Monday, February 14, 2022

NGƯỜI DÂN UKRAINE 'BÌNH THẢN' TRƯỚC NGUY CƠ CHIẾN TRANH (VOA Tiếng Việt)

 


Người dân Ukraine ‘bình thản’ trước nguy cơ chiến tranh

VOA Tiếng Việt

15/02/2022

https://www.voatiengviet.com/a/ng%C6%B0%E1%BB%9Di-d%C3%A2n-ukraine-b%C3%ACnh-th%E1%BA%A3n-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-nguy-c%C6%A1-chi%E1%BA%BFn-tranh/6441344.html

 

https://gdb.voanews.com/c36e0000-0aff-0242-ef1e-08d9efabf2ab_w650_r1_s.jpg

Bà Valentyna Konstantynovska, 79 tuổi, tham gia huấn luyện dân quân tự vệ ở Mariupol, vùng Donetsk, miền đông Ukraine

 

Đa phần người dân Ukraine ‘không tin sẽ xảy ra chiến tranh với Nga’ nhưng sẽ ‘sẵn sàng đứng lên đương đầu với Nga’ và chính quyền Ukraine ‘đã phản ứng thỏa đáng’ trước đe dọa của Nga, một số người gốc Việt sống ở Ukraine nói với VOA.

 

Trong lúc này, Nga đang dồn hơn 100.000 binh lính đến gần biên giới với Ukraine để ra yêu sách đòi phương Tây cam kết đảm bảo an ninh cho Nga, trong đó có việc không kết nạp Ukraine vào NATO.

 

Trong một hành động gia tăng thêm sức ép đối với Kiev và phương Tây, Nga cũng đang tiến hành tập trận rầm rộ ở Belarus có tên là ‘Quyết tâm đồng minh’ kéo dài đến 20/2 vốn được NATO mô tả là đợt triển khai lớn nhất của Nga tới Belarus kể từ Chiến tranh Lạnh

 

Washington đã liên tục đưa ra cảnh báo là Moscow sắp sửa tấn công Ukraine – điều mà chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin bác bỏ. Mới đây nhất, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm 13/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng ông Putin có thể hạ lệnh tấn công ‘trong một vài ngày tới’.

 

‘Không có gì lo lắng’

 

Từ Kiev, ông Nguyễn Sỹ Tuyên, một doanh nhân đã sống lâu năm ở Ukraine, mô tả bầu không khí ở thủ đô lúc này là ‘không có gì lo lắng cả’.

 

“Mọi thứ vẫn diễn ra rất bình thường. Trẻ con vẫn đi học. Xã hội vẫn hoạt động. Cửa hàng vẫn nhộn nhịp. Đám cưới, đám tang vẫn bình thường. Không có biến động gì lớn cả,” ông Tuyên nói.

 

Ngoài ra, ông Tuyên cũng không thấy người dân Ukraine nào, ngay cả người gốc Việt, vì lo sợ chiến tranh mà tích trữ lương thực hay thuốc men cả.

 

Về nguy cơ chiến tranh, ông nói ‘chả có người dân nào tin cả, thậm chí người ta còn cười nữa’.

 

“Trên thực tế, chiến tranh đã diễn ra dai dẳng ở Ukraine được 8 năm nay rồi kể từ năm 2014 kể từ khi Nga tiến hành xâm lấn bán đảo Crưm (tức Crimea) và gây chiến ở vùng Donbass và Donetsk,” ông nói và cho biết người dân Ukraine đã quen với tin tức về tình hình chiến sự ở miền đông rồi.

 

Về phản ứng của chính quyền Tổng thống Zelenskiy, ông Tuyên nói ông ‘đánh giá cao’.

“Chính phủ đã thông báo những thông tin cần thiết cho dân chúng, ví dụ như trong trường hợp bị tấn công bằng máy bay hay pháo thì có những vị trí nào có thể ẩn nấp được,” ông cho biết.

 

Mặc dù chính phủ hướng dẫn người dân chuẩn bị nhưng ‘không tạo ra không khí hoảng loạn’, ông nói thêm, và trấn an người dân rằng ‘mọi thứ ở Ukraine hiện nay như kinh tế, quân đội và tinh thần khác hẳn hồi năm 2014 khi Nga đổ quân chiếm Crưm’.

 

Chính phủ Ukraine cũng có nhiều hoạt động ngoại giao để tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế và đến nay được rất nhiều nước ủng hộ về vật chất và tinh thần, nhất là Mỹ, ông cho biết. “Hiện giờ ở Kiev có rất nhiều chuyến bay tấp nập chở rất nhiều vũ khí và trang thiết bị đến,” ông nói.

 

Ông cũng bày tỏ sự đồng tình trước việc chính phủ Ukraine có những biện pháp hạn chế quyền tự do ngôn luận như ra lệnh đóng cửa các tờ báo, các kênh truyền hình thân Nga, tuyên truyền cho Putin và ‘đưa thông tin bất lợi cho đất nước’.

 

‘Tin vào Ukraine’

 

“Nhờ vậy mà trong lúc nguy nan tinh thần người dân Ukraine rất đoàn kết,” ông cho biết từ quan sát của ông.

 

Trên các thành phố của Ukraine, ông Tuyên cho biết có những nơi đứng ra tổ chức dân quân tự vệ để huấn luyện cho người dân những kỹ năng quân sự cơ bản như cách dùng súng, lựu đạn hay tìm chỗ ẩn nấp như thế nào, ông nói và cho biết ‘có nhiều bạn bè của tôi, trong đó có phụ nữ, bà nội trợ cũng nô nức đăng ký.

 

Ông Tuyên nói rằng ông tin tưởng vào người dân Ukraine nếu xảy ra chiến tranh với Nga vì ‘họ là một dân tộc anh hùng’ và chỉ ra nhiều tướng lĩnh hay binh sỹ Ukraine ‘đã chiến đấu rất dũng cảm’ cho Liên Xô trong Đệ nhị Thế chiến và nhiều thành phố ở Ukraine nằm trong số 13 thành phố trên toàn Liên Xô được tuyên dương anh hùng.

 

“Trong cuộc chiến với Nga kể từ 2014, bản thân tôi làm tình nguyện viên đi về vùng Donbass giáp ranh mặt trận, tôi đã cảm nhận được sự dũng cảm của những người lính Ukraine, trong đó có những người tình nguyện ra mặt trận,” ông kể.

 

Một dẫn chứng nữa ông đưa ra là ‘sự kiện Maidan’ – tức cuộc biểu tình kéo dài ở Quảng trường Maidan dẫn đến sự ra đi của Tổng thống Viktor Yanukovych thân Nga, ông nói ông đã chứng kiến ‘người biểu tình này bị bắn ngã xuống thì lớp người khác tiếp tục tiến lên dù trong tay không có tấc sắt’.

 

Bản thân Ukraine cũng có tiềm năng về vũ khí và là một trong những nước xuất khẩu nhiều vũ khí đến các nước thứ ba, ông cho biết, trong khi đang được Mỹ hỗ trợ nhiều loại vũ khí hiện đại.

 

‘Giống Việt Nam’

 

Vốn lớn lên ở tỉnh Tuyên Quang, một tỉnh giáp giới Trung Quốc của Việt Nam, và đã từng chứng kiến cuộc chiến tranh biên giới vào năm 1979 với Trung Quốc, người doanh nhân này nói ‘số phận của Ukraine bây giờ khá giống Việt Nam lúc đó’.

 

“Họ tiến hành chiến tranh phá hoại rồi đưa quân ồ ạt vào năm 1979 sau đó kéo dài đến tận năm 84-85. Đến khi hai nước bình thường hóa quan hệ thì chiến tranh mới dứt hẳn,” ông nói.

 

“Lúc đó tôi chứng kiến tận mắt sự dũng cảm của chiến sỹ Việt Nam hồi đấy,” ông nói thêm. “Cũng giống như Ukraine hiện nay. Họ đứng trước nguy cơ xâm lược nên họ sẽ đứng lên rất dũng cảm để bảo vệ đất nước, và cho dù rất nhỏ trước Nga cũng như Việt Nam trước Trung Quốc, họ sẽ chiến thắng,” ông bày tỏ tin tưởng.

 

Về phần mình, ông Tuyên nói nếu chiến tranh lan đến nơi ông ở thì ông ‘sẽ cầm vũ khí bảo vệ gia đình’ nhưng hiện nay ‘do đã lớn tuổi nên tôi không tình nguyện ra trận được’.

 

“Ngoài ra, tôi sẽ quyên góp tiền bạc, quần áo, lương thực cùng với cộng đồng Việt Nam ở Ukraine,” ông nói.

 

Về khả năng Ukraine gia nhập NATO, điều khiến Nga tức giận và gây nên cuộc khủng hoảng hiện nay, ông Tuyên kể lại trước sự kiện Maidan thì ‘phần đông dân Ukraine không muốn gia nhập NATO vì nước Nga lúc đấy được xem là nước anh em vốn tương đồng về văn hóa, cùng chia sẻ lịch sử nên không có sự thù hằn gì cả’.

 

Tuy nhiên, sau khi Nga chiếm bán đảo Crimea thì người dân Ukraine lại muốn đất nước gia nhập NATO.

 

“Ukraine và Đông Âu đã sống mấy chục năm dưới chế độ xã hội chủ nghĩa dưới sự dẫn dắt của Liên Xô nên người ta đã thấm rồi. Người ta đi lại nhiều người ta thấy rõ ràng Tây Âu có cuộc sống tốt đẹp hơn, khác với những lời tuyên truyền,” ông nói và cho rằng việc Kiev ngả theo phương Tây ‘là điều đương nhiên’ để ‘đi theo đường hướng phát triển của phương Tây’.

 

‘Chiến tranh thông tin’

 

Từ Kharkov, thành phố gần biên giới với Nga, ông Phan Trịnh Khải, vốn đã nghỉ hưu, cũng cho biết là ‘trên thực tế không có gì xảy ra mặc dù theo báo chí phương Tây thì chiến tranh sắp xảy ra đến nơi’. Do đó, ông cho rằng ‘xung đột chỉ xảy ra trên mặt trận truyền thông mà thôi’.

 

Ông bày tỏ nghi ngờ về những thông tin trên báo chí phương Tây về kế hoạch tấn công của ông Putin vì theo ông, đó là thông tin tối mật, ‘chả có báo chí nào có thể biết được mà đưa lên mặt báo cả’.

 

Bản thân ông không tin sẽ xảy ra chiến tranh. “Chẳng ai được lợi lộc gì trong cuộc chiến này cả,” ông nói.

 

Theo lập luận của ông thì sau khi chiếm được Crimea thì Nga ‘đã đạt được mục đích là có lối ra Biển Đen rồi’ nên bây giờ nếu tấn công Ukraine thì ‘chỉ càng làm cái cớ cho NATO nhảy vào chứ Nga không được lợi gì’.

 

Do đó, bản thân ông vẫn sinh hoạt hàng ngày, vẫn tiếp xúc với nhiều người và không thấy ai ‘có gì căng thẳng’.

 

“Chính phủ vẫn khuyên mọi người hãy yên tâm làm ăn sinh sống. Bản thân Tổng thống Zelenskyi đã nói là khả năng xảy ra chiến tranh là rất khó nên tôi tin tổng thổng và vẫn sống bình thản,” ông nói với VOA từ trên giường bệnh vì đang phải điều trị COVID-19.

 

Theo lời ông thì người dân Ukraine ở Kharkov ‘đa số có họ hàng ở Nga’. “Chẳng hạn như họ sinh ra ở Kharkov rồi sang Nga sinh sống, hay sinh ở Nga rồi sang Kharkov làm ăn,” ông nói.

 

“Người dân hai bên hòa trộn với nhau như họ hàng. Mâu thuẫn chỉ xảy ra ở tầng lớp lãnh đạo thôi và chỉ có một bộ phận giới trẻ ở đây là bài Nga thôi,” ông Khải cho biết.





No comments: