Sunday, February 13, 2022

'SÂU MỌT' TẠI CƠ QUAN HÀNG ĐẦU VỀ QUẢN LÝ GIÁO DỤC VIỆT NAM (RFA)

 



’Sâu mọt’ tại cơ quan hàng đầu về quản lý giáo dục Việt Nam 

RFA

10/02/2022

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/core-of-mistakes-found-at-educational-administration-institute-02102022164157.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/core-of-mistakes-found-at-educational-administration-institute-02102022164157.html/@@images/220c8f62-5e8d-4280-a728-13a008591a54.jpeg

Học viện Quản lý Giáo dục.   Công An Nhân Dân

 

Ngoài những vi phạm liên quan đến tuyển sinh, mở ngành, Viện Quản lý Giáo dục thuộc Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) Việt Nam còn mắc phải quá nhiều sai sót trong công tác tổ chức bộ máy và việc tuyển chọn nhân sự.

 

Theo Thanh tra Bộ GD-Đào tạo, tổ chức bộ máy, nhân sự trong Học viện Quản lý Giáo dục từ 2018 đến trước ngày 6/12/2019, đã không có Hội đồng Học viện để thực hiện trách nhiệm và quyền hạn theo quy định.

 

Mặt khác, Học Viện cũng chưa có văn bản quy định, chưa có sự thống nhất về quy trình, thủ tục thực hiện thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể các đơn vị trực thuộc.

 

Kết luận của Thanh tra Bộ GD-ĐT còn cho rằng qui chế tổ chức và hoạt động của Học viện Quản lý Giáo dục chưa xác định rõ các mối quan hệ giữa Đảng ủy với Hội đồng Học viện, giữa Đảng ủy với Giám đốc Học viện, và cả giữa Hội đồng Học viện với Giám đốc Học viện, chưa kể mức độ tự chủ của đơn vị thuộc, trực thuộc Học viện.

 

Một điểm sai phạm thêm nữa là Giám đốc Học viện chưa ban hành văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị theo qui chế; văn bản về công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, chế độ làm việc của giảng viên không phù hợp các quy định của Luật Viên chức 2010 và các Nghị định của Chính phủ cũng như các văn bản hướng dẫn của Bộ Nội Vụ.

 

Tóm lại, cơ cấu, tổ chức, tuyển chọn và những chức năng khác của Học viện Quản lý Giáo dục đều chẳng những không đúng qui định và trình tự thủ tục mà còn vấp váp, sai phạm rất  nhiều về khâu nhân sư.

 

Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đăng Hưng, Giáo sư Danh dự Đại học Liège của Bỉ, từng nhiều năm làm việc trong các chương trình  Cao Học Bỉ-Việt tại Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Bách khoa TPHCM, cho biết trên nguyên tắc Học viện Quản lý Giáo  dục, thành lập năm 2006, đang đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ ngành Quản lý Giáo dục, thạc sĩ ngành Tâm Lý học lâm sàng và Công nghệ Thông tin.

 

Chia sẻ qua điện thư gởi cho RFA, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng viết rằng ông  không ngạc nhiên về những tiêu cực vừa được nêu ra trong Học viện Quản lý Giáo dục:

 

Gần gũi với nên giáo dục Việt từ 1990 cho đến nay,  tôi đã nghe phong phanh và có khi chứng kiến rất nhiều sai phạm trong hệ thống Giáo dục và đào tạo ở  Việt Nam”

“Vấn đề phát xuất từ yêu cầu bằng cấp của rất nhiều nhân sự chính quyền không có khả năng học hỏi mà muốn giữ chức nắm quyền. Trong cơ chế “thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Có cầu thì phải có cung đâu đó thôi!”

 

Nhà nghiên cứu Ngữ học kiêm nhà giáo với hơn 40 năm tại Đại học Sư phạm TPHCM, ông Hoàng Dũng, nhận định:

 

Học viện Quản lý Giáo dục như tên gọi là chuyên về đào tạo cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý cho Bộ Giáo Dục.”

“Về nguyên tắc thì  điều đó cần, còn trên thực tiễn người ta dạy dỗ  như thế nào, sản phẩm cung cấp cho nền giáo dục ra làm sao…Cái  đó phải có một cuộc điều tra để xem thử  nó đúng hay là sai.”

“Tôi không đủ tư liệu để nói rằng kết luận của Thanh tra Bộ Giáo Dục đúng hay sai, nhưng nổi bật của câu chuyện này là vấn đề  cơ chế. Hôm nay là Học viện Quản lý Giáo dục thì hôm sau tôi tin chắc sẽ có những trường khác, những học viện khác”.

 

Học viện Quản lý Giáo dục cũng không phải trường đầu tiên bị những kết luận kiểu tiêu cực như thế này. Vẫn lời nhà giáo Hoàng Dũng:

 

“Xin nói lại là chúng tôi không đủ tư liệu để thẩm tra, coi lại. Thế nhưng kỷ luật một đơn vị sai phạm rồi công khai lên báo là chuyện rất đáng làm, rất nên làm. Oan hay ưng  mọi chuyện  phải công khai”.

 

Theo  Quyết Định số 178 của Đảng ủy Học viện ngày 19/12/2017, được báo chí đăng tải lại, việc phê duyệt quy hoạch quản lý Trưởng phòng, Phó phòng các đơn vị trực thuộc giai đoạn 2016-2021, việc phê duyệt quy hoạch năm 2017 không đúng chức danh quy hoạch đào tạo đối với ba cán bộ mà tên tuổi được đưa lên mặt báo.

 

Một cách rõ ràng hơn thì quá nhiều sai sót trong công tác nhân sự, có khi một đơn vị mà chỉ một cấp trưởng và một cấp phó. Tựu chung thì chính cán bộ Học viện Quản lý Giáo dục cũng không biết làm thế nào cho đúng, là nhận định tiếp theo của nhà giáo Hoàng Dũng:

 

“Thực ra qui định bao nhiêu người thì có một cấp trưởng, bao nhiêu người thì có hai cấp phó, ví dụ như thế, thì họ có qui định rất chặc chẽ chứ không phải ưa gì làm nấy. Còn ở đây, một đơn vị mà chỉ một cấp trưởng và một cấp phó thôi, thì phải hiểu ngay rằng cơ quan này muốn có nhiều quân nhiều quan ở cấp trưởng cấp phó. Như thế thì thu nhập sẽ cao hơn, lương sẽ khác, phụ cấp sẽ khác. Đó là chuyện làm không đúng đắn.”

 

Mà thực ra nó là trong quyền hạn của cái ông đứng đầu cơ quan, ông hoàn toàn có thể cử anh này làm trưởng anh kia làm phó. Tuy rằng chuyện có trưởng có phó  được qui định bởi văn bản, chẳng hạn 10 người mới có một trưởng,  bây giờ ông bất chấp, 1 người ông cũng dựng lên một cấp trưởng. Cái sai đó không phải là phổ biến lắm nhưng cũng không phải là hiếm”.

 

Đối với ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương đảng Cộng Sản Việt Nam, quá  nhiều sai trái trong một cơ quan đào tạo cấp cao như Học viện Quản lý Giáo dục là thêm một lần phải nhìn lại bản thân ngành Giáo dục-Đào tạo vốn mang tai tiếng bao lâu:

 

“Chưa rõ vì sao kỳ này Bộ GD-ĐT lại chĩa sang viện Quản lý Giáo dục, bởi thật ra tình hình từ đầu không phải từ Học viện Quản lý Giáo dục ấy đâu. Nó bắt đầu từ chóp bu của Bộ Giáo Dục, từ Bộ trưởng, Thứ trưởng rồi các Cục, các Vụ, Viện của Bộ. Họ chưa thấy cái sai ở đâu cho nên họ chớp vào cái chỗ yếu và họ cho rằng đấy là một cái đầu môi để ma sửa chữa”.

Con người yếu kém hay nhân sự yếu kém, ông Nguyễn Khắc Mai nói, là nguồn gốc và vấn đề của giáo dục Việt Nam:

 

Lỗ hỗng lớn nhất là cái đào tạo, tuyền chọn ngần ấy cán bộ  giáo dục mà  bây giờ phải đánh giá lại. Thứ hai là chất lượng của đội ngũ cán bộ giáo dục hiện nay là rất thấp, quá thấp. Tôi chắc là có những cái lúng túng chưa gỡ ra được, chưa thấy được.”

 

Cũng không phải chỉ có Viện Quản lý Giáo dục này nó hỏng đâu. Rất nhiều vụ, rất nhiều bộ phận ở trong Bộ Giáo Dục nó hỏng. Nhân cái kiểm tra của Bộ Giáo Dục về Học viện Quản lý Giáo dục này thì tôi cho rằng đây là vấn đề họ phải đối diện và phải giải quyết trong thời gian trước mắt”.

 

Tiếp lời cựu cán bộ dân vận Nguyễn Khắc Mai, nhà sư phạm Hoàng Dũng nhấn mạnh:

 

“Việc quản lý chặt chẽ với nhiều qui định từ nhiều cấp như vậy, tưởng là chặc mà hóa ra không chặc. Sai phạm của Học viện Quản lý Giáo dục này là anh ra hàng loạt văn bản như thế mà người ta không sợ, người ta  lại vi phạm hàng loạt như nhan đề  bài báo nêu ra, tức là mô hình quản lý đó không đúng”.

 

Vụ việc đầy dẫy sai phạm tại Học Viện Quản lý Giáo dục, nếu đúng như Thanh tra Bộ GD-ĐT nêu ra, là thêm một cảnh báo mạnh mẽ rằng phải cải cách hệ thống Giáo dục-Đào tạo  đến nơi đến chốn với tác nhân chính là nhân sự có trách nhiệm trước khi bàn đến cơ chế, là kết luận của nhà giáo Hoàng Dũng.

 

--------------------

Tin, bài liên quan

·         Làm sao giảm tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục?

·         ‘Chọn IQ hay EQ’: đề thi cho học sinh giỏi Văn lớp 12 gây tranh cãi!

·         Tăng tiền phạt có thể cải tổ ngành giáo dục ‘xuống cấp’ lâu nay?

·         Vì sao giáo dục Việt Nam lại có những hiệu trưởng lộng quyền như vậy?

·         Có nên đưa ‘dạy thêm’ vào mục kinh doanh có điều kiện?





No comments: