Wednesday, February 16, 2022

VỪA MỞ CỬA DU LỊCH, 'ĐÙNG MỘT CÁI' ĐÓNG CỬA ĐƯỜNG BĂNG, DOANH NGHIỆP CHỊU SAO NỔI (Kinh Tế Sài Gòn)

 



Vừa mở của du lịch, ‘đùng một cái’ đóng cửa đường băng, doanh nghiệp chịu sao nổi ?    

Song Nghi  -  Kinh tế Sài Gòn 

16/02/2022 16:21

https://thesaigontimes.vn/vua-mo-cua-du-lich-dung-mot-cai-dong-cua-duong-bang-doanh-nghiep-chiu-sao-noi/

 

(KTSG Online) – Ngay khi Chính phủ cho mở lại tất cả các đường bay quốc tế thường lệ như hồi trước dịch Covid-19 và không hạn chế tần suất bay từ ngày 15-2, đồng thời sẽ mở lại du lịch quốc tế từ 15-3 tới, thì Cục Hàng không công bố đóng một đường băng của sân bay Tân Sơn Nhất để sửa chữa. Các hãng hàng không, du lịch lại một phen khốn đốn và lãnh đủ thiệt hại vì không biết trước lịch đóng cửa này và đã mở bán vé máy bay, bán tour…

 

Theo các doanh nghiệp, họ không được cho biết trước kế hoạch đóng cửa đường băng, giảm tần suất chuyến bay này, và rồi “đùng một cái” Cục Hàng không ra thông báo từ ngày 9-2 để bắt đầu áp dụng từ ngày 21-2.

 

Theo Cục Hàng không, từ ngày 21-2 đến 30-4, tức là trong và sau thời gian đóng cửa đường băng, Cục điều chỉnh tham số điều phối đường cất – hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất xuống còn 30 chuyến/giờ, giảm số chuyến bay cất cánh tại nhà ga nội địa là 24 chuyến/giờ, tức là giảm sản lượng khai thác, điều phối các chuyến bay xuống chỉ còn 2/3 so với thời gian gần đây(*).

 

Hậu quả tức thì là các hãng hàng không bị đẩy vào thế bị động vì vé đã bán từ trước dựa trên tần suất cất hạ cánh (slot) cũ đã được cấp phép. Điều này sẽ dẫn đến các rủi ro về việc chậm, hủy chuyến. Có thể thấy rõ, thiệt hại cho các hãng hàng không và sự phiền toái mà khách đi máy bay phải gánh chịu là không nhỏ.

 

Tuy nhiên, dựa trên những thông tin từ các cơ quan của Bộ Giao thông Vận tải công bố thì có vài điều cần làm rõ về tiến độ và thời điểm hoàn thành của dự án này.

 

Ngày 1-12-2021, Cục Hàng không đã công bố, từ 17g ngày 30-11-2021, sân bay Tân Sơn Nhất đã khai thác cả 2 đường băng sau khi hoàn thành dự án cải tạo, nâng cấp đường băng 25R/07L và các đường lăn. Trong bản tin này có chi tiết “sau khi bay hiệu chuẩn đạt yêu cầu, Cục Hàng không Việt Nam đã có quyết định chấp thuận đưa vào khai thác trở lại đường cất hạ cánh 25R/07L và các đường lăn P1, P2, P3, P4, P5, P6 của dự án”(**).

 

Thế nhưng khi công bố việc đóng cửa đường băng, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông Vận tải) giải thích lý do là “nhằm mục đích phục vụ cho việc xây mới 36 m của đường lăn P4. Việc này thuộc kế hoạch tiếp tục thi công hạng mục còn lại của dự án cải tạo, nâng cấp đường băng và đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất”(***).

 

Câu hỏi đặt ra ở đây tại sao đường lăn P4 đã được Cục Hàng không chấp thuận đưa vào khai thác trước đó nay lại phải xây mới? Bởi lẽ, theo thông tin do ông Trần Văn Thi – Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận – cung cấp cho báo chí thì “Dự án hoàn thành đã trả lại trạng thái hoạt động bình thường của sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất khi có 2 đường băng 25R/07L và 25L/07R hoạt động, đáp ứng đầy đủ công năng khai thác của sân bay Tân Sơn Nhất”.

 

Với những thông tin được báo chí trích dẫn thì có thể hiểu, dự án cải tạo, nâng cấp đường băng sân bay Tân Sơn Nhất đã hoàn thành từ cuối tháng 11-2021. Như vậy, nếu chưa làm xong, tại sao Ban quản lý dự án Mỹ Thuận không làm tiếp mà lại ngưng từ đầu tháng 12 đến nay, trong khi tiến độ dự án theo lệnh khẩn cấp của Chính phủ là đến ngày 31-12-2021 phải hoàn thành toàn bộ dự án?

 

Lý do tiến độ bị chậm vì ảnh hưởng dịch Covid-19 cũng không thuyết phục. Cuối tháng 6-2021, dự án này được khởi công. Đến đầu tháng 8-2021, dự án tạm ngưng do có ca nhiễm Covid-19. Dù đang trong thời điểm dịch bênh căng thẳng nhất, dự án này vẫn được UBND TPHCM ưu tiên cho phép thi công lại từ ngày 25-8 để bảo đảm hoàn thành trước ngày  31-12-2021(****).

 

Chuyện sửa chữa, nâng cấp sân bay để bảo đảm an toàn hàng không là việc bắt buộc phải làm. Tuy nhiên, chọn thời điểm đóng cửa đường băng ngay lúc mở cửa hàng không, nối lại du lịch quốc tế thì quá máy móc và vô cảm đối với doanh nghiệp.

 

Lẽ ra Cục Hàng không cần họp với các bên liên quan trước khi đơn phương đưa ra quyết định, đặc biệt là lắng nghe ý kiến từ giới chuyên môn xem liệu có thể lùi thời hạn đóng cửa đường băng sang thời điểm khác hay không. Cứ “đùng một cái” như thế này, doanh nghiệp lãnh đủ thiệt hại.

 

——————–

(*) https://thesaigontimes.vn/san-bay-tan-son-nhat-tam-dong-cua-mot-duong-bang-den-15-3/

 

(**) https://tuoitre.vn/san-bay-tan-son-nhat-da-khai-thac-ca-2-duong-bang-20211201105310568.htm

 

(***) https://tuoitre.vn/tam-dung-khai-thac-mot-duong-bang-tan-son-nhat-de-tiep-tuc-thi-cong-du-an-20220215173033787.htm

 

(****) https://tuoitre.vn/du-an-nang-cap-duong-bang-san-bay-tan-son-nhat-thi-cong-tro-lai-tu-25-8-2021082509495681.htm





No comments: