Tuesday, March 22, 2022

DANIEL YERGIN : PUTIN ĐÃ PHÁ HỦY NỀN KINH TẾ MÀ ÔNG TA MẤT 22 NĂM ĐỂ GÂY DỰNG (Ryosuke Hanafusa  -  Nikkei Asia)

 



Daniel Yergin: Putin đã phá hủy nền kinh tế mà ông ta mất 22 năm để gây dựng

Ryosuke Hanafusa  -  Nikkei Asia  

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

22/03/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/03/22/daniel-yergin-putin-da-pha-huy-nen-kinh-te-ma-ong-ta-mat-22-nam-de-gay-dung/

 

Trong lúc thế giới tranh giành dầu mỏ, Iran sẽ nổi lên như một nguồn thay thế quan trọng

 

Daniel Yergin, phó chủ tịch tập đoàn S&P Global, đồng thời là chuyên gia hàng đầu về năng lượng, chia sẻ rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin từng hét vào mặt ông trong một diễn đàn quốc tế, vì dám hỏi về một chủ đề nhạy cảm: khí đá phiến.

 

Câu hỏi của Yergin thực chất là về kế hoạch của Nga nhằm đa dạng hóa nền kinh tế, tránh phụ thuộc vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu khí. Nhưng từ “đá phiến” đã khiến nhà lãnh đạo Nga phản ứng gay gắt, vào năm 2013.

 

Putin biết rõ khí đá phiến cuối cùng sẽ cạnh tranh với khí đốt của Nga ở châu Âu. Ông cũng hiểu rằng đá phiến sẽ nâng cao vị thế chiến lược toàn cầu của Mỹ, Yergin nói với Nikkei trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

 

Trong cả hai vấn đề trên, Putin đều đúng. Nhưng ông lại mắc phải sai lầm nghiêm trọng khi dự đoán phản ứng của châu Âu trước cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine, Yergin khẳng định. Người châu Âu đã phản ứng mạnh mẽ, bất chấp việc đang phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Giờ đây, Putin đã phá hủy chính nền kinh tế mà ông gây dựng, vị chuyên gia năng lượng kết luận.

 

Dưới đây là bản biên tập của cuộc phỏng vấn:

 

*

Hỏi: Cuộc khủng hoảng Ukraine ảnh hưởng đến thị trường năng lượng như thế nào?

 

Đáp: Chẳng còn cái gọi là “mọi việc như thường” sau những gì đã xảy ra. Putin đã phá hủy những gì ông ta dành 22 năm gây dựng cho nền kinh tế Nga. Hầu như không ai thực sự có thể tưởng tượng được quy mô trừng phạt đối với cuộc xâm lược của Nga.

 

Đây là một tính toán sai lầm rất lớn của Putin. Ông cho rằng sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng của Nga sẽ đủ để ngăn người châu Âu phản ứng mạnh mẽ, như những gì họ đã làm.

 

Một trong những mục tiêu chính của ông là chia rẽ và phá vỡ NATO. Nhưng kết quả là điều ngược lại.

 

Chúng ta đã chứng kiến một sự thay đổi 180 độ ở Đức. Bước đầu tiên trong các biện pháp trừng phạt là tạm hoãn, hay về cơ bản là hủy bỏ, dự án Nord Stream 2. Và thế, đường ống trị giá 11 tỷ đô la này sẽ chỉ nằm yên dưới Biển Baltic. Nó từng là một trong những mục tiêu tuyệt vời của Putin, nhưng nay trở thành một ví dụ khác về tính toán sai lầm của ông ta.

 

*

Hỏi: Liên Xô có cẩn thận hơn trong việc sử dụng vũ khí năng lượng thời Chiến tranh Lạnh?

 

Đáp: Ngay cả trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, Liên Xô và Nga luôn muốn gửi một thông điệp rằng “nguồn cung cấp năng lượng của chúng tôi không mang tính chính trị,” rằng “chúng tôi là nhà cung cấp đáng tin cậy.” Một hậu quả lớn của [xung đột Ukraine] là người châu Âu sẽ nỗ lực hết mình để giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

 

Họ sẽ làm điều đó theo ba cách khác nhau. Một là nguồn cung khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) bổ sung. Thứ hai là nguồn cung khí đốt nội bộ, và theo đó sẽ có một số nỗ lực, đặc biệt là ở Biển Bắc, nhằm thúc đẩy sản xuất của châu Âu và Anh.

 

Và thứ ba, đây sẽ là một động lực lớn thúc đẩy năng lượng tái tạo.

 

Đang có quan ngại về mùa đông sắp tới ở Châu Âu. Châu lục sẽ bước vào mùa đông với năng lượng dự trữ thấp và họ sẽ cần phải tích lũy những thứ đó. Vì vậy, trong ngắn hạn, đó là một thách thức đối với châu Âu. Không ai biết kết cục rồi sẽ là gì.

 

*

Hỏi: Còn dầu mỏ thì sao?

 

Đáp: Nga xuất khẩu 7,5 triệu thùng dầu mỗi ngày – khoảng một nửa trong số đó đi đến các nước NATO. Hiện có vài triệu thùng dầu đang bị mắc kẹt. Các tàu chở dầu ở Biển Đen rời đi với dầu của Nga, nhưng không được phép cập bến dỡ hàng, vì các công ty nói rằng họ sẽ không mua dầu của Nga.

 

Ngành dầu mỏ của Nga sẽ bị xáo trộn trong tương lai gần. Họ sẽ không thể nhận được thư tín dụng. Và các ngân hàng không muốn chấp nhận rủi ro. Ngoài ra còn có một yếu tố mới xuất hiện: vấn đề danh tiếng và giá trị.

 

Không chỉ các công ty dầu mỏ, các công ty khác cũng đang rút lui. Mọi cố gắng để hội nhập Nga vào nền kinh tế toàn cầu đang bị đảo ngược. Về cơ bản, Nga đang bị ‘rút phích cắm’ hay mất kết nối với nền kinh tế thế giới.

 

Tôi sợ rằng chúng ta có thể sẽ lao vào một cuộc tranh giành nguồn cung dầu. Đó là lý do tại sao, lúc này đây, sự phối hợp giữa các chính phủ và ngành công nghiệp là vô cùng quan trọng.

 

*

Hỏi: Nếu một cuộc tranh giành dầu xảy ra, dầu thay thế sẽ đến từ đâu? Ai sẽ thay thế Nga?

 

Đáp: Ứng viên số một là các nước vùng Vịnh Ả Rập. Ngoại giao bây giờ đang rất quyết liệt. Chúng ta có thể nhận được thêm 2 triệu thùng dầu mỗi ngày từ các nước vùng Vịnh.

 

Thứ hai, việc đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Iran – mà có vẻ như đã gần đạt được rồi – sẽ mang lại cho thị trường thêm 1 triệu thùng dầu mỗi ngày.

 

Thứ ba là các nguồn dự trữ chiến lược, vốn được tạo ra phòng khi có gián đoạn nguồn cung.

 

Và thứ tư, trong năm nay, chúng ta sẽ thấy có sự tăng trưởng sản lượng đáng kể từ Mỹ. Sản lượng của Mỹ trong năm có thể tăng khoảng 900.000 đến 1 triệu thùng mỗi ngày. Đó là những con số quan trọng.

 

Ngoài ra, chúng ta cũng sẽ nhận được nhiều dầu hơn, dù với khối lượng nhỏ, từ Canada, Brazil và Guyana.

 

*

Hỏi: Trong cuốn The New Map: Energy, Climate, and the Clash of Nations (Bản đồ mới: Năng lượng, Khí hậu và Cuộc Đụng độ giữa Các Quốc gia), ông đã viết rất nhiều về Ukraine.

 

Đáp: Vào cuối Chiến tranh Lạnh, Nga, Ukraine, châu Âu và khí đốt tự nhiên chính là những trọng tâm của cuộc tranh luận. Chúng là chủ đề gây căng thẳng lớn giữa Nga và phương Tây.

 

Putin tin rằng phương Tây đang suy tàn. Ông cho rằng Mỹ đang bận tâm với các vấn đề trong nước, và châu Âu cũng đang bận tâm với các vấn đề trong khối.

 

Những gì xảy ra trong các cuộc khủng hoảng quốc tế thường là do tính toán sai lầm, và người ta không thực sự nhìn ra hậu quả. Putin đang bị cô lập, và có lẽ ông ta đang ở trong tình trạng mà mọi người chỉ dám nói với ông những gì ông muốn nghe.

 

Ông không gặp gỡ nhiều người. Rõ ràng là ông chỉ để một nhóm nhỏ, những người có xuất thân tương tự từ KGB, ở cạnh mình. Có vẻ như các cố vấn kinh tế của ông đã hoàn toàn bị đẩy ra ngoài.

 

Khi mọi người đến gặp Tổng thống Nga, ông ta sẽ tiếp họ ở chiếc bàn dài đến kỳ cục. Ông rất sợ COVID. Có nhiều lời đồn, phải chăng ông mắc một chứng bệnh nào đó khiến bản thân bị suy giảm miễn dịch?

 

Vladimir Putin đã rất tức giận trước sự tan rã của Liên Xô, nhưng sau khi Liên Xô tan rã, chẳng ai được lợi hơn ông ta cả. [Nếu Liên Xô vẫn còn tồn tại] Putin hẳn vẫn là một sĩ quan KGB, chứ không phải là một Tổng thống Nga với nhiều quyền lực và nguồn lực như hiện tại.

 

*

Hỏi: Đâu là tầm quan trọng của dầu đá phiến Mỹ trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine?

 

Đáp: Tôi đã từng bị Vladimir Putin hét vào mặt trước 3.000 người vì hỏi về đá phiến. Sự kiện đó đã có một tác động rất lớn đến tôi.

 

Tôi nhận ra có hai lý do. Một là ông ta biết rằng, khí đá phiến đang cạnh tranh với khí đốt của Nga ở châu Âu, và ông ta đã đúng.

 

Hai là ông cũng hiểu rằng đây sẽ là một tài sản địa chính trị cho Mỹ. Nó sẽ mang lại cho Mỹ sự linh hoạt trong các vấn đề thế giới, thứ mà nước này không có nếu phải nhập khẩu 60% lượng dầu của mình.

 

Tôi vẫn luôn thấy rõ rằng, nếu vị thế năng lượng của Mỹ thay đổi, thì họ sẽ có tầm quan trọng địa chính trị lớn. Hãy tưởng tượng nếu không có cuộc cách mạng dầu đá phiến, cũng không có LNG, và Mỹ không tự cung cấp được dầu mỏ. Khi ấy, thế giới sẽ là một thế giới khác!

 

Nếu nhìn lại cuộc khủng hoảng dầu mỏ thập niên 1970, thời đó tất cả các nước công nghiệp đã tham gia vào một cuộc tranh giành điên cuồng để tìm nguồn cung dầu. Nhưng giờ đây, Mỹ không phải cạnh tranh với Nhật Bản hay Tây Âu.

 

*

Hỏi: Các chính sách môi trường của chính phủ Mỹ có mâu thuẫn với nhu cầu thúc đẩy sản xuất dầu đá phiến không?

 

Đáp: Chính quyền Biden không quan tâm nhiều – thật ra thì họ chẳng buồn quan tâm – đến ngành công nghiệp dầu mỏ, mãi tới tận tháng 11/2021. Rồi sau đó, vào cuối năm, bộ trưởng năng lượng thực ra lại đã khuyến khích sản xuất nhiều dầu hơn. Lúc đó, trọng tâm lớn vẫn là chống biến đổi khí hậu. Nhưng hiện nay đã có sự công nhận rằng dầu khí thực sự quan trọng về mặt chiến lược và chính trị.

 

Đã có những chính sách trái ngược nhau, và nếu anh là chủ một công ty và sắp sửa đầu tư, ít nhất anh cần hình dung được một cách chắc chắn rằng sắp tới mọi thứ sẽ đi về đâu.

 

--------------------------

 

Dầu đá phiến và cuộc cách mạng địa chính trị năng lượng

Nguồn: Joseph Nye, “The Changing Geopolitics of Energy”, Project Syndicate, 01/11/2017. Biên dịch: Trần Thị Ngọc Thúy | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp Năm 2008, khi Hội đồng tình báo Quốc gia Hoa Kỳ (NIC) xuất bản cuốn Global Trends 2025 (Xu hướng toàn cầu năm 2025), một dự báo quan trọng là cạnh tranh … Đọc tiếpDầu đá phiến và cuộc cách mạng địa chính trị năng lượng

Nghiên cứu quốc tế





No comments: