Thursday, February 17, 2022

"ĐÒN GIÓ NGOẠI GIAO" THỜI NAY (TS Đinh Hoàng Thắng)

 



“Đòn gió Ngoại giao” thời nay 

Bài phân tích của TS. Đinh Hoàng Thắng
2022.02.17

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/diplomatic-trick-02172022121032.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/diplomatic-trick-02172022121032.html/@@images/dcb87db6-adca-4de6-94db-5b006873350b.jpeg

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng Nga Vladimir Putin.  AFP

 

Cuộc chiến tranh cân não giữa nước Mỹ của Biden và nước Nga của Putin có tạm dừng hay không tùy thuộc vào mỗi bên sẽ làm thỏa mãn đến mức độ nào thể diện quốc gia của phía bên kia. Những lúc bên miệng hố chiến tranh như thế này, dân chúng Việt Nam rất cần những bộ óc chiến lược, hiểu lòng dân mà không tạo cơ hội cho những âm mưu đến từ phương Bắc.

 

Như vậy là ngày 15/2, trong buổi họp báo sau cuộc gặp với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Vladimir Putin đã xác nhận rút một phần quân Nga khỏi biên giới Ukraine, đồng thời khẳng định NATO cần lắng nghe các quan ngại an ninh của Moscow. Tổng thống Putin cho biết Nga không muốn chiến tranh tại châu Âu, đó là lý do Moscow đưa ra hàng loạt yêu sách về an ninh, trong đó yêu cầu NATO rút khỏi Đông Âu và không kết nạp Ukraine. Như vậy là sau khi các bên đều đã đưa ra các yêu sách tối đa, nay có vẻ như mỗi bên đã nhận được một phần các đòi hỏi ấy, hẳn nhiên chưa phải là tất cả, nên ngòi nổ của “cuộc chiến tranh cân não” dường như bắt đầu được tháo gỡ. Putin thu quân trong khi Ukraine tuyên bố sẽ “linh hoạt” trong vấn đề gia nhập NATO. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 15/2 vẫn thúc đẩy Nga hãy lùi bước trước vực thẳm chiến tranh và cho biết các báo cáo về việc Nga rút một số lực lượng ra khỏi biên giới Ukraine chưa được kiểm chứng.

 

Họa phúc phải đâu một buổi

 

Từ mấy tuần trước đây, dư luận nói nhiều về khả năng xẩy ra một cuộc tấn công của Nga vào Ukraine. Việc đoán định thời điểm 16/2 là “ngày khai hỏa” căn cứ vào tin tức nội bộ do mạng lưới tình báo cung cấp. Kế đến là hình ảnh vệ tinh và sau đó là căn cứ vào các tuyên bố ngoại giao của các bên liên quan. Dư luận thấy, Nga không chịu lùi bước trước các yêu sách ban đầu. Tổng thống Biden nói trong bài diễn văn truyền hình từ Nhà Trắng: “Hỡi các công dân Nga, các bạn không phải là kẻ thù của chúng tôi, và tôi tin rằng, các bạn không muốn một cuộc  chiến tranh đẫm máu, hủy diệt chống lại Ukraine”. Ông Biden nhấn mạnh: “Mỹ không tìm cách đối đầu trực tiếp với Nga, nhưng nếu Nga tấn công vào người Mỹ tại Ukraine thì chúng tôi sẽ đáp trả mạnh mẽ”. Ông Biden cho hay Mỹ và các đồng minh NATO đã sẵn sàng cho những gì sắp xảy ra và Nga sẽ trả giá đắt về kinh tế nếu xâm chiếm Ukraine (1).

 

Về phần mình, Tổng thống Putin cũng khẳng định cần giải quyết vấn đề Donbas thông qua tiến trình hòa bình theo “Thỏa thuận Minsk”, văn kiện Nga ký với Ukraine, Pháp và Đức (2). Không khí ở sân bay Boryspil, cũng như tại Thủ đô Kiev và hầu hết thành phố khác của Ukraine trong suốt cuộc khủng hoảng kéo dài hàng mấy tuần nay nhìn chung vẫn yên tĩnh. Các nhóm du khách vẫn bình thản uống cà phê và ăn bánh khi những tia nắng tràn chiếu vào các nhà ga và quảng trường trong những ngày đông lạnh giá. Điều ngạc nhiên là, ngay cả các giới chức Ukraine cũng tỏ ra bất bình với Mỹ, vì đã công bố gần như hàng ngày các thông tin tình báo, trong đó chỉ ra rằng chiến tranh sắp nổ ra. “Tất cả thông tin này chỉ gây hoảng sợ và không giúp ích gì cho chúng tôi”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết vào cuối tuần qua như vậy.

 

Theo dư luận châu Âu, mục tiêu đằng sau những hành động của Putin trong khủng hoảng Ukraine là khôi phục phạm vi ảnh hưởng địa-chính trị của nước Nga nhưng theo mô thức Liên Xô hồi năm 1989. Từ đó, tạo sự chia rẽ giữa các đồng minh phương Tây để làm suy yếu NATO. Và cuối cùng là nhằm thay đổi cán cân chiến lược trên lục địa châu Âu theo hướng có lợi cho Nga. Kết luận chung cuộc ở đây là trò chơi cho Ukraine có giá trị hơn nhiều so với vật đặt cược. Đó là phần chính của một thách thức hỗn hợp, nhằm chống lại phương Tây để tái khẳng định các lợi ích quốc gia của Nga trên quy mô toàn cầu. Sau khi Liên Xô tan rã, ông Putin đã rút kinh nghiệm và theo đuổi một đường lối khác hẳn, không tự do hóa chính trị Nga, mà ông trở thành nhà cầm quyền độc đoán. Tuy nhiên, niềm tin vào Putin của các chính trị gia Đức, từ thời cựu Thủ tướng Schroeder không đổi. Không phải ngẫu nhiên, tân Thủ tương Đức Olaf Scholz đã được lựa chọn để thay mặt Mỹ và phương Tây “hạ  nhiệt” chảo dầu Ukraine (3).

 

Hãy xem hướng “tăng cường” tập hợp lực lượng giữa Nga và Trung Quốc để thấy tính phức tạp, đan xen nhiều tầng lợi ích giữa các nước liên quan đến khủng hoảng Ukraine. Cả hai nguyên thủ Nga và Trung Quốc đều phải đối mặt với những khó khăn khá nghiêm trọng trong mỗi nước, đều muốn đẩy xung đột ra ngoài nên đã câu kết với nhau tuy vẫn “đồng sàng dị mộng”. Thế Vận hội mùa Đông ở Bắc Kinh năm nay nhiều nước tẩy chay, vì chính sách của Trung Quốc đối với người Uyghur ở Tân Cương và đối với các quyền tự do mà dân Hồng Kông vẫn được hưởng từ thời là thuộc địa của Anh. Thế nhưng, Putin vẫn tới Bắc Kinh để đáp lễ Tập Cận Bình đã dự lễ khai mạc Thế Vận hội mùa Đông ở Sochi do Nga tổ chức năm 2014. Khi hai nguyên thủ Nga – Trung gặp nhau thì có thể đoán trước, họ sẽ chỉ nói chuyện chống Mỹ. Chính phủ Nga đã công bố bản “Thông cáo chung” khá dài, chỉ trích, tuy không nói rõ, tên “một số nước… đã hành động đơn phương và sử dụng vũ lực can thiệp vào nội bộ của các nước khác …”.

 

Trong khi đó, những lời buộc tội nói trên áp dụng cho nước Nga thì phù hợp hơn. Putin đã đưa hàng trăm ngàn quân với chiến xa, hỏa tiễn đe dọa Ukraine. Nhưng Nga lại tố cáo Mỹ và Tây Âu đang gây nên tình trạng khủng hoảng! Thực ra khối NATO chỉ có 4.000 quân đồn trú ở mấy nước thành viên ở Đông Âu và Mỹ dự tính đưa qua 5.000 binh sĩ! Có lẽ Bắc Kinh biết sự thật nằm ở đâu, cho nên họ không công bố toàn văn “Bản thông cáo chung” ấy. Tân Hoa Xã chỉ loan tin, mà cũng không nhắc đến một đòi hỏi của Putin, ghi trong thông cáo chung, “yêu cầu NATO không được mở rộng” sang các nước thuộc Liên Xô cũ. Trung Quốc không muốn va chạm với các nước châu Âu mà chính họ cũng đang muốn ve vãn (4). Nhưng vấn đề đang thu hút sự lý giải của các chiến lược gia là, rõ ràng cán cân an ninh đã hình thành một cách bất lợi cho nước Nga của Putin suốt từ khi Liên bang Xô-viết “qua đời” (năm 1991), nhưng tại sao Putin lại chọn thời điểm hiện nay để ra đòn?

 

Theo các giới quan sát, nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng suy yếu tương đối của nước Mỹ, đặc biệt là sau khi nước này rút quân khỏi Afghanistan. Nile Gardiner, một nhà phân tích chính sách đối ngoại có trụ sở tại Washington và là cựu Trợ lý của cố Thủ tướng Thatcher - đã chỉ ra thành tích khiêm tốn của Biden trên cương vị Tổng thống cho đến nay: “Năm đầu tiên của Biden trên cương vị Tổng thống là một thảm họa, đối với cả Hoa Kỳ lẫn thế giới tự do. Chúng ta có mức lạm phát tăng vọt, thị trường chứng khoán chìm xuồng, tội phạm bạo lực gia tăng nhanh chóng ở hầu hết các thành phố lớn” (5). Đánh giá của tờ báo bảo thủ này có thể phản ánh chưa đúng những gì diễn ra ở Mỹ, vì năm qua lạm phát tăng trên toàn cầu, chứ đâu chỉ riêng Mỹ. Còn thị trường chứng khoán thật ra không những không “chìm xuồng”, mà ngược lại, còn tăng mạnh. Hơn nữa, bất cứ Tổng thống nào, chứ không riêng gì Biden, nếu phải tiếp thu cái di sản đầy tranh cãi của Trump, thì cũng khó có thể làm khá hơn như hiện nay.

 

VIDEO : Tổng thống Ukraine động viên người dân trước nguy cơ bị xâm lược #shorts

https://www.youtube.com/watch?v=b2Ir9I9ttKc

 

“Đu dây cao độ” rất cần nội lực

 

Dẫu sao, tình trạng trên đây là nguyên nhân trực tiếp của việc ông Putin chọn thời điểm mà ông cho là Biden đang gặp rắc rối để ra “đòn gió ngoại giao” với Mỹ và phương Tây. Ông Putin và ông Tập dường như đã ngửi thấy sự yếu đuối ở Biden. Mỹ yếu, Putin “xuống tấn” thì châu Âu phải “đu dây” là lẽ đương nhiên. Các cuộc “đu dây cao độ” từ trời Âu xa xôi ấy cũng lại ảnh hưởng trực tiếp đến “chảo dầu sôi” ở Đông Á và Đông Nam Á. Đó là các “đòn gió ngoại giao” do Trung Quốc ra oai đối với Đài Loan và những đồn thổi về việc Trung Quốc có thể “xuất chưởng” bất ngờ ở đâu đó trên Biển Đông. Trong mọi thuyết âm mưu, có thể một nửa là âm mưu, còn nửa kia là… biết đâu? Mà đối với các nhà cầm quân thì không thể có chuyện “biết đâu…”. Họ phải có câu trả lời chắc chắn cho mọi tình huống, kể cả giả định hay thực tế. Người dân thường ở trong nước không thể (và có lẽ sẽ không bao giờ) biết được trong những ngày này, hàng tuần Bộ Chính trị ĐCSVN họp bàn thảo gì về cuộc khủng hoảng Ukraine. Thú vị là hàng ngày, chúng ta biết người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga, Bộ Ngoại giao Mỹ nói gì về khủng hoảng, nhưng không rõ người phát ngôn của ta nói gì?

 

Hôm 7/2, báo Nhân dân, Cơ quan ngôn luận của Đảng CSVN viết: "Căng thẳng Nga – Ukraine đẩy giá dầu tăng và đe dọa nguồn cung khí đốt cho Liên minh châu Âu (EU) đã khiến các nhà lãnh đạo EU tích cực "ngoại giao con thoi" để tìm "lối thoát hiểm" cho an ninh năng lượng châu Âu". Trang Dân trí hôm 15/2 trích BBC từ một góc nhìn khác: "Đại sứ Ukraine tại Anh đã đưa ra những tuyên bố cho thấy khả năng nhượng bộ của Kiev trong đàm phán với Nga giữa lúc căng thẳng leo thang. Có vẻ cách nhìn của truyền thông chính thống là, khủng hoảng Ukraine là "bức tranh phức tạp" (cách dùng từ của VOV) và Việt Nam không muốn phải chọn bên (6). Trong sự “tràn ngập không gian mạng” nhân 43 năm tưởng niệm cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc đối với Việt Nam ngày 17/2/1979, người dân trong nước bỗng nhiên thấy những động thái chưa từng có tiền lệ: Chủ tịch Nước Nguyên Xuân Phúc đã tới dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang). Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tại Khu tưởng niệm Pò Hèn (Móng Cái), tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược.

 

Và cũng rất khác với thông lệ, Đại hội ĐCSVN diễn ra đã hơn một năm mà vẫn chưa thấy các tân lãnh đạo Việt Nam sang thăm Trung Quốc. Trong khi, cả Chủ tịch Nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội đều đã đã đi gần khắp các châu lục Á và Âu. Tháng ba tới đây, Thủ tướng sẽ có lịch sang thăm Mỹ. Chuyến thăm Trung Quốc gần nhất của TBT Nguyễn Phú Trọng diễn ra cũng đã từ tháng 1/2017. Kể từ tháng 4/2019, TBT rất ít khi ra khỏi Thủ đô. Trong nhiệm kỳ này, ai – trong số “tam nhân” – khởi đầu chuyến thăm Trung Quốc sẽ được giới quan sát coi là một chỉ dấu chính trị mở ra rất nhiều suy đoán. Theo bài viết vừa đăng của nhà báo độc lập Huy Đức, càng nghiên cứu các tư liệu trong quan hệ Việt – Trung kể từ năm 1949 càng thấy buồn và thấy lo. Đúng như ý kiến của nhà nghiên cứu Trần Việt Phương, Thư ký cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Trong lịch sử nghìn năm dựng nước và giữ nước chưa có thời đại nào ngây thơ, mất cảnh giác như thời đại ngày nay” (7).

 

Đoạn kết luận của nhà báo “Bên thắng cuộc” khá quyết liệt: “Chưa có kẻ nào nhiều tham vọng thôn tính lãnh thổ và nền độc lập của người Việt Nam như Trung Quốc. Nhưng, chúng ta vừa ở gần một mối đe dọa, vừa ở gần một nền kinh tế lớn. Cách ứng xử trong mối quan hệ với Trung Quốc trong nhiệm kỳ này có thể là đang có nhiều cân nhắc. Dân chúng không bao giờ tha thứ cho những ai hèn hạ. Nhưng dân chúng đã phải trả giá rất đắt với những nhà lãnh đạo chỉ muốn làm người hùng. Dân chúng cần những bộ óc chiến lược, hiểu lòng dân mà không tạo cơ hội cho những âm mưu đến từ phương Bắc”. Cân nhắc chiến lược giờ đây phải chăng là như thế! Không phải chọn phe, đương nhiên. Cũng không phải chọn bên, điều này Lãnh đạo đã nhiều lần nhấn mạnh (8).

 

Làm thế nào để tới đây tạo được thế “quân bình chiến lược”? Đây là một uyển ngữ trong ngoại giao khi nói về cuộc “đu dây tử thần”, kể cả trong tình trạng bên miệng hố chiến tranh hay tình trạng “bình thường mới”. Vị trị địa-chính trị của đất nước buộc các nhà Lãnh đạo Việt Nam phải “đu dây”. Vấn đề là “đu dây” hay “quân bình chiến lược” ấy phải trên căn bản nào? Rõ ràng, trước làn sóng bành trướng từ phương Bắc, Việt Nam chỉ có thể “đu dây cao độ” trên cơ sở sức mạnh nội sinh. Ngoài kinh tế và quốc phòng phải đạt những chuẩn nhất định, trong nước, người dân với chính quyền phải tạo thành một khối thống nhất. Chỉ như thế mới có thể có tư thế để mặc cả với bên ngoài. Nhưng làm sao để người dân với chính quyền “tạo thành” một khối không thể chia cắt trong tình hình hiện nay ở ta là cả đại vấn đề, từ cập nhật mới mọi thành tố của hệ thống chính sách đến tự do hóa và luật hóa liên quan đến các mặt sinh hoạt kinh tế, chính trị và xã hội. Không phải nhìn đâu xa, hãy xem cách “đu dây” thành công ở một số nước ASEAN hay của vùng lãnh thổ Đài Loan để trải nghiệm. Họ “đu dây cao độ” để có tư thế mặc cả, chứ không chỉ để tồn tại hay thần phục. Nghĩ được, và điều quan trọng hơn, làm được như thế, dự báo của GS. Carl Thayer hy vọng sẽ không thành hiện thực: “Chiến tranh Nga – Ukraine có thể khiến Việt Nam nhượng bộ Trung Quốc ở Biển Đông” (9).

_____

 

(1) https://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-my-van-co-kha-nang-nga-se-tan-cong-ukraine/6443661.html

 

(2) https://baotintuc.vn/the-gioi/thoa-thuan-minsk-loi-thoat-cho-cuoc-khung-hoang-ukraine-20220210101259317.htm

 

(3) https://www.bbc.com/vietnamese/world-60367982

 

(4) https://www.voatiengviet.com/a/putin-g%E1%BA%B7p-t%E1%BA%ADp-c%E1%BA%ADn-b%C3%ACnh-%E1%BB%9F-b%E1%BA%AFc-kinh/6427800.html

 

(5) https://www.express.co.uk/news/world/1565472/joe-biden-news-us-president-opinion-polls-popularity-russia-ukraine-vladimir-putin

 

(6) https://www.bbc.com/vietnamese/world-60387496

 

(7) https://baotiengdan.com/2022/02/16/bien-gioi-thang-hai-va-phuong-bac/

 

(8) https://www.voatiengviet.com/a/vi%E1%BB%87t-nam-kh%C3%B4ng-ch%E1%BB%8Dn-b%C3%AAn-m%C3%A0-ch%E1%BB%8Dn-l%E1%BA%BD-ph%E1%BA%A3i-/6356128.html

 

(9) https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-may-make-concessions-to-china-on-scs-issues-when-russia-ukraine-war-occur-02152022062355.html

 

-----------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

 

.

Tin, bài liên quan

·         Khủng hoảng Ukraina, Việt Nam đang ở vào thế khó

·         Từ Crưm đến Việt Nam, xa hay gần?

·         Ông Truyền nuôi vịt

·         Có hay không “quyền lực của nhân dân”?





No comments: