Thursday, February 10, 2022

CHÁNH TRỊ THÍCH NHẤT HẠNH - PHẢN BIỆN BÀI "THÍCH NHẤT HẠNH : CHÁNH NIỆM hay CHÁNH TRỊ" (Joaquin Nguyễn Hòa)

 



 

Chánh trị Thích Nhất Hạnh – phản biện bài “Thích Nhất Hạnh: Chánh niệm hay Chánh trị”

Joaquin Nguyễn Hòa  

10/02/2022

https://www.luatkhoa.org/2022/02/chanh-tri-thich-nhat-hanh-phan-bien-bai-thich-nhat-hanh-chanh-niem-hay-chanh-tri/

 

Chánh niệm không phải là phi chánh trị.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/01/image28.jpg

Thích Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai thiền hành tại Hồ Gươm vào năm 2005. Ảnh: PVCEB

 

Sau khi thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch, trang Luật Khoa có đăng bài “Thích Nhất Hạnh: Chánh niệm hay Chánh trị”. [1]

 

Nội dung bài này trình bày khá chi tiết những sự kiện trong đời của nhà sư, nhấn mạnh hai điểm: thứ nhất là phương pháp thiền định chánh niệm của nhà sư Việt Nam rất thành công ở phương Tây, thứ hai là cuộc đời nhà sư là một cuộc đời hoạt động chánh trị, vì thế tác giả cho rằng chánh niệm của Thích Nhất Hạnh “chưa bao giờ chỉ là chánh niệm”.

 

Nếu tôi hiểu đúng ý của tác giả thì ông (Võ Văn Quản) cho rằng chánh niệm phải là những vấn đề khác với chánh trị.

 

Xin phản biện một số điểm.

 

Phật giáo và chánh trị

 

Không có gì không liên quan đến chánh trị, kể cả chánh niệm. Sở dĩ người phương Tây hoan nghênh thực hành chánh niệm của thiền sư Nhất Hạnh chẳng phải vì đó là một chánh sách (tức là chánh trị) của họ để đối phó với sự khủng hoảng tinh thần của xã hội hay sao? Mà sự khủng hoảng tinh thần này là kết quả của liên tu bất tận những chánh sách khác nhau.

 

Thôi thì cứ cho là chánh trị theo quan niệm của tác giả không phải là những chánh sách dân sinh xã hội mà là những cuộc tranh đoạt quyền lực chính trường, thì cũng e là khó tách bạch những tu sĩ, của bất kỳ thời đại nào, ra khỏi những chuyện ấy. Thời Phục hưng và Khai sáng đã bắt đầu cho việc tách giáo quyền và thế quyền ra khỏi nhau, nhưng chúng ta nên hiểu điều đó chỉ có tính tương đối thôi. [2] Tại Mỹ, nơi về nguyên tắc là chánh trị tách rời khỏi tôn giáo, nhưng có nhiều nhà quan sát cho rằng ảnh hưởng của các nhóm Evangelist là rất lớn. [3] Chính họ quyết định chiến thắng của Donald Trump vào năm 2016, và vẫn còn ủng hộ mạnh mẽ cho ông vào năm 2020, mặc dù ông thất bại.

 

Đối với Phật giáo, chuyện đó cũng không ngoại lệ, dù khi thành lập Tăng già, Đức Phật không có ý định nhúng tay vào thế quyền. Tại Việt Nam, Phật giáo dính líu vào chánh trị từ cả ngàn năm nay. Thời nhà tiền Lê, có lẽ vì bực bội sự can thiệp của các nhà sư vào chính trường, trong một cơn nóng giận, vua Lê Long Đĩnh đã “róc mía trên đầu nhà sư”, và chuyện này làm cho nhà vua trả giá rất đắt. [4]

 

Suốt hai thời Lý – Trần, các nhà sư, các quốc sư đều là những nhân vật rất quan trọng trong chính trường, phế lập hoàng tử này, lãnh chúa kia. Phật giáo suy tàn từ triều Hậu Lê, rồi lại được phục hồi vào triều Nguyễn với các vị sư được trọng vọng trong cung đình nhà vua. Ngôi chùa Từ Hiếu, nơi xuất phát của thiền sư Nhất Hạnh, là ngôi chùa hoàng gia triều Nguyễn. [5] Phật giáo dấn thân cũng không có gì mới. Phái thiền Trúc Lâm của Việt Nam, được một nhà chính trị là đức vua Trần Nhân Tôn thành lập, chính là Phật giáo dấn thân. [6]

 

Tại miền Nam Việt Nam trong những năm 1960, 1970, với một tầng lớp dân chúng chịu ảnh hưởng rất mạnh của Phật giáo, thì khó mà nói rằng những nhà lãnh đạo Phật giáo đứng ngoài chánh trị.

 

Một số người cho rằng các nhà sư làm chánh trị là có lợi cho cộng sản, hay tệ hơn nữa, chính họ là cộng sản đội lốt nhà sư. Sự đàn áp của cộng sản với các nhà sư chứng tỏ điều buộc tội trên là không đúng, nhưng có khả năng rất cao là Phật giáo đã bị các điệp viên cộng sản xâm nhập. Chẳng phải là điệp viên cộng sản cũng đã xâm nhập vào tận tầng lớp cao cấp của chính quyền Việt Nam Cộng hòa hay sao? (Ví dụ: Vũ Ngọc Nhạ, Triệu Quốc Mạnh) Giữa những nhà sư ở thế đối lập và một chính quyền đang cai quản đất nước, thì ai chịu trách nhiệm nhiều hơn trong việc để cho điệp viên cộng sản xâm nhập?

 

Nhưng trên hết, cái ý của tác giả khi “chơi chữ” (hai chữ Chánh) có lẽ muốn nói rằng (phương pháp) Chánh niệm của thiền sư Nhất Hạnh là… “đồ dỏm”. Tôi không nghĩ như thế.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/01/image3.jpg

Thích Nhất Hạnh lên đường sang Mỹ năm 1966 để vận động đình chiến tại Việt Nam. Ảnh: PVCEB.

 

Chánh trị Thích Nhất Hạnh

 

Tôi chỉ mới đọc bộ “Việt Nam Phật giáo sử luận” của thiền sư Thích Nhất Hạnh dưới bút danh Nguyễn Lang. Những ồn ào sau khi ông viên tịch làm tôi chú ý đọc một vài trước tác gây tranh cãi của ông, nhất là chương bốn của quyển “Hoa sen trong biển lửa”. [7]

 

Những người buộc tội ông đưa đoạn sách này để chứng minh rằng Thích Nhất Hạnh có cảm tình với cộng sản, chống Việt Nam Cộng hòa và người Mỹ.

 

Tôi đọc đi đọc lại chương đó ba lần mà không thấy như vậy. Ngược lại, tôi thấy rằng Thích Nhất Hạnh – với tư cách là một người Việt Nam không cộng sản – đã viết chương đó như một lời kêu gọi, cảnh tỉnh chính quyền Việt Nam Cộng hòa và cả những người Việt không cộng sản khác, rằng các ông đã đi sai đường, các ông đang tạo điều kiện cho cộng sản đi đến thắng lợi.

 

Quan điểm của Thích Nhất Hạnh trước sau như một, rằng quân đội nước ngoài phải rút ra khỏi Việt Nam, chuyện Việt Nam là giữa những người Việt với nhau.

 

Logic mà Thích Nhất Hạnh dùng trong chương bốn này là cái mà tôi tạm gọi là logic của chiến tranh. Sự hiện diện của quân đội Mỹ, những lỗi lầm mà họ phạm phải sẽ bị người Việt nhìn rất xấu, vì họ là người nước ngoài. Chính phủ Mỹ, dù có ý tốt đi nữa, không thể kiểm soát được chuyện ấy.

 

Logic chiến tranh này cũng đúng trong trường hợp Cambodia, khi có nhân chứng cho thấy chính những trận oanh tạc của không lực Mỹ làm cho dân chúng đi theo lực lượng Khmer Đỏ. [8] Logic chiến tranh này cũng đúng khi các trận đánh, các thói quen sắt máu của các thủ lĩnh người Afghanistan – đồng minh của Mỹ ở vùng thôn quê – đã đẩy rất đông người dân về phía lực lượng Taliban. [9]

 

Những người chỉ trích cho rằng thiền sư Nhất Hạnh đã im lặng trước những thảm cảnh thuyền nhân, trại cải tạo diễn ra tại Việt Nam sau năm 1975.

 

Theo ghi nhận của nhà báo Bùi Văn Phú trên BBC thì vào năm 1983, thiền sư Thích Nhất Hạnh có bài thơ bằng tiếng Anh được ông Phú dịch ra như sau: [10]

 

Tôi là bé gái 12 tuổi,
tị nạn trên con thuyền nhỏ,
trầm mình xuống biển
sau khi bị hiếp.

 

Tôi là tên hải tặc
tim tôi chưa biết
nhìn thấy và thương
Tôi là ủy viên bộ chính trị,
quyền lực trong tay.

 

Còn tôi một người
phải trả “nợ máu” nhân dân
đang chết dần trong trại lao động cưỡng bách.

 

Không rõ bài thơ được nhà sư viết vào năm nào, nhưng nội dung của nó, cùng với quan điểm “người Việt với nhau”, cho thấy là ông rất đau đớn. Cái đau đớn này, theo tôi, không phải ông nghĩ rằng ông đã nhầm người cộng sản. Ông không nhầm, mà chỉ đơn giản là một sự đau đớn khôn cùng, thế thôi.

 

Bài thơ này cho thấy lời buộc tội thiền sư Thích Nhất Hạnh của ông Võ Văn Quản – rằng Thích Nhất Hạnh không hề lên tiếng – là sai.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/01/image35.jpg

Thích Nhất Hạnh cùng tăng thân Làng Mai vào mùa hè năm 2014. Ảnh: PVCEB.

 

Phán đoán của tác giả rằng chuyến về nước năm 2005 của thiền sư Nhất Hạnh làm cho “một bộ phận lớn người Việt hải ngoại” bực bội, là “giọt nước làm tràn ly”, là sự khái quát hóa vội vàng. Cũng không rõ dựa vào đâu để tác giả khái quát hóa rằng Thích Nhất Hạnh không tìm được nhiều sự ủng hộ của người dân miền Nam Việt Nam, đặc biệt là những thuyền nhân.

 

Khi thiền sư Nhất Hạnh viên tịch, trang tin NBC của Mỹ có chạy bài mang tựa đề tạm dịch là “Làm thế nào mà Thích Nhất Hạnh mở đường cho việc thực hành chánh niệm ở phương Tây?”. [11] Bài báo này trích dẫn một người theo chân thiền sư Nhất Hạnh là ông Phap Dung, một thuyền nhân lúc mới chín tuổi. Ông Phap Dung nói rằng nhờ vào sự thực hành chánh niệm mà ông bỏ qua được những khổ ải tinh thần của chuyến vượt biển. Bản thân tôi cũng có nhiều người bạn như thế. Một trường hợp khác nằm trong giới nghiên cứu về Việt Nam ở Mỹ hiện nay, đó là cô Adrienne Le Minh Chau, Đại học Columbia, con của một gia đình tị nạn, hiện là một đệ tử của tăng đoàn Làng Mai và là thành viên trong ban quản trị của Quỹ Thích Nhất Hạnh. [12]

 

Nhưng điều không phải hơn cả của tác giả khi có ý cho rằng thiền sư Thích Nhất Hạnh đã vô tâm trước tình trạng bi đát của nước Việt Nam ngày nay, là tác giả đã dừng bài viết của mình ở thời điểm 2005, lúc nhà sư về Việt Nam, mặc dù bài viết trình bày khá chi tiết sự kiện và năm tháng xuyên suốt gần hết cuộc đời của thiền sư.

 

Vào năm 2008, Hà Nội cấm cửa nhà sư cũng như phá hoại việc xây dựng cơ sở Làng Mai ở Bảo Lộc. Nguyên nhân của việc này được cho là do thiền sư yêu cầu Hà Nội tách chính quyền ra khỏi tôn giáo, giải thể Ban Tôn giáo Chính phủ và công an tôn giáo. Không thấy tác giả Võ Văn Quản phân tích việc này.

 

Xin nói thêm là theo quan sát chủ quan của tôi ở hai thành phố Sài Gòn và Huế trong những năm 2005-2008, sự trở về của tăng đoàn Làng Mai là một thành công lớn chống lại sự độc tài toàn trị tại Việt Nam mà chưa có đảng phái nào, vũ trang hay chính trị, làm được từ năm 1975 đến nay.

 

San Francisco, 28 tháng Chạp năm Tân Sửu.


 

Lời tòa soạn: Tác giả Joaquin Nguyễn Hòa đã kỳ công phản biện tác giả Võ Văn Quản một cách hợp lý với đầy đủ dữ kiện chứng minh. Đây cũng chính là những gì Luật Khoa kỳ vọng khi đăng những bài thảo luận, tranh luận. Chúng tôi mong các bài viết của Luật Khoa cũng được các tác giả khác phản biện với tinh thần tương tự.

 

Với riêng bài này, tác giả Joaquin Nguyễn Hòa đã phân tích chánh niệm và chánh trị dựa trên cách hiểu của riêng ông về chánh niệm và để ngỏ một vài điểm khá lớn cho các tác giả khác thảo luận: Chánh niệm của Thích Nhất Hạnh có phải là một khái niệm phi chánh trị hay không? Khái niệm chánh niệm của ông có khác với khái niệm chánh niệm thông thường trong Phật giáo hay không? Và có thực sự Thích Nhất Hạnh tự mâu thuẫn với bản thân khi thuyết giảng chánh niệm nhưng lại hoạt động chánh trị hay không?

 

Bài thảo luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.

 

--------------------------------

 

Chú thích

 

1.  Võ Văn Quản. (2022, January 24). Thích Nhất Hạnh: Chánh niệm hay chánh trị? Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2022/01/thich-nhat-hanh-chanh-niem-hay-chanh-tri 

 

2.  Christianity – Separation of church and state. (n.d.). Encyclopedia Britannica. https://www.britannica.com/topic/Christianity/Separation-of-church-and-state 

 

3.  Perry, S. L. (2021, December 20). How Trump Stole Christmas—And Why Evangelicals Rally to Their Savior. Time. https://time.com/6130228/donald-trump-christmas-evangelicals 

 

4.  Vua Lê Long Đĩnh và những “ẩn số” trong cuộc đời. (2016, May 18). Nghiên Cứu Lịch Sử. https://nghiencuulichsu.com/2015/11/06/vua-le-long-dinh-va-nhung-an-so-trong-cuoc-doi 

 

5.  Lăng mộ thái giám triều Nguyễn ở chùa Từ Hiếu. (2016, April 16). Chuyên trang Phương Nam của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển. https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/lang-mo-thai-giam-trieu-nguyen-o-chua-tu-hieu-a5526.html 

 

6.  Nét đặc trưng của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. (n.d.). Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. https://phatgiao.org.vn/net-dac-trung-cua-thien-phai-truc-lam-yen-tu-d18502.html 

 

7.  Tâm, V. (2022, January 25). Hoa sen trong biển lửa: Cuốn sách tiếng Anh đầu tiên của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2022/01/hoa-sen-trong-bien-lua-cuon-sach-tieng-anh-dau-tien-cua-thien-su-thich-nhat-hanh 

 

8.  Chann, M. (2021, December 14). U.S. Bombs, the Khmer Rouge and Cambodian Genocide. Medium. https://medium.com/@MarpheenChann/april-17-marks-the-anniversary-of-the-cambodian-genocide-f0992510b989 

 

9.  Gopal, A. (2021, September 6). The Other Afghan Women. The New Yorker. https://www.newyorker.com/magazine/2021/09/13/the-other-afghan-women 

10.  BBC News Tiếng Việt. (2022, January 29). Thầy Nhất Hạnh mất đi, nỗi buồn Việt Nam vẫn còn đóhttps://www.bbc.com/vietnamese/forum-60094272 

 

11.  Venkatraman, S. (2022, January 26). How Thich Nhat Hanh pioneered modern mindfulness in the West. NBC News. https://www.nbcnews.com/news/asian-america/thich-nhat-hanh-pioneered-modern-mindfulness-west-rcna13308 

 

12.  Meet the Fellows | Adrienne Minh-Châu Lêa. (n.d.). PDSoros. https://www.pdsoros.org/meet-the-fellows/adrienne-minh-chau-le 

 




No comments: