Monday, February 14, 2022

KHÍ ĐỐT TRONG KHỦNG HOẢNG UKRAINE (Theo NPR)

 



Khí đốt trong khủng hoảng Ukraine   

Đàn Chim Việt

12/02/2022

http://www.danchimviet.info/khi-dot-trong-khung-hoang-ukraine/02/2022/25239/

 

http://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2022/02/large_aDV2Kqdcakrs2EaA-696x392.jpeg

Trạm tiếp nhận của đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 nằm gần Lubmin, Đức, vào ngày 2 tháng 2. Nord Stream 2, do công ty năng lượng Nga Gazprom sở hữu, sẽ vận chuyển khí đốt của Nga từ Nga sang Đức, nhưng Tổng thống Mỹ Biden đã cho biết đường ống này sẽ không tiến bước nếu Nga xâm lược Ukraine. (Ảnh Sean Gallup/Getty)

 

Vào lúc Mỹ và các đồng minh nỗ lực xây dựng một lập trường thống nhất để ngăn chặn Nga xâm lược Ukraine, yếu tố năng lượng đóng một vai trò quan trọng trước khi đưa ra lập trường, vì châu Âu đang phụ thuộc vào khí đốt và dầu hỏa của Nga để vận hành cỗ máy kinh tế.

 

Nga cung cấp xấp xỉ 40% lượng khí đốt cho châu Âu – làm dấy lên lo ngại về những gì có thể xảy ra nếu Moscow cắt đứt một phần hoặc toàn bộ nguồn cung cấp đó.

 

Các quan chức Mỹ đã cảnh báo rằng Nga đã triển khai gần như đủ sức mạnh quân sự dọc theo biên giới Ukraine để tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện vào nước này.

 

Nhưng ngay cả khi các nhà lãnh đạo thế giới đi khắp lục địa để thu xếp ngoại giao, ví dụ chuyến đi Moscow không mang lại kết quả của Tổng thống Pháp, và ngay cả khi Hoa Kỳ và NATO chuyển quân xung quanh các nước Đông Âu, năng lượng của châu Âu vẫn là tâm điểm chú ý.

 

Tại sao khí đốt lại quan trọng trong cuộc khủng hoảng Ukraine?

 

Nói vắn tắt, nhiều quốc gia ở châu Âu phụ thuộc vào Nga để có khí đốt và, ở mức độ thấp hơn, dầu hỏa.

 

Đứng đầu là Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đồng minh chủ chốt của Hoa Kỳ và trải qua lịch sử, từng là một bên tham gia quan trọng vào các cuộc đàm phán về số phận của Ukraine. Không quốc gia nào mua nhiều khí đốt của Nga bằng Đức.

 

Tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đến Tòa Bạch Ốc trong tuần qua, cuộc gặp mặt giữa ông với Tổng thống Mỹ Joe Biden không ra ngoài một nội dung chính: đường ống Nord Stream 2, dẫn dầu từ Nga sang Đức. Mặc dù đường ống vẫn chưa hoạt động, nhưng từ lâu đã trở thành tâm điểm tranh luận giữa Mỹ và các đồng minh. 

 

Đức ủng hộ đường ống, trong khi Hoa Kỳ lo ngại rằng nó có thể làm tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng của Nga.

 

Trước đây, khi chưa có cuộc khủng hoảng Ukraine, cựu Thủ tướng Angela Merkel vẫn giữ thái độ hòa hoãn với Nga; giờ đây trách nhiệm về đường ống chuyển sang cho Olaf Scholz. Lúc đầu ông Scholz tỏ ra do dự, ngập ngừng nhưng trước áp lực của Hoa Kỳ, ông nhích lên được chút xíu.

 

Sau cuộc gặp ở Tòa Bạch Ốc, trong lúc Biden khẳng định Mỹ sẽ ngăn Nord Stream 2 nếu Nga xâm lược Ukraine thì Scholz chỉ nói “tất cả các lựa chọn đều được mang ra bàn” nếu Nga xâm lược. 

 

Châu Âu phụ thuộc khí đốt của Nga như thế nào?

 

Hơn 38% lượng khí đốt mà các thành viên Liên minh châu Âu sử dụng vào năm 2020 được nhập từ Nga, theo Eurostat, cơ quan thống kê của EU.

 

Tuy nhiên, trên toàn châu Âu, sự phụ thuộc của các quốc gia vào khí đốt của Nga rất khác nhau. Một số hầu như không mua một mét khối nào của Nga, như Vương quốc Anh; hoặc sử dụng rất ít khí đốt, như Thụy Điển.

 

Nhưng có những quốc gia khác – đặc biệt là ở Trung và Đông Âu, trong đó có các quốc gia từng nằm trong khối Liên Xô – lại phụ thuộc 100% hoặc gần gần tỷ lệ đó vào khí đốt của Nga.

 

Các nhà lãnh đạo phương Tây, cả ở châu Âu và Hoa Kỳ, từ lâu đã thúc giục châu Âu giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga để châu lục này bớt gặp tổn thương trước các đòn địa chính trị của Putin.

 

Tướng H.R. McMaster, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với đài NPR vào tháng trước:  “Sự kiện họ phụ thuộc vào khí đốt của Nga đã mang lại cho Vladimir Putin sức mạnh cưỡng chế to lớn lên các nền kinh tế châu Âu”.

 

Trong cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu vào mùa thu năm ngoái, Nga đã giảm bớt lượng xuất khẩu sang châu Âu, khiến cho tình trạng nhiên liệu tồn kho đang thấp lại càng trầm trọng thêm và số cầu cao khiến giá năng lượng tăng vọt.

 

David Goldwyn, Giám đốc công ty tư vấn năng lượng Goldwyn Global Strategy, cho biết: “Theo phong cách điển hình của Nga, họ đã làm theo cách mà họ không thể bị buộc vi phạm bất kỳ hợp đồng thương mại nào, nhưng vẫn đưa ra một lời nhắc khéo khá mạnh với Đức nói riêng, và phần còn lại của châu Âu nói chung, rằng châu Âu vẫn còn phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Họ không phải là kẻ ngốc.”

 

Ông Putin phủ nhận các cáo buộc cho rằng Nga sử dụng khí đốt như một công cụ chính trị, nhưng ông cũng nói rằng nếu Đức phê duyệt đường ống Nord Stream 2, Nga sẽ “bơm khí đốt vào ngay ngày hôm sau.”

 

Điều gì sẽ xảy ra cho châu Âu nếu Nga khóa van?

 

Rất khó xảy ra việc Nga cắt hoàn toàn khí đốt sang châu Âu – nhưng nếu điều đó xảy ra, các chuyên gia cảnh báo sẽ rất phiền phức. Một lựa chọn khác của Nga là cắt xuất khẩu khí đốt qua đường ống ở Ukraine, động thái này chỉ ảnh hưởng mạnh cho Đức, các nước khác chưa sao. (Sự phụ thuộc vào các đường ống chạy ngang Ukraine là một phần lý do khiến Đức quan tâm đến Nord Stream 2)

 

Với nguồn cung bị ảnh hưởng nghiêm trọng, giá năng lượng vốn đã cao của châu Âu có thể sẽ tăng vọt.

 

“Nếu chúng tôi nhận được thêm các khối lượng từ Na Uy, Azerbaijan, Qatar và Hoa Kỳ, thì về mặt lý thuyết, chúng tôi có thể xây dựng một kịch bản xử lý tình huống có thể xảy ra là có sự gián đoạn hoàn toàn của dòng khí đốt từ Nga,”  Kadri Simson, Ủy viên Năng lượng của Châu Âu phát biểu trong cuộc họp báo hôm thứ Ba.

 

Một giải pháp ngắn hạn là nhập khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG) từ các nước như Qatar và Mỹ. Mỹ đã tăng mạnh xuất khẩu LNG sang châu Âu trong những năm gần đây, nhưng các chuyên gia cho rằng nguồn cung cấp LNG có thể sẽ không thể đáp ứng được tất cả các nhu cầu, trong trường hợp Nga cắt đứt hoàn toàn.

 

Muốn có giải pháp nhanh chóng thay thế khí đốt là một thách thức. Ví dụ, than không phải là một giải pháp hấp dẫn, do nhiều nước châu Âu đã nỗ lực để giảm lượng khí thải carbon và đối phó với biến đổi khí hậu.

 

Quan điểm của Nga về vấn đề này?

 

Theo một nghĩa nào đó, các nhà phân tích cho rằng, bây giờ có thể là thời điểm tốt nhất để Putin khóa van: Nga đang có 630 tỷ USD dự trữ tiền tệ, có nghĩa là nếu có thất thu vì khí đốt trong một thời gian ngắn thì vẫn không sao. Với lại, nếu có giảm thu thì chỉ có những thứ dân Nga ngày ngày xếp hàng mua Vodka mới bị ảnh hường, chứ Putin và các đại gia trong Câu lạc bộ của ông ta vẫn yên tâm với cuộc sống xa hoa. (Vì lẽ đó, các đòn trừng phạt của Hoa Kỳ cũng nhắm đến cái đám mafia này).

 

Trong khi đó, giá khí đốt và dầu hỏa đang ở mức rất cao, vì vậy việc cắt giảm sẽ làm các nước châu Âu chạy đôn chạy đáo, vò đầu bứt tai để bù đắp khoản thiếu hụt, và như vậy, Nga sẽ rảnh tay “giải phóng” Ukraine.

 

Nhiều người không tin Nga sẽ cắt giảm khí đốt sang châu Âu. “Nga cần nguồn thu từ dầu và khí đốt ít ra cũng tương tự như châu Âu cần nguồn cung cấp năng lượng. Hai phần ba doanh thu xuất khẩu của Nga đến từ dầu và khí đốt. Đó là khoảng một nửa thu ngân sách của Nga. Vì vậy, Putin không thể chiếu tướng. Mọi người đều phụ thuộc vào nhau.” Daleep Singh, phó cố vấn an ninh quốc gia của Tòa Bạch Ốc về kinh tế quốc tế, nói với NPR.

 

Henning Gloystein, giám đốc năng lượng của Eurasia Group, cho biết nếu Nga làm quá, châu Âu sẽ đẩy mạnh các kế hoạch tìm các nguồn năng lượng thay thế: “Sẽ có một nỗ lực phối hợp ngay lập tức của Liên minh châu Âu để giảm vĩnh viễn sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, chuyện này rõ ràng sẽ không giải quyết được trong mùa đông này, nhưng trong hai năm tới, việc cắt giảm sẽ gây ra những hậu quả khá mạnh mẽ.”

 

Vị trí của Hoa Kỳ trong câu chuyện này?

 

Mỹ và các đồng minh đang cố gắng tìm cách chấm dứt cuộc khủng hoảng Ukraine mà không liên quan đến bạo lực.

 

Một biện pháp mà Washington đang nghiên cứu là áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt lên Nga – đủ mạnh để thuyết phục Putin rút quân đội và vũ khí đang tích lũy ở biên giới Ukraine.

 

Sự vướng mắc về năng lượng của châu Âu khiến các lựa chọn của Mỹ trở nên khó khăn hơn. Điện Kremlin có thể chọn cách trả đũa bằng cách cắt nguồn cung cấp năng lượng. Hoặc, nếu vẫn tiếp tục cung cấp và tiền mua khí đốt của châu Âu vẫn tiếp tục chảy vào kho bạc của Moscow, tác động của các biện pháp trừng phạt có thể kém hiệu quả hơn trông đợi.

 

Do đó, việc giúp châu Âu đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng là một phần cần thiết trong phản ứng của Hoa Kỳ, bên cạnh các động thái quân sự và nỗ lực ngoại giao.

 

Daleep Singh, phó cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ nói: “Chúng tôi đã làm việc rất chặt chẽ với Đức và châu Âu để tăng cường năng lực từ các khu vực khác trên thế giới – từ châu Âu, Bắc Phi, Trung Đông và châu Á – và chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đã sẵn sàng để bù đắp cho bất kỳ sự thiếu hụt nào có thể xảy ra.”

 

(Theo NPR)





No comments: