Saturday, February 12, 2022

PHÉP THỬ 'CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI' (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Phép thử 'chiến tranh biên giới'

Hiếu Chân/Người Việt

February 11, 2022

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/phep-thu-chien-tranh-bien-gioi/

 

Trong một động tác hiếm có, ông Phạm Minh Chính, thủ tướng Cộng Sản Việt Nam (CSVN), đã đến thắp hương tưởng niệm các tử sĩ, bày tỏ lòng thành kính với các chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Trung Quốc năm 1979 – một cuộc chiến đã trở thành phép thử quan điểm lập trường của các nhà lãnh đạo Việt Nam đối với Trung Quốc.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/02/A1-Phep-thu-chien-tranh-bien-gioi-1068x659.jpg

Tại tượng đài Lý Thái Tổ, Hà Nội, ngày 17 Tháng Hai, 2017, một phụ nữ thắp nhang tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng vì cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc 1979. (Hình minh họa: Hoang Dinh Nam/AFP via Getty Images)

 

Tháng Hai hằng năm, khi những rừng hoa mận nở trắng vùng biên giới phía Bắc, người dân Việt Nam lại sống lại nỗi đau của cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược, ngắn ngủi nhưng đẫm máu, ở sáu tỉnh giáp biên giới ngày 17 Tháng Hai, 1979. Nỗi đau càng giày vò khi cho đến nay, nhà cầm quyền Cộng Sản vẫn cương quyết dập tắt mọi hoạt động tưởng niệm của dân chúng, tẩy xóa mọi thông tin, dữ kiện về cuộc chiến tranh chống Trung Quốc.

 

Rạng sáng ngày 17 Tháng Hai, 1979, Trung Quốc xua hàng trăm ngàn binh sĩ bất ngờ tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới giữa hai nước. Quân đội Việt Nam khi ấy đang tập trung ở chiến trường Cambodia và vừa hoàn thành chiến dịch lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ của tập đoàn Cộng Sản Pol Pot. Việc chống đỡ quân Trung Quốc ở phía Bắc chỉ do các lực lượng du kích và địa phương quân đảm nhiệm với số thương vong vô cùng lớn; quân Trung Quốc nhanh chóng tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam đến tận thị xã Lạng Sơn, đốt phá, san bằng nhiều làng mạc, đô thị. Khi các sư đoàn quân chính quy Việt Nam – vốn có nhiều kinh nghiệm trận mạc – được cầu hàng không vận chuyển ra Bắc và tổ chức phản công thì quân Trung Quốc bị chặn đứng. Sau một tháng chiến tranh, ngày 16 Tháng Ba, 1979, Bắc Kinh tuyên bố rút quân về sau khi đã “dạy cho Việt Nam một bài học.” Tuy vậy xung đột trên biên giới Việt-Trung vẫn tiếp tục kéo dài thêm mười năm nữa; con số thương vong của cả hai bên đều rất lớn mà không bên nào công bố.

 

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới cuộc chiến tranh bất ngờ giữa hai quốc gia Cộng Sản láng giềng; trong đó ngoài tham vọng bá quyền của đảng Cộng Sản Trung Quốc còn có phần do những chính sách cực đoan và sai lầm của Lê Duẩn, khi ấy là tổng bí thư đảng CSVN. Chương trình cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam sau Tháng Tư, 1975, đã giáng một đòn chí mạng vào giới kinh doanh đa phần là người gốc Hoa, làm nổ ra cái gọi là “nạn kiều” (người gốc Hoa bị ngược đãi phải tìm cách chạy khỏi Việt Nam); sự kiện Việt Nam đem quân sang Cambodia lật đổ chế độ Khmer Đỏ được Bắc Kinh nuôi dưỡng và hậu thuẫn, cũng như việc ký kết Hiệp Ước Hữu Nghị và Hợp Tác với Liên Xô vào năm 1978 và tham gia liên minh quân sự Warsaw do Liên Xô cầm đầu… tất cả đều gây phẫn nộ cho Trung Quốc – nước đã viện trợ tối đa cho miền Bắc trong cuộc chiến tranh cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam. Uất hận vì “sự tráo trở” của Hà Nội, Đặng Tiểu Bình quyết phải “dạy cho tiểu bá Việt Nam một bài học.”

 

Cuộc chiến tranh xâm lược Tháng Hai, 1979, và xung đột kéo dài sau đó đã làm cho quan hệ giữa hai nước Cộng Sản láng giềng trở nên thù địch sâu sắc, đến nỗi bản Hiến Pháp Việt Nam năm 1980 đã đưa vào phần mở đầu quan điểm “Trung Quốc là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm của Việt Nam,” trong khi “đế quốc Mỹ” chỉ bị coi là “kẻ thù lâu dài.” Quan điểm đánh giá này tồn tại trong hiến pháp Việt Nam suốt tám năm, chỉ bị loại bỏ khi đảng CSVN sửa đổi Hiến Pháp năm 1988 để mở đường cho quá trình bình thường hóa song phương.

 

Trong gần mười năm sau chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược, Việt Nam bị kéo căng ở cả hai mặt trận: xung đột dai dẳng ở biên giới phía Bắc và sa lầy ở chiến trường Cambodia; nền kinh tế trong nước bị phá sản một phần vì chiến tranh, một phần vì chính sách quản lý kinh tế sai lầm trầm trọng của nhà cầm quyền, dân chúng bị đẩy vào cảnh khốn cùng. Nhưng phải đến khi chế độ Cộng Sản sụp đổ hàng loạt ở Đông Âu và Liên Xô – được coi là thành trì của chủ nghĩa xã hội quốc tế – đảng CSVN mới thực sự hoảng hốt và lo ngại sâu sắc cho sự tồn vong của chế độ Cộng Sản Hà Nội.

 

Trong cơn tuyệt vọng, bộ sậu lãnh đạo đảng CSVN gồm Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh, Chủ Tịch Hội Đồng Bộ Trưởng Đỗ Mười và Cố Vấn Phạm Văn Đồng đã van xin lãnh đạo Trung Quốc cho nối lại quan hệ ngoại giao. Nguyễn Văn Linh nghĩ rằng, sau khi Liên Xô tan rã thì phong trào Cộng Sản quốc tế chỉ còn Trung Quốc là “anh cả” mà đảng CSVN phải dựa vào để tồn tại. Hội nghị Thành Đô giữa lãnh đạo hai đảng Cộng Sản đã đặt ra những điều kiện nền tảng để nối lại quan hệ, trong đó Việt Nam chấp nhận “gác lại quá khứ,” làm “đàn em” trung thành của đảng Cộng Sản Trung Quốc, bất chấp việc Trung Quốc vừa xua quân chiếm bảy bãi đá ngầm và đảo san hô của Việt Nam trong cụm đảo Trường Sa, làm 64 binh sĩ Việt Nam thiệt mạng hồi Tháng Ba, 1988.

 

Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam khi ấy là ông Trần Quang Cơ đã cực lực phản đối thỏa thuận ở Thành Đô và nhận định một thời kỳ Bắc thuộc mới đã bắt đầu. Ông Cơ ngay lập tức bị mất chức và cấp trên của ông, Ngoại Trưởng Nguyễn Cơ Thạch cũng bị buộc ra khỏi Bộ Chính Trị và Trung Ương Đảng, mất cả chức bộ trưởng Ngoại Giao.

 

Quả đúng như nhận định của ông Trần Quang Cơ, sau hội nghị Thành Đô, Việt Nam trở thành một “phiên thuộc” của nước láng giềng phương Bắc. Với thỏa thuận “gác lại quá khứ,” mọi dữ kiện về cuộc chiến tranh chống Trung Quốc trên biên giới phía Bắc – còn gọi là cuộc chiến chống xâm lược bành trướng Bắc Kinh – đều bị xóa bỏ trong ký ức của cộng đồng: bia tưởng niệm bị đục bỏ, thương binh tử sĩ chỉ được coi là người hy sinh bảo vệ tổ quốc, thông tin về cuộc chiến bị cấm đăng trên các phương tiện truyền thông và sách giáo khoa lịch sử trong nhà trường không hề đề cập tới cuộc chiến tranh biên giới dù vẫn tô đậm thành tích “chống Pháp, chống Mỹ.”

 

Thậm chí, mỗi khi đề cập tới hành động xâm lược của Trung Quốc ở biên giới hoặc ở Biển Đông, báo chí trong nước không dám gọi đích danh Trung Quốc mà thay bằng các từ “tàu lạ,” “nước lạ,” “nước láng giềng có chung biên giới với tỉnh Quảng Ninh.” Sự quay ngoắt 180 độ từ chống “bá quyền Bắc Kinh” sang thần phục Trung Quốc trong chính sách của đảng CSVN đã gây sửng sốt và bất mãn trong nhiều tầng lớp dân chúng vốn ác cảm sâu sắc với nước láng giềng tham lam ở phương Bắc.

 

Thái độ thần phục Trung Quốc lên đến đỉnh điểm dưới thời Lê Khả Phiêu làm tổng bí thư đảng CSVN, khi hai nước đồng thuận cái gọi là “16 chữ vàng” (láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài và hướng tới tương lai), làm nền tảng cho mối quan hệ ngoại giao. Cũng trong thời kỳ này, Việt Nam ký kết với Trung Quốc hiệp định phân định biên giới trên bộ thay cho Công Ước Pháp-Thanh năm 1887, phân định biên giới giữa Bắc Kỳ do Pháp bảo hộ và Trung Quốc thời nhà Thanh. Hiệp định biên giới giữa hai đảng Cộng Sản đã làm cho Việt Nam mất một phần lãnh thổ mà tổ tiên để lại, các kiến trúc và cảnh quan lịch sử như thác Bản Giốc, Ải Nam Quan đều bị rơi vào tay Trung Quốc.

 

Trong khi Việt Nam nỗ lực bôi xóa ký ức về cuộc chiến tranh 1979 thì Trung Quốc ra sức quảng bá “chiến thắng” trong cái gọi là “cuộc chiến tự vệ chống lại Việt Nam,” không chỉ dạy dỗ cho thế hệ trẻ mà còn viết báo, viết truyện, làm phim ca ngợi những anh hùng, tử sĩ của họ, tiêu biểu như bộ phim nổi tiếng Fanghua (Tuổi Trẻ), lấy bối cảnh cuộc xung đột, phát hành năm 2017.

 

Việc xóa bỏ ký ức về cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược năm 1979 được thực hiện một cách hệ thống, và ngày càng quyết liệt. Một ví dụ, sách giáo khoa Lịch Sử lớp 12 xuất bản năm 2001 đề cập tới cuộc chiến trong một đoạn văn 24 dòng ở cuối sách, nhưng đến lần xuất bản năm 2018 đoạn văn này bị rút ngắn chỉ còn 11 dòng. Cả hai bản sách giáo khoa đều đặt sự kiện này vào cuối sách, cuối chương trình, khi học sinh đã tất bật lo cho kỳ thi tốt nghiệp trung học và thi đại học, không còn quan tâm tới những bài học môn lịch sử nhất là khi môn này không được xếp vào danh sách các môn thi vào đại học. Việc giảng dạy hời hợt như vậy đã làm cho thế hệ trẻ gần như không biết gì về cuộc chiến tranh đẫm máu đã xảy ra hơn bốn mươi năm về trước, giữa hai nước láng giềng chung ý thức hệ Cộng Sản.

 

Tại sao đảng Cộng Sản và nhà cầm quyền Việt Nam không muốn người dân biết và kỷ niệm cuộc chiến chống xâm lược Trung Quốc? Vấn đề không đơn giản là họ không muốn làm phật lòng ban lãnh đạo Trung Quốc mà họ đang cố dựa vào. Ký ức về cuộc chiến biên giới 1979, nếu để cho dân chúng tự do tìm hiểu, trao đổi, sẽ phơi bày những sai lầm nghiêm trọng của đảng Cộng Sản cầm quyền, cả những người thuộc phe chống Trung Quốc cực đoan như Lê Duẩn và những kẻ cam tâm thần phục Bắc Kinh như Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Văn Linh. Lịch sử nhìn một cách khách quan cũng sẽ phơi bày bản chất tráo trở, phản dân hại nước chỉ để duy trì độc quyền cai trị của đảng này.

 

Trong một thư trả lời trang mạng The Diplomat, Giáo Sư Vũ Tường của đại học University of Oregon, Hoa Kỳ, giải thích: “Việc cho phép bất kỳ cuộc thảo luận nào về chiến tranh đều có nguy cơ làm sâu sắc thêm rạn nứt trong đảng và sự tồn vong của đảng và sẽ vạch trần những sai lầm của ban lãnh đạo đảng. Việc dạy trẻ em về cuộc chiến này theo thời gian có thể tạo ra áp lực dư luận buộc đảng phải rời xa Trung Quốc và xích lại gần Mỹ hơn, điều mà họ không muốn.”

 

Nhưng không có gì che mà không lộ, giấu mà không biết. Những cựu chiến binh của cuộc chiến biên giới là những người đầu tiên lên tiếng đòi tưởng niệm các đồng đội của họ đã ngã xuống trong Tháng Hai, 1979, và gần mười năm xung đột với Trung Quốc ở Hà Giang và Quảng Ninh. Sự lấn lướt, chèn ép của Trung Quốc đối với Việt Nam trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông làm bùng nổ những cuộc biểu tình chống Trung Quốc trên cả nước cũng tạo điều kiện để người ta nhìn lại, đánh giá lại các sự kiện lịch sử trong quan hệ hai nước, trong đó có cuộc chiến tranh 1979.

 

Đến khi kỷ niệm 40 năm chiến tranh vào năm 2019, phương tiện truyền thông trong nước của Việt Nam mới nói về nó một cách công khai, mặc dù với những bài tường thuật bị kiểm duyệt. Các kênh truyền hình quốc doanh bắt đầu phát các bộ phim tài liệu về chiến tranh. Nhiều tác phẩm nghệ thuật về chiến tranh bắt đầu được lưu hành. Hơn 30 năm sau khi chiến tranh kết thúc, nhà nước đã đưa ra sáng kiến tìm kiếm hài cốt của những người lính đã ngã xuống ở Vị Xuyên, Hà Giang.

 

Cuộc chiến tranh, thay vì bị lãng quên như ý đồ của đảng, đã trở thành một phép thử về quan điểm lập trường của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Thông tin từ nội bộ cấp cao của đảng CSVN cho biết, hiện nay các cơ quan của đảng như Ban Tuyên Giáo, các bộ Công Thương, Công An của chính phủ vẫn chủ trương thần phục Bắc Kinh cả về kinh tế và chính trị, thẳng tay đàn áp những tiếng nói đòi “xét lại” quan điểm về cuộc chiến tranh biên giới, trong khi bộ Quốc Phòng có xu hướng phục hồi danh dự và quyền lợi cho những quân nhân đã tham gia cuộc chiến bảo vệ đất nước và cảnh giác đề phòng những mưu đồ xâm lược của Trung Quốc.

 

Vào Tháng Hai, 2016, Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang đã có chuyến thăm đặc biệt tới các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam để tưởng nhớ những người lính và thường dân đã ngã xuống trong chiến tranh, trở thành chủ tịch nước đầu tiên của Việt Nam làm việc đó.

 

Hôm 26 Tháng Giêng năm nay, Thủ Tướng Phạm Minh Chính đã đến dâng hương, tưởng niệm các liệt sĩ ở tỉnh Quảng Ninh. Báo điện tử của chính phủ viết: “Thủ Tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của trung ương đã thành kính dâng hương, đặt vòng hoa tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới vì sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.” Đáng chú ý là trong nhiều năm làm lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trước đây, ông Chính chưa bao giờ có hành động như vậy.

 

Hành động của ông Sang, ông Chính là khá hiếm hoi, có thể chỉ để mị dân nhưng cũng có thể là dấu hiệu cho thấy có chút chuyển biến nào đó trong việc nhìn nhận, đánh giá lại cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 và ứng xử với Trung Quốc. Nếu như vậy thì đây là một điểm sáng nên ghi nhận, dù những ông này chưa bao giờ công khai gọi đích danh “cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược” mà vẫn tìm cách né tránh bằng một cụm từ dài dòng nhưng vô nghĩa: “Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới.”

 

Bao giờ giới lãnh đạo Việt Nam mới dám gọi đích danh kẻ thù, người dân Việt Nam được công khai bàn luận về cuộc chiến tranh 1979 đúng với sự thật lịch sử? Ngày đó dường như vẫn còn xa. [qd]

 





No comments: