CHUYỆN
CÁI BÁNH CHƯNG HAY LÀ CHUYỆN “NHIỀU CHỮ ÍT NGHĨA”
https://www.facebook.com/hathanhvanaliceirisdevi/posts/5442240919122700
Định không viết về cái bài viết mấy hôm nay
đang nổi lềnh phềnh trên mạng của nhà văn Phạm Thị Hoài nhưng tôi bỗng nhiên
nghĩ rằng trên đời này có những người neo vào dĩ vãng mà sống thì vừa đáng vui
mà vừa đáng buồn. Vui vì họ có cái dĩ vãng để mà neo vào. Nhưng buồn vì dĩ vãng
ấy ảnh hưởng họ lâu quá, bám theo họ cả đời! Mà cái gì thái quá thì cũng không
tốt. Lại thêm một vài bạn bè cũng hỏi về bài viết này. Thôi thì tôi lại phím
nghiệp vài câu.
1. TỪ
CHUYỆN ẨM THỰC LÀ CÁI BÁNH CHƯNG – MỘT LÝ DO GÂY TRANH CÃI…
Tôi đã từng có một bài viết về gu thưởng thức ẩm
thực của con người. Trong đó đại ý tôi nói rằng:
.
1.1. Món ăn ngon hay dở là tùy vào khẩu vị cá nhân,
nên đừng chê người khác chỉ vì họ ăn không giống mình.
Chuyện đánh giá món ăn ngon dở hoàn toàn thuộc
về chuyện của khẩu vị và cảm giác của cá nhân. Ngoài ra còn rất nhiều yếu tố
khác tác động như ăn lúc no hay lúc đang đói meo; khung cảnh ăn uống trông như
thế nào, sang trọng, sạch sẽ hay nhếch nhác, bẩn thỉu; đi ăn với người yêu mình
hay đi ăn với… kẻ thù; lứa tuổi đi ăn là trẻ con, thanh niên hay người già,
thái độ phục vụ của nhân viên, hay sự dũng cảm thử món mới trong ẩm thực của từng
người… Cho nên có những người coi phở Bát Đàn là ngon, có người thích phở Thìn
Lò Đúc, có người thích phở Thìn Bờ Hồ… nhưng cũng có những người chê các hàng
phở ấy mà chỉ thích ăn phở Vui, phở Sướng, phở Hàng Đồng… Gần đây lại có người
chê những ai ăn phở nhiều thịt là… trọc phú. Người mà lên giọng chê bai người
khác như thế chỉ vì họ ăn không đúng như mình ăn thì người đó vừa vô duyên, vừa
không có văn hóa.
.
1. 2. Văn hóa ẩm thực mang tính vùng miền và quốc
gia rõ rệt, cho nên người miền/nước này đừng chê người miền/nước khác trong
chuyện ăn uống.
Văn hóa ẩm thực còn tùy theo từng vùng miền.
Các bạn miền Bắc vào miền Nam cứ chê món gì cũng ngọt, cũng cho đường, phở kiểu
Nam sao lại có rau giá, tương đen, tại sao lại không có quẩy… và kêu ầm là
không hợp khẩu vị. Nhưng các bạn miền Nam ra miền Bắc cũng kêu ca là phở không
có rau, không nuốt nổi. Tại sao phải đòi hỏi món ăn giống nhau ở những nơi cách
xa nhau hàng trăm, hàng ngàn cây số?
Nhiều bạn cho biết không quen ăn món Tây/Tàu
và nếu ăn thì chê món nọ món kia. Tôi cũng tạm gọi là người có đi đâu đi đó
chút ít, tôi cho rằng nên tôn trọng văn hóa ẩm thực của vùng miền, quốc gia.
Văn hóa ẩm thực của vùng miền/quốc gia ra đời trên cơ sở nhiều yếu tố, từ thiên
nhiên cho nuôi con gì, trồng cây gì, thời tiết, môi trường xung quanh, địa
hình, thổ nhưỡng, con người… cho nên không thể đòi hỏi phở miền Bắc phải giống
phở miền Nam, không thể bắt người Việt ăn bánh mì thay cơm hay bắt người Nga
thôi uống rượu Vodka… Cho nên Tây Ninh mới nổi tiếng nhờ món bánh tráng Trảng
Bàng phơi sương cuốn thịt heo luộc và kèm theo vô số loại rau lạ, nhưng món cuốn
ở Đà Nẵng lại khác, mà món cuốn ở Hà Nội lại càng khác.
Tôi cho rằng chính sự phong phú về ẩm thực ở
các vùng miền, quốc gia mới là điều thú vị. Thử tưởng tượng đi đến đâu món ăn
cũng giống hệt nhau thì còn gì là thú vị và niềm vui thưởng thức, khám phá món
mới nữa. Còn chuyện ăn có hợp khẩu vị hay không, có cảm thấy ngon miệng hay
không là tùy vào cảm nhận của mỗi cá nhân. Nhưng không vì thế mà chúng ta chê
bai một cách mất lịch sự giữa chốn công cộng.
.
1.3. Văn hóa ẩm thực có sự biến đổi theo thời gian
và có sự học hỏi, pha trộn với nhau.
Cũng lại nói chuyện về nhiều người cứ bất biến
cho rằng: “Chuẩn hương vị xưa mới ngon”. Thật ra các món ăn không thể đòi hỏi
hoàn toàn giống như 100 năm về trước và còn tùy thuộc rất nhiều vào cách nấu của
mỗi người, mỗi gia đình. Chẳng hạn ngay như một món là món cuốn, cũng có thể rất
khác nhau tùy theo người làm bếp. Ngay ở Hà Nội, nếu hỏi cách làm món cuốn như
thế nào, tôi bảo đảm gần như mỗi gia đình sẽ làm theo một kiểu khác nhau. Vì vậy,
đừng cho rằng “cái chuẩn” của mình là đại diện cho tất cả, đừng cho rằng chỉ có
“cái chuẩn” của mình là đúng, còn người khác là sai bét.
Khi tôi sang Ấn Độ, tôi thấy món cà ri (curry)
chính gốc Ấn khác hẳn món cà ri của người Việt. Sang Singapore, Indonesia,
Malaysia hay Myanmar…, món cà ri lại biến đổi khác nữa. Một ví dụ rành rành nhất
mà ai trong số chúng ta cũng nhận thấy: món bánh mì kẹp thịt của Việt Nam khác
xa với nguồn gốc của nó ở phương Tây như thế nào.
Một con người có tư duy rộng mở, đi nhiều, đọc
nhiều, tiếp xúc với nhiều tầng lớp, thì thường sẽ dễ dàng nhìn nhận những sự
khác biệt trong văn hóa ẩm thực của từng vùng miền, quốc gia, đồng thời chấp nhận
sự biến đổi, thêm bớt của ẩm thực. Cá nhân chúng ta có quyền thích hay không
thích sự khác biệt hay thay đổi đó. Nhưng đừng bắt người khác phải khen chê giống
mình, bắt họ phải ăn theo mình và nếu có người như vậy, thì chỉ là hạng người bảo
thủ, tự tôn, coi mình là nhất, hay là “ếch ngồi đáy giếng” mà thôi.
.
1. 4. Người Việt và tư duy, sở thích “mì tôm” trong
ẩm thực
Thật ra tôi muốn nói về tư duy, sở thích “mì
tôm” là để chỉ một bộ phận không nhỏ người Việt không thể xa rời những món ăn
quen thuộc đối với họ, dù chỉ là trong một thời gian ngắn. Ở đây tôi không nói
đến những người Việt định cư ở nước ngoài, hay những gia đình đa quốc gia, lấy
vợ/chồng người nước ngoài. Ở những gia đình ấy, thường việc ăn uống cũng mang
tính chất “ẩm thực đa quốc gia”. Tôi chỉ muốn nói đến một hiện tượng cụ thể, đó
là rất nhiều người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ từ trung niên trở lên, thường
khi đi du lịch, công tác ở nước ngoài, không quen với những món ăn nước ngoài
hay ngại ngần không dám thử và luôn thủ trong vali những gói mì tôm, chà bông
hay thậm chí lén mang theo cả chai nước mắm. Những chuyện này tôi đã chứng kiến
quá nhiều lần khi cùng với nhiều người Việt đi du lịch hay công tác nước ngoài.
Nếu đã đi du lịch, công tác, đặc biệt là đi nước ngoài, thì không nên đòi hỏi
phải ăn uống giống y như ở nhà, mà nên để bản thân mình khám phá thử ẩm thực ở
những miền đất mới. Chứ nếu muốn ăn giống y như ở nhà, thì thôi, có lẽ cứ nên ở
nhà cho yên chuyện và dễ thỏa mãn sở thích của mình. Tất nhiên ăn uống thì luôn
là khẩu vị cá nhân, song khi đến một miền đất mới, thử những món ăn lạ, cũng là
một điều thú vị của những ai thích “xê dịch”. Có món chúng ta không hợp, nhưng
biết đâu cũng có món chúng ta thấy ngon và cũng có thể có những món chúng ta chỉ
nếm được một lần trong đời thì sao. Vậy nên đến những miền đất mới, hãy tạm gác
“mì tôm” lại, thử ăn món mới đi đã, nếu không ăn được thì hãy quay về với “mì
tôm” cũng chưa muộn.
Nói về ẩm thực thì nói có đến “ngàn lẻ một
đêm” cũng không hết chuyện. Ở đây tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều: Ẩm thực luôn
là khẩu vị cá nhân và chúng ta nên tôn trọng khẩu vị của nhau nếu chúng ta là
những con người văn minh. Giờ bước sang thế kỷ XXI cũng đã hơn 20 năm rồi, thiết
tưởng chúng ta, bất cứ ai có hiểu biết và có học hành đôi chút đều phải biết một
điều rằng: nên tôn trọng quyền tự do cá nhân và sở thích riêng, miễn điều đó
không đụng chạm, ảnh hưởng đến ai và trong khuôn khổ luật pháp cho phép, huống
chi đó là một vấn đề dễ gây tranh cãi như ẩm thực.
Thế nên khi nhà văn Phạm Thị Hoài chê cái bánh
chưng ngày Tết, tôi nghĩ rằng đó là quyền cá nhân của chị. Chị không thích bánh
chưng, nhưng người khác thích và họ phản ứng lại. Tôi cho rằng đây là chuyện
bình thường, là sự va chạm giữa những sở thích ẩm thực trái ngược nhau. Chẳng
có việc gì phải kết tội chị ấy là phỉ báng truyền thống văn hóa dân tộc cả,
cũng đừng chê hai miếng bánh chưng là giống bánh ngọt như trong ảnh chị ấy post
lên, bởi vì ăn theo sở thích nào, làm bánh chưng theo kiểu gì là quyền của chị
Phạm Thị Hoài. Chị ấy có bắt chúng ta ăn theo chị ấy hay chê bánh chưng theo chị
ấy đâu.
Nhưng, cái gì cũng có chữ “nhưng” nên mới
thành ra chuyện!
Cá nhân tôi thì thỉnh thoảng cũng ăn bánh
chưng. Có khi tôi thích vì ăn được một miếng bánh chưng ngon, nhưng cũng có khi
chán, vì ăn phải miếng bánh dở quá. Nhưng khi đọc bài viết “Các vua Hùng đã có
công” của chị Phạm Thị Hoài, tôi trộm nghĩ có khi nào cả đời chị ấy không được
ăn một miếng bánh chưng ngon. Thế nên chị ấy mới miêu tả về bánh chưng như sau:
“bánh chưng là một thứ văn xuôi thô, nặng, dềnh dàng, xơi một góc đã nghẹn và hứa
hẹn từ phần còn lại là bội thực. Lá gói lạt buộc hì hục, nấu như kháng chiến
trường kỳ, song công phu vất vả thế vẫn chưa hết. Cái kiệt tác của ẩm thực dân
tộc ấy đầy nguy cơ nhão nhoét, thiu, mốc, sống, sượng, chưa kể động thái lại gạo
khét tiếng, cộng thêm bước bóc bánh nên gọi chân thành là tra tấn và thực tế chắc
chắn là chỉ sau một đũa xắn nó sẽ mất trắng tổng thể nghệ thuật và mỗi phút một
hết cả xanh lẫn rền để cuối bữa chỉ còn là một di tích lạnh lẽo, xám xịt, tả
tơi trên mâm cỗ.” Có lẽ ký ức về một thời ăn bánh chưng dở ẹt ấy đã khiến cho
chị Phạm Thị Hoài không có cảm tình với món bánh chưng ngày Tết.
Thay vào đó chị Phạm Thị Hoài bồi hồi hoài niệm
về món phở chó, một món ăn mà tôi nghe tên đã thấy rùng mình sợ hãi và tôi tin
rằng nhiều người cũng có cùng cảm giác giống như tôi. Nhưng mà thôi, như tôi đã
nói ở trên, sở thích ăn uống là chuyện cá nhân của mỗi người, không ai có quyền
lên án ai cả hay bắt ai phải yêu ghét món này món kia theo mình. Chỉ là chị Phạm
Thị Hoài body shaming cái bánh chưng nên tôi bắt chước chị, tôi body shaming chị
với hàm ý đùa vui. Tôi chỉ ái ngại cho… tuổi già và có lẽ thừa cholesterol của
chị Hoài khi mà chị bị ám ảnh bánh chưng vì “vài chục năm sau, chúng là những
bom tấn cholesterol mà tôi ngần ngại hơn thương nhớ.” Theo quan điểm về nữ quyền
của tôi thì: Phụ nữ không chỉ có quyền làm đẹp mà còn có quyền làm xấu, quyền
chăm sóc hay quyền không thèm bảo vệ sức khỏe của bản thân. Vậy mới đích thực
là nữ quyền. Tuy nhiên tôi vẫn thích những phụ nữ nghĩ rằng tuổi tác chỉ là con
số và già, béo, thừa cholesterol… chỉ là những khái niệm không tồn tại trong cuộc
đời của mình.
Những câu chị Phạm Thị Hoài viết như thế này
là nhận định của riêng chị: “Bánh chưng là kỳ vọng của thời lo thiếu ăn đang
nhường chỗ cho thời sợ thừa cân. Là hiện thân của một nền ẩm thực với kỹ thuật
nấu nướng đơn giản, quy trình chế biến thuần tuyến tính, nguyên vật liệu thông
dụng, khẩu vị bỗ bã đại trà và tập quán sinh hoạt đơn sơ, chưa bao giờ phát triển
đến đỉnh cao để có thể decadent, sành điệu và đồi trụy, như nghệ thuật nấu ăn của
Pháp và Trung Hoa, hai cường quốc ẩm thực đã đô hộ bếp Việt để cho nó những tiềm
năng lý tưởng nếu nó biết tự giải phóng.” Nếu nói như vậy tức là chị đánh giá
thấp ẩm thực Việt Nam nói chung và cái bánh chưng nói riêng. Tất nhiên tôi nhắc
lại là chị có quyền đánh giá ẩm thực Việt Nam theo cái chuẩn của riêng chị.
Nhưng tôi không nghĩ rằng bánh chưng Việt Nam là làm đơn giản như chị nói ở
trên. Để có một nồi bánh chưng ngon là một thử thách không nhỏ cho những đầu bếp.
Trở lại vấn đề hồi nãy tôi từng nói: Có lẽ nào đời chị chỉ toàn được ăn những
bánh chưng gói vụng với nếp dở và thịt, đậu loại xoàng? Song tôi cũng phải cập
nhật kiến thức cho chị rằng ở Việt Nam hiện nay bánh chưng không chỉ phổ biến
trong ngày Tết mà còn trở thành một món ăn hàng ngày, bán rộng rãi trong các
siêu thị hay bán online với đủ các size bánh lớn nhỏ, với những bánh chưng của
người dân tộc như bánh chưng gù của người Tày, bánh chưng đen cũng của dân tộc
Tày, bánh chưng thảo dược của dân tộc Mường hay bánh chưng chay của dân tộc Việt.
Xuôi về phương Nam chúng ta có đủ kiểu bánh tét như: bánh tét nếp cẩm, bánh tét
nhân chuối, bánh tét nhân trứng muối, bánh tét ngũ sắc v.v… Chính vì thế nhận định
của chị Phạm Thị Hoài: “Trong các món Tết, bánh chưng ít cơ hội tự giải phóng
nhất” có lẽ là không đúng. Ngày nay người dân Việt Nam ngoài việc coi bánh
chưng là một món ăn truyền thống của ngày Tết, họ còn xem như một món ăn hàng
ngày, có thể là ăn thay bữa chính, có thể là ăn chơi, ăn vặt. Thêm một nhận định
của chị cũng không chính xác: “Người anh em song sinh của nó, bánh giầy, đã từ
lâu được giải linh, bỏ gánh nặng biểu tượng trời tròn sau lưng mà vui sống kiếp
nhẹ tênh món ăn vặt hàng ngày đầu ngõ.” Thật ra chẳng phải bánh giầy giải linh
gì cả mà chỉ đơn giản là ngày tết truyền thống xưa thì các món ăn đều để được
lâu, nhưng bánh giầy với thời tiết lạnh như ở miền Bắc thì để lâu sẽ cứng và
khó ăn. Vì thế nên dần dần chẳng ai cúng bánh giầy ngày Tết mà nó trở thành một
món ăn vặt, ăn chơi.
Tôi cũng không đồng tình với nhận xét của chị
Phạm Thị Hoài khi cho rằng: “Từ lúc phở có chút danh ở năm châu, mỗi người Việt
lập tức thành một vệ binh phở trong cuộc thánh chiến phở, rủa xả chỉ trích
không thương tiếc những kẻ dám xúc phạm phở, xúc phạm văn hóa ẩm thực truyền thống,
xúc phạm dân tộc, xúc phạm con người và đất nước Việt Nam, như thể các vua Hùng
đã có công nấu phở.” Dù biết chị Phạm Thị Hoài rất thích sử dụng thủ pháp thậm
xưng trong khi viết văn nhưng tôi hơi ngạc nhiên khi chị chỉ tập trung lên án
người Việt Nam là những “vệ binh phở”. Không lẽ chị Phạm Thị Hoài sống ở nước
ngoài mấy chục năm, tự nhận là người đi nhiều, biết nhiều, mà lại không biết rằng
đối với bất cứ dân tộc nào, khi đụng đến ẩm thực truyền thống là gần như mỗi
người dân đều là những vệ binh nhiệt thành. Trung Quốc và Hàn Quốc đã nhiều lần
cãi nhau về món kim chi hay là món dưa muối. Chị Phạm Thị Hoài hãy thử chê
pizza và các loại mì Ý, thử chê món gà tây trong lễ Giáng sinh của người Anh,
thử chê ẩm thực Pháp với những người dân nước ấy… Tôi tin rằng khi ấy cũng rất
dễ dẫn đến cuộc “thánh chiến ẩm thực” như lời của chị Phạm Thị Hoài. Thế nên chị
đừng mỉa mai người Việt Nam. Và đáng ngạc nhiên thay, khi đã biết rằng viết về ẩm
thực thì rất dễ dẫn đến “thánh chiến”, bản thân chị cũng lên án điều đó, vậy
thì tại sao chị Phạm Thị Hoài lại chủ ý viết một bài mà tôi cho rằng đã dẫn đến
một cuộc “thánh chiến” trên mạng những ngày đầu năm mới. Có phải chăng theo
ngôn ngữ của giới trẻ bây giờ là nhân ngày Tết nên chị lôi cái bánh chưng ra để
“đu fame”?
Nhân thể, tôi cũng bổ sung cho chị Phạm Thị
Hoài thêm chút kiến thức về nhà hàng Michelin. Chị viết là: “Những nhà hàng
Michelin tôi đã đặt chân có thể để lại vài gợi ý, nhất là về các món khai vị,
và cảm giác chủ đạo là vừa cắt phăng một góc thẻ nhà băng”. Chị Hoài đừng nghĩ
rằng cứ là nhà hàng có dấu sao Michelin thì phải sang trọng, ăn ngon và đắt tiền
nên chị đau xót nghĩ đến cái thẻ nhà băng của chị. Dĩ nhiên là có nhiều nhà
hàng Michelin làm chị đau xót cho cái thẻ nhà băng của chị, nhưng không phải nhà
hàng Michelin nào cũng sang chảnh và có lịch sử lâu đời đâu ạ. Cũng có những
quán ăn Michelin đơn giản hơn nhiều. Ví dụ nếu chị đến Kailang, Singapore, mời
chị ghé quán ăn vỉa hè Hill Street Tai Hwa Pork Noodle, quán này được 1 sao
Michelin đấy ạ. Hay nếu đến Hongkong thì mời chị ghé ăn thử món dimsum Tim Ho
Wan. Đảm bảo một vài trăm ngàn VNĐ là chị đủ thưởng thức rồi. Còn nếu tiện đường
lang thang ở Châu Âu mà muốn sang chảnh nhưng vẫn không quá đắt, mời chị Hoài
ghé nhà hàng Azurmendi ở Tây Ban Nha ba sao Michelin với giá 250 euro một set
cho một người. Còn nếu không thì chị ghé nhà hàng Eneko một sao Michelin cũng ở
Tây Ban Nha với giá khoảng 150 euro cho set hai người.
Tôi túm cái váy ngắn lại là chị Phạm Thị Hoài
có quyền chê bánh chưng, có quyền cải tiến bánh chưng cho phù hợp với
cholesterol của cái tuổi già đang xồng xộc đến, có quyền khen phở chó, có quyền
chê dân Việt Nam thánh chiến vì phở, chê ẩm thực Việt tồi tệ “với kỹ thuật nấu
nướng đơn giản, quy trình chế biến thuần tuyến tính, nguyên vật liệu thông dụng,
khẩu vị bỗ bã đại trà và tập quán sinh hoạt đơn sơ”, có quyền đau lòng cho thẻ
nhà băng vì đi ăn ở nhà hàng có sao Michelin vì đó là sở thích ẩm thực của cá
nhân và tự do ngôn luận. Song chị Phạm Thị Hoài nên cập nhật chút ít kiến thức
như tôi đã viết để tránh những điều chị viết mà chưa tới, chưa đủ góc nhìn, để
xứng với danh là một nhà văn nổi tiếng, xuất thân từ nông thôn tỉnh Hải Dương
nhưng đi nhiều, biết nhiều và học Đại học Humboldt danh tiếng với chuyên ngành
“Văn thư lưu trữ”, và đang sống ở Đức, trung tâm của Châu Âu từ mấy chục năm
nay.
.
2. ĐẾN
CHUYỆN VĂN CHƯƠNG ĐẰNG SAU CÁI BÁNH CHƯNG MƯỢN CỚ
.
Nhiều bạn văn chương và độc giả của chị Phạm
Thị Hoài khen chị hết lời là đầu năm chị đã có một bài viết hay, gây tranh cãi,
và khi công chúng đang tranh cãi thì chị Phạm Thị Hoài đang cười thích thú vì sự
tranh cãi này. Tôi ngạc nhiên vô cùng vì những người nói ra câu đó là những người
tự xưng là bạn văn tri kỷ của chị. Nếu viết một bài viết chỉ để gây tranh cãi bằng
cách lấy cái bánh chưng vô tội ra để làm đề tài nhân dịp Tết cổ truyền của người
Việt, thì xem ra khá giống những chiêu trò vụng về đánh bóng tên tuổi, “đu
fame” như các bạn trẻ ngày nay nói. Nếu tôi đi viết văn mà có những bạn văn kiểu
đó chắc là tôi không dám.. nhận là bạn.
Một số bạn văn chương khác khẳng định rằng chị
Phạm Thị Hoài nói đến cái bánh chưng chỉ là mượn cớ để nói đến thứ “văn cúng cụ”
ở Việt Nam, giễu cợt thứ văn chương dở của nền văn học Việt Nam. “Văn bánh
chưng là văn to nhưng không lớn, rắc rối nhưng không phức tạp, lớp trong lớp
ngoài nhưng không đa tầng, nghiêm nhưng không cẩn. Đã thế lại là văn cúng cụ,
nhất định phải đặt lên bàn thờ.”
Nhìn từ phương diện văn chương, khi nói đến thứ
“văn cúng cụ” tôi hiểu là ý chị Phạm Thị Hoài nói đến thứ văn chương nhằm phục
vụ, ca ngợi cho những vấn đề, nhân vật, thể chế… nào đó và vì thế theo chị là
không có giá trị. Tuy nhiên như tôi đã nói, có lẽ vì học về văn thư lưu trữ
(Archival Studies) nên chắc chị Hoài còn thiếu chút kiến thức về văn chương.
Văn chương cúng cụ và những nhà văn, nhà thơ cung đình đã xuất hiện từ hàng
ngàn năm nay trong lịch sử văn học phương Đông và phương Tây. Lý Bạch cũng từng
là nhà thơ cung đình. Cả ở phương Đông và phương Tây đã tồn tại dòng “văn học
cung đình” (court literature). Có những thể văn chương mà ngày nay chúng ta có
thể gọi là “văn cúng cụ” nhưng ngày trước chúng là những thể văn quan phương
như chiếu, biểu, cáo, hịch, văn tế v.v… Hay “Tuyên ngôn độc lập” của Mỹ, Việt
Nam cũng có thể gọi là văn cúng cụ. Đơn giản vì những thể văn ấy có những chức
năng riêng, phù hợp với hoàn cảnh, thời đại của chúng. Ngày nay lý luận văn học
dùng cái mỹ từ là các thể loại “cận văn học” để gọi chúng. Trong văn chương, có
lẽ cần phải nhắc lại một nguyên tắc cơ bản này cho chị Phạm Thị Hoài rõ: Không
có thể loại văn học nào là dở (kể cả văn cúng cụ) mà chỉ có tác giả viết dở, nội
dung dở thôi ạ. Chị Phạm Thị Hoài xin đừng nhầm lẫn giữa thể loại và nội dung
cũng như tác giả. Thế nên nếu có chê “văn cúng cụ”, rất mong chị Hoài hiểu rõ về
tính chất của thứ văn chương này.
.
3. NÊN QUAN NIỆM CHUYỆN TRANH CÃI XUNG QUANH “CÁI
BÁNH CHƯNG VĂN CHƯƠNG CÚNG CỤ” LÀ CHUYỆN BÌNH THƯỜNG
.
Việc chị Phạm Thị Hoài chê văn cúng cụ cũng là
lẽ bình thường. Khi cùng bàn luận về một cuốn sách, luôn có những ý kiến khác
nhau. Các con số là tuyệt đối nhưng đặt nó trong mối tương quan với con người
thì sự cảm nhận lại không giống nhau. Có thể đối với một người, 1000 cuốn sách
là rất nhiều, đối với người thứ 2, là vô cùng nhiều, nhưng đối với người thứ 3
là bình thường và đối với người thứ 4 thì là ít. Các con số đo đếm được đã là
như vậy, huống chi là các cuốn sách hay tác phẩm văn học. Nếu trong đời sống xã
hội, mọi hành động con người đều phải tuân thủ theo một số quy tắc nhất định,
thì trong tư duy, trong cảm nghĩ, con người được tự do tuyệt đối. Nhưng thể hiện
tư duy, cảm nghĩ ấy ra ngoài như thế nào thì lại do chính con người chọn lựa để
cho phù hợp với xã hội đang sống và ngược lại, chính những tiêu chuẩn của xã hội
đang sống cũng tác động đến sự lựa chọn đó.
Nhận xét về sách hay tác phẩm văn học cũng là
một trong những hoạt động tư duy tự do tuyệt đối. Đọc một tác phẩm, chúng ta có
thể vừa suy nghĩ, vừa cảm nghĩ về nó. Mà con người luôn tồn tại như những cá thể
độc lập trong tư duy (dù xã hội vẫn tồn tại không ít người nghĩ theo tư duy của
người khác). Cùng một tác phẩm có thể có vô vàn ý kiến khen chê khác nhau, bởi
lẽ các suy nghĩ của con người có thể rất khác nhau. Cho nên chúng ta có ý kiến
khác nhau về một tác phẩm hay một dòng văn học cũng là lẽ thường tình.
Chúng ta đồng ý là có những giá trị văn học và
có những cuốn sách được liệt vào hàng cổ điển và luôn được xưng tụng. Nhưng đó
chỉ là sự đánh giá chính thức mang tính chất hàn lâm. Con người thì phần nhiều
là con người của đời thường, mấy ai để tâm đến sự đánh giá ấy. Ở Việt Nam,
“Truyện Kiều” là kiệt tác văn học của dân tộc, nhưng có lẽ ở thời điểm hiện tại,
chắc chắn không nhiều bạn trẻ đọc “Truyện Kiều” bên ngoài chương trình học ở
trong nhà trường. “Hồng lâu mộng” là một trong “Tứ đại kỳ thư” của Trung Quốc,
có hẳn ngành nghiên cứu “Hồng học”, có tập san chỉ chuyên bàn về “Hồng lâu mộng”,
nhưng không phải người Trung Quốc nào cũng thích tác phẩm này.
Chính vì quan tâm đến sự đánh giá khác nhau của
người đọc đối với tác phẩm văn học, nên trong nghiên cứu văn học, có một lĩnh vực
gọi là lý thuyết tiếp nhận văn học. Tiếp nhận văn học sử dụng nhiều công cụ
nghiên cứu của xã hội học và xét trên một phương diện nào đó, nó gần gũi với
ngành nghiên cứu xã hội học văn học. Trong tiếp nhận văn học, có nhiều nội dung
khác nhau, chẳng hạn như đề cập đến quan hệ giữa sản xuất và tiêu dùng như là
cơ sở lý luận của mối quan hệ giữa sáng tác và tiếp nhận văn học. Hoặc là xét đến
mối quan hệ theo trình tự: tác giả – tác phẩm – người đọc với những khái niệm
chuyên biệt như: người đọc, người tiếp nhận, người đọc hiện thực, người đọc lý
tưởng, người đọc hư tưởng v.v… Tiếp nhận văn học cũng đề cập đến vai trò tích cực
của người đọc, sự tương tác giữa người đọc và tác phẩm, các kiểu tiếp nhận tác
phẩm, các cấp độ tiếp nhận, các điều kiện tiếp nhận, tiếp nhận văn học như là một
quá trình…
Nói vắn tắt một cách dễ hiểu thì tác phẩm văn
học được tác giả sáng tác không phải chỉ để dành riêng cho mình mà để dành cho
một hoạt động đặc biệt, tức là hoạt động đọc của con người. Người đọc tiếp nhận
tác phẩm văn học với những động lực và nhu cầu khác nhau. Phổ biến nhất là nhu
cầu giải trí, sau đó là đến nhu cầu hiểu biết, nhu cầu phát hiện, đánh giá, nhận
xét, bình luận. Do vậy, khi tiếp nhận văn học người đọc thường luôn ở thái độ
chủ động, tích cực và có quyền lựa chọn tác phẩm này hay tác phẩm kia.
Tính chủ quan luôn là tiền đề cho mọi hoạt động
đọc của con người. Người đọc tiếp nhận tác phẩm với những tâm trạng buồn vui
khác nhau, có trình độ văn hóa khác nhau, xuất thân từ những nghề nghiệp khác
nhau, có độ tuổi và giới tính khác nhau, có thái độ khác nhau và ở sống những
thời điểm khác nhau trong lịch sử. Kết quả là có bao nhiêu người đọc một tác phẩm,
thì sẽ bấy nhiêu cách tiếp nhận. Người khen, kẻ chê, người thì hứng thú với chi
tiết này, người thì khó chịu với chi tiết kia. Có những cách tiếp nhận sâu sắc,
cũng có những cách tiếp nhận hời hợt, nhưng nói chung, mọi người đều có quyền
xây dựng những cách hiểu riêng của mình về tác phẩm. Và rất nhiều khi, các cách
hiểu riêng ấy lại trùng hợp với nhau. Khi ấy tác phẩm văn học thường được số
đông đồng ý cho là hay (hoặc dở). Mặt khác, khi đến với một tác phẩm văn học,
người đọc thường có sẵn một “tầm đón nhận”, tức là những thị hiếu có sẵn trước
khi đọc một tác phẩm nào đó, phụ thuộc vào sự hiểu biết, tri thức cá nhân, tình
cảm, quan niệm, lứa tuổi, giới tính… Do vậy sẽ xảy ra hiện tượng là thấy cuốn
sách này hay vì phù hợp với tầm đón nhận của mình, hoặc thấy không hay, thấy
lúng túng vì xa lạ với tầm đón nhận sẵn có. Nhưng tầm đón nhận cũng sẽ thường
xuyên thay đổi thông qua việc đọc tác phẩm văn học, cho nên ở những thời điểm
khác nhau, người đọc có thể có những đánh giá khác nhau về cùng một tác phẩm.
Nhìn từ góc độ của lý thuyết phê bình phản hồi
của người đọc (Reader response theory) chúng ta sẽ hiểu thêm về sự phân hóa,
tranh cãi xung quanh bài viết của chị Phạm Thị Hoài. Đây là một khuynh hướng
cùng với lý thuyết tiếp nhận (Reception theory) phổ biến ở Âu Mỹ từ thập niên
70 của thế kỷ XX. Nếu ở châu Âu, tiêu biểu là ở Đức, lý thuyết tiếp nhận được
biết đến với cái tên “Rezeptionsästhetik” (Mỹ học tiếp nhận) của trường phái
Konstanz với hai nhân vật đại biểu là Hans Robert Jauss (1921 – 1997) và
Wolfgang Iser (1926 – 2007) thì ở Mỹ, lý thuyết phê bình phản hồi của người đọc
(Reader response theory) thường được biết đến nhờ tên tuổi của Stanley Fish,
Louise Rosenblatt, Jonathan Culler.
Lý thuyết phê bình phản hồi của người đọc đúng
như tên gọi, “response” trong tiếng Anh là sự phản hồi, hưởng ứng, hồi đáp…
“Reader response theory” là lý thuyết nghiên cứu về những sự phản hồi của người
đọc khi đọc các tác phẩm văn chương. Từ trước đến giờ, các lý thuyết nghiên cứu
văn học truyền thống chú trọng vào nghiên cứu tiểu sử nhà văn, hoàn cảnh lịch sử
khiến tác phẩm ra đời, nghiên cứu nội dung và nghệ thuật của tác phẩm văn học,
nghiên cứu các khuynh hướng, trường phái văn học… Nhưng từ thập niên 70 của thế
kỷ XX, người đọc tác phẩm trở thành một yếu tố nghiên cứu quan trọng.
Charles R. Cooper cho rằng bản thân lý thuyết
này với từ khóa “response to literature” (phản hồi văn học” đã thể hiện được
các giá trị sau: Thứ nhất, phản ánh được đầy đủ quá trình đọc, tìm tòi, giải
mã, hiểu biết, giải thích văn bản… Không những thế còn phản ánh được đầy đủ những
cảm xúc, suy tư, định kiến của cá nhân cũng như thị hiếu, sở thích, cá tính, vốn
văn hóa, cách nhìn nhận về văn chương. Thứ hai, nhấn mạnh được vai trò quan trọng
của người đọc, bởi vì một tác phẩm không có người đọc, không công bố ra công
chúng là một tác phẩm chết. Thứ ba, mở rộng sự đánh giá, liên tưởng, tầm nhìn của
người đọc không chỉ trong khi đọc tác phẩm mà còn là sau khi đọc. Thứ tư, phù hợp
với truyền thống nghiên cứu văn học và dạy học văn học ở Mỹ và các nước phương
Tây. (Charles R. Cooper, 1989, “Researching response to literature and the
teaching of literature: Points of departure”, Ablex Publishing Corporation, New
Jersey).
Lý thuyết phê bình phản hồi của người đọc khẳng
định việc đọc là một lĩnh vực của nghiên cứu văn học và tập trung nghiên cứu
các vấn đề sau: Những gì xảy ra khi độc giả đọc tác phẩm văn chương, vai trò của
người đọc đối với văn bản, vai trò của văn bản đối với người đọc, người đọc tiếp
nhận tác phẩm văn chương chủ động hay thụ động, tại sao mỗi người đọc lại phản
hồi về tác phẩm văn học theo những cách riêng?…
Lý thuyết phê bình phản hồi của người đọc cho
rằng văn bản văn chương là một văn bản chưa hoàn chỉnh và chỉ được hoàn tất bởi
sự đọc. Wolfgang Iser khẳng định: “Chỉ khi được độc giả đọc, văn bản văn học mới
sinh ra hiệu ứng ý nghĩa, vì vậy miêu tả những phản hồi của người đọc cần được
tiến hành đồng thời với việc nghiên cứu quá trình đọc. Từ đó hành động đọc trở
thành tiêu điểm của việc nghiên cứu, bởi vì nó dẫn đến một loạt những hoạt động
vừa phụ thuộc vào văn bản tác phẩm vừa dựa vào sự phát huy những năng lực của
người đọc. Hiệu quả (effect) và phản hồi (response) không phải là đặc tính của
văn bản, cũng không phải là đặc tính của độc giả; mà văn bản hàm chứa những hiệu
quả tiềm ẩn trong nó và hành động đọc sẽ khiến cho hiệu quả tiềm ẩn ấy được thực
hiện” (Wolfgang Iser, 1978. “The Act of Reading: A Theory of Aesthetic
Response”, The Johns Hopkins University Press). Mặt khác, văn bản văn chương có
tính mở, tính bất định và tạo điều kiện cho vô vàn cách đọc hiểu về nó. Từ đó
có thể thấy ý nghĩa của văn chương không chỉ dừng lại ở văn bản, mà còn ở các ý
nghĩa mà người đọc gán cho văn bản đó. Do vậy, người đọc có thể đóng vai trò đồng
sáng tạo ý nghĩa với tác giả của tác phẩm và sự tiếp nhận này phụ thuộc rất nhiều
vào những vấn đề cá nhân của người đọc.
Viện phản hồi khác nhau của người đọc được
Louise Rosenblatt nhấn mạnh: “Bằng các phương tiện ngôn ngữ, văn bản tác phẩm
đem đến cho ý thức của người đọc những ý tưởng, ý niệm, những trải nghiệm đã
qua, những hình ảnh về nơi chốn, con người, hoạt động, hay khung cảnh nào đó.
Những ý nghĩa riêng biệt này, đặc biệt là những liên tưởng đã bị che mờ từ
trong quá khứ mà từ ngữ và hình ảnh của tác phẩm gợi lên cho người đọc sẽ khiến
cho người đọc khẳng định những điều tác phẩm muốn truyền đạt, nhắn gửi. Khi đọc
tác phẩm, người đọc mang đến cho tác phẩm những đặc điểm cá nhân mình như tính
cách, cá tính, những kí ức về quá khứ, những nhu cầu và suy tư về hiện tại,
ngoài ra còn là những khoảnh khắc tâm trạng cụ thể nào đó khi đọc. Những yếu tố
này và nhiều yếu tố khác nữa sẽ tạo ra sự phản hồi độc đáo của người đọc góp phần
vào việc tạo ra ý nghĩa cho văn bản, mà không bao giờ lặp lại ở người khác” (Dẫn
theo Richard Beach, 1993, “A teacher’s introduction to reader-response
theories”, National Council of Teachers of English, Urbana, Illinois.) Nếu đối
chiếu quan niệm này với những gì chị Phạm Thị Hoài viết về cái bánh chưng, về
vua Hùng, về truyền thống của dân tộc Việt, chúng ta sẽ hiểu vì sao bài viết của
chị gây tranh cãi kịch liệt ở những độc giả khác nhau, bởi vì trong đặc điểm cá
nhân của mỗi độc giả đã có một “chân trời tiếp nhận” của riêng mình. Nói nôm na
thì ẩm thực cũng vậy. Có người cả đời do hoàn cảnh chỉ được ăn những món ăn Việt
đơn giản, dở tệ nên dĩ nhiên sẽ thấy ẩm thực Việt thật khủng khiếp, và có người
thì ngược lại.
Sau khi nói đến những lý thuyết dễ làm đau đầu
các độc giả, tôi trở lại với chuyện chị Phạm Thị Hoài lôi vua Hùng và cái bánh
chưng Lang Liêu để nói đến văn chương. Nói lý thuyết thì dài, nhưng tôi lại túm
cái váy ngắn lại lần hai là: Do trình độ, nhận thức của chị Phạm Thị Hoài nên
chị ấy ghét cay ghét đắng thứ văn chương cúng cụ và cũng do trình độ, nhận thức,
sự yêu ghét rất khác nhau của độc giả đối với văn chương của chị Phạm Thị Hoài,
cho nên bài viết của chị đã gây ra những tranh cãi dữ dội trong những ngày đầu
năm mới. Đây cũng là một chuyện bình thường của văn chương, huống chi bài viết
lại mượn cớ cái bánh chưng truyền thống để nói, mà xưa nay ẩm thực cũng như văn
chương là hai điều dễ gây tranh cãi hơn cả.
.
4. CẢM NGHĨ CỦA TÔI: LỐI VIẾT VĂN CHỬI NHƯ BÀ HÀNG
XÓM MẤT GÀ “NHIỀU CHỮ MÀ ÍT NGHĨA” CHỨ KHÔNG RA CHẤT ĐẠI HỌC HUMBOLDT
.
Cũng có một số bạn hỏi tôi nghĩ gì về văn
chương của chị Phạm Thị Hoài. Như đã nói ở trên, sau khi lôi hai lý thuyết tiếp
nhận văn học và lý thuyết phê bình phản hồi của người đọc ra làm cái khiên để
che chắn cho chính tôi, tôi mạnh dạn lên tiếng nhận xét:
Từ khi còn nhỏ tôi đã đọc những tác phẩm khiến
cho chị Phạm Thị Hoài nổi tiếng như “Thiên sứ”, “Mari Sến”, “Mê lộ”, “Man
Nương”, một số tác phẩm chị dịch của các nhà văn Đức, cũng như đọc trang
Talawas đình đám một thời và cái blog Pro & Contra hiện nay của chị. Tôi
nghĩ thế này:
.
4.1. Chị Phạm Thị Hoài xuất hiện đúng lúc,
đúng thời điểm, chọn những vấn đề đúng lúc cần lên tiếng của một xã hội Việt
Nam đang thay đổi, chuyển động. Chính vì thế những tác phẩm của chị được ca tụng,
nhất là tầng lớp được gọi là trí thức ở Việt Nam và tầng lớp thị dân ca tụng
khi mà những tác phẩm của chị đề cập đến những vấn đề trực diện của trí thức
nói riêng và thị dân Việt Nam nói chung một thuở nào. Thêm một điều nữa là một
lợi thế của chị, khi mà thời đó đề tài của chị ít ai viết, nên dễ trở thành món
ăn tinh thần hấp dẫn của độc giả một thời. Mặt khác, lối viết châm biếm ngồn ngộn
chữ và choang choang khái niệm, trích dẫn đẩy lên cao độ dễ làm choáng ngợp những
ai ít hiểu biết, thành ra chửi rủa, móc ngoéo, cũng là một thứ “đặc sản” văn
chương thời đấy, tạo luồng gió mới sau nhiều năm thịnh hành dòng văn chương tụng
ca khuôn mẫu, cứng nhắc.
.
4.2. Sau khi ra nước ngoài định cư, chị Phạm
Thị Hoài nhanh nhạy chuyển sang làm báo văn chương với việc thành lập trang
Talawas từ cái thời mà mạng Internet chưa dễ tiếp cận ở Việt Nam. Với việc thẳng
thắn đề cập đến những vấn đề nhạy cảm không chỉ là trong phạm vi của văn
chương, với cái nhìn Tổ quốc từ xa, nên việc chị Phạm Thị Hoài vẫn tiếp tục nổi
tiếng, không bị lãng quên như một số nhà văn xa xứ khác cũng là điều dễ hiểu.
Sau này chị Phạm Thị Hoài vẫn dùng blog Pro & Contra và Facebook để phát
ngôn cũng là một hình thức duy trì sự tương tác với công chúng và giữ độ hot
cho tên tuổi của mình bằng những bài viết gai góc mà như bài về cái bánh chưng
vô tội là một ví dụ.
.
4.3. Nhưng, tôi lại phải thốt lên chữ “nhưng”.
Ai cũng có một dĩ vãng và nếu dĩ vãng ấy thành công thì đương nhiên là rất tốt
và người ta có quyền nhớ về nó cũng như chị Phạm Thị Hoài nhớ mãi về món phở
chó. Song một số bạn bè văn chương, độc giả văn chương có vẻ vì quá yêu mến,
tôn sùng chị Phạm Thị Hoài nên nghĩ về quá khứ văn chương của chị hơi nhiều và
mang cho chị vầng hào quang sang đến hiện tại. Tôi không phủ nhận thời đó chị
Phạm Thị Hoài đã gây được tiếng vang trong làng văn Việt. Song tôi nghĩ tất cả
những gì chị viết bây giờ chỉ là dư âm nối dài của cái thời xưa. Trong bài viết
nhan đề “Gốc” post lên gần đây nhất, chị viết: “Tôi vốn tin rằng theo bất kỳ
một nghĩa nào người ta cũng không thể mất gốc.” Có lẽ vì vậy mà hơn ba
mươi năm qua, ngôn ngữ văn chương của chị vẫn không đổi, đề tài của chị vẫn
không đổi, dù chị không còn ở Việt Nam từ năm 2000. Vẫn cơ bản là những vấn đề
của Việt Nam, vẫn là lối viết móc ngoéo, chửi rủa và phô trương kiến thức, dễ
hù chết những ai yếu bóng vía! Tôi nôm na gọi đó là lối văn chương chửi như bà
hàng xóm mất gà chứ không ra chất đại học Humboldt đậm triết lý như tinh thần Đức,
dù chị đã ở Đức nhiều năm. Có lẽ vì thế nên chị đã phòng xa lo cho thân mà viết
trong bài viết “Gốc” là: “Phần đông các nghệ sĩ không sáng tạo gì hết.
Một số ít sáng tạo trong một giai đoạn ngắn. Một số vô cùng ít sáng tạo tương đối
lâu dài. May ra đếm trên đầu ngón tay được những nghệ sĩ suốt đời sáng tạo
trong lịch sử nhân loại.”
.
Tôi lại túm cái váy ngắn lại lần thứ ba để nói
rằng: Dù đã viết phòng xa như thế nhưng có lẽ sự sáng tạo của chị Phạm Thị Hoài
vẫn tiếp tục. Chị vẫn viết đều đều. Chỉ có điều sự sáng tạo của chị không còn
là món lạ, món mới đối với tôi như khi tôi còn nhỏ vì chị vẫn viết bằng cái giọng
hơn ba mươi năm nay không thay đổi. Có lẽ cái bánh chưng văn chương của chị
không là món ngon đối với tôi. Và nếu được hỏi vì sao cái bánh chưng văn chương
Phạm Thị Hoài tôi ăn không thấy ngon, tôi thẳng thắn trả lời là: Viết nhiều chữ
quá mà ít nghĩa nên ngấy, thế thôi!
No comments:
Post a Comment