Saturday, February 12, 2022

CĂNG THẲNG NGOẠI GIAO và BIỆN PHÁP TRẢ ĐŨA THƯƠNG MẠI CỦA TRUNG QUỐC (Thành Lâm - BBC News)

 



Căng thẳng ngoại giao và biện pháp trả đũa thương mại của Trung Quốc

Trung Quốc sử dụng đòn trừng phạt thương mại để giải quyết xung đột ngoại giao

Thành Lâm

BBC News Tiếng Việt

11 tháng 2 2022, 20:36 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/world-60349560

 

Hình : https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/6042/production/_123224642_us-china.jpg.webp

 

Khi thương chiến Mỹ - Trung kéo dài nhiều năm còn chưa có hồi kết, Trung Quốc trong những năm gần đây lại tự mình tạo ra các cuộc chiến thương mại khác với quy mô nhỏ hơn, lên các quốc gia cũng nhỏ hơn nước này.

 

Khác với cuộc thương chiến lớn Mỹ - Trung xuất phát chủ yếu từ nguyên nhân kinh tế và do Mỹ 'khai hỏa', các cuộc chiến thương mại nhỏ này lại thường do Trung Quốc gây ra và có nguyên nhân sâu xa từ căng thẳng ngoại giao giữa Trung Quốc với các nước, dù không được nước này thừa nhận trực tiếp.

 

Dưới đây là hai ví dụ điển hình về xung đột ngoại giao dẫn đến biện pháp trả đũa thương mại do Trung Quốc đơn phương áp đặt.

 

Dây xoắn cuối cùng trong thương chiến Mỹ - Trung

TQ ăn miếng trả miếng, leo thang thương chiến với Mỹ

Mạng xã hội - trận địa mới của Úc và Trung Quốc

 

Xung đột ngoại giao với Úc

 

Những năm gần đây, xung đột ngoại giao giữa Trung Quốc và một số nước xảy ra thường xuyên hơn, chủ yếu liên quan đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ của Đài Loan, quyền tự trị và tự do của Hong Kong, hồ sơ nhân quyền ở Tân Cương, hay vấn đề về nguồn gốc của Covid-19.

 

Quay ngược thời gian, đầu năm 2020 khi Covid-19 bắt đầu lan ra nhiều nước trên thế giới, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhiều lần lên truyền thông gọi virus này là "virus Vũ Hán" hay "virus Trung Quốc".

 

Theo sau đó là giả thuyết về virus corona xuất phát từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc. Cùng với đó là yêu cầu đòi điều tra nguồn gốc của Covid-19, cũng như cách thức xử lý dịch trong nước ngay từ đầu của Trung Quốc đã khiến nó trở thành đại dịch.

Tháng 4/2020, Úc đã hậu thuẫn một cuộc điều tra toàn cầu về nguồn gốc của virus corona mà gần như chỉ đích danh Trung Quốc.

 

Ngoại trưởng Úc, Marise Payne phát biểu trên kênh truyền hình Úc ABC: "Chúng tôi cần biết các chi tiết mà chỉ có một báo cáo độc lập mới giúp chúng ta hiểu được nguồn gốc của virus, cách đối phó và sự minh bạch trong việc chia sẻ thông tin".

 

Tháng 5/2020, Úc và Liên minh châu Âu (EU) vận động thành công việc mở một cuộc điều tra độc lập về đại dịch Covid-19 tại Hội đồng Y tế Thế giới (World Health Assembly) và đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của hơn 120 quốc gia.

 

Có thể nói Úc là quốc gia đầu tiên sau Hoa Kỳ và là một trong số ít nước lên tiếng mạnh mẽ về việc mở một cuộc điều tra độc lập với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về nguồn gốc virus corona và cách xử lý đại dịch ngay từ đầu.

 

Dù không chỉ đích danh Trung Quốc nhưng những hành động này của chính quyền Úc rõ ràng đã chọc giận Bắc Kinh.

 

Đánh giá về những nỗ lực này của Australia, hãng tin Reuters cho rằng nó đã làm cho xung đột ngoại giao giữa Bắc Kinh và Canberra trở nên xấu hơn.

 

Sau đó, xung đột ngoại giao leo thang vào tháng 12/2020 khi nổ ra một cuộc cãi vã trên Twitter giữa hai quốc gia này.

 

Tất cả bắt đầu từ một dòng tweet gây sốc, BBC đưa tin.

 

Ngày 30/11/2020, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã đăng một bức hình giả mạo trên Twitter, như là phản ứng trước một báo cáo kết tội hồi tháng trước về tội ác chiến tranh của Úc.

 

Hình : https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/3D1A/production/_123224651_fc960650-32d0-485e-b827-2203aa913f9a.jpg.webp

 

Ông Triệu viết: "Sốc trước việc binh lính Úc sát hại thường dân và tù nhân Afghanistan. Chúng tôi cực lực lên án những hành vi như vậy và kêu gọi họ phải chịu trách nhiệm."

 

Chưa đầy hai giờ sau, Scott Morrison, Thủ tướng Australia, lên sóng truyền hình quốc gia yêu cầu Bắc Kinh xin lỗi. Dùng ngôn ngữ không còn tính ngoại giao nhất cho đến nay, ông gọi nó là "thực sự kinh tởm, xúc phạm sâu sắc, cực kỳ vô nhân đạo".

 

Một vài giờ sau, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trả đũa. Bà nói: "Không phải Trung Quốc mà chính Úc, nên cảm thấy xấu hổ."

 

Mới đây nhất, tháng 9/2021, Canberra một lẫn nữa chọc giận Bắc Kinh khi ký một hiệp ước lịch sử với Mỹ và Anh, được gọi là Aukus.

 

Anh, Mỹ và Úc ký hiệp ước Aukus để đối phó Trung Quốc

AUKUS: Trung Quốc phản pháo, nói Hiệp ước Mỹ-Anh-Úc là 'vô trách nhiệm'

 

Với hiệp ước này, Mỹ và Anh lần đầu tiên cung cấp cho Australia công nghệ đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

 

Hiệp ước này được coi là một nỗ lực nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở Biển Đông.

 

BBC trích dẫn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng liên minh này có nguy cơ "gây tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình khu vực... và tăng cường cuộc chạy đua vũ trang".

 

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng những bài xã luận tương tự lên án hiệp ước, và một bài trên Hoàn cầu Thời báo, nói rằng Úc hiện đã "tự biến mình thành kẻ thù của Trung Quốc".

 

Úc cũng nhiều lần chỉ trích cách đối xử của Trung Quốc với người Duy Ngô Nhĩ, một vấn đề mà Trung Quốc luôn coi là vấn đề nội bộ mỗi khi bị phương Tây nêu ra.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/8432/production/_123224833_6168837a-48e5-49c2-8379-d762bf1b8fdb.jpg.webp

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Úc Scott Morrison

 

Xung đột ngoại giao về vấn đề Đài Loan

 

Lithuania là một quốc gia cộng hòa nhỏ bé vùng Baltics từng thuộc Liên Xô cũ và nay thuộc khối EU, với khoảng 2,8 triệu dân nhưng lại dám mạnh mẽ lên tiếng chống lại Trung Quốc.

Lithuania là quốc gia thành viên EU đầu tiên công khai bác bỏ chính sách ngoại giao cốt lõi của Trung Quốc về Đài Loan.

 

Đài Loan tăng đầu tư vào Lithuania trong lúc Trung Quốc bất mãn

Lithuania cho mở Văn phòng Đại diện Đài Loan làm TQ bực bội

 

Trang euroactive.com đưa tin Bộ Ngoại giao Lithuania ra tuyên bố nói họ "vẫn tôn trọng nguyên tắc Một nước Trung Quốc, nhưng sẽ kiên quyết phát triển quan hệ hai bên cùng có lợi với Đài Loan," theo BBC.

 

Điển hình nhất, tháng 7/2021, Lithuania tuyên bố cho mở văn phòng đại diện của Đài Loan, chứ không phải Đài Bắc, ở thủ đô Vilnius của nước này.

 

Khi văn phòng được mở vào tháng 11/2021, đây là lần đầu tiên một quốc gia thành viên Liên minh châu Âu cho phép Đài Loan sử dụng tên riêng của mình cho một văn phòng ở nước ngoài.

 

Tấm biển của cơ quan đại diện Đài Loan tại Vilnius ghi tiếng Anh 'The Taiwanese Representive Office in Lithuania' và có cờ 'thanh thiên bạch nhật' của Đài Loan, tức Trung Hoa Dân Quốc.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/D252/production/_123224835_11abe5b9-647b-4559-a690-b4f6ad0847ee.jpg.webp

Theo Lithuania thì văn phòng đại diện của Đài Loan không phải là đại sứ quán

 

Cho đến nay, đa số các văn phòng đại diện Đài Loan ở nước ngoài, tại các quốc gia không công nhận Trung Hoa Dân Quốc tức Đài Loan, chỉ mang tên "văn phòng văn hóa - thương mại Đài Bắc".

 

Mặc dù Lithuania cho rằng văn phòng đại diện của Đài Loan không phải là đại sứ quán. Nhưng theo BBC, đây là "đại sứ quán trên thực tế (de facto embassy) của Đài Loan ở Lithuania, và cũng là văn phòng đại diện mới nhất của Đài Loan ở châu Âu sau 18 năm.

 

Điều này rõ ràng đã động chạm đến Trung Quốc, nước luôn tuyên bố Đài Loan "là phần lãnh thổ không thể tách rời", mặc dù hòn đảo này từ lâu đã tự coi mình là một nhà nước dân chủ tự quản.

 

Tờ Thời báo Hoàn cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc từng gọi Lithuanbia là "nước nhỏ, điên rồ" (crazy, tiny country).

 

Xung đột ngoại giao giữa hai nước, vì vậy, ngày càng rơi vào khủng hoảng.

 

Ngày 11/08/2021, Bộ ngoại giao Trung Quốc yêu cầu nữ đại sứ Diana Mickeviciene của Lithuania phải rời khỏi nước này.

 

Đáng chú ý, bà chỉ vừa mới tới Bắc Kinh nhận nhiệm sở và vẫn còn đang trong thời hạn cách ly 21 ngày theo quy tắc phòng chống Covid-19 của Trung Quốc, nhưng đã cho biết bà sẽ về nước ngay sau khi hết thời hạn cách ly.

 

Trước đó một hôm, Bộ Ngoại giao TQ đã yêu cầu Lithuania rút đại sứ về nước, và cho biết sẽ gọi đại sứ Trung Quốc trở về Bắc Kinh

 

Đến ngày 21/11/2021, Trung Quốc đã rút đại sứ về nước và chỉ để cấp đại biện là đại diện ngoại giao cao nhất ở Lithuania.

 

Phản ứng trước cách hành xử của Trung Quốc, ngày 03/11/2021, Thứ trưởng Ngoại giao Lithuania Arnoldas Pranckevičius phê phán cách Bắc Kinh "đối xử với nước ông".

 

Vị quan chức này kêu gọi các nước thuộc Liên hiệp châu Âu cần phải "đứng lên bảo vệ dân chủ" trước cách hành xử của Trung Quốc.

 

Cuộc đối đầu giữa Lithuania với Bắc Kinh được ví như cuộc chiến giữa chàng David bé nhỏ chống lại gã khổng lồ Goliath Trung Quốc.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/CFA0/production/_123225135_e3b78293-2c76-46a8-a20b-d1637cfc43b3.jpg.webp

Thủ tướng Lithuania, bà Ingrida Simonyte trong một lần trả lời phỏng vấn BBC, cho rằng nước bà cần ủng hộ dân chủ tại Belarus và tăng cường quan hệ với Đài Loan

 

 

'Trừng phạt thương mại'

 

Với Úc

Các tuyên bố mang tính 'đối đầu' với Trung Quốc của chính phủ Úc về vấn đề đại dịch Covid-19 đã gây lo ngại cho giới doanh nghiệp và nông dân nước này về một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

 

Phản ứng với các tuyên bố của Úc về điều tra nguồn gốc virus corona, cuối tháng 4/2020, Đại sứ Trung Quốc Thành Cảnh Nghiệp đe dọa nếu Úc tiếp tục muốn điều tra, "nhân dân" Trung Quốc không xem Úc là bạn hàng tốt, không uống rượu vang Úc, không ăn thịt bò Úc, không du lịch nước Úc và không cho con cái đến Úc du học.

 

Cụ thể, tháng 6/2020, Bộ Giáo dục Trung Quốc nói rằng sinh viên nước này cần cân nhắc lại việc chọn du học tại Úc. Đây được coi là một sự đe dọa vào ngành giáo dục quốc tế vốn mang về 38 tỷ AUD (613,000 tỷ đồng, 26 tỷ USD) mỗi năm cho xứ sở kangaroo.

 

Lời cảnh báo đối với sinh viên được đưa ra theo sau việc Trung Quốc khuyến cáo du khách nước này tránh du lịch đến Úc.

 

Trong cả hai trường hợp, giới chức Trung Quốc đều viện dẫn lý do là tệ phân biệt chủng tộc nhằm vào người gốc Á gia tăng trong đại dịch, dù không nhắc đích danh Úc.

 

Trước đó, ngày 18/5/2020, Bộ Thương mại Trung Quốc đã áp thuế chống bán phá giá 73,6% và thuế chống trợ cấp 6,9% lên lúa mạch nhập khẩu từ Úc. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 19/5 và có thời hạn 5 năm, theo BBC.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/12072/production/_123224837_46cd35af-67ae-45cf-aa12-4b59d33af72d.jpg.webp

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rượu vang lớn nhất của các nhà sản xuất rượu vang của Úc

 

Tiếp đến, từ ngày 28/11/2020, Trung Quốc bắt đầu áp thuế đối với rượu vang Úc với các mức thuế từ 107% đến 212%.

 

Giới chức ở Trung Quốc khi đó lập luận rằng một số rượu vang Úc đang được bán ở Trung Quốc rẻ hơn (bán phá giá) so với ở thị trường nội địa của Úc thông qua việc sử dụng trợ giá. Australia đã ngay lập tức bác bỏ quan điểm này.

 

Không chỉ lúa mạch và rượu vang Úc, Bắc Kinh còn nhắm vào các mặt hàng nhập khẩu từ Australia bao gồm than đá, đường, thịt bò và tôm hùm.

 

Trong một biện pháp khác, Trung Quốc đã ngưng "vô thời hạn" việc đối thoại kinh tế then chốt với Australia vào tháng 05/2021.

 

Trước đó, Canberra đã miêu tả Đối thoại Kinh tế Chiến lược Trung - Úc là một trong "những cuộc họp kinh tế song phương hàng đầu với Trung Quốc".

 

Tuy nhiên, biện pháp này dường như không nhắm vào các tuyên bố của Úc về điều tra nguồn gốc Covid-19 mà được coi là phản ứng trực tiếp đối với việc chính phủ Úc hủy bỏ hai thỏa thuận mà bang Victoria đã ký với Trung Quốc như một phần trong Sáng kiến Vành đai Con đường quan trọng của Bắc Kinh, theo ông James Laurenceson, Giám đốc Viện Nghiên cứu Australia - Trung Quốc.

 

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia, chiếm 29% thương mại Úc với toàn cầu trong năm 2019, theo dữ liệu của Bộ Ngoại giao và Thương mại nước này.

 

Đầu tư của Trung Quốc tại Úc đã giảm 61% trong năm 2020, đạt mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua, theo 'Cơ sở Dữ liệu Đầu tư của Trung Quốc tại Australia' của Đại học Quốc gia Úc.

 

Với Lithuania

 

Gần đây, TQ đang nhắm vào nền dân chủ Baltic bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế như chặn xuất khẩu của nước này, sau khi Lithuania cho phép Đài Loan mở văn phòng đại diện bằng tên của mình.

 

Trung Quốc đã phủ nhận việc ngăn chặn thương mại từ Lithuania - điều này sẽ vi phạm các quy tắc thương mại toàn cầu - nhưng Liên minh châu Âu cho biết họ đã xác minh các báo cáo về việc hàng hóa bị giữ lại tại hải quan Trung Quốc, theo BBC.

 

Ngày 05/01/2022, BBC đưa tin công ty Tobacco và Liquor Corp (TTL) của Đài Loan đã mua 20.000 chai rượu rum Lithuania chuẩn bị vào thị trường Trung Quốc trước đó, sau khi họ có tin lô hàng này có thể bị chặn không cho vào Trung Quốc.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/16E92/production/_123224839_e0cacaac-0e17-48c1-bb26-8d36c7d58da3.jpg.webp

Công ty nhà nước của Đài Loan đã mua lại lô hàng 20.000 chai rượu rum Lithuania mà Trung Quốc từ chối

 

Nguồn tin từ Bộ trưởng Tài chính Đài Loan và người đứng đầu Văn phòng Đại diện Lithuania tại Đài Loan Eric Huang thông báo rằng lô rượu rum có thể bị ngăn không cho vào Trung Quốc, theo hãng tin nhà nước CNA.

 

Trong một động thái mới nhất, thứ Năm (10/02), Cơ quan Thú y và Thực phẩm Nhà nước của Lithuania cho biết Trung Quốc ngừng nhập khẩu thịt bò, sản phẩm từ sữa và bia của Lithuania, hãng tin Reuters đưa tin.

 

Lý do được Tổng cục Hải quan Trung Quốc đưa ra là do "thiếu giấy tờ" (lack of documentation), cơ quan này cho biết.

 

Nhưng cơ quan này cũng cho biết thêm: "Cho đến nay vẫn chưa nhận được bất kỳ thông báo nào từ Trung Quốc rằng bất kỳ thông tin hoặc dữ liệu nào bị thiếu".

 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) từ chối binh luận về việc đình chỉ nhập khẩu thịt bò, nhưng nói rằng Lithuania nên sửa chữa "những sai lầm" của mình.

 

"Những gì Lithuania nên làm là đối mặt với thực tế, sửa chữa sai lầm của chính mình và trở lại đúng hướng là tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc, thay vì nhầm lẫn giữa đúng với sai", ông Triệu nói, hàm ý yêu cầu các nước phải công nhận Đài Loan là lãnh thổ của Trung Quốc.

 

Trung Quốc là nhà nhập khẩu thịt bò hàng đầu thế giới nhưng các lô hàng từ Lithuania chỉ chiếm số lượng rất ít. Nước này chỉ nhập khẩu 775 tấn thịt bò từ Lithuania vào năm 2021, trong tổng số 2,36 triệu tấn thịt bò nhập khẩu trong năm đó, theo dữ liệu hải quan Trung Quốc.

 

Bên cạnh đó, có các báo cáo cho biết Trung Quốc gây áp lực lên các doanh nghiệp ở châu Âu buộc họ phải loại Lithuania khỏi chuỗi cung ứng của mình

 

------------------

TIN LIÊN QUAN

 

Úc đưa vụ tranh chấp rượu vang với Trung Quốc lên WTO

19 tháng 6 năm 2021

.

Các nhà báo Australia rời TQ 'trong bối cảnh bế tắc ngoại giao'

8 tháng 9 năm 2020

.

Cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd: "Đừng đối đầu với Trung Quốc một mình"

29 tháng 5 năm 2021

.

Lithuania: Quốc gia châu Âu dám thách thức Trung Quốc để rồi do dự

8 tháng 1 năm 2022

.

‘Chọc tức Bắc Kinh’, Đài Loan mua 20.000 chai rum Lithuania

5 tháng 1 năm





No comments: