Mạn
đàm đầu năm : Nhà khoa học, tự do và lòng trung thành chính trị
Huỳnh Công Đương - Luật
Khoa
09/02/2022
https://www.luatkhoa.org/2022/02/man-dam-dau-nam-nha-khoa-hoc-tu-do-va-long-trung-thanh-chinh-tri/
Khoa học có cần
tính đảng?
Khoa học có cần
tính đảng? Đồ họa: Luật Khoa
Là một người có tư tưởng “thân Tây” như một số
nhóm chính trị tại Việt Nam vẫn thường cáo buộc, trong một thời gian dài tôi
luôn tin tưởng rằng một nền dân chủ, nơi quyền tự do ngôn luận được đảm bảo, là
nền tảng mạnh mẽ nhất cho sự phát triển của khoa học.
Đây không phải là một quan điểm cao xa khó diễn
giải.
Trong những môi trường độc tài – toàn trị, sự
trung thành chính trị luôn là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Một nhà khoa học, một
luật gia hay một triết gia vừa vừa tầm trung, nhưng tuyệt đối tin tưởng và
trung thành với lợi ích của chính đảng hay cá nhân cầm quyền, chắc chắn sẽ được
nhóm cầm quyền trọng dụng hơn so với những nhà khoa học đại tài nhưng có lý tưởng
độc lập và mầm mống chống đối.
Trong khi đó, chênh lệch phát triển giữa
phương Đông và phương Tây, sự bứt phá của phương Tây về tư duy, cách tiếp cận
khoa học và từ đó là năng lực kinh tế và năng lực quân sự nói chung, có thể được
truy gốc bắt nguồn từ việc phương Tây có được nền tự do học thuật và nghiên cứu
sau hàng loạt các cuộc cách mạng tri thức. Còn phương Đông với nền tảng học thuật
kinh kệ, trọng lễ trọng vương khó mà tạo ra những bứt phá vượt trội về mặt tư
tưởng lẫn nghiên cứu khoa học.
Điều này có lẽ vẫn rất đúng cho đến những năm
1990.
***
Toàn cầu hóa đến.
Và như mọi thứ khác, học thuật cũng toàn cầu
hóa.
Các trường đại học phương Tây tìm thấy ở Trung
Quốc một thị trường tỷ dân chưa ai khai phá và một chính quyền rất bạo chi.
Sự hăm hở “hợp tác”, “trao đổi”, “chuyển giao”
nhanh chóng tạo cơ hội cho các trường đại học Trung Quốc và giới lãnh đạo chính
trị của những cơ sở này gia nhập làn sóng học thuật, ghi tên vào bảng vàng những
trường đại học hàng đầu thế giới.
Cho đến nay, Trung Quốc luôn đóng góp đến gần
1/10 số lượng trường đại học trên hầu hết các bảng xếp hạng đại học danh giá.
Những cái tên như Đại học Bắc Kinh (Peking
University), Đại học Thanh Hoa (Tsinghua University), Đại học Phúc Đán (Fudan
University) hay Đại học Chiết Giang (Zhejiang University) đều là những thương
hiệu “quyền thế” mà tôi tin là không học giả nào không kính nể một phần khi
nghe tên, và đó mới chỉ là một phần nhỏ trong danh sách. Điều này cho chúng ta
thấy sự vượt trội và lớn mạnh của giới học thuật Trung Quốc chỉ sau hai chục
năm ngắn ngủi. [1]
Đấy là chưa kể từ năm 2020, Trung Quốc cũng đã
chính thức vượt Hoa Kỳ trong cuộc đua đăng ký sáng chế quốc tế. [2]
Liệu các nền độc tài, toàn trị hoàn toàn có thể
chiếm thế thượng phong về khoa học – kỹ thuật mà không cần thiết phải cởi mở về
chính trị?
Tôi, với sự cố chấp và niềm tin cá nhân, không
chấp nhận luận điểm trên. Xin bạn đọc lắng nghe vài biện giải.
tiên, có lẽ cần nói đến “bức màn bí mật” của một
chính thể toàn trị.
Đại dịch COVID-19 là một trong những minh họa
đầu tiên giúp tôi cho rằng khoa học không thể phát triển nếu không có sự minh bạch
và tự do.
Vào thời điểm ban đầu xuất hiện chủng virus mới,
chính quyền Bắc Kinh không hề có ý định công bố rộng rãi thông tin về dịch bệnh
hay kêu gọi giới khoa học tham gia tìm kiếm phương pháp điều trị hay phòng ngừa.
Với việc sợ trách nhiệm, sợ hoảng loạn, sợ mất
mặt với thế giới, Trung Quốc ra sức hạn chế, hay nói thẳng ra là kiểm duyệt thông
tin, tạo rào cản chặn đầu các bước tiến khoa học cần thiết về COVID-19. [3]
Hiển nhiên, tôi tin rằng các nhà khoa học được
chính quyền Trung Quốc triệu tập để nghiên cứu chắc chắn đều là những người được
xem là đầu ngành tại nước này.
Nhưng ai xác định những người đầu ngành đó? Chẳng
phải cũng là các chính trị gia hay sao?
Sự nhấp nhứ, giấu giếm thông tin và kén chọn
chính trị có lẽ là lý do quan trọng nhất khiến cho các nhà khoa học Trung Quốc
chỉ có thể dừng lại ở kỹ thuật sản xuất vaccine bất hoạt (inactivated
vaccines), vốn đã được dùng hàng trăm năm qua và bắt đầu hụt hơi trước những loại
virus mới, kèm theo các rủi ro y tế mới.
Phương Tây, trong khi đó, có một không gian rộng
mở hơn, có một hệ thống thông tin và báo chí mạnh mẽ hơn, có một hệ thống dân sự
sẵn sàng lên tiếng hơn, đảm bảo mọi chủ thể có đủ năng lực trong xã hội đều có
quyền tiếp cận và nghiên cứu. Nhờ đó, các nhà khoa học nơi đây nhanh chóng làm
chủ kỹ thuật sản xuất vaccine mRNA, chính thức khẳng định ưu thế so với các kỹ
thuật sản xuất vaccine cổ điển, từ đó định hình tương lai của ngành y tế dự
phòng thế giới. [4]
Như vậy, chẳng phải sự minh bạch và công bằng
về thông tin là nền tảng quan trọng để khoa học có cơ hội phát triển một cách
hoàn chỉnh và lành mạnh nhất hay sao?
***
Không chỉ vậy, khoa học trong một nền chính trị
toàn trị luôn tha hóa những nhà khoa học tài hoa, và tệ hơn là đặt quyền hành
vào tay những kẻ ngụy khoa học.
Ví dụ điển hình là các câu chuyện về khoa học
trong thời đại của Liên Xô, khi mà khoa học “đúng”, khoa học “quan trọng” không
gì khác hơn là thứ khoa học được chính quyền đánh giá là như vậy.
Câu chuyện về Trofim Lysenko, người được giới
nghiên cứu thế giới gọi là “Soviet biology dictator” (kẻ độc tài ngành sinh học
Liên Xô), có lẽ là lời nhắc nhở rõ ràng nhất cho những ai tin rằng một chế độ
toàn trị có thể tiến bộ vượt bậc về khoa học trong dài hạn. [5]
Theo đó, Lysenko, một người chưa biết chữ cho
đến khi 13 tuổi, tận dụng Cách mạng Tháng Mười Nga, tận dụng niềm tin sắt đá
vào chủ nghĩa cộng sản, dần dà được nâng đỡ trở thành nhà sinh vật học hàng đầu
quốc gia. Lysenko có thời điểm nắm toàn bộ ngành nông nghiệp Xô-viết (hiển
nhiên với bàn tay hậu thuẫn của Stalin).
Nhà “sinh vật học” này không tin rằng động, thực
vật có gene và di truyền từ đời này sang đời khác. Nói cách khác, ông cho rằng
gene không tồn tại. Khoa học gene dưới mắt ông chỉ là thứ khoa học tư sản ngoại
bản.
Thay vào đó, áp dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng
Marxist vào sinh vật học, Lysenko khẳng định các hạt mầm sẽ tự thích nghi với
môi trường nếu được làm quen đủ lâu, việc trồng các hạt mầm gần nhau sẽ giúp
chúng cùng tham gia vào một “giai cấp chung”, và từ đó khiến cho cây cối không
cạnh tranh dinh dưỡng với nhau, tạo năng suất cao hơn.
Với những thông tin ngụy khoa học nhưng đầy
tính đấu tranh giai cấp như thế, “Lysenkoism” (chủ nghĩa Lysenko) được cho là
đóng góp không nhỏ trong nạn đói khủng khiếp ở cả Liên Xô, Trung Quốc lẫn hàng
loạt các quốc gia trong khối xã hội chủ nghĩa.
***
Trung Quốc ngày nay hùng cường về công nghệ.
Tuy nhiên, một phần rất lớn những thành quả
này đến từ sự hợp tác, học hỏi và chấp nhận vị thế tiên tiến của khoa học
phương Tây. Nhiều người còn có thể nhắc đến việc chính quyền Bắc Kinh sử dụng
gián điệp và chiếm đoạt công nghệ khắp thế giới.
Song nói xa hơn, chúng ta vẫn có quyền tin rằng
một nền khoa học (dù là tự nhiên hay xã hội) mà không có tự do học thuật, nơi
tài năng và vị trí được quyết định bằng lòng trung thành chính trị với một cá
nhân lãnh đạo hay một chính quyền, thì nền khoa học đó không bao giờ đảm bảo được
một tương lai hùng cường và bền vững.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài
bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.
CHÚ THÍCH
1. Morrison, N. (2021, December 10). Harvard
Named World’s Most Prestigious University As China Makes Top 10 Breakthrough.
Forbes. https://www.forbes.com/sites/nickmorrison/2021/10/27/harvard-named-worlds-most-prestigious-university-as-china-makes-top-10-breakthrough/?sh=a925f2067151
2. Nikkei (2020, April 7). China
overtakes US as leader in international patent filings. Nikkei Asia. https://asia.nikkei.com/Business/Technology/China-overtakes-US-as-leader-in-international-patent-filings
3. BBC News. (2020, December 29). China
Covid-19: How state media and censorship took on coronavirus. https://www.bbc.com/news/world-asia-china-55355401
4. How does a mRNA vaccine compare to
a traditional vaccine? | Vanderbilt Institute for Infection, Immunology and Inflammation.
(2020). Vanderbilt Institute for Infection, Immunology and Inflammation. https://www.vumc.org/viiii/infographics/how-does-mrna-vaccine-compare-traditional-vaccine
5. Kean, S. (2017, December 19). Trofim
Lysenko, the Soviet Era’s Deadliest Scientist, Is Regaining Popularity in
Russia. The Atlantic. https://www.theatlantic.com/science/archive/2017/12/trofim-lysenko-soviet-union-russia/548786
No comments:
Post a Comment