“Quan hệ” và chủ nghĩa thiên vị trong phân bổ nguồn cứu trợ sau
thiên tai ở Việt Nam
07/02/2022
Lượng hóa hiện tượng
“một người làm quan, cả họ được nhờ”.
Một hộ dân ở miền
Trung sau trận bão tháng 11/2020. Ảnh: VOV
Từ năm 2020, các tác giả của Luật Khoa tạp chí
đã liên tục cảnh báo rằng những nền tảng chính trị, xã hội và pháp lý của Việt
Nam hiện nay là mầm mống có thể khiến tham nhũng gia tăng trong những năm
COVID-19.
Trong bài viết “Dè
chừng tham nhũng trong đại dịch” (đăng vào tháng 7/2020), [1] người viết đã
chỉ ra trong tất cả các bước của quá trình cứu trợ đại dịch đều tiềm ẩn rủi ro
tham nhũng; từ đánh giá và định hướng chương trình cứu trợ ban đầu, cho đến gây
quỹ – xây dựng ngân sách và phân bổ hay xác định và đăng ký danh sách đối tượng
được hỗ trợ.
Tuy nhiên, đáng tiếc là bài viết chỉ dừng lại ở
mức đưa ra các cảnh báo thể chế.
Tương tự, việc người dân Việt Nam ra rả nói với
nhau về việc các hộ gia đình “có quen biết” dễ nhận cứu trợ hơn, hay nhận nhiều
hơn, được ưu tiên hơn đã là câu chuyện thường nhật. Tuy nhiên, vấn đề cũng chỉ
dừng lại ở mức độ quan sát, truyền miệng hay niềm tin.
Đó là lý do người viết cực kỳ vui mừng khi tìm
được một nghiên cứu thống kê có uy tín về vấn đề này ở Việt Nam.
Nghiên cứu có tên gọi “Political
connections and post-disaster assistance in rural Vietnam” (tạm dịch: “Quan
hệ chính trị và vấn đề hỗ trợ sau thảm họa tại nông thôn Việt Nam”) được đăng
trên European Journal of Political Economy, [2] chỉ vừa được xuất bản vào gần
cuối năm 2021. Có thể nói đây là một nghiên cứu đáng giá vào đúng thời điểm,
khi mà câu chuyện từ thiện của nhà nước và giới nghệ sĩ, cũng như vấn đề cứu trợ
trong đại dịch COVID-19 vẫn còn đang nóng hổi.
Thông tin nền tảng
cho nghiên cứu
Trước tiên, các tác giả bắt đầu với các nghiên
cứu trước đó, vốn cũng tìm hiểu mối liên hệ của việc thành viên trong một hộ
gia đình (household) có người nhà là đảng viên, là quan chức với các vấn đề
khác như thu nhập trung bình của hộ, mức độ hạnh phúc hay các lợi ích kinh tế –
xã hội khác.
Theo tổng hợp từ các nghiên cứu trước, một số
lợi ích mà gia đình các đảng viên Đảng Cộng sản (hoặc có kết nối chính trị nói
chung) nhận được có thể bao gồm:
(1) không bị nhà nước thu hồi đất hoặc ít nằm
trong diện giải tỏa hơn;
(2) dễ vay vốn ngân hàng hơn;
(3) khu vực địa phương dễ nhận đầu tư hạ tầng
hơn.
Ngoài ra, nếu bạn đọc quan tâm, Luật Khoa cũng
đã có một bài viết khác của tác giả Võ Văn Quản tóm tắt vai trò của thẻ
đảng với thu nhập và mức độ hạnh phúc của các hộ gia đình Việt Nam.
[3]
Những quan sát trên tạo nền tảng cho các giả định
trước nghiên cứu (hypothesis) của nhóm tác giả rằng sẽ có những thiên vị nhất định
trong vấn đề phân bổ nguồn cứu trợ tại Việt Nam dựa trên mối quan hệ chính trị.
Trong phần này, các tác giả cũng giải quyết
các phản biện và thắc mắc có thể có, liên quan đến mẫu nghiên cứu và tính đại
diện của mẫu nghiên cứu. Các tác giả thu thập và tận dụng nhóm dữ liệu của
Vietnam Access to Resources Household Survey (VARHS), do Viện Thế giới Nghiên cứu
Kinh tế Phát triển của Đại học Liên Hợp Quốc (United Nations University’s World
Institute for Development Economics Research – UNU-WIDER) cung cấp. Đây có thể
nói là một bộ dữ liệu có chiều sâu lẫn chiều rộng và do một tổ chức khảo sát có
uy tín thu thập.
Ngoài ra, nhóm tác giả xác định một số khái niệm
quan trọng có ảnh hưởng tới việc tổng hợp và đánh giá số liệu.
Một trong số đó có thể kể đến quá trình định
nghĩa ai được xem là có vị trí chính trị, vị trí công quyền (public officials).
Đáng tiếc đây cũng là một điểm trừ của nghiên cứu theo quan điểm của người viết,
bởi các tác giả chỉ xác định người nắm công quyền là giới công chức làm việc
trong hệ thống hành chính xã, thị trấn, huyện, v.v. mà loại trừ các chức danh
trong các tổ chức chính trị xã hội quần chúng như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên
hay Hội Nông dân.
Theo người viết, đây là những nhóm chính trị
đóng vai trò quan trọng không kém trong việc định hình, xây dựng và phân bổ nguồn
cứu trợ tại từng địa phương. Việc loại bỏ chức sắc trong các tổ chức này có thể
khiến cho bức tranh toàn cảnh về mối liên hệ giữa quan hệ chính trị và phân bổ
nguồn cứu trợ không được toàn diện cho lắm.
Tuy nhiên, có lẽ điều này sẽ giúp chúng ta giới
hạn được phạm vi và thông điệp của nghiên cứu.
Kết quả nghiên cứu
Sau quá trình thống kê, các tác giả nhận thấy
nhóm quan hệ chính trị phổ biến nhất là có bạn bè là quan chức, trong khi nhóm
ít phổ biến nhất là có người thân trực tiếp trong gia đình là quan chức. Dù sao
đi chăng nữa, phân tích cho thấy các làng, xã với lượng quan hệ chính trị cao
hơn luôn nhận được nguồn cứu trợ tốt hơn, nhiều hơn so với các làng, xã còn lại.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/02/ks-1.jpg
Bảng số liệu trích từ nghiên cứu.
Mô tả bằng bảng số liệu trên, các tác giả ghi
nhận rằng chỉ một đơn vị thay đổi trong các mối quan hệ chính trị dẫn đến khả
năng nhận thêm nguồn lực cứu trợ tăng lên đến 30,7%. Như vậy, điều này hoàn
toàn tương ứng với phát hiện của các nghiên cứu trước đó, cũng như giả định của
chính nhóm đặt ra ở mục đầu tiên.
Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, nhóm tác giả
đi sâu vào việc phân tích khả năng các quan hệ khác biệt có dẫn đến sự khác biệt
trong việc phân bổ nguồn cứu trợ hay không.
Với ba nhóm quan hệ bao gồm thành viên gia
đình (household members), người thân cùng huyết thống (relatives) và bạn bè
(friends), cùng hay không cùng nơi sinh sống, nhóm tác giả kết luận sự thiên vị
về phân bổ nguồn cứu trợ mạnh nhất vẫn là dựa trên huyết thống và nguồn gốc gia
đình, quê hương (hometown favouritism). Trong khi đó, các kết nối xã hội như bạn
bè không tạo khác biệt đáng kể trong việc phân bổ cứu trợ.
Đi xa hơn, nhóm nghiên cứu thậm chí phân loại
và tìm hiểu xem liệu vai vế và mối quan hệ gia đình khác nhau (giữa bố mẹ, con
cái, cháu, v.v.) có tạo ra sự khác biệt nào hay không. Trên cơ sở đó, sự thiên
vị được tìm thấy khi gia đình có con, cháu giữ các chức danh nhà nước, nhưng lại
không được tìm thấy khi bố, mẹ, người lớn trong gia đình giữ các chức danh này.
Đây là một phát hiện tương đối thú vị, bởi
cách đây không lâu câu chuyện tiêm vaccine nhờ “ông ngoại” phần nào cho
thấy nền tảng của chủ nghĩa thiên vị không nhất thiết phải là từ người trẻ dành
cho người lớn tuổi trong gia đình. [4]
***
Tựu trung, tuy nghiên cứu không đánh vào một
chủ đề hoàn toàn mới lạ tại Việt Nam, nó giúp chúng ta tái khẳng định với những
bằng chứng cụ thể về sự bất bình đẳng giữa những hộ gia đình, địa phương có người
thân đang nắm trọng trách nhà nước so với những hộ gia đình, địa phương không
có.
Một trong những kết luận của nhóm nghiên cứu
khiến người viết tương đối thắc mắc và không đồng tình, đó là việc họ cho rằng
trong các chính quyền toàn trị (authoritarian regimes), quá trình phân bổ nguồn
lực sẽ hiệu quả hơn và chính xác hơn. Họ cũng nói thêm việc phân bổ viện trợ
không đồng đều là kết quả của quá trình tản quyền (decentralisation) cho địa
phương trước đó. Hy vọng chúng ta sẽ có nguồn lực và thời gian để bàn về vấn đề
này trong một bài viết khác.
-----------------------
CHÚ THÍCH
1. Trực, B. C. (2021a, July 19). Dè
chừng tham nhũng trong đại dịch. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2020/07/de-chung-tham-nhung-trong-dai-dich
2. Trinh, T., Feeny, S., & Posso, A.
(2021). Political connections and post-disaster assistance in rural Vietnam. European
Journal of Political Economy, 102097. https://doi.org/10.1016/j.ejpoleco.2021.102097
3. Quản, V. V. (2021a, January
25). Thẻ đảng, thu nhập, và mức độ hạnh phúc của gia đình Việt Nam.
Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/01/the-dang-thu-nhap-va-muc-do-hanh-phuc-cua-gia-dinh-viet-nam
4. Tuổi Trẻ Online (2021a, July
20). Cô gái khoe được tiêm vắc xin Pfizer “nhờ ông ngoại”, giám đốc bệnh
viện nói gì? TUOI TRE ONLINE. https://tuoitre.vn/co-gai-khoe-duoc-tiem-vac-xin-pfizer-nho-ong-ngoai-giam-doc-benh-vien-noi-gi-20210720121049424.htm
No comments:
Post a Comment