Sunday, February 13, 2022

GHI CHÉP THỜI SỰ DỊCH 2021 : NHỮNG NGÀY ĐEN TỐI / PHẦN 19 (Nguyễn Thông)

 



Ghi chép thời sự dịch 2021: Những ngày đen tối (Phần 19)

Nguyễn Thông

13/02/2022

https://baotiengdan.com/2022/02/13/ghi-chep-thoi-su-dich-2021-nhung-ngay-den-toi-phan-19/

 

Tiếp theo Phần 1 − Phần 2 − Phần 3 − Phần 4 − Phần 5 − Phần 6 − Phần 7 − Phần 8 − Phần 9 − Phần 10 − Phần 11 − Phần 12 − Phần 13 − Phần 14 − Phần 15 − Phần 16 − Phần 17 và Phần 18

 

                                                          *

 

Dịch 2021: Những tháng ngày đen tối (kỳ 19)

 

Ngày 1.10

 

Theo lệnh của chính quyền Sài Gòn, chốt chặn, hàng rào dây thép gai và các trạm kiểm soát liên ngành trên đường phố cũng như các cửa ngõ ra vào thành phố được dở bỏ, chỉ giữ lại ở những chỗ quan trọng, cần thiết. Tính từ ngày 9.7 (lập chốt, chắn rào) thực hiện chỉ thị 16 tới nay thì sự phong tỏa kéo dài gần 2 tháng. Biết bao nhiêu là khổ sở, vất vả, đớn đau, bi kịch. Vinh bảo, mày ạ, dỡ thì dỡ, nhưng giờ tao cứ nhìn thấy cái hàng rào dây thép gai và áo công an là tao cứ sờ sợ, nó ám vào đầu mất rồi.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/02/NT-561x420.jpg

Hàng rào dây thép gai trên đường phố Sài Gòn trong cơn dịch, tháng 9.2021. Ảnh trên mạng

 

Vinh còn ngồi nhẩm tính, đợt dịch lần 4 tính từ ngày 26.5, Sài Gòn bắt đầu thực hiện phong tỏa, mở màn từ quận Gò Vấp rồi lan rộng ra dần, càng ngày càng nặng. Ngày 31.5 toàn thành phố giãn cách theo chỉ thị 15, riêng quận Gò Vấp theo chỉ thị 16. Tới giữa tháng 6 thì gần như cả Sài Gòn theo chỉ thị 16, giống như một cái nhà tù lộ thiên, một trại tập trung khổng lồ.

 

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, trước cảnh dòng người tị nạn, từ Sài Gòn chạy về quê để trốn dịch trốn đói, bị chặn lại ở địa phận tỉnh Long An, đã không làm thơ mà cám cảnh viết: Trận bão Covid đã nhấn chìm những lời rao giảng sáo rỗng về các loại kiêu ngạo vô lối. Một đất nước bùng phát giáo sư tiến sĩ mà phải đi mua vắc xin của Cuba – một xứ sở vẫn bị cấm vận liên tục, thì có nên gào thét “Tự hào quá, Việt Nam ơi” không?

 

 

Ngày 2.10

 

Rất nhiều người (biểu lộ trên báo mậu dịch và mạng xã hội) bày tỏ sự thất vọng sau câu phát biểu của Võ Văn Hoan phó chủ tịch thành phố HCM. Hôm 1.10, Hoan nói rằng việc đi lại trở lại bình thường nhưng sẽ phạt nặng nếu ai ra đường không có lý do chính đáng. Giời ạ, thế thì còn nói làm gì. Ông hàng xóm nhà tôi đọc báo xong, cáu kỉnh chửi tục đù má nó. Tôi can, bảo ông không được nói bậy, thằng Hoan cũng chỉ là đứa đầu sai, thiên lôi chỉ đâu đánh đấy, giơ đầu chịu báng, chứ không phải một mình nó quyết vậy. Phó chủ tịch đã là quái gì, nhất là xứ này lãnh đạo tập thể, trùm là đảng. Sao không đù đảng mà lại đù má nó.

 

 

Ngày 8.10

 

Trang tin của đài VTC cho biết: Tối 8.10, sau nhiều ngày ròng rã vượt 1.200 cây số, từ thị xã Tân Uyên tỉnh Bình Dương, đoàn 28 người dân tộc thiểu số Đan Lai đi bộ (có một vài chặng được người tốt cho đi nhờ xe) đã về tới quê nhà ở tỉnh Nghệ An quê Bác.

 

Họ từ xứ Nghệ, bỏ quê hương bản quán vào Bình Dương (miền đất hứa của người lao động nghèo) kiếm sống. Dịch căng, chính phủ siết các quy định phòng chống dịch nên nhà máy nơi họ làm phải đóng cửa, bị mất việc, hết tiền, không còn tiền trả chủ nhà trọ, không còn gì ăn, chịu đựng đói khát đã gần 4 tháng trời, nên họ quyết định về. Sau mấy năm làm thuê, không sắm nổi chiếc xe đạp chứ đừng nói gì xe máy, mà tàu lửa ô tô lại không chạy, nên họ chỉ còn cách đi bộ về. Người khỏe dìu người yếu, trai tráng dìu người lớn tuổi, bồng bế dắt díu nhau trên cuộc hành trình đầy gian nan. May mà không chết ai, về được đủ cả 28 người, chỉ có điều qua ảnh, thấy xơ xác đen đúa như con ma đói. Thương lắm.

 

(Còn tiếp)

 

.

21 BÌNH LUẬN  





No comments: