Thursday, February 10, 2022

GHI CHÉP THỜI SỰ DỊCH 2021 : NHỮNG NGÀY ĐEN TỐI / PHẦN 18 (Nguyễn Thông)

 



Ghi chép thời sự dịch 2021: Những ngày đen tối (Phần 18)

Nguyễn Thông

10/02/2022

https://baotiengdan.com/2022/02/10/ghi-chep-thoi-su-dich-2021-nhung-ngay-den-toi-phan-18/

 

Tiếp theo Phần 1 − Phần 2 − Phần 3 − Phần 4 − Phần 5 − Phần 6 − Phần 7 − Phần 8 − Phần 9 − Phần 10 − Phần 11 − Phần 12 − Phần 13 − Phần 14 − Phần 15 − Phần 16 và Phần 17

 

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/02/t-561x420.jpg

Shipper của công ty Grab đi giao hàng trong cơn dịch tại Sài Gòn. Ảnh: Internet

 

Ngày 28.9

 

Đã sắp hết tháng 9, gần tròn 3 tháng dịch Vũ Hán hoành hành mà vẫn chưa thấy chút hy vọng sáng sủa nào. Lại ồn ào vụ giá cả bộ kit test nhanh (dân chúng gọi là ngoáy mũi, chọc mũi). Báo Tuổi Trẻ có bài dài đưa ra những con số gây choáng, rút cái tít “Bộ kit test nhanh giá gốc chỉ 25.000 – 30.000 đồng, nhưng giá bán trong nước 80.000 – 200.000 đồng, vì sao?”. Trên mạng còn nêu đích danh giá mà Bộ Y tế công bố là 238.000 đồng/bộ kit. Kinh hoàng. Dư luận được dịp nhắc lại câu nói nổi tiếng của bà phó Doan (bà phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, chứ không phải bà phó Đoan trong Số đỏ): Người ta ăn không từ thứ gì.

Tôi có đứa cháu hành nghề giao hàng (shipper), nó than chính quyền vừa cho phép hoạt động lại thì chúng nó cứ 3 ngày phải đến các cơ sở dịch vụ y tế test một lần, mỗi lần trả từ 150.000 tới 200.000 đồng. Không có giấy chứng nhận “tam nhật” ấy (kết quả chỉ có giá trị trong 3 ngày) thì sẽ bị phạt nặng. Làm mửa mật, đày nắng, dãi gió dầm mưa ngoài đường không đủ tiền trả xét nghiệm. Thằng còng làm cho thằng khốn nạn gian dối ăn.

 

Ngày 29.9

Vẫn nóng chuyện kit test. Lão hàng xóm nhà tôi phân tích: Việc chính quyền thực hiện test miễn phí cho dân để chống dịch, điều này ai cũng biết. Dân được test không phải trả tiền, cần cảm ơn chính phủ. Tuy nhiên, cái gì quá cũng không tốt. Cứ vài ba ngày lại lôi con nhà người ta ra ngoáy mũi, thậm chí cưỡng chế, dù người ta đã chích 2 mũi vắc xin hoặc chỉ ở trong nhà, vừa tốn kém vừa phiền hà, khổ dân. Nhưng test miễn phí không có nghĩa là không tốn tiền. Tiền làm việc này do ngân sách chi. Tức vẫn là tiền dân (đóng thuế). Mua rẻ, rồi khai vống giá lên để ăn chênh lệch, bỏ túi riêng, có khác gì ăn cướp, chiếm đoạt tiền nhà nước, tiền của dân. Yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ Bộ Y tế đã tính chi phí test (miễn phí) là bao nhiêu, theo giá nào, ngân sách phải chi bao nhiêu…

Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Văn Lượng đặt câu hỏi: Vụ kit test, chẳng lẽ chính phủ không có giải pháp nào hiệu quả tài chính mà đỡ bị dư luận đàm tiếu, đỡ mất cán bộ hơn hay sao?

 

Ngày 2.10

Một cô công nhân nghèo tha hương (quê miền Trung) vào làm thuê ở tỉnh Bình Dương. Gần 4 tháng bị mất việc, hết tiền, sống không nổi, đành trả lại phòng trọ (đã nợ tiền thuê 2 tháng nhưng chủ nhà thương tình miễn) để về quê. Tài sản có giá duy nhất của cô chỉ còn chiếc ghế nhựa Duy Tân màu xanh, cô đem đặt ngoài cửa phòng trọ, rao bán thanh lý để có thêm chút tiền cho cuộc hồi hương, dù chiếc ghế chỉ được vài chục ngàn. Một bạn cùng cảnh chưa về mua giúp với giá 40 nghìn. Không khác gì chuyện bán con bán chó của chị Dậu thời trước. Minh (bạn tôi) bảo, chị Dậu xưa bán con bán chó, chị Dậu nay bán ghế bán người.

 

Ngày 3.10

Hôm qua, thủ tướng Phạm Minh Chính ra công văn lưu ý các địa phương nhắc nhở người dân “ai ở đâu thì ở đấy”, không về quê để dịch không lây lan. Báo Tuổi Trẻ rút tít “Thủ tướng đề nghị người dân kiềm chế không di chuyển tự phát làm lây lan dịch bệnh”.

Anh Vần Quán Mao dân tộc thiểu số, người H’Mông ở tỉnh Hà Giang vào Sài Gòn kiếm sống từ năm ngoái. Chưa dành dụm được đồng nào thì trúng cơn dịch. Gần 4 tháng mất việc, chả ai thuê nữa, hết tiền, mì gói cũng cạn, anh đành về quê, chứ không thể “ai ở đâu thì ở đấy”. Ở sẽ chết đói. Mao nghèo, không mua được xe máy, chỉ có chiếc xe đạp tòng tọc, anh đạp xe về quê. Chặng đường Sài Gòn – Hà Giang gần 2.000 cây số. Đi miết, tới ngày 7.10 thì đến tỉnh Quảng Trị. Người dân thấy, thương tình giúp đỡ, cho ăn cho uống. Mừng nhất là một nhà hảo tâm tặng anh chiếc xe máy cũ và tiền đổ xăng, chỉ xin chiếc xe đạp giữ lại làm kỷ niệm. Vẫn còn khoảng 1.000 cây số nữa.

 

Ngày 7.10

Bế mạc hội nghị 4 của đảng (cầm quyền). Ông tổng bí thư vẫn lên bục nói mấy câu cũ “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Lại còn dạy dỗ cán bộ, đảng viên không được ham quyền lực, tiền bạc, danh lợi. Trong khi đó, dân đang trên đường chạy trốn dịch và đói, vật lộn trong nắng mưa gió bão.

Hôm nay, lại ông thủ tướng thay mặt chính phủ ra công văn hỏa tốc gửi các tỉnh thành, nội dung khẳng định rằng người dân về quê là nhu cầu chính đáng (khác hẳn công văn hôm 3.10, mới cách có 4 hôm). Ông bạn tôi, doanh nhân Nguyễn Văn Hảo ở Hà Nội viết: “Khi cần thì bình chân như vại. Khi bị xỉa xói nhiều quá thì mới “hỏa tốc”. Chán!”. Còn báo Tuổi Trẻ hôm nay có bài “Người dân về quê là nhu cầu chính đáng, các tỉnh thành phải có trách nhiệm đưa đón”.

Dân chúng trong bàn tay bóp nặn của nhà cai trị bị quay như chong chóng, nay thế này, mai thế khác, chóng cả mặt. Có khi không chết không khổ bởi dịch hoặc đói, mà bởi chính sách.

 

(Còn tiếp)

 

.

27 BÌNH LUẬN  

 





No comments: