Con
trai cựu TBT Lê Duẩn: “Chúng ta cùng hỏi nhân dân!”
Bài bình luận của Trần Việt Trung
2022.02.09
Cố TBT Đảng Cộng sản
Việt Nam Lê Duẩn trong lễ mừng chiến thắng 15/5/1975. AFP
Trước thực trạng hiện nay của đất nước, khi một cá
nhân tham nhũng, có thể trừng trị cá nhân đó. Nhưng khi tham nhũng mang tính hệ
thống, chúng ta phải làm gì với chính hệ thống của mình? “Nếu bạn hỏi tôi: ‘Thế
thì phải làm gì?’ Tôi quá nhỏ bé và sẽ không trả lời được! Nhưng nếu chúng ta
cùng hỏi nhân dân: ‘Thế thì phải làm gì?’ Tôi tin sẽ nghe thấy câu trả lời thấu
đáo, rõ ràng và vang dội cả non sông…”
Thể chế hiện nay
như miếng thịt ôi
Lời hiệu triệu hướng về nhân dân trong bài viết
của ông Lê Kiến Thành, con trai cố Tổng bí thư Lê Duẩn, đánh giá thực trạng đấu
tranh chống tham nhũng thật là đanh thép, có sức lay động và khuấy động. Trớ
trêu thay, vì cái kết luận dành cho muôn dân đang lầm than trong đại dịch, do
những sai lầm chết người của chính quyền, một nhà nước vẫn tự vỗ ngực là của
dân, do dân và vì dân, lại không dám cho bất cứ tờ báo “lề phải” nào đăng tải
bài viết ấy. Vì vậy, bài viết không có nhan đề, hiện đang nằm trên bàn Tổng
biên tập. Đây là trích đoạn cuộc phỏng vấn từ tờ báo “mậu dịch” ấy, của nữ nhà
báo hay đề cập các vấn đề nhậy cảm (về chính trị chứ không phải sex!) [1]
Thật ra “Bài viết không được đăng báo” nói
trên cũng chẳng có là gì đặc sắc. Nếu Ban Văn hóa tư tưởng ban đầu khôn ra, cứ
cho post lên đâu đó trên một tờ báo “mậu dịch” thì có khi chẳng mấy ai để ý.
Nhưng vì nền báo chí cách mạng ngay từ đầu đã “rút phép thông công” đối với nó,
lập tức bài báo trở thành một hiện tượng. Thành hiện tượng không phải vì chất
lượng bài viết, mà chủ yếu là do cái lối hành xử muôn thuở của nền dân chủ “gấp
vạn lần dân chủ” của báo chí “đế quốc sài lang”. Nghĩa là chỉ cần
người cầm bút “loạng quạng” đến gần sự thật thì lập tức bị đuổi “chạy mất dép”,
kể cả người đó là con trai của cựu TBT đầy quyền hành, “con nòi” của cách mạng.
Tuy nhiên, tiếng vọng của muôn dân thì đa dạng.
Facebook của Duong Pham Trieu viết: “Quan tâm đến Đảng làm gì để kéo dài
sự trì trệ của dân tộc. Độc đảng, độc tài chỉ bảo vệ quyền lợi của thiểu số
trên cơ sở chèn ép đa số. Quan tâm đến sự tồn tại và phát triển bền vững của
dân tộc, trong đó có mọi người dân từ thế hệ này qua thế hệ khác, mới là điều
đáng bàn. Bạn Khac Binh Nguyen công nhận: “Vẫn có những đảng viên đau đáu với
hiện trạng đất nước, sự nhận thức của họ sẽ giúp quá trình dân chủ hóa ngay từ
trong đảng có thể tiến triển... Đó là con đường ít đổ máu nhất!” Trong khi đó,
theo FB Yen Pham, xin góp ý thẳng với bác Trọng "đốt lò" là: Độc đảng,
độc tài mà chống tham nhũng như Bác thì chỉ là... trò hề mà thôi. Còn “Tấm
gương đạo đức” như Mạnh mượt (cựu TBT Nông Đức Mạnh) nổi tiếng trong dân gian với
“Răng chắc c... bền, không những không bị kỷ luật, mà còn luôn xuất hiện trên
TV. Phản cảm lắm!”
Bản thân thịt thối tự nó sinh ra giòi bọ. Gột
rửa bao nhiêu vẫn là miếng “thịt thối”, không thể trở thành “thịt tươi” được. Nếu
chỉ bắt kể cả là hàng trăm dòi bọ, cũng không giải quyết được bản chất của vấn
đề. Thì đấy, các vụ đại án tham nhũng trước Tết chưa điều tra xong, thì ngay
sau Tết lại một vụ thổi giá thiết bị y tế tại bệnh viện Thanh Nhàn, thổi giá một
chiếc robot mổ sọ não lên gấp bốn lần. Đúng là giọt nước làm tràn cốc nước.
Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ đến Bộ Công an đề nghị điều tra bảy vụ mua
sắm trang thiết bị y tế có dấu hiệu sai phạm hình sự tại Bộ Y tế và các đơn vị,
trong đó có vụ "thổi giá" thiết bị robot phẫu thuật nói trên. [2].
Đánh giá về thực trạng tham những của
quốc gia, FB Đại Hành Lê viết: “Tham nhũng bây giờ mang tính tập thể, có tổ chức,
có cả lý luận... đậm nét “văn hoá”... như một lý tưởng , một lẽ sống... tới mức
“đúng quy trình”... Nếu bắt không cho tham nhũng... không muốn tham nhũng, hoặc
không được tham nhũng ... ít nhiều.... thì chắc hơn một nửa cán bộ đảng viên (nếu
không nói là hầu hết) sẽ không làm cán bộ nữa... Nên đánh chuột, đừng để vỡ
bình nhá”. Cuối bài viết, ông Lê Kiến Thành nêu câu hỏi, “vấn đề là ở chỗ lò
càng to, củi càng nhiều có làm cho cây cối xanh tươi trở lại không hay đến mức
mà cả củi tươi cũng phải cháy!? Chúng ta sẽ đi gom củi, sẽ đợi những cành cây
tươi (sẽ rất nhanh thôi ) lại khô héo rồi rơi xuống thành củi hay chúng ta đi
tìm trồng và chăm bón những loài cây tràn đầy nhựa sống, sẽ vươn lên mãi như
tùng, như bách chẳng gió bão nào quật ngã nổi? [3]
TBT Nguyễn Phú Trọng
tại họp báo kết thúc Đại hội 13 Đảng Cộng sản VN ở Hà Nội hôm 1/2/2021. AFP
“Tống cựu nghênh
tân” kiểu gì?
Nhân năm mới, ai cũng muốn “tiễn cái cũ đi để
rước cái mới về”. Cũng từ một người con trai khác của cố TBT Lê Duẩn, cách đây
mấy năm, Thiếu tướng Lê Kiên Trung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ
Công an từng phàn nàn, lịch sử đã không công bằng với bố ông. [4]. Theo lời kể của ông Lê Kiên Trung, chúng ta không
thể không thừa nhận, trong Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn luôn tồn tại những sự
khác biệt về tư tưởng. Ví dụ như quan điểm cải cách ruộng đất, quan điểm về chiến
tranh cách mạng miền Nam, quan điểm về thống nhất đất nước, quan điểm về việc
áp dụng mô hình kinh tế bao cấp hay thị trường, quan điểm về đường lối ngoại
giao… Và ngay thời kỳ chiến tranh… có những người trong chúng ta sợ Mỹ, có những
người thân với Liên Xô, có những người thân với Trung Quốc. Thế nên có nhiều
chuyện, Bộ Chính trị vừa họp xong, nước này nước kia đã tìm cách can thiệp.
Chưa hết, theo khẳng định của ông Lê Kiên Trung, không vì Trung Quốc ghét ông
Lê Duẩn mà họ gây ra cuộc chiến tranh biên giới đẫm màu 17/2/1979.
Cũng không vì ông Lê Duẩn mà họ đã cướp Hoàng
Sa, đang lăm le chiếm Trường Sa và chiếm toàn bộ Biển Đông. Trung Quốc hành động
như thế chỉ vì một lý do duy nhất: Ý đồ xâm lược của họ không bao giờ thay đổi.
Ông Lê Duẩn, mang trong mình bản năng của người Việt suốt chiều dài lịch sử,
không cần biết họ mạnh thế nào, nhưng anh cứ xâm phạm biên giới chúng tôi là
chúng tôi đánh. Còn nói về sự cứng rắn với TQ, ông Lê Duẩn không dám so mình với
Cụ Lý Thường Kiệt. Bậc tiền nhân ấy đã chủ động đánh phương Bắc ngay khi họ lộ
ý đồ sang xâm chiếm nước Việt. Trừ những kẻ bán nước, còn thì, đã là người Việt
Nam, nếu thực sự yêu dân tộc này, nếu thực sự yêu đất nước này, sẽ đều hành động
như thế, bất kể kẻ thù có mạnh và dã tâm đến đâu. Ông Lê Duẩn, theo như con
trai Lê Kiên Trung nhớ lại, như bao người Việt yêu nước, bằng cả trái tim mình,
đã luôn hiểu rằng, TQ là mối đe dọa truyền kiếp, là dân tộc mà trong bất cứ
hoàn cảnh lịch sử nào, bất cứ triều đại nào, chế độ nào, cũng không từ bỏ ý đồ
xâm chiếm Việt Nam. Lịch sử xâm lược của họ là lịch sử mở rộng lãnh thổ về
phương Nam.
Một nghịch lý “gai mắt” hiện nay: Lãnh tụ cỡ
như cố TBT Lê Duẩn mà vẫn không để lại một cuốn hồi ký nào, trong khi đó, ĐCSVN
gần đây đã cho xuất bản những cuốn sách đồ sộ ca ngợi ông Nguyễn Phú Trọng. Cuốn
sách 620 trang có tựa đề “Niềm tin yêu của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế
dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” đã được Báo Nhân dân phối hợp với Nhà xuất
bản Chính trị quốc gia & Sự thật cho ra mắt trong một buổi lễ long trọng
hôm 18/1/2022 tại Hà Nội. Nhưng vẫn chưa hết. Hội đồng Lý luận Trung ương và
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia & Sự thật sắp sửa cho ra mắt trong tháng 2
này cuốn “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường
đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” dày 460 trang do chính ông Trọng viết.
Chúng ta hãy cùng hỏi nhân dân, nếu giờ đây “tống cựu nghênh tân” kiểu này thì
liệu chỉ dăm hay mươi năm sau, con trai TBT Nguyễn Phú Trọng có lại ngồi thanh
minh cho “cái tệ sùng bái cá nhân” của ông bố mình là do đâu? Do ông Trọng tự
nghĩ ra, hay là do ĐCSVN học tập TBT, Chủ tịch nước Tập Cận Bình từ bên Trung
Quốc? [5]
____________
Tham khảo:
1.
https://www.facebook.com/100002990050992/posts/4706514316124857/?d=n
3.
https://www.facebook.com/100002990050992/posts/4706514316124857/?d=n
4. https://vtc.vn/con-trai-co-tong-bi-thu-le-duan-lich-su-da-khong-cong-bang-voi-ong-ar268349.html
-----------------------------------------------------------------
* Bài viết không thể
hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
.
Tin, bài liên quan
·
Đại
hội 13: ‘Nhà nước mạnh’ thế nào trong chế độ đảng toàn trị?
·
Đại
hội 13: Điều gì đang cản trở chiến dịch chống tham nhũng của Đảng?
·
Đại
hội 13: Vì sao đầu tư công bị ‘nghẽn’?
·
Đại
hội 13: Cải cách ‘đất đai’ góp phần chống tham nhũng từ gốc
·
Cán
bộ ăn quỵt, củi, lò và chuyện hài hước mỉa mai
No comments:
Post a Comment