Cảm
nhận từ những cuộc đình công đầu năm 2022
Mạc
Văn Trang
17/02/2022
https://baotiengdan.com/2022/02/17/cam-nhan-tu-nhung-cuoc-dinh-cong-dau-nam-2022/
“Ngày 15.2, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam
(Tổng LĐLĐVN) cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước xảy ra 28 cuộc tranh
chấp lao động, ngừng việc tập thể, giảm 7 cuộc so với cùng kỳ năm 2021”. (1)
Tuy “giảm 7 cuộc so với cùng kỳ năm 2021”
nhưng tính chất các cuộc đình công dường như có khác. Từ các thông tin
trên báo chí chính thống cho thấy đôi điều.
1. Các cuộc đình công có tính “TỰ PHÁT” (chưa có
Nghiệp đoàn độc lập), còn Liên đoàn Lao động (công đoàn) thì bị động; sau khi sự việc diễn ra mới đến “tuyên truyền vận động” và cùng các
bên hữu quan họp bàn giải quyết. Tuy “tự phát” nhưng các công nhân đã biết TỰ TỔ
CHỨC cuộc đình công khá tốt: Đoàn kết, nhất loạt ngừng việc; không gây ra bạo lực;
các yêu sách đưa ra hợp lý, hợp tình; thương lượng ôn hòa nhưng kiên quyết đạt
mục tiêu…, Ví dụ:
– Công nhân Công ty TNHH Pouchen Việt Nam
(P.Hóa An, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) đã đình công từ ngày 7/1 đến hết ngày
12/1/2022, sau khi đạt được yêu cầu “Thưởng Tết” hợp lý mới trở lại làm việc.
Thống nhất hành động của khoảng 16.500 công nhân của Công ty TNHH Pouchen đâu
có dễ? (2)
– Cuộc đình công của hơn 5.000 công nhân Công
ty TNHH Viet Glory đóng tại xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An diễn
ra từ ngày 7/2 đến 12/2, trải qua 6 ngày thương lượng khá căng thẳng, phức tạp
với đại diện các bên liên quan, nhưng luôn có ĐẠI DIỆN CÔNG NHÂN- LAO ĐỘNG của
Công ty, và kết quả cuối cùng là 11 yêu cầu đều được giải quyết thỏa đáng, nhất
là vấn đề tăng lương cơ bản đã vượt khung quy định của Chính phủ… (3) và (4)
– Ngày 11/2 hơn 5.000 công nhân tại Công ty
TNHH Vietnergy Việt Nam đóng tại Khu công nghiệp Phúc Sơn, Xã Ninh Phúc, Thành
phố Ninh Bình, đã đồng loạt ngừng việc tập thể và đưa ra 21 kiến nghị (không biết
có do ảnh hưởng cuộc đình công của công nhân Công ty Viet Glory không?).
Đến chiều tối ngày 12.2, Công ty TNHH
Vietnergy Việt Nam đã ra thông báo về việc giải quyết các kiến nghị của người
lao động, hầu hết các kiến nghị của người lao động đều được chấp thuận, nhất là
đồng ý tăng 6% lương cho người lao động đang làm việc tại Công ty. (5)
2. Thành công nhờ hài hoà “ba lợi ích”
Công nhân đấu tranh chỉ mong giới chủ bớt lợi
nhuận, đối xử tử tế, chia sẻ, cải thiện đời sống người lao động để Công ty cùng
phát triển. Không còn chuyện “đấu tranh giai cấp một mất một còn”, “giành nhà
máy xí nghiệp về tay công nhân làm chủ”. Nghĩa là chả có “bỏ qua chủ nghĩa tư bản
tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội” gì cả!
Công nhân đã biết đấu tranh tốt nhất là đấu
tranh ôn hoà, phi bạo lực, có lý, có tình, kiên trì, kiên quyết mới thành công.
Các ban ngành đoàn thể cũng “ăn theo” nguyên lý này để chứng tỏ “lý do tồn tại”!
Công an thì không phải dùng dùi cui, hơi cay,
áo giáp, khiên đỡ. Công ty vẫn hoạt động, Chính quyền vẫn thu được thuế. Vậy là
“hài hoà ba lợi ích”.
May mà công nhân “tụ tập đông người” đã không
hát Quốc tế ca. Nếu mà hàng ngàn công nhân gào lên. “Vùng lên hỡi ai cực khổ bần
hàn. Sục sôi nhiệt huyết trong tim đầy chứa rồi. Quyết phen này sống chết mà
thôi”… thì Đảng Cộng sản cũng hết hồn!
Thôi đi, đừng tuyên truyền “Hồn Trương Ba, da
Hàng thịt nữa”!
3. Pháp luật vẫn gây khó cho công nhân, lợi cho giới
chủ
Hiện mức lương cơ bản mà doanh nghiệp trả cho
người lao động 3.670.000 đồng/tháng là khó sống, vì giá cả mọi thứ đều tăng.
Nhưng chủ doanh nghiệp có lý, khi chứng minh rằng, “mức lương đó cao hơn mức
lương tối thiểu vùng 3.070.000 đồng/tháng đối với vùng IV được quy định tại Nghị
định 90/2019”. (Nghị định 90/2019/NĐ-CP QUY ĐỊNH MỨC LƯƠNG TỐI THIỂU VÙNG ĐỐI VỚI
NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM VIỆC THEO HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG). (6).
Không chỉ CÔNG NHÂN gặp khó, chịu thiệt trước
giới chủ, mà NÔNG DÂN cũng khốn khổ, khi mất đất được đền bù với giá bèo bọt để
quan chức ăn chặn và giới chủ tư bản thuê đất rẻ mạt. Không biết giai cấp Công
– Nông đã thấm đòn và NGỘ ra chưa?
4. Báo chí Cách mạng còn “lập trường Công – Nông”
không?
Mấy sự kiện công nhân đình công lớn như vậy
nhưng VTV không thấy đưa tin (hay có đưa tin mà tôi không biết?); các báo chí đều
đưa tin hời hợt, giống nhau; không thấy bài phóng sự điều tra hay tường thuật
trực tiếp nào tại cơ sở một cách chi tiết, cụ thể. Hầu hết nội dung tin, bài giống
nhau, do phía Công ty hay Chính quyền hoặc Công đoàn cung cấp. Ngay 11 yêu cầu
của công nhân Công ty Viet Glory là gì, 21 yêu cầu của công nhân Công ty
Vietnergy là gì, cũng phải tìm mãi mới ra.
Ngay cái từ “Đình Công” báo chí Cách mạng cũng
không dám gọi đích danh mà nói chệch đi là “ngừng việc tập thể”! Các nhà báo có
còn “lập trường Công – Nông” không? Các anh đứng về phía nào?
TÓM LẠI, những cuộc “ngừng việc tự phát” của
công nhân diễn ra như nói trên may mà êm thấm, càng cho thấy công nhân mỗi cơ sở
cần có Nghiệp đoàn Độc lập để những cuộc đình công “tự phát” thành “tự giác” có
tổ chức, diễn ra đúng trình tự pháp lý, hài hoà lợi ích. Chính quyền cần rà
soát lại hệ thống Luật pháp để tạo điều kiện cho công nhân có lợi thế khi
thương nghị với giới chủ để đòi quyền lợi chính đáng của mình. Báo chí
Cách mạng hãy xem lại mình, xem có còn chút “cách mạng” nào không?
_____
*Chú thích nguồn
tài liệu:
5. https://laodong.vn/cong-doan/cong-ty-tang-6-luong-hon-5000-cong-nhan-di-lam-tro-lai-1013766.l
No comments:
Post a Comment