“Nội
chiến” ngôn ngữ: tiếng Ukraine hay tiếng Nga?
Trần Hữu Thục
Posted on 20/03/2022 by Boxit
VN
https://boxitvn.online/?p=79442
Không
phải tất cả những gì viết bằng tiếng Nga đều thuộc về văn chương Nga, hoặc thuộc
về (nước) Nga. Những nhà văn Ukraine viết tiếng Nga không viết về người Nga mà
về người Ukraine.
Andrey
Kurkov
*
Bối cảnh lịch sử và chính trị
Ukraine là
nước lớn thứ hai ở Âu Châu, sau Nga, với diện tích 603,628 km2, xấp
xỉ tiểu bang Texas (695.622 km2), gần gấp đôi Việt Nam (331.2121 km2).
Theo kiểm tra dân số tháng 1/2022 (www.ukrstat.gov.ua.), thì Ukraine
(không kể bán đảo Crimea đã bị Nga sáp nhập) có 41.167.336 người, trong đó,
77,8 % là người Ukraine và 17,3% là người Nga với 67% nói tiếng Ukraine và 24%
nói tiếng Nga(1).
Dẫu vậy, Tổng
thống Nga Vladimir Putin nhiều lần khẳng định “Không hề có một nước gọi là
Ukraine”! Ngay từ đầu một bài viết quan trọng của mình, “On the Historical
Unity of Russians and Ukrainians”(2) công bố trên trang mạng của điện Kremlin
ngày 21/7/2021, Putin không úp mở xác định rằng “người Nga và người Ukraine là
một dân tộc – một toàn thể duy nhất”(3), vì Nga và Ukraine có cùng một gia tài
và một vận mệnh chung. Cái gọi là căn cước quốc gia Ukraine hiện nay chỉ là một
sản phẩm của các thế lực nước ngoài, theo ông.
Hai nước
Ukraine và Nga quả thực đã cùng chia sẻ một lịch sử khá phức tạp, nhưng lập luận
này rõ ràng xuất phát từ một ám ảnh lâu đời của tinh thần đế quốc Nga.
Từ thế kỷ
thứ 9 đến thế kỷ 13, một quốc gia Đông-Slave (East Slavic) đầu tiên có tên gọi
là Kievan Rus xuất hiện, với một
lãnh thổ rộng lớn và đông dân nhất Âu Châu thời đó; trung tâm của nó là Kyiv,
thủ đô Ukraine hiện nay, mà các nước Belarus, Russia, và Ukraine đều xem là nguồn
gốc của họ. Vào thế kỷ 12, trong lúc người Nga dần dần tách khỏi Kievan Rus và
hình thành một quốc gia riêng, thì những cuộc tranh giành và chiến tranh tương
tàn cùng với sự xâm lăng của Mông Cổ đã khiến Kyivan Rus suy yếu và cuối cùng,
bị sáp nhập vào vương quốc Polish-Lithuanian. Dẫu vậy, di sản văn hóa và tôn
giáo của nó là nền tảng cho tinh thần quốc gia Ukraine về sau, giúp hình thành
một nước Ukraine mới gọi là Cossack
Hetmanate vào thế kỷ thứ 17, sau một cuộc nổi loạn chống người Ba Lan. Quốc
gia này giữ vững độc lập trong vòng hơn 100 năm (1648-1764) mặc dầu bị nước Nga
áp chế. Đến nửa sau thế kỷ 18, Cossack Hetmanate lại suy đồi và hoàn toàn bị Đế
quốc Nga sáp nhập; người Ukraine chịu đựng cảnh mất nước thêm gần 200 năm nữa
cho đến khi Nga hoàng bị sụp đổ năm 1917. Ukraine được hưởng một thời gian ba
năm độc lập ngắn ngủi (1917-1920). Nhưng sau đó, khi chế độ Cộng sản Liên Xô vững
mạnh, Ukraine lại hoàn toàn nằm dưới sự thống trị của người Nga. Ukraine chỉ giành lại được độc lập trọn vẹn
khi chế độ Liên Xô tan rã vào năm 1991.
Dù đất nước
triền miên chìm trong khủng hoảng do di sản của chế độ Cộng sản và do tham
nhũng, thiếu khả năng và nhiều vấn đề linh tinh khác, người dân Ukraine vẫn
cương quyết theo đuổi lý tưởng dân chủ của mình: từ năm 1991 đến nay, Ukraine có tất cả 6 tổng thống được
bầu lên theo thể thức dân chủ(4).
Gay cấn nhất
là cuộc bầu cử năm 2004 với hai ứng cử viên đại diện cho hai khuynh hướng đối
chọi nhau: Viktor Yushchenko thân
Tây phương còn Viktor Yanukovych
thân Nga. Yushchenko, do lập trường của mình nên bị tình báo Nga đầu độc, được
cứu sống với một khuôn mặt bị biến dạng. Viktor Yanukovych đắc cử, nhưng bị
phát hiện là gian lận, nên dân chúng biểu tình đòi hủy bỏ kết quả. Khi bầu lại,
Yushchenko đắc cử. Điều này khiến mâu thuẫn giữa hai nước Nga và Ukraine càng
thêm gay gắt.
Trong cuộc
bầu cử năm 2010, Yanukovych trở lại chính trường, cam kết đưa Ukraine thân thiện
với châu Âu và rồi đắc cử tổng thống sau những năm kinh tế suy sụp dưới thời
Yushchenko. Năm 2013, Yanukovych thay đổi lập trường, quay sang thắt chặt quan
hệ với Nga. Điều này gây phẫn nộ trong quần chúng, đưa đến những cuộc biểu tình
liên tục vào cuối năm 2013 và đầu năm 2014. Yanukovych áp dụng biện pháp mạnh,
đàn áp và giết hàng trăm người, nhưng không khuất phục được sự bất mãn của nhân
dân, lại bị quốc tế lên án, nên cuối cùng, phải chạy trốn qua Nga. Petro Poroshenko, một chính trị gia
thân Tây phương, đắc cử tổng thống vào năm 2014, thắt chặt quan hệ trở lại với
Tây phương. Đầu năm 2019, Giáo hội Chính thống giáo Ukraine chính thức cắt đứt
quan hệ với Giáo hội Chính thống Nga (Russian Orthodox Church) là tổ chức tôn
giáo vốn có quan hệ hết sức chặt chẽ với các chế độ của Nga qua hàng nhiều thế
kỷ. Điều này làm Nga càng thêm nổi giận, tố cáo Hoa Kỳ âm mưu xúi giục Ukraine
tách khỏi ảnh hưởng Nga, làm suy yếu Nga và quyền lợi của những người nói tiếng
Nga ở Ukraine.
Trong cuộc
bầu cử vào năm 2019, Volodymyr Zelensky,
một diễn viên điện ảnh hài hước, thắng cử tổng thống với hơn 70% phiếu bầu,
đánh bại đương kim Tổng thống Petro Poroshenko. Zelensky tiếp tục đường lối của
người tiền nhiệm, cam kết đưa Ukraine trở thành thành viên của khối NATO.
Zelensky ra lệnh sử dụng những biện pháp mạnh chống lại tay tài phiệt Viktor
Medvedchuk, chủ tịch một đảng thân Nga lớn nhất ở Ukraine. Chính phủ cho đóng
băng tài sản ba năm, đóng cửa các kênh truyền hình thân Nga, buộc ông ta vào tội
phản bội vì cho rằng ông đã chuyển những cơ sở dầu hỏa và khí đốt ở Crimea (mà
Nga chiếm năm 2014) cho Nga. Căng thẳng Nga-Ukraine lên đến tột đỉnh.
Và cái gì đến, phải đến: ngày 24/2/2022, Putin ra
lệnh mang 150 ngàn quân tấn công Ukraine.
Bối cảnh văn chương
Văn chương
Ukraine không có một sự tiến triển bình thường, êm ả, thiếu sự liên tục do chịu
ảnh hưởng của chiến tranh và do bị lệ thuộc vào nước ngoài kéo dài suốt cả
thiên niên kỷ. Đã thế, ngôn ngữ viết chỉ được sử dụng trong lãnh vực tôn giáo,
thay đổi chậm hơn so với ngôn ngữ nói, tạo nên một sự cách biệt càng ngày càng
lớn giữa hai cách sử dụng. Như một toàn thể, tiến trình văn chương Ukraine trải
qua nhiều thời kỳ, mỗi thời kỳ mang một sắc thái riêng biệt(5):
- Thời kỳ
Kyivan Rus (thế 9-13)
- Thời kỳ
Cossack Hetmanate (cuối thế kỷ 17-đầu thế kỷ 18)
- Thời kỳ
bản ngữ (vernacular/cuối thế kỷ 18-đầu thế kỷ 20)
- Thời kỳ
Phục hưng (1917-1933)
- Thời kỳ
Sô Viết [Xô Viết – BVN] (thập niên 1930-1991)
- Thời kỳ
độc lập (từ 1991)
Trong một
quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước bấp bênh và thăng trầm như thế, thì quả
tình “Ukraine là một quốc gia bất toàn” (incomplete), cho nên văn chương của nó
cũng bất toàn. Văn chương bất toàn không thể thỏa mãn tất cả mọi quyền lợi tri
thức, nên nó được xem như bị lệ thuộc vào các nền văn chương khác”, sử dụng lại
một nhận xét của Dmytro Cyzevkyi khi bàn về văn chương Ukraine giai đoạn Cổ điển
(Classics)(6).
Khi Đế quốc
Nga thống trị Ukraine vào thế kỷ 18, Nga hoàng cho thay thế tất cả phiên bản tiếng
Ukraine trong tôn giáo bằng tiếng Nga, đồng thời ra lệnh cấm lưu hành tất cả
các tác phẩm văn chương bằng tiếng Ukraine. Chỉ còn tiếng Ukraine bình dân
(ngôn ngữ nói) là vẫn được sử dụng. Mặt khác, hầu hết những gì viết bằng tiếng
Ukraine đều là thứ ngôn ngữ sách vở chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của tiếng Nga, do
đó, tách dần khỏi ngôn ngữ bản địa Ukraine. Văn chương cao cấp Ukraine (high
style) trở thành văn chương Nga; kịch và văn xuôi thì pha trộn giữa ngôn ngữ
sách vở và ngôn ngữ bình dân (middle style); chỉ có văn chương bình dân (chuyện
tục, chuyện cười) mới sử dụng tiếng Ukraine thực sự (vernacular literature). Những
tác phẩm viết bằng tiếng Ukraine đầu tiên ở Kievan Rus từ thế kỷ 11
đến thế kỷ 13 là những tác phẩm tôn giáo, sử dụng ngôn ngữ “Church Slavonic”
(Church-Slavonic language), do đó, là tài sản văn chương chung của cả Nga,
Belarus và Ukraine. Sau khi bị Mông Cổ xâm lăng, và nước Nga tách ra thành một
quốc gia riêng, thì văn chương Ukraine hoàn toàn suy đồi cho mãi đến thế kỷ 16.
Phải đợi đến đầu thế kỷ 19 thì văn chương bằng tiếng
bản ngữ Ukraine mới có cơ hội phát triển.
Đây là thời kỳ văn chương mang ý thức quốc gia Ukraine mạnh mẽ nhất trong lịch
sử Ukraine, bất chấp sự cai trị tàn bạo của đế chế Nga. Ivan
Kotlyarevsky, nhà thơ và nhà viết kịch, được xem là người khởi đầu cho
truyền thống văn chương Ukraine mới, với Eneida (1798), một vở kịch thơ
có tính cách giễu nhại, sử dụng ngôn ngữ bình dân, thông tục. Về văn xuôi thì
có truyện dài Marusya (1834) của Hryhorii
Kvitka-Osnovianenko. Đặc biệt nhất là Taras
Shevchenko, một họa sĩ và một nhà thơ ngoại hạng của văn chương Ukraine
mà ở khía cạnh thi ca và ngôn ngữ, có thể so sánh với Nguyễn Du của Việt Nam.
Sinh ra trong một gia đình nông nô năm 1814, nhưng được giải thoát khỏi thân phận
này vào năm 1838, Shevchenko vào học ở “Viện hàn lâm Nghệ thuật St. Petersburg”
(St. Petersburg Academy of Art). Thơ ông lúc đầu mang dấu ấn của chủ nghĩa lãng
mạn (Romantics) nhưng sau đó chuyển sang tình cảm yêu nước với lòng hoài vọng đến
thời kỳ độc lập của quốc gia Cossack Hetmanate, vẽ lại hình ảnh u tối của một đất
nước bị người Nga chiếm đoạt. Đặc biệt, trường ca Haidamaky (1841) là một
tác phẩm trào phúng, chế giễu và lên án sự đàn áp của người Nga đối với người
Ukraine(7). Ông bị nhà cầm quyền Nga đày đi lao dịch một thời gian, dài đến… 10
năm (1847-1857). Với tinh thần yêu nước nồng nàn và với một sự nghiệp văn
chương lớn lao được sáng tác bằng tiếng Ukraine, Taras Shevchenko đã được người dân Ukraine tôn vinh như là người
tái thành lập quốc gia Ukraine hiện đại. Tượng đài vinh danh nhà thơ này được
tìm thấy ở nhiều trường đại học và công viên trên khắp đất nước Ukraine hiện
nay và ngay cả trong các quốc gia Liên Xô cũ.
Theo học
giả văn chương Tetyana Ogarkova, “Vị Cha già Dân tộc [của Ukraine] chẳng phải
là một Hoàng tử hay Nga hoàng, cũng không phải là triết gia, nhưng là một nhà
thơ, đó là Taras Shevchenko”(8).
Nhà thơ
Taras Shevchenko
Khoảng thời
gian độc lập ngắn ngủi từ năm 1917 và một thập niên sau đó do chế độ Liên Xô
còn cởi mở, là thời kỳ nở rộ của các tác phẩm văn chương, cả sáng tác lẫn phê
bình. Đây là giai đoạn hưng thịnh bất ngờ của văn chương Ukraine. Tiếng Ukraine
có dịp được người Ukraine sử dụng sau gần 200 năm bị đẩy vào quên lãng.
Cho đến trước năm 1922 không có một tờ báo nào bằng tiếng Ukraine, nhưng từ đó
cho đến năm 1933, có đến 372 tờ nhật báo, 89 tạp chí đuợc xuất bản bằng tiếng
Ukraine ở Ukraine(9).
Nhưng rồi
thời kỳ này bị chấm dứt một cách tàn nhẫn do sự đàn áp của chính quyền Liên Xô.
Tất cả mọi tổ chức độc lập đều bị tiêu diệt. Hầu hết các nhà văn Ukraine hoặc
chịu phục tùng hoặc bị tù tội, bị thủ tiêu hay tự sát. Ước lượng có đến 250 nhà
văn nổi tiếng Ukraine bị giết trong giai đoạn này.
Từ khi được độc lập (1991), văn chương Ukraine bước vào một giai
đoạn mới. Do không còn chế độ kiểm duyệt, văn học nghệ thuật Ukraine phát triển
một cách mạnh mẽ hầu như trên tất cả mọi lãnh vực từ hội họa, âm nhạc, kịch nghệ
cho đến văn chương. Các nhà văn nhà thơ quay sang những đề tài mới mẻ vốn đã từng
bị cấm kỵ trước đây như tình dục, nghiện hút, nạn đói dưới thời Liên Xô, mang
văn chương Ukraine hòa vào dòng văn chương đương đại thế giới, kể cả xu hướng hậu
hiện đại. Giải văn chương “Drahoman
Prize” được Văn Bút Ukraine (PEN Ukraine) và Viện Sách Ukraine (Ukrainian
Book Institute) thành lập năm 2020, nhằm khuyến khích các dịch giả dịch và phổ
biến văn chương Ukraine trên thế giới. Văn chương Ukraine hậu-độc lập là một
trong những yếu tố quan trọng góp phần xác định căn cước của những người công
dân nước Ukraine.
Nội chiến ngôn ngữ
Văn chương
gắn liền với ngôn ngữ. Sau hàng thế kỷ bị Nga-hóa từ thời Peter the Great
(1672-1725), Catherine the Great (1729-1796) rồi Alexander II (1818-1881) cho đến
khi chế độ Liên Xô sụp đổ, tiếng Ukraine hầu như bị loại trừ ra khỏi mọi sinh
hoạt công cộng trong một thời gian dài. Ở ngoài đường phố hay trong trường học,
ai nói tiếng Ukraine thường bị xem là quê mùa. Nhiều người Ukraine đã trải qua
thời kỳ thơ ấu bị phân biệt đối xử vì ngôn ngữ. Inna Sovsun, một luật sư, nguyên Bộ trưởng Giáo dục và Khoa học
Ukraine (2014-2016) cho biết là hồi học mẫu giáo, bà thường bị chế giễu khi nói
tiếng Ukraine, dù chỉ là nói ở bên ngoài lớp học. Chính vì thế mà trong thời kỳ
Liên Xô, có một phong trào trong sinh viên âm thầm vận động người Ukraine nên
nói tiếng Ukraine trong giờ giải lao. Đến khi Ukraine giành được độc lập, việc
phục hồi ngôn ngữ Ukraine càng ngày càng trở nên cấp thiết. Đó là động lực lớn
lao, thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của đất nước, kể cả văn chương. Thanh niên
Ukraine đã bắt đầu hãnh diện vì mình là người Ukraine, hãnh diện vì ngôn ngữ
Ukraine, nhất là khi đối mặt với Nga, vốn là những kẻ “không thừa nhận sự hiện
hữu của một quốc gia độc lập, tự do và thực sự mang tính cách Ukraine”, theo học
giả Tetyana Ogarkova(10).
Nhiều người
Ukraine có tinh thần cực đoan chủ trương thúc đẩy sử dụng tiếng Ukraine cả về
chính trị lẫn xã hội và kinh tế. Nhất là những người vốn sống ở bán đảo Crimea
mà Nga sát nhập từ năm 2014. Cộng đồng người Ukraine ở đây bị lực lượng Nga chiếm
đóng phân biệt đối xử. Vì không chịu nổi sự áp bức nên nhiều người trốn khỏi
Crimea và trở thành những người hăng hái nhất trong cuộc chiến giành giựt ngôn
ngữ. Nổi tiếng nhất trong nhóm này là Akhtem
Seitablayev (tài tử/giám đốc điện ảnh) và Nariman Aliev (giám đốc điện ảnh). Họ đều sinh trưởng trong những
gia đình chỉ nói tiếng Nga, nhưng do sự áp chế cho nên dù sống ở quê hương
(Crimea) mà cảm thấy như sống ở nước ngoài. Họ cực đoan: vận động mọi người
không nói, không đọc, không xem bất cứ sản phẩm nào bằng tiếng Nga(11). Họ chủ
trương Ukraine-hóa (Ukrainization) ngôn ngữ vì chỉ như thế mới thực sự đặt nền
móng cho một nước Ukraine độc lập, hiện đại, thuộc về Âu Châu, tách biệt hẳn ra
khỏi Nga và mang lại căn cước chính thức của họ.
Bí Cuộc vận động
Ukraine-hóa ngôn ngữ từng bước giành được thắng lợi. Năm 2017, Quốc hội Ukraine
thông qua đạo luật giảm thiểu các ngôn ngữ thiểu số, kể cả tiếng Nga, biến tiếng
Ukraine thành ngôn ngữ ưu thế trong mọi sinh hoạt công cộng, từ học đường, truyền
thông cho đến các hoạt động kinh doanh. Theo cuộc thăm dò dư luận năm 2017, do
tổ chức “Razumkov Center” thực hiện, hơn 2/3 dân Ukraine xem tiếng Ukraine là
ngôn ngữ mẹ đẻ; và hơn 50% trong số đó sử dụng tiếng Ukraine ở nhà. Nhiều người
Ukraine đã sử dụng tiếng Ukraine trong mọi giao tiếp mà không cảm thấy ngượng
nghịu, theo Dylan Carter(12).
Cuộc vận động
Ukraine-hóa ngôn ngữ từng bước giành được thắng lợi. Năm 2017, Quốc hội Ukraine
thông qua đạo luật giảm thiểu các ngôn ngữ thiểu số, kể cả tiếng Nga, biến tiếng
Ukraine thành ngôn ngữ ưu thế trong mọi sinh hoạt công cộng, từ học đường, truyền
thông cho đến các hoạt động kinh doanh. Theo cuộc thăm dò dư luận năm 2017, do
tổ chức “Razumkov Center” thực hiện, hơn 2/3 dân Ukraine xem tiếng Ukraine là
ngôn ngữ mẹ đẻ; và hơn 50% trong số đó sử dụng tiếng Ukraine ở nhà. Nhiều người
Ukraine đã sử dụng tiếng Ukraine trong mọi giao tiếp mà không cảm thấy ngượng
nghịu, theo Dylan
Carter(12).
Người
Ukraine thì nói tiếng Ukraine, tất nhiên thôi!
Tuy nhiên,
vấn đề không đơn giản như thế.
Tiếng
Ukraine và tiếng Nga, cả hai đều thuộc cùng ngữ hệ Slavonic, một nhóm ngôn ngữ ở
vùng trung và đông châu Âu, bao gồm cả tiếng Ba Lan, tiếng Tiệp và tiếng
Bulgaria. Một ngàn năm trước đây, ngôn ngữ nói trong các vùng thuộc Nga và
Ukraine là phương ngữ của cùng một ngôn ngữ. Chúng cùng chia sẻ nhiều điểm giống
nhau về văn phạm, từ vựng, phát âm, mẫu tự… Nhưng theo thời gian, do ảnh hưởng
của các biến cố lịch sử như chiến tranh, di dân, do các giao tiếp về văn hóa,
chúng dần dà khác nhau. Riêng về Ukraine, do một thời gian quá dài nằm dưới sự
thống trị của người Nga, tiếng Nga trở thành ngôn ngữ phổ thông ở đó và là tiếng
mẹ đẻ thứ hai của khoảng 30% công dân Ukraine hiện nay(13). Hai ngôn ngữ gần
gũi và pha trộn lẫn nhau đến nỗi tạo nên
một thứ ngôn ngữ lai gọi là Surzhyk, được sử dụng ở nhiều nơi Ukraine.
Không lạ gì, vai trò của tiếng Nga, từ lâu, đã là nguồn tranh cãi nóng bỏng về
chính trị và văn hóa, nhất là từ khi cuộc chiến ly khai ở vùng Đông Ukraine
(Donbas) nổ ra năm 2014.
Hiện nay,
tuy tiếng Ukraine đã trở thành chính thức, nhưng trong các sinh hoạt xã hội, vẫn
còn một áp lực vô hình thúc đẩy người Ukraine sử dụng tiếng Nga trong giao tiếp.
“Người ta vẫn xem tiếng Nga như một ngôn ngữ quyền lực, ngôn ngữ của nhà giàu,
do đó mà người ta vẫn làm y như thể mình thuộc giới này, cho nên nhiều người
Ukraine trong thâm tâm vẫn cảm thấy hổ thẹn khi nói tiếng Ukraine trên đường phố”(14).
Ngay cả trong trường học, nhiều sinh viên học sinh cho rằng học tiếng Ukraine
chỉ là việc thứ yếu. Họ vẫn thích nghiên cứu văn chương Liên Xô và đọc sách Nga
văn hơn.
Hiện nay,
có ba thành phần:
- Thành phần ủng hộ tiếng Nga: đó là những người, hoặc vì họ đã hưởng
được mọi ưu đãi do nền giáo dục Nga mang lại, hoặc họ là người Nga chính gốc
(hơn 17% người Nga đang sống trong Ukraine), sử dụng tiếng Nga là tiếng mẹ đẻ của
mình. Trong vùng Donbas – nơi nhiều người Nga sinh sống -, sở dĩ những người
thân Nga nổi loạn đòi ly khai khỏi Ukraine vào năm 2014, vì chính phủ ở Kyiv đã
vi phạm quyền được nói tiếng Nga của họ(15).
- Thành phần ủng hộ tiếng Ukraine. Đó là những người đầy ắp tinh thần
dân tộc chủ nghĩa, xem tiếng Nga là một di sản của chủ nghĩa đế quốc cần phải bị
loại trừ.
- Thành phần trung dung: xem tiếng Nga là thứ ngôn ngữ chung sử
dụng để giao tiếp trong môi trường liên-chủng tộc.
Theo
Mansur Mirovalev(16), trong bài viết “Language
in Ukraine: Why Russian vs. Ukrainian Divides So Deeply”, Ukraine là một đất
nước sử dụng nhiều ngôn ngữ kết hợp: tiếng Nga, tiếng Áo-Hung, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ,
chưa kể đến các ngôn ngữ thiểu số khác như Do Thái, Hy Lạp, Tomani. Tuy thế,
Nga ngữ là ngôn ngữ ưu thế suốt thời Liên Xô trong lúc Ukraine được xem như
phương ngữ. Sau 30 năm độc lập, tiếng Ukraine trở thành ưu thế với 2/3 người
dân Ukraine thừa nhận như là tiếng mẹ đẻ. Từ tháng 1/2021, bộ “Luật Ngôn ngữ”
(Language Law) bắt buộc tất cả mọi nhân viên làm dịch vụ công cộng (cửa hàng, bệnh
viện, công sở) chuyển tất cả đối thoại từ tiếng Nga duy nhất sang song ngữ
Nga-Ukraine. Một bộ luật khác được Tổng thống Petro Poroshenko đưa ra vào năm
2019 từng bước cho phép cấm các hệ thống truyền hình thân Nga và sách in ở Nga.
Nhưng Tổng thống hiện nay Volodymyr Zelensky muốn đảo ngược luật này. Zelensky
lớn lên trong một gia đình chỉ nói tiếng Nga và lãnh đạo một kịch đoàn sử dụng
cả hai thứ tiếng trong các vở kịch hài, bêu riếu xu hướng Ukraine-hóa ngôn ngữ,
và ông thường nói tiếng Nga trước công chúng. Ông đưa ra thông điệp thống nhất
ngôn ngữ: chấp nhận cả tiếng Ukraine lẫn tiếng Nga. “Chúng ta khác nhau, nhưng
cũng rất giống nhau”, theo ông. Để chứng minh cho luận điểm của mình, ông luôn
phát biểu dưới hình thức song ngữ. Ông cho rằng “Ukraine là một xứ sở chung,
nhưng đa dạng, giống như một cửa hàng bán đủ thứ loại hoa, màu sắc và hương
thơm khác nhau, nhưng tất cả đều là Ukraine”, theo ông. Thông điệp của
Zelensky dường
như phản ảnh xu hướng của đa số dân Ukraine, nên cuối cùng, Zelensky thắng cử.
Nhưng áp lực chung bênh tiếng Ukraine chống tiếng Nga vẫn tiếp tục dưới thời
ông(17).
Bắt đầu từ
tháng 7/2021, các chương trình truyền hình và phim ảnh bằng tiếng Nga buộc phải
có phụ đề tiếng Ukraine, mặc dầu hàng thập niên dưới chế độ Liên Xô, hầu như mọi
người ai cũng hiểu tiếng Nga. Trong thời gian sắp tới, hàng chục ngàn nhân viên
y tế, trường học, tòa án, cảnh sát… đều phải thi trắc nghiệm viết và nói tiếng
Ukraine để xác nhận trình độ tiếng Ukraine của mình. Tuy nhiên, bộ luật mới khiến
người Ukraine bị chia rẽ và thành kiến lẫn nhau. Theo cuộc thăm dò do một tổ chức
phi-chính phủ, Space of Freedom, thực hiện vào tháng 11/2020, 53% cho biết là họ
chỉ sử dụng tiếng Ukraine ở nhà và 29% thích nói tiếng Nga hơn. Nhiều người cho
rằng đàng sau tinh thần quốc gia, “Luật Ngôn ngữ” mang xu hướng kỳ thị ngôn ngữ.
Không những người Nga mà một số người Ukraine cũng cảm thấy bị tổn thương. Theo
họ, nói tiếng Nga không phải là một tội, vì đó cũng là tiếng mẹ đẻ. Nhiều người
không dám nói tiếng Nga vì bị sợ quy cho là “thân-Nga”(18).
Sự lép vế
của tiếng Ukraine đối với tiếng Nga gần như trở thành một quán tính tập thể.
Theo Natalka Sniadanko(19), tiếng Ukraine, do bị Nga-hóa, trong tưởng
tượng của quần chúng chỉ là một phương ngữ của tiếng Nga, không thể tự tồn tại
một mình. Sau khi Ukraine giành độc lập, những nhà xuất bản đầu tiên của
Ukraine tìm cách xuất bản những tác phẩm cổ điển của thế giới bị cấm dưới thời
Liên Xô để cho dân Ukraine được thưởng thức, nhưng khổ nỗi, tất cả đều được viết
bằng tiếng Nga. Họa hoằn lắm mới xuất bản được một một tác phẩm bằng tiếng
Ukraine thì điều đó trở thành một biến cố lớn, không chỉ vì chúng hay, nhưng vì
đó là một hiện tượng bất thường.
Nhà văn nữ
Larysa Denysenko, tác giả của 10 tác phẩm, trong “Majority as a Minority” (Đa số
thành Thiểu số) cho biết trong hai thập niên 1970 và 1980 ở thủ đô Kyiv, bất cứ
một người nào mà nói chuyện bằng tiếng Ukraine, dù lớn hay nhỏ, đều bị xem ngay
là thuộc loại nông dân, với ý khinh bỉ. Chuyển sang học và nói tiếng Nga là lập
tức thay đổi hoàn cảnh và giai cấp, trở thành người thành thị, dễ kiếm việc
làm, được có cảm tình và khỏi bị chê là “quê mùa”. Hãy tưởng tượng bạn sinh trưởng
trong một gia đình nói tiếng Nga, học hành, đọc sách, báo tiếng Nga, nói chuyện
và sinh hoạt hoàn toàn trong một môi trường tiếng Nga. Bạn ở trong thành phần
“đa số”. Rồi đột nhiên, sau 1991, mọi chuyện thay đổi: bạn phải nói tiếng
Ukraine, ngôn ngữ của bạn, nhưng lại như kẻ xa lạ, “thiểu số”. Yêu nước, từ từ,
bạn làm quen với không khí, ngữ cảnh của tiếng Ukraine ở trong nhà trường,
trong tòa án, trong công sở, trong các dịch vụ công cộng. Bạn hiểu biết, tin cậy
và làm quen với nó. Nhưng “Bạn thực sự không bao giờ bắt đầu nói tiếng Ukraine.
Bạn cảm thấy như bạn bị tước đoạt ra khỏi tình trạng đa số, và điều đó làm cho
bạn đau đớn. Điều này chẳng hề tan biến một cách nhanh chóng và tự nhiên
đâu!”(20).
Do đó, một
quan điểm dung hòa, cho rằng phải dành ưu thế cho tiếng Ukraine, nhưng không
nên loại bỏ tiếng Nga hoàn toàn, vì dù muốn dù không, nó đã là một ngôn ngữ được
sử dụng chính thức.
Yuri
Andrukhovych, nhà văn đương đại nổi tiếng, là tác giả của nhiều tiểu thuyết viết
bằng tiếng Ukraine và đoạt nhiều giải thưởng văn chương, tuy ủng hộ tiếng
Ukraine, nhưng chấp nhận thực tế: không dễ dàng loại bỏ tiếng Nga. Trong bài phỏng
vấn do Volodymyr Yermolenko – người đứng ra biên soạn tuyển tập “Ukraine In
Histories And Stories” – hỏi: một Ukraine trong vòng 30-40 năm có phải là một
nước độc lập, thành công và song ngữ không, Andrukhovych quả quyết rằng,
“Ukraine vẫn còn là nước đơn ngữ tiếng Nga” (a unilingual Russian speaking
country). Vì sao? Tiếng Ukraine bây giờ hiện diện ở Kyiv nhiều hơn trước, nhưng
luôn luôn đi sau tiếng Nga. Và ngay cả ở những vùng mà tiếng Ukraine chiếm ưu
thế, người ta vẫn hướng về chủ nghĩa cơ hội, nghĩa là hướng về tiếng Nga, vì giỏi
tiếng Nga thì dễ kiếm việc làm và dễ thành công hơn trong xã hội. Ở những vùng
mà thứ tiếng hỗn hợp (surzhyk) được sử dụng, người ta cũng có xu hướng chuyển về
tiếng Nga. Theo Andrukhovych, đó là điều “không thể đảo ngược” (irreversible).
Điều mà ông hy vọng là tiếng Ukraine sẽ vẫn còn giữ địa vị ngôn ngữ thứ hai
(second language). “Tiếng Ukraine không bao giờ có thể loại trừ được tiếng Nga.
Tranh đấu để giữ vững tiếng Ukraine có nghĩa là tranh đấu để cho một chế độ
song ngữ thực sự”(21).
Trong lúc
đó Andrey Kurkov, một nhà văn và nhà báo nổi tiếng khác của Ukraine, tác giả của
gần 20 tiểu thuyết viết bằng tiếng Nga, đưa ra một cách nhìn có phần tương tự với
Yuri Andrukhovych, nhưng khác về cách lập luận(22). Theo ông, Ukraine nên chấp
nhận nền văn hóa sử dụng tiếng Nga (Russian-language culture). Nền văn
hóa này khác hẳn thế giới văn hóa của Liên bang Nga. Văn chương sử dụng tiếng
Nga không nhất thiết là văn chương Nga như chính các tác phẩm của
ông đã chứng minh. Ông là một trong những nhà văn Ukraine có tác phẩm bán chạy
viết bằng tiếng Nga nhưng ông là nhà văn Ukraine. Sự phân biệt này rất quan trọng,
đặc biệt để chống lại khái niệm “Russian World” (Thế giới Nga) của điện
Kremlin. Khái niệm này gộp chung người Nga (Russian) và “những người nói tiếng
Nga” (Russian-speaking compatriots) vào một giỏ.
Kurkov cho
rằng văn chương sử dụng tiếng Nga ở Ukraine có hai đặc điểm:
- Nó phản ảnh
hiện thực xã hội và văn hóa Ukraine, nó kể ra những câu chuyện hoàn toàn khác với
thứ văn chương của Liên bang Nga. Điều này có lẽ giống như người Québec
(Canada): viết văn bằng tiếng Pháp nhưng không thuộc về văn chương Pháp; hay
cũng giống văn nhân Việt ngày xưa: làm thơ chữ Hán nhưng không thuộc văn chương
Trung Hoa.
- Về mặt
ngữ học cũng như về mặt văn hóa, ông phân biệt hai loại tiếng Nga: tiếng
Nga-Nga (Russian-Russian) là tiếng Nga thuần túy (của người Nga chính gốc); và
tiếng Nga-Ukraine (Ukrainian-Russian) là tiếng Nga của người Ukraine. Ukraine
có phiên bản riêng của tiếng Nga, khác hẳn với chính tiếng Nga. Tiếng
Nga-Ukraine phát triển dưới ảnh hưởng của nhiều ngôn ngữ khác (Hung, Ba Lan, Lỗ
Mã Ni, Slovak…) mà ông gọi là “Ukrainianisms” (ngôn ngữ được Ukraine-hóa). Nó
không những khác về từ vựng, mà còn về ngữ pháp (syntax) và ngữ âm (phonetics).
Điểm này phần nào tương tự như sự khác biệt giữa tiếng Hán và tiếng Hán-Việt
chăng?(23).
Theo
Kurkov, nhiều tác giả Ukraine viết bằng tiếng Nga nhưng tác phẩm của họ có gốc
rễ sâu trong ngữ cảnh văn hóa Ukraine. “Không phải tất cả những gì viết bằng
tiếng Nga đều thuộc về văn chương Nga, hoặc thuộc về (nước) Nga. Những nhà văn
Ukraine viết tiếng Nga không viết về người Nga mà về người Ukraine”, theo
ông. Chẳng hạn, tác phẩm Death and the Penguin (1996) của ông viết bằng
tiếng Nga, nhưng nhà xuất bản Moscow chỉ đồng ý xuất bản nếu ông thay khung cảnh
của truyện từ Kyiv bằng Moscow, bởi vì theo họ, chẳng người nào ở Moscow muốn đọc
về đời sống ở Kyiv. Ông không chấp nhận thay đổi và giao tác phẩm này cho nhà
xuất bản ở Ukraine. Tương tự, Volodymyr Rafieienko, một nhà văn Ukraine viết tiếng
Nga khác, vốn cư ngụ ở Donetsk, cho biết tác phẩm của ông viết về hiện thực
Ukraine chứ không về hiện thực Nga. Khi chiến tranh ly khai xảy ra, tách
Donetsk khỏi Ukraine, ông chọn sống ở Ukraine hơn là ở Nga.
Kurkov đề
nghị thành lập một viện nghiên cứu sự khác biệt ngữ học giữa
“Ukrainian-Russian” và “Russian-Russian”, khởi đầu bằng cách phân tích các tác
phẩm của những nhà văn Ukraine viết tiếng Nga và tìm hiểu cách sử dụng riêng biệt
của thứ tiếng Nga mà người Ukraine dùng. Mục đích cuối cùng là phải đòi lại cho
Ukraine thứ văn hóa sử dụng tiếng Nga của nó (should take ownership of
its Russian-language culture). Đồng thời phải thừa nhận những ngôn ngữ khác nằm
trong văn hóa của mình, kể cả tiếng Nga.
Quan điểm
của Kurkov bị cả hai phía chỉ trích. Phía thân-Nga thì cho rằng nghiên cứu
phiên bản Ukraine của tiếng Nga là một “philological fantasy’ (ảo tưởng ngữ
văn). Ngược lại, phía thân-Ukraine thì cho rằng Kurkov ủng hộ một hình thức
tân-Nga-hóa (a new form of Russification).
Quả là rối
rắm!
Tính cho đến
hôm nay (8/3/2022) khi tôi đang viết bài này, cuộc xâm lăng Ukraine của Nga đã
diễn ra gần hai tuần, đẩy đất nước Ukraine an bình càng ngày càng chìm trong
khói lửa, chết chóc và tàn phá. Trước sự chống đối của toàn thế giới và trước sức
kháng cự anh dũng và bền bỉ của chính quyền và quân đội Ukraine, quân đội Nga
đã chững lại, nhưng chưa có dấu hiệu gì cho thấy Putin lùi bước. Có thể tìm thấy
lý do ngay trong đầu óc của người lãnh đạo nước Nga hiện nay.
Để chuẩn bị
cho cuộc xâm lăng Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong bài viết dài
“On the Historical Unity of Russians and Ukrainians” vào ngày 21/7/2021 của ông
(đã nêu lên từ đầu bài)(24), đã trưng dẫn nhiều dữ kiện lịch sử để chứng minh
(trước) rằng Nga không “xâm lăng” Ukraine, mà chỉ tiến hành một “chiến dịch đặc
biệt” để “làm tròn nhiệm vụ” của người Nga ở Ukraine. Theo Putin, Ukraine và
Nga đã phát triển như là một hệ thống kinh tế qua hàng thế kỷ với nhiều thành tựu.
Nhưng do tách rời khỏi Nga nên niềm hãnh diện của Ukraine mà cũng là niềm hãnh
diện chung của toàn thể Liên bang không còn nữa. Vì thế, “Hôm nay, Ukraine trở
thành một xứ sở nghèo nhất của châu Âu”. (…) “Chính nhà cầm quyền Ukraine đã
phung phí và phá hỏng những thành tựu của nhiều thế hệ”. Ông cho rằng các nước
phương Tây đã trực tiếp can thiệp vào công việc nội bộ của Ukraine và hỗ trợ một
cuộc đảo chánh. Cuộc đảo chánh này và những hành động kế tiếp của nhà cầm quyền
Kyiv đã kích động sự đụng độ và nội chiến. Từng bước một, Ukraine bị lôi kéo
vào một trò chơi chính trị nguy hiểm nhằm biến Ukraine thành một sức bật chống
lại nước Nga. Nhà cầm quyền Ukraine tìm cách “viết lại lịch sử, loại bỏ đi những
gì vốn đã kết hợp chúng ta”, theo ông. Kết luận bài viết, Putin nhắc lại, “Tôi
tin rằng chủ quyền thực sự của Ukraine chỉ có thể có được khi cùng cộng tác với
nước Nga. Cùng đứng với nhau, chúng ta luôn luôn đã và sẽ nhiều lần mạnh hơn và
thành công hơn. Bởi vì chúng ta là một dân tộc”(25) (tôi nhấn mạnh).
Ngoài những
dẫn chứng về lịch sử, Putin cũng nêu lên vấn đề ngôn ngữ để chứng minh luận điểm
của mình. Chữ “Ukraine”, theo Putin, được sử dụng trong ý nghĩa của một từ ngữ
Nga cổ là “okraina” tìm thấy trong những văn bản từ thế kỷ 12, có nghĩa là
“vùng ngoại biên” quy cho các vùng đất biên giới. Ngoài sự tương đồng về đức
tin, truyền thống văn hóa, và “Tôi [Putin] nhấn mạnh một lần nữa rằng – tương đồng
ngôn ngữ”, nên Ukraine không thể tách rời khỏi Nga. Putin không ngần ngại vơ
luôn những nhà văn và nhà thơ yêu nước Ukraine như Ivan Kotlyarevsky, Grigory
Skovoroda, và cả thi hào Taras Shevchenko vào với Nga. “Tác phẩm của họ là gia
tài văn hóa và văn chương chung của chúng ta. Taras Shevchenko làm thơ bằng tiếng
Ukraine và văn xuôi chủ yếu viết bằng tiếng Nga(26)”. Chả thế mà, ông không ngại
ngần quả quyết, “Tất cả những gì kết hợp chúng ta lại bây giờ đang bị tấn công,
mà trước hết và trên hết, chính là tiếng Nga”.
Trong bài
viết “There
is no Ukraine”: Fact-Checking the Kremlin’s Version of Ukrainian History”,
tiến sĩ Björn Alexander Düben, hiện đang giảng dạy tại đại học King’s
College London, đã phản bác các luận điểm của Putin. Theo ông, ngôn ngữ riêng
biệt của Ukraine đã bắt đầu xuất hiện ngay trong thời gian cuối cùng (thế kỷ
13) ở Kievan Rus, quốc gia cổ của Ukraine. Và sau này, bất chấp nỗ lực liên tục
và có hệ thống của các nhà cầm quyền đế quốc Nga nhằm thủ tiêu văn hóa và ngôn
ngữ Ukraine, một ý thức quốc gia riêng biệt xuất hiện và củng cố trong suốt thế
kỷ 19, nhất là trong giới trí thức và ưu tú, những người đã thực hiện nhiều nỗ
lực khác nhau nhằm nuôi dưỡng và bảo tồn ngôn ngữ Ukraine(27).
Không khác
lắm với Björn Alexander Düben, qua một bài viết khác xuất hiện trong
trang mạng “Conversation”, “Ukrainian and Russian: How Similar Are The Two
Languages?”, tác giả cho biết là tiếng Nga và Ukraine, theo cách
tính của những nhà ngữ học, chia sẻ 55% từ vựng, nhưng không đủ để xem chúng là
một ngôn ngữ, hay tiếng này là phương ngữ của tiếng kia. Ngay từ lúc Nga kiểm
soát Ukraine vào thế kỷ thứ 18, tiếng Nga và tiếng Ukraine đã không còn liên hệ
chặt chẽ với nhau nữa. Hai thứ tiếng khác biệt nhau nhiều hơn cái được Putin gọi
là chỉ là những khác biệt ngôn ngữ vùng (regional language peculiarities), xuất
hiện cả ở từ vựng cũng như phát âm và văn phạm. Bằng cách tìm kiếm sự “thống nhất”
trong ngôn ngữ giữa Nga và Ukraine, Putin hình thành một lập luận cho phép nước
Nga có quyền can thiệp vào cái mà ông ta khẳng định đó là “không gian Nga”
(Russian space)(28).
Quả thật
là có một cuộc “nội chiến” ngôn ngữ giữa tiếng Ukraine và tiếng Nga. Nhưng đó sẽ
không phải là cuộc chiến đấu một còn một mất mà là một tiến trình tất yếu tìm
kiếm và khẳng định bản sắc của Ukraine trong chiều dài lịch sử của nó. Ukraine
sẽ tồn tại như một quốc gia độc lập với ngôn ngữ riêng biệt của nó, bất chấp mọi
ý đồ của Nga muốn tiếp tục thống trị Ukraine như các chế độ Nga Hoàng và đế quốc
Liên Xô đã làm trước đây.
Cuộc chiến
đấu kiên cường hiện nay của chính phủ và nhân dân Ukraine tự nó là một phản bác
hùng hồn luận điểm “On the Historical Unity of Russians and Ukrainians” của
Vladimie Putin!
3/2022
T.H.T.
---------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Björn
Alexander Düben, “There
is no Ukraine”: Fact-Checking the Kremlin’s Version of Ukrainian History
(Web The London School of Economics and Political Science/LSE)
2. Dmytro
Cyzevskyi, “A History Of Ukrainian Literature (From The 11th To The End Of
The 19th Century)”, bản dịch tiếng Anh của Dolly Ferguson, Doreen Gorsline,
và Ulana Petyk, Second Edition, 1997, nxb The Ukrainian Academy of Arts and
Sciences and Ukrainian Academic Press New York and Englewood, Colorado.
3.
Internet Encyclopedia of Ukraine (Literature)
http://www.encyclopediaofukraine.com/display.asp?linkpath=pages%5CL%5CI%5CLiterature.htm
4.
Ukrainian Literature
https://www.britannica.com/art/Ukrainian-literature
5. Dylan
Carter, Ukraine’s linguistic & cultural revival overcomes repression
6.
Ukraїner, What is the Ukrainian language?
https://ukrainer.net/what-is-the-ukrainian-language/
7. Mansur
Mirovalev, Language in Ukraine: Why Russian vs. Ukrainian divides so deeply
8. Natalka
Sniadanko, Literature as last bastion.
9.
Volodymyr Yermolenko (biên tập), Ukraine In Histories And Stories, Ukraine
In Histories And Stories (Essays By Ukrainian Intellectuals), Ukraine World
(UW), Kyiv 2019.
10. Maria
Montague, Ukraine’s distinctive Russian-language culture: an evening with Andrey
Kurkov
11. The
Conversation, Ukrainian and Russian: how similar are the two languages?
12.
Vladimir Putin, On the Historical Unity of Russians and Ukrainians
http://en.kremlin.ru/events/president/news/66181
------------
Chú thích:
[1]
Wikipedia.
[2]
Vladimir Putin, On the Historical Unity of Russians and Ukrainians
http://en.kremlin.ru/events/president/news/66181
[3]
“During the recent Direct Line, when I was asked about Russian-Ukrainian
relations, I said that Russians and Ukrainians were one people – a single
whole.”
http://en.kremlin.ru/events/president/news/66181
[4] Các tổng
thống Ukraine từ 1991- 2022: Leonid Kravchuk, Leonid Danylovych Kuchma, Viktor
Andriyovych Yushchenko, Viktor Yanukovych, Oleksandr Turchynov (quyền tổng thống),
Petro Poroshenko, Volodymyr Zelensky (từ 5/2019)
[5]
Internet Encyclopedia of Ukraine (Literature)
http://www.encyclopediaofukraine.com/display.asp?linkpath=pages%5CL%5CI%5CLiterature.htm
[6] Dmytro
Cyzevskyi, “A History Of Ukrainian Literature (From The 11th To The End Of
The 19th Century)”, bản dịch tiếng Anh của Dolly Ferguson, Doreen Gorsline,
và Ulana Petyk, Second Edition, 1997, nxb The Ukrainian Academy of Arts and
Sciences and Ukrainian Academic Press New York and Englewood, Colorado , tr
432.
Tham khảo
thêm “Internet Encyclopedia of Ukraine (Literature)
http://www.encyclopediaofukraine.com/display.asp?linkpath=pages%5CL%5CI%5CLiterature.htm
[7]
Ukraine Literature,
https://www.britannica.com/art/Ukrainian-literature
[8] The
‘Founder of the Nation’ is neither Prince nor Tsar, nor philosopher, but rather
a poet, Taras Shevchenko”
Dylan
Carter, Ukraine’s linguistic & cultural revival overcomes repression
[9]
Ukraїner, What is the Ukrainian language?
https://ukrainer.net/what-is-the-ukrainian-language/
[10] Dylan
Carter, Ukraine’s linguistic & cultural revival overcomes repression
[11] Dylan
Carter
[12] Dylan Carter
[13] Xem
The Conversation, Ukrainian and Russian: how similar are the two languages?
[14] Dylan Carter
[15] Xem
Mansur Mirovalev, Language in Ukraine: Why Russian vs. Ukrainian divides so
deeply
[16]
Mansur Mirovalev, Language in Ukraine: Why Russian vs. Ukrainian divides so
deeply
[17] Nina Jankowicz, This
Ukrainian presidential candidate is challenging language divisions with a
message of unity
[18]
Mansur Mirovalev
[19]
Natalka Sniadanko, Literature as last bastion.
[20]
Volodymyr Yermolenko (biên tập), Ukraine In Histories And Stories, Ukraine
In Histories And Stories (Essays By Ukrainian Intellectuals), Ukraine World
(UW), Kyiv 2019, tr. 180, 181
[21]
Volodymyr Yermolenko, tr 65, 66.
[22] Maria
Montague, Ukraine’s distinctive Russian-language culture: an evening with
Andrey Kurkov
[23] Câu hỏi
đặt ra như một gợi ý. Người viết bài này không rành về ngữ học.
24]
Vladimir Putin, On the Historical Unity of Russians and Ukrainians
[25
Together we have always been and will be many times stronger and more
successful. For we are one people. (W. Putin)
[26] Ivan
Kotlyarevsky, Grigory Skovoroda, and Taras Shevchenko played a huge role here.
Their works are our common literary and cultural heritage. Taras Shevchenko
wrote poetry in the Ukrainian language, and prose mainly in Russian.
[27] Björn
Alexander Düben, “There
is no Ukraine”: Fact-Checking the Kremlin’s Version of Ukrainian History
(Web The London School of Economics and Political Science/LSE)
[28] The
Conversation, Ukrainian and Russian: how similar are the two languages?
T.H.T.
Tác giả gửi
BVN
No comments:
Post a Comment