Thursday, February 17, 2022

HOA KỲ "KHÔNG CÓ Ý ĐỊNH" THAM GIA KHUÔN KHỔ KINH TẾ ẤN ĐỘ DƯƠNG-THÁI BÌNH DƯƠNG CÙNG VỚI TRUNG QUỐC (Thùy Dương - RFI)

 



Mỹ "không có ý định" tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương cùng với Trung Quốc

Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 17/02/2022 - 13:58

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20220217-m%E1%BB%B9-kh%C3%B4ng-c%C3%B3-%C3%BD-%C4%91%E1%BB%8Bnh-tha....BB%9Bi-trung-qu%E1%BB%91c

 

Hoa Kỳ "không có ý định" tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương cùng với Trung Quốc. Phát biểu trước báo giới vào hôm nay 17/02, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, Daniel Kritenbrink, cho biết Washington đang trao đổi với các đối tác có cùng tầm nhìn về một khu vực tự do và mở, không bị ép buộc, không bị cản trở. 

 

https://s.rfi.fr/media/display/8883194a-8fef-11ec-9f51-005056bfb2b6/w:1024/p:16x9/000_Hkg10125001.webp

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, Daniel Kritenbrink phát biểu tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 03/12/2014. AFP - FRED DUFOUR

 

Tuần trước, Hoa Kỳ đã tuyên bố cam kết dành nhiều nguồn lực ngoại giao và an ninh hơn cho Ấn Độ - Thái Bình Dương để đẩy lùi những gì Washington xem là nỗ lực của Trung Quốc để tạo phạm vi ảnh hưởng trong khu vực và trở thành cường quốc có ảnh hưởng nhất thế giới. 

 

Khái niệm về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ -Thái Bình Dương do Hoa Kỳ đưa ra nhân hội nghị thượng đỉnh Đông Á vào tháng 10/2021, làm cơ sở cho việc định ra các mục tiêu chung tạo thuận lợi cho trao đổi mậu dịch, đề ra các chuẩn mực của nền kinh tế và công nghệ số, khả năng thích ứng của chuỗi cung ứng, vấn đề phi các-bon, năng lượng sạch… 

 

Theo Reuters, trong tài liệu dài 12 trang về tổng quan chiến lược, chính quyền Biden cho biết sẽ tập trung vào mọi nơi trong khu vực, từ vùng Nam Á đến các đảo ở Thái Bình Dương nhằm củng cố vị thế và cam kết lâu dài của Mỹ. Tài liệu này có nhắc đến kế hoạch của Hoa Kỳ khởi động Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương vào đầu năm 2022, và chính quyền Biden hy vọng ít nhất sẽ lấp được phần nào chỗ trống sau khi chính quyền Donald Trump hồi năm 2017 rút Mỹ khỏi thỏa thuận thương mại đa quốc gia. 

 

Washington tự tin vào liên minh Mỹ - Úc 

 

Về quan hệ Mỹ - Úc, cũng theo Reuters, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, Daniel Kritenbrink, hôm nay khẳng định là Washington sẽ vẫn liên minh với Canberra bất kể kết quả bầu cử Úc và tin rằng liên minh Mỹ - Úc sẽ vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết cho dù đảng nào giành thắng lợi trong kỳ bầu cử ở Úc vào tháng 05/2022. 

 

Anh - Úc tăng cường quan hệ an ninh 

 

Trong khi đó, thủ tướng Anh Boris Johnson và đồng nhiệm Úc Scott Morrison hôm nay đã họp trực tuyến và ra thông cáo chung. Vương quốc Anh cam kết đầu tư 25 triệu bảng Anh (34 triệu đô la) nhằm thúc đẩy "hòa bình và ổn định" ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Số tiền này sẽ được sử dụng để tăng cường sức mạnh của khu vực trong nhiều lĩnh vực, bao gồm không gian mạng, chống các mối đe dọa từ các nhà nước và bảo đảm an ninh hàng hải. Anh Quốc cũng cho biết dự án cung cấp các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Úc cũng đang có những tiến bộ đáng kể. 

 

--------------------------

Các nội dung liên quan

HOA KỲ - TRUNG QUỐC

Tướng Mỹ: Bắc Kinh có thể lợi dụng khủng hoảng Ukraina để ‘‘khiêu khích’’ ở châu Á

 

HOA KỲ -ẤN ĐỘ-THÁI BÌNH DƯƠNG

Thượng Đỉnh Đông Á: Mỹ cam kết sát cánh cùng đối tác bảo vệ tự do hàng hải

 

HOA KỲ - CHÂU Á

2022: Mỹ sẽ củng cố vế kinh tế của chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương





No comments: