Phản
biện có văn hóa, khó hay dễ?
Y Chan - Luật
Khoa
13/02/2022
https://www.luatkhoa.org/2022/02/phan-bien-co-van-hoa-kho-hay-de/
Càng thiếu tự tin,
càng khó có văn hóa phản biện.
Ảnh: analytico.ca
Trước tiên cần phải hỏi, vì sao phải phản biện
có văn hóa?
Câu hỏi có vẻ ngớ ngẩn. Hầu hết chúng ta, nếu
may mắn, đều được dạy từ nhỏ rằng phải lịch sự, lễ phép, biết tôn trọng người
khác. Và phần lớn thực hiện đúng như vậy.
Nhưng dường như quy tắc đó chỉ áp dụng cho những
người giống ý ta. Còn khi gặp những ý kiến trái ngược, hay thậm chí
chỉ cần khác biệt, không ít người nhanh chóng vứt bỏ hết những gì được dạy.
Nói ngu vậy cũng nói.
Hiểu biết kém quá.
Viết như cứt.
Đó, tất nhiên, chưa phải là những ví dụ thiếu
văn hóa nhất. Một bộ phận không nhỏ tích trữ các kho từ tục tĩu và luôn sẵn
sàng vung vãi một cách đầy khoái cảm khi được kích hoạt.
Những phản ứng như vậy không phải là để thể hiện
sự bất đồng. Nó là cách tấn công nhằm hạ thấp người khác. Khi hạ nhục kẻ trái ý
mình, một số người có cảm giác bản thân được bảo vệ.
Phản ứng đó là một loại bản năng tự vệ, và nó
dựa trên một ảo tưởng, rằng đạp người khác xuống giúp nâng tầm mình lên.
Trên thực tế, cách thức một người phản ứng với
ý kiến khác biệt, hay đối nghịch, nói lên nhiều điều về bản thân họ hơn là về
những người và ý kiến mà họ phản đối.
Mạng xã hội – thế
giới kết nối hay đảo ảo vọng?
Không nơi đâu mà những phản ứng tấn công hạ thấp
người khác diễn ra nhiều như trên mạng xã hội.
Một công cụ vốn dĩ được thiết kế để kết nối
con người, nhưng theo nhiều nghiên cứu, lại đang biến thành các “đảo ảo vọng” (echo
chambers). [1]
Tại đó, người ta chỉ nghe các tiếng vọng
(echo) từ những gì mình phát ra và ảo tưởng rằng đó là âm thanh của cả thế giới.
Có ít nhất hai cách khiến con người đắm chìm
trong các đảo ảo vọng trên mạng xã hội.
Một là thường xuyên đăng tải, chia sẻ một luồng
thông tin, quan điểm. Khi lặp đi lặp lại việc này thường xuyên, bản thân họ sẽ
ngày càng chắc chắn rằng đó chính là thứ mình tin tưởng. Các nhà nghiên cứu gọi
đây là “attitude clarity”, tạm dịch là “mức độ xác tín”, hay “tôi tin thứ tôi
share”.
Phương thức thứ hai là việc chỉ dành thời gian
theo dõi những nhân vật, những trang tin hay nhóm chia sẻ cùng quan điểm với họ.
Càng thấy nhiều những thứ đồng quan điểm với mình được chia sẻ, họ càng có niềm
tin rằng đấy chính là chân lý. Người ta gọi đây là “attitude correctness”, hay
“mức độ đúng đắn”, hoặc có thể diễn giải là “cả thế giới tin những thứ tôi
tin”.
Quả quyết vào niềm tin của mình và chắc chắn rằng
đó là chân lý không những khiến người ta khó bao dung với những ý kiến khác biệt,
nó còn là chất xúc tác khiến họ dễ nổi giận và thường phản ứng mạnh với những
ai có ý kiến trái chiều.
Nhưng mạng xã hội chỉ là thứ phóng đại triệu
chứng. Căn nguyên của những cơn lên đồng đến từ bản thân những người dùng
chúng.
Thiếu bao dung hay
thiếu niềm tin vào bản thân?
Khi phân tích cách thức con người phản ứng với sự khác biệt, một từ khóa thường được nhắc đến
là “bao dung” (tolerance). [2]
Bao dung, theo cách định nghĩa phổ biến, là chấp
nhận sự khác biệt. Một diễn giải khác cho thấy rõ hơn vấn đề: người bao dung
không cảm thấy bị đe dọa trước những người có suy nghĩ khác mình.
Trái ngược với đó là hình ảnh của những người
kém/ khó bao dung (intolerant): họ luôn cảm thấy mình bị đe dọa khi gặp ý kiến
trái chiều.
Một lý giải cho điều này là việc những người
khó bao dung phải dựa vào người khác để chứng thực (validate) quan điểm sống của
họ.
Khi đối diện với những người suy nghĩ khác
mình, họ phải đối diện với thực tế là suy nghĩ của bản thân có thể là một thứ
ngớ ngẩn, điên khùng hay sai lầm. Để chống lại điều đó, nhiều người chọn cách tấn
công hạ thấp đối phương, đồng thời tìm đến những người đồng quan điểm để củng cố
lực lượng, tiếp tục duy trì sức sống cho niềm tin nội tại.
Ở phía ngược lại, những người bao dung thường
không có nhu cầu cần đến người khác cấp giấy chứng nhận cho lối sống của mình.
Họ có thể tự làm điều đó, và vì thế không cảm thấy cần phải tấn công ai hay đứng
về đám đông nào để được bảo vệ.
Như vậy, có thể nói nhiều người phản ứng mạnh
với các ý kiến bất đồng khi thiếu niềm tin vào bản thân.
Nhưng ta không khó bắt gặp những trường hợp tự
tin ngời ngợi, ít nhất là theo cách họ thể hiện ra, và vẫn không biết cách nào
chấp nhận sự khác biệt.
Những cái rốn của
vũ trụ
Đó là những người, có lẽ là vô tình, được dạy
rằng mình là trung tâm của vũ trụ.
Những người này, vô tình hay hữu thức, thực sự
tin rằng con mắt của họ là cánh cửa sổ tốt nhất, chính xác nhất, thậm chí là
duy nhất, để nhìn ra thế giới.
Mọi cánh cửa khác chỉ có hai khả năng: hoặc
chĩa ra cùng hướng với họ và được chấp nhận là đúng đắn, hoặc chỉ là những cánh
cửa lỗi cần được sửa.
Ở một chừng mực nào đó, tất cả chúng ta đều là
những cái rốn của vũ trụ. Chúng ta đều bị giới hạn chỉ có thể nhìn thế giới từ
các giác quan của chính mình.
Điểm khác biệt nằm ở chuyện hiểu ra thực tế, rằng
mình không phải là cái rốn lồi duy nhất, không bao giờ là cái tốt
nhất, và luôn luôn có thể là cái rốn nằm lạc đâu đó bên rìa vũ trụ – nếu thật sự
nó có rìa (phần lớn các nhà khoa học đều cho rằng vũ trụ không có rìa lẫn trung tâm). [3]
Nhận ra mình luôn có thể sai là một chỉ dấu của
người có quan hệ lành mạnh với hiện thực.
Những tranh cãi về nhân vật Thích Nhất Hạnh
sau khi ông qua đời là một ví dụ sinh động khi các trung tâm (tưởng tượng) của
vũ trụ va chạm với nhau.
Có người nổi giận khi nhiều người ca ngợi ông,
có người lại bực bội khó chịu khi người khác chỉ gọi tên Thích Nhất Hạnh, hoặc
thậm chí buộc họ phải gọi ông là “thầy” như cách mình gọi.
Có người chỉ chăm chăm vào những “việc xấu”
ông từng làm mà bỏ qua mọi thứ khác, có người lại tôn ông lên làm thánh, gạt bỏ
hết những lỗi lầm, hạn chế mà bất kỳ con người nào cũng có thể phạm phải.
Người ta không thể chấp nhận thực tế rằng có
thể những thứ trái ngược nhau mà thiên hạ nói về ông đều đúng, rằng ông có thể
vừa là thiền sư đắc đạo, vừa là một nhà chính trị đầy mưu toan, vừa là người
yêu nước, yêu hòa bình, vừa là một người ngây thơ về chính trị, mắc lừa chính
quyền cộng sản, v.v.
Khi không chấp nhận được thực tế, rằng cuộc sống
luôn phức tạp và vượt ngoài những hiểu biết lẫn giới hạn của bản thân, chúng ta
luôn có xu hướng tấn công những người khác biệt với mình để bảo vệ cái tôi mong
manh dễ vỡ.
***
Việc chúng ta có ý kiến khác biệt nhau là một
lẽ tự nhiên, cũng tương tự như mỗi người có một nhân dạng khác biệt vậy.
Ngay đến anh chị em song sinh, với nhân dạng
hoàn toàn giống hệt, cũng hoàn toàn có thể có tính cách và suy nghĩ trái ngược.
Chấp nhận sự khác biệt là chấp nhận thế giới
thực như nó vốn có. Ứng xử một cách có văn hóa đối với những người khác biệt là
bài học bắt buộc của những người văn minh.
Bài học này không hề dễ dàng, nhưng ai cũng có
thể làm được.
Bước đầu tiên là bước ra khỏi đảo ảo vọng – mạng
xã hội.
Không còn dành nhiều thời gian cho mạng xã hội,
người ta sẽ bớt đi nhu cầu phải lên tiếng ngay lập tức trước khi kịp suy nghĩ
và tìm hiểu kỹ càng.
Và khi càng dành thời gian suy nghĩ thấu đáo,
người ta sẽ bớt nỗi sợ sự khác biệt, bớt phải dựa dẫm vào đám đông, và bớt tin
rằng vũ trụ chỉ xoay quanh bản thân mình.
---------------
Chú thích:
1. Elizabeth Niedbala. (May,
2019). Ingredients for Conflict: Why We Get so Angry When People
Disagree with Us. Society for Personality and Social Psychology. https://www.spsp.org/news-center/blog/niedbala-echo-anger
2. Daniel S. Lobel. (Jan, 2021). Do
You Get Angry at People When They Disagree with You? Psychology
Today. https://www.psychologytoday.com/us/blog/my-side-the-couch/202101/do-you-get-angry-people-when-they-disagree-you
3. Woo, M. (2018, May 14). Where
is the center of the universe? Livescience.Com. Retrieved 2022,
from https://www.livescience.com/62547-what-is-center-of-universe.html
No comments:
Post a Comment