thành phố trọng điểm, chủ yếu là thủ đô Kyiv và
Kharkiv. Kharkiv là một thành phố lớn, giới truyền thông quan sát cho rằng,
thành phố này đổ thì Ukraine cũng sụp. Tuy nhiên, mặc cho Nga oanh tạc, pháo
kích, người dân Kharkiv vẫn nhất quyết bám trụ. Họ đang chịu tật bệnh, đói rét,
nhưng vẫn cố góp phần vào cuộc chiến đấu sinh tử cho đất nước sống còn.
Tổng thống Ukraine đã nổi lên như một nhân vật
anh hùng huyền thoại nhưng có thật. Ông ngày đêm kêu gọi các nước phương Tây,
dĩ nhiên Mỹ là nước đứng đầu, hãy can thiệp mạnh hơn nữa vì đây không chỉ là
chuyện sống còn của Ukraine mà của cả một thế giới đứng trước thử thách quyết định
phải gìn giữ những giá trị độc lập, tự do, dân chủ…
Thậm chí ông Zelensky đã không ít lần lên tiếng
chỉ trích hành động chậm trễ, thiếu sót của những nước Tây Âu và Mỹ trong việc
can thiệp vào cuộc chiến. Chẳng hạn như, chuyện ông đề nghị NATO công bố vùng
không phận của Ukraine là khu vực cấm bay” (no-fly zone). Tuy nhiên, Mỹ cũng
như các nước Tây Âu trong khối NATO phải hành động dè chừng, bởi vì sợ rằng sẽ
dồn bạo chúa Putin đến đường cùng trong khi Nga là một đại cường nguyên tử. Đó
là lý do khiến cho Mỹ bác bỏ chuyện NATO ra quyết định xem không phận của
Ukraine là “vùng cấm bay” để chận máy bay Nga trên bầu trời.
Trong mấy ngày khi cuộc chiến bước vào tuần thứ
ba, Putin chỉ nói chuyện sẽ trả đũa các nước phương Tây can thiệp vào chuyện của
ông ta, cho dù “chiến tranh kinh tế” (khi Tổng thống Joe Biden quyết định ngưng
nhập xăng dầu từ Nga) cũng bị Putin xem là sự tuyên chiến. Putin cũng chụp mũ Mỹ
đã sử dụng vũ khí hóa học và sinh học tại Ukraine – rõ ràng, chỉ kiếm cớ để Nga
leo thang chiến tranh thêm nữa bằng vũ khí sinh hóa…
Nhiều người chỉ mong chính người dân Nga hiểu
được đây đúng là vấn đề của họ để họ tự tìm cách giải quyết, nhưng có người hiểu
biết đã cảnh báo rằng chuyện này “còn lâu”, vì Putin khéo ẩn mình và người dân
Nga chưa thấy rõ sự thất bại của Putin cũng như chưa biết tính đến ngày 10-3 đã
có hơn 6.000 lính Nga chết trận. Tuy thế, ngày càng có thêm nhiều tin tức,
nhiều binh sĩ Nga đã bỏ ngũ vì sợ, vì chống…
Vào ngày thứ hai 21-2 lịch sử đó, giữa lúc
lãnh đạo những nước phương Tây, đặc biệt là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và
Thủ tướng Đức Olaf Scholz, mệt mỏi tìm cách phủ dụ Tổng thống Nga Putin và mong
chờ một cuộc nói chuyện tay đôi giữa hai tổng thống Nga và Mỹ vào cuối tuần,
thì từ Điện Cẩm Linh, Sa hoàng lên tiếng. Nghe như một lời tuyên chiến sấm sét.
Ông ta lên án trong giọng thù hận các nước Tây Âu đã im lặng trước những đòi hỏi
của ông, cho nên ông phải hành động. Nói rõ ra, ông muốn khối Minh ước Bắc Đại
Tây Dương (NATO) bảo đảm sẽ không bao giờ để cho Ukraine làm một thành viên của
tổ chức liên minh quân sự này.
Theo ông, về mặt lịch sử, hai nước Nga và
Ukraine, hai dân tộc Nga và Ukraine, tuy hai mà là một, nói theo kiểu của những
kẻ xâm lược gian hùng “sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy
không bao giờ thay đổi”, cho nên Nga sẽ không bao giờ bỏ Ukraine. Những lời nói
“đầy tình nghĩa ruột thịt” tưởng như người Nga không bao giờ đụng tới người
Ukraine (máu loãng hơn nước lạnh)! Bởi thế, Putin cảnh cáo, những nước Tây Âu đừng
hòng lôi kéo Ukraine về phía họ, và Ukraine cũng đừng mơ tưởng tách ra khỏi Nga
mà đi theo khối Tây Âu (Liên Âu chẳng hạn), cụ thể là gia nhập NATO, một khối
quân sự đối nghịch hoàn toàn với Nga từ bao đời (NATO ra đời từ năm 1949 chính
là để ngăn chận Liên Xô bành trướng ở châu Âu).
Trong cả mấy tháng trước cuộc xâm lăng, Nga đã
đổ tới gần 200.000 quân, chưa kể quân của nước chư hầu Belarus, dàn binh sát
biên giới phía bắc của Ukraine để “tập trận”. Tuy nhiên, chẳng ai không thấy
Nga muốn động binh. Putin nói trăm ngàn lý do, lúc này, lúc khác. Chẳng hạn vì
trên đất nước Ukraine người Nga cũng đông, người nói tiếng Nga cũng nhiều,
nhưng bị bạc xứ cho nên Nga phải bảo vệ những cộng đồng nói tiếng Nga trên lãnh
thổ Ukraine.
Putin cũng nói lãnh đạo Ukraine thời nay bạc
tình bạc nghĩa, cổ xúy việc thù ghét nước Nga, người Nga, quên công lao nước
Nga gầy dựng nên nước Ukraine ngày nay. Ông cũng đưa ra quan điểm lịch sử, rằng
thật ra “không có nước Ukraine” trên đời này. Ukraine là sản phẩm của Nga, do
Nga làm ra. Cũng bởi vậy, Nga lên tiếng chính thức công nhận chủ quyền của hai
nước ly khai nằm trên lãnh thổ của Ukraine: Luhansk và Donestk. Nga sẽ cho quân
đội vào giúp hai “nước” này bảo vệ độc lập, chủ quyền, tức chống lại quân đội
Ukraine đang xem hai “tiểu quốc” này như phản loạn. Cho nên, Nga có đủ cách để
biện minh việc quân Nga tràn qua biên giới Ukraine: “gìn giữ hòa bình” trong nước
Ukraine (peace-keeping); phi quân sự hóa Ukraine (demilitarize); trung lập hóa
Ukraine; chống phát xít hóa Ukraine… Nga cũng hứa sẽ không đụng đến những khu
dân cư ở Ukraine. Câu hỏi đơn giản: Nga lấy quyền gì, dựa trên luật pháp quốc tế
gì cho phép, mà Nga cho quân tràn vào một nước láng giềng để tước đoạt sinh mệnh
của Ukraine, quyền có một quân đội với trách nhiệm quốc phòng, quyền có lực lượng
giữ gìn an ninh nội địa, quyền lựa chọn thế đứng chính trị quốc tế? Putin tuy
đang sống trong thế kỷ 21 nhưng vẫn xem như nước Nga vào thế kỷ 17-18!
Ngày 24-2, quân Nga khởi sự tràn vào Ukraine.
Trái với những “mong đợi” có tính ảo vọng, quân Nga tấn công mọi nơi, từ biên
giới phía bắc, phía đông, phía nam của Ukraine, mục tiêu rất rõ rệt: với lực lượng
áp đảo của một quân lực hùng hậu, hiện đại, Putin tính rằng chỉ trong vòng vài
ngày quân Nga sẽ chiếm lĩnh hết nước Ukraine, và sẽ nhanh chóng bắt giữ những
người lãnh đạo hiện nay ở Kyiv (đứng đầu là Tổng thống Volodymyr Zelenskiy –
người “cùng tên khác họ” với Vladimir Putin) cùng dựng lên một chính phủ “cách
mạng lâm thời” bù nhìn (Ukraine cũng có những nhân vật như Nguyễn Hữu Thọ), của
Nga, do Nga và vì Nga.
Thủ đô Kyiv đương nhiên là trọng điểm của một
đoàn quân xa dài đến 40 dặm, nhưng ngay cả các thành phố cảng phía nam và giáp
Crimea mà Nga đã ngang nhiên cướp đoạt của Ukraine từ năm 2014 cũng là mục tiêu
hàng đầu. Nhờ cuộc tấn công xâm lăng này, người ta thấy hết sự man trá khôn
cùng của Putin.
Chúng ta cần thấy ngay rằng, đây là một cuộc
xâm lăng khốn nạn, ngang ngược, tàn bạo, vô cớ của một nước chẳng những quá mạnh
ăn hiếp, bắt nạt một nước nhỏ hơn, yếu hơn nhiều – một điều tưởng rằng chỉ có
thể thấy được trong thời trung cổ, không thể có trong thời được xem là văn minh
như ngày nay, bởi thế mới nổi lên ý niệm của thời mạt pháp.
Chẳng những thế, nước Nga của Putin còn hành xử
như một tay lưu manh anh chị, bất kể sự lên án của cả một thế giới bất bình.
Putin sẵn sàng làm Ukraine tan hoang, sụp đổ thành gạch vụn và làm khốn khổ,
tiêu tan cuộc đời của hàng chục triệu người dân Ukraine vô tội bởi vì ông ta bẽ
mặt vì chiến thắng chưa ở trong tầm tay.
Liên Hiệp Quốc ngày 5-3 đã bỏ phiếu với 141
phiếu thuận lên án Nga xâm lược (trong đó có Cambodia), chỉ có 5 phiếu chống
(Nga, Belarus, Bắc Hàn, Syria, Eritrea) và 35 phiếu trắng (trong đó có Trung Cộng,
Việt Cộng, Lào, Myanmar, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Argentina…).
Putin liên tục cảnh báo các nước, nhất là những
nước trong khối NATO, không được dính vào dưới bất cứ hình thức nào. Mọi giúp đỡ
dành cho Ukraine đều có nghĩa là tuyên chiến với Nga, theo lời Putin. Người ta
đều hiểu ngụ ý đe dọa của Putin: Ông sẽ không đáp lại theo cách “chiến tranh
qui ước”. Ông ta sẽ chơi vũ khí hóa học, sinh học, thậm chí hạt nhân, không sợ
gì “tội ác chiến tranh” cho dù phương Tây cứ dọa sẽ đưa ông ta ra tòa án quốc tế
về chuyện sát sinh người vô tội.
Người ta đã từng cảnh báo về con người Putin,
một ông “trùm KGB”. Ông ta rất dám chơi liều và sẵn sàng cho “chết cả đám”.
Cũng có thể trong thời đại của “fake news” chính Putin là tác giả của dư luận
này để cho người ta sợ ông ta nổi điên cho nên để cho ông ta tự do làm tới.
Bởi vậy mà Tổng thống Joe Biden đã phải lên tiếng
trấn an người dân Mỹ, rằng nước Mỹ cũng đã sẵn sàng chơi tới cùng trong trò
“thí mạng cùi” của Putin. Tuy nhiên, Biden cũng như lãnh đạo các nước thành
viên NATO rõ ràng cũng khó xử: đứng lại thì Nga cứ lấn tới; đi tới thì Nga
không chịu đi lui hay đứng lại; lùi bước thì Nga cứ sấn tới…
Theo ông Andrei Kozyrev, cựu ngoại trưởng Nga
trong những năm sau khi Liên Xô sụp đổ (1991-1999), Putin không phải tiến hành
cuộc chiến xâm lăng vì không có suy nghĩ hay lý lẽ gì cả. Theo ông, thực sự
Putin nghĩ rằng không có nước Ukraine, hay nói cách khác, Ukraine chỉ là một phần
lãnh thổ của Nga. Putin cũng nghĩ sau 20 năm dưới quyền của ông, quân đội Nga
đã đủ lớn mạnh, hiện đại cho nên chẳng sợ nước nào cả – nhất là vì Nga có được
vũ khí diệt chủng như nguyên tử, sinh hóa…
Putin cũng tin rằng trong hai thập niên đầu
tiên của thế kỷ 21, “thế giới tự do” đã rã rời, phân hóa, NATO tuy đông, nhưng
không còn mạnh, nhất là nhờ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tay Putin phá
hoại. Putin cũng tin rằng dân chủ Mỹ khó tránh sự tan nát, đặc biệt nhờ tay
Trump trong bốn năm 2017-2020; Joe Biden nay tuổi già sức yếu, chắc chẳng làm
gì được. Đó là tất cả lý do khiến Putin nghĩ “It’s now or never”, quyết định ra
tay vào thời điểm này.
Nhưng nói Ukraine chỉ là sản phẩm của Nga, chỉ
là một cách ngụy biện tồi tệ của Putin không hiểu được lịch sử nước này. Nếu
Ukraine không phải là một nước, một dân tộc, nếu họ không thấy Nga là một đế quốc
ma quỉ, thì người dân Ukraine đã không có sự phản kháng, chống cự triệt để sự
xâm lăng của Nga như chúng ta đang chứng kiến.
Lịch sử Ukraine đã cho thấy, trong suốt sáu thế
kỷ 13-19, đất nước này tuy có ba thứ tiếng thịnh hành (Ukraine, Belarus và Nga)
họ có sự đồng tình trong lý tưởng độc lập. Ukraine cứ bị xâm lăng bởi các đế quốc
láng giềng như Ba Lan, Hungary, Áo, Phổ, Bulgaria… và dân Ukraine, vốn là
một nước địa chủ-tá điền (serfdom), cứ phải trỗi dậy chống ách thực dân. Từ cuộc
Cách mạng tháng mười (1917) ở Nga, họ đã dựng nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa
Xô-viết Ukraine, sau đó bị Stalin lôi kéo vào khối Liên Xô không ra riêng được.
Nhưng sau năm 1990, khi Liên Xô tan rã, Ukraine đã nhanh chóng tuyên cáo là một
nước dân chủ độc lập và từ bỏ chế độ cộng sản.
Chúng ta cũng phải thấy rằng, Putin đã mưu đồ
tái phục hồi lãnh thổ Liên Xô ngay từ khi Tổng thống Boris Yeltsin đưa ông ta
vào bộ máy cầm quyền ở Điện Cẩm Linh từ đầu thế kỷ 21. Từ những năm đó, Putin
đã nói rằng, Tổng bí thư Liên Xô cuối cùng Mikhail Gorbachev đã phạm sai lầm lịch
sử lớn lao khi giải thể Liên Xô, làm cho Nga mất tất cả 14 nước chư hầu lớn nhỏ
nằm trong khối này. Chưa kể cả loạt nước cộng sản Đông Âu trước đây nằm trong
khối Warsaw đi theo Liên Xô (các nước vệ tinh) cũng bỏ Nga đi theo con đường
dân chủ phương tây và tham gia khối NATO: Ba Lan, Hungary, Tiệp Khắc, Đông Đức,
Bulgaria, Romania…
Putin có tham vọng kéo những nước từng thuộc
Liên Xô trở lại với Nga, chưa nói những nước Đông Âu cộng sản trước đây. Chúng
ta có thể nhớ rằng những Sa hoàng tại Điện Cẩm Linh bao đời từ trước đến nay chỉ
có mỗi một giấc mơ: Xây dựng đế chế bằng cách ép các nước nhỏ quanh Nga làm chư
hầu. Ukraine từng là nạn nhân của đường lối này từ thế kỷ 18.
Tham vọng tái lập đế chế của Putin còn có ý
nghĩa tăng cường sự an toàn cho Nga, thay vì để Nga bị bao quanh bởi những nước
không có thiện cảm gì với Nga… Đó là lý do chúng ta thấy Putin đã mạnh tay đàn
áp cuộc nổi dậy đòi độc lập của tiểu quốc Chechnya vào năm 1995-96 và
1999-2000. Với nước Cộng hòa Grudia (Georgia) trong năm 2008, nhưng nước
này sau đó còn dứt khoát hơn đi theo con đường dân chủ phương Tây và kinh tế tự
do, tôn trọng nhân quyền.
Putin đã cai trị nước Nga từ hơn 20 năm qua,
và ông còn tính lèo lái nước Nga trong mười mấy năm tới đây (nếu trời cao không
có mắt) theo thể chế dân chủ kiểu Putin: Dân chủ phương Tây với quyền bầu cử của
người dân chỉ là sự giả hiệu và bất lực, dân chủ của Nga không cần bầu bán gì,
chỉ cần người lãnh đạo thể hiện được nguyện vọng của đa số người dân một cách
có hiệu quả là một nền dân chủ thành công. Đó cũng là bài học của Tập Cận Bình,
Nguyễn Phú Trọng, Kim Jong-un, Hun Sen… hiện nay.
Putin từng công khai nói, dân chủ ở Mỹ chỉ là
chuyện hai đảng lạm dụng người dân thay phiên nhau nắm quyền, nhưng những người
lãnh đạo không nhìn xa hơn lỗ mũi (4-8 năm) và cứ phải chơi trò thỏa hiệp triền
miên để tại vị. Dân chủ của Nga, người lãnh đạo chỉ việc hiểu được ý muốn của
người dân và tự do tìm cách nắm quyền – cho dù phải cần đến bạo lực. Miễn thấy
được ý của người dân như trong việc chinh phục, xâm lăng Ukraine hiện nay.
Ukraine là một nước Đông Âu có vị trí chiến lược
của một tiền đồn đối với Nga trước áp lực của khối NATO từ phía tây tràn qua.
Ukraine chính là thành trì phía tây nam của Nga. Nga vẫn coi trọng Ukraine
trong khối Liên Xô. Lãnh tụ Nikita Khruschev (1954-64) từng là người lãnh đạo
Ukraine trước đây. Nga cũng từng cho Ukraine bán đảo Crimea trong thời còn Liên
Xô, nhưng vào năm 2014, Putin đã ngang nhiên cướp đi mà Ukraine không làm gì được.
Nhưng Ukraine đã là một nước cộng hòa độc lập
kể từ năm 1991 sau khi khối Liên Xô tan rã. Putin đã tính sai lầm về Ukraine
trong 20 năm qua mà ông ta không chịu thấy. Ông ta nghĩ rằng có thể dựng lên một
nước Ukraine của Nga, vì Nga, từ Nga. Thế nhưng trong hơn 20 năm qua, bao nhiêu
người lãnh đạo ở Kyiv đi theo Nga đều bị lật đổ: Người dân Ukraine đã có sự lựa
chọn!
Sai lầm của Putin là ở chỗ, ông không thấy được
điều đó, và muốn dùng vũ lực để buộc Ukraine đi theo mình thay vì xây dựng một
quan hệ thân thiện, hợp tác để tạo sự tin cậy qua lại, “trước là đồng chí, nay
là anh em”. Thậm chí Nga đã dơ bẩn xúi giục hai địa phương ở miền đông Ukraine
nổi lên đòi ly khai, tự trị và theo Nga, là Donestk và Luhansk. Nhưng Ukraine
là một nước dân chủ, và người dân đã có sự lựa chọn rõ ràng!
Từ sai lầm đó, Nga đã có sai lầm chiến lược
trong tiến công. Tính đến ngày 11-3, Nga đã không thành công để hát bài “tiến
quân ca”. Đã có hơn 6.000 quân Nga thiệt mạng. Nổi bật là sự kiên cường của Tổng
thống Zelensky, sự anh dũng của người dân Ukraine, thà chết chứ không chịu mất
nước.
Trong khi đó, Putin chẳng hiểu trong cuộc chiến
này, quân lực và hỏa lực không hẳn quyết định tất cả. Chiến tranh xâm lăng khác
với chiến tranh bình định và chiến tranh vệ quốc. Nga muốn bình định, nhưng lại
chơi trò xâm lăng. Và càng xâm lăng thì càng để lộ rõ bộ mặt của Putin: Phi
nhân, vô đạo, tàn bạo và đầy dẫy tội ác với người dân thường.
Một sai lầm khác là Putin xem thường khả năng
hành động yểm trợ của các nước phương Tây – đứng đầu là Hoa Kỳ. Một cố vấn an
ninh quốc gia trước đây của Tổng thống Trump, John Bolton, nói rằng, sở dĩ đến
giờ phút này Putin mới khai chiến là vì Trump đã phải ra đi, và Trump đã giúp Putin
quá nhiều trong việc phá hoại khối NATO, cho nên dưới thời Trump, Putin chẳng cần
làm gì cả. Bất chiến tự nhiên thành. Trump còn tính rằng, nếu ông ta có nhiệm kỳ
thứ hai, ông sẽ rút nước Mỹ ra khỏi khối NATO. Đó là lý do dễ hiểu nhất vì sao
Putin ủng hộ Trump nồng nhiệt đến thế trong bầu cử.
Nhưng Putin còn nghĩ rằng các nước phương Tây
sợ, không dám làm gì Nga cho dù Nga xâm lược trắng trợn Ukraine, phá hủy đất nước
này, sát hại người dân vô tội, ông ta đã lầm và đang trả giá cho sự ngu si đó.
Ukraine vẫn được tiếp viện khí giới không ngừng. Nga bị cấm vận kinh tế khắp
nơi. Người dân tỵ nạn Ukraine được chào đón tại Ba Lan với tất cả tình người. Viện trợ của Mỹ cho Ukraine lên tới 13.6 tỷ ngay tức thì…
Tháng ba năm ngoái, cách đây đúng một năm, Tổng
thống tân cử Joe Biden được hỏi trong một phỏng vấn của báo chí, ông nghĩ gì về
Putin. Biden trả lời ngắn gọn: “He’s a killer”. Nhận xét này đúng nhưng chưa đủ.
Và quá trễ khi chúng ta nhìn kỹ Putin đã chễm chệ trong Điện Cẩm Linh cũng hơn
20 năm rồi, và bàn tay của ông ta đã đẫm máu liên tục, từ những người “đồng
bào” mà ông xem là kẻ thù, đến những dân tộc từng là chư hầu của Liên Xô
nhưng nay muốn có cơ hội thoát ly để giành tự do, đôc lập…
Âm mưu của Putin là mở ra trật tự thế giới mới
với Nga là đế quốc chủ tể sau khi trật tự cũ đã bị xóa tan. Và ông ta thực tâm
nghĩ rằng phải làm cho thế giới hiện nay tan nát bằng mọi giá mới xây dựng được
trật tự mới đó. Cho nên, nói “ông ta là kẻ sát nhân” thật chưa đủ nghĩa.
Chẳng biết người dân Ukraine kháng chiến cầm cự
được bao lâu nữa? Có đuổi được quân thù ra khỏi nước chăng? Hàng triệu người chạy
nạn rồi đây sẽ ra sao khi không có nơi ăn chốn ở, và quê hương không còn, chưa
nói đe dọa thường xuyên của đói rét, bệnh tật?
Thế giới phải sống bao lâu nữa trong phập phồng
lo sợ? Đại nạn suy thoái, lạm phát sẽ đè nặng bao lâu nữa trên nước Mỹ, trên thế
giới này? Và người ta nói bạo chúa nào cuối cùng cũng sẽ có ngày tàn, thế nhưng
cái giá nhân loại phải trả như thế nào? Hàng triệu người phải hy sinh? Câu hỏi
cuối cùng: rủi ro một cuộc chiến nguyên tử đang ở mức độ nào khi bạo chúa nghĩ
rằng không có gì quí hơn bạo lực, độc tài? Đó là câu hỏi vì nó chúng ta đêm
ngày không ngủ được.
Nhưng dù sao, công đức của Putin phải được nêu
ra ở đây: Ông ta đã giúp nước Mỹ thấy được bản mặt điên rồ, ngu si, sát nhân và
nham hiểm nơi người từng lãnh đạo đất nước này. Vĩ đại hơn nữa, Putin đã giúp
nước Mỹ có cơ hội đoàn kết nếu người ta biết được điều tối thiểu: Đoàn kết là sống,
chia rẽ là chết. Thế giới nay cũng nhờ ông ta mà biết “ngồi gần, ngồi bên nhau”
trước đại họa sống còn.
______
(*) Ghi chú của Tiếng Dân: Theo thông tin từ Cao ủy
Tị nạn Liên Hiệp quốc, hiện đã có gần 3,2 triệu người dân Ukraine bỏ chạy
khỏi đất nước này để trốn chiến tranh, tức khoảng 7,3% dân số. Xem dữ liệu tại
đây: https://data2.unhcr.org/en/situations/ukraine
No comments:
Post a Comment