Tuesday, January 11, 2022

UKRAINA, MẶT TRẬN HIỂM NGHÈO CHO CUỘC ĐỐI ĐẦU GIỮA NATO và NGA (Minh Anh - RFI)

 



Ukraina, mặt trận hiểm nghèo cho cuộc đối đầu giữa NATO và Nga

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 10/01/2022 - 10:19

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220110-ukraina-mat-tran-doi-dau-nato-nga

 

Ukraina, chiến trường của cuộc xung đột với phe đòi ly khai ở vùng Donbass, Đông Ukraina, và bị tước mất bán đảo Crimée, là một quốc gia đang lâm nguy kể từ cuộc khủng hoảng 2014. Và cuộc khủng hoảng này còn là hệ quả của một lằn ranh rạn nứt chính trị - quân sự rộng lớn hơn giữa Nga và phương Tây mà NATO và Liên Hiệp Châu Âu là hiện thân.

 

https://s.rfi.fr/media/display/a23d2910-71f5-11ec-a7eb-005056bfb2b6/w:1024/p:16x9/AP22009633359344.webp

Quân đội Nga trong một cuộc tập trận ở bán đảo Crimée ngày 22/04/2022. Ảnh do bộ Quốc Phòng Nga cung cấp. © AP

 

Trong cuộc trả lời phỏng vấn dài dành cho kênh truyền hình TV5MONDE, Arnaud Dubien, giám đốc đài Quan sát Pháp – Nga, cộng tác viên Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS), phân tích cặn kẽ những nguồn gốc sâu xa của cuộc xung đột, các lập trường-quan điểm của mỗi bên, cũng như là những hướng giải pháp nào cho tương lai, nhất là trong bối cảnh Nga và Mỹ đang có các cuộc đàm phán trong hai ngày 09-10/01/2022 tại Geneve. RFI Tiếng Việt xin giới thiệu toàn văn bài phỏng vấn.

 

 

TV5MONDE : Ba mươi năm sau khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc, đâu là thực trạng các mối quan hệ giữa NATO và Nga ?

Arnaud Dubien : Mối quan hệ giữa NATO và Nga, rộng hơn nữa là giữa Nga với phương Tây là tồi tệ. Chúng ở mức thấp nhất kể từ ngày Liên Xô tan rã thậm chí là kể từ đầu những năm 1980, trước khi có Perestroika (tiếng Nga có nghĩa là tái cấu trúc, giai đoạn cải cách do tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô, ông Mikhail Gorbatchev khởi xướng). Chúng ta đang trong một tình huống tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, ngay cả khi phải đề phòng điều tương tự với Chiến Tranh Lạnh bởi vì bối cảnh địa chính trị là không giống nhau.

PUBLICITÉ

Nguyên nhân thì sâu xa. Nhưng nguyên nhân chính có thể là không một ai ở châu Âu hay Mỹ chưa bao giờ biết phải dành vị trí nào cho nước Nga thời hậu Xô Viết trên lục địa này.

 

TV5MONDE : Tại sao Ukraina biến thành một cuộc khủng hoảng gay gắt giữa NATO và Nga ?

Arnaud Dubien : Phương Tây đã đi theo một lập luận là mở rộng NATO và Liên Hiệp Châu Âu. Ngày nay, luận điểm này đã đi đến mốc giới hạn, đơn giản chỉ vì họ đang chạm đến các đường biên giới của Nga. Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể này về việc NATO có thể mở rộng đến Ukraina hoặc thậm chí tăng cường các mối quan hệ hợp tác quân sự giữa Ukraina với các nước phương Tây, nước Nga đều cho rằng các lợi ích sống còn của họ bị đe dọa. Bởi vì đây cũng là một đại cường hạt nhân, sự việc có thể đang đi quá đà.

Đương nhiên, điều đó không muốn nói rằng một cuộc chiến tranh, mang tính chất hạt nhân nhiều hơn, sẽ nổ ra nay mai, cũng không có nghĩa là Nga sẽ bất thình lình xâm chiếm Ukraina – giả thuyết này không mấy gì khả tín. Nhưng cũng không có gì cho thấy Matxcơva cam kết hạ nhiệt căng thẳng mà không đạt được điều gì. Nguy cơ là ở đó : Rằng các cuộc đàm phán với Mỹ đang sa lầy hay chẳng đi đến đâu trong những tuần sắp tới.

 

TV5MONDE : Ông diễn giải thế nào về sự hiện diện đông đảo binh sĩ Nga tại biên giới với Ukraina ?

Arnaud Dubien : Theo suy đoán của tôi, một điều nghịch lý là Nga không có lựa chọn nào khác ngoài việc cho triển khai binh sĩ ở biên giới Ukraina. Mục đích là nhằm buộc phương Tây và nhất là Mỹ phải ngồi vào đàm phán, điều mà Nga chưa bao giờ có được kể từ năm 1991. Từ khi Liên Xô sụp đổ, phương Tây luôn cho rằng Nga chẳng có nhiều lợi ích chính đáng ngoài lãnh thổ, rằng Nga chẳng có gì phải bận tâm trong các vấn đề an ninh châu Âu. Thế nên, việc mở rộng là lẽ tự nhiên, Nga cũng sẽ chấp nhận.

Giờ thì điều đó là không thể. Phải đến lúc Nga cho triển khai quân để rồi mới bắt đầu đàm phán thì quả thật là đáng lo ngại. Người ta thường nghe nói là Matxcơva chỉ hiểu tương quan lực lượng. Nhưng những gì diễn ra từ vài tuần qua, rủi thay cho thấy phương Tây cũng thế.

 

TV5MONDE : Nga cảm nhận thế nào việc NATO mở rộng đến tận biên giới của mình ?

Arnaud Dubien : Cần nhắc lại rằng đã có nhiều làn sóng mở rộng, và đợt cuối cùng là vào năm 2020 liên quan đến Macedonia. Những lần kết nạp gây phiền phức cho Nga là những đợt trong năm 1999 (bao gồm Ba Lan, Cộng Hòa Séc, Hungary – những nước thành viên cũ của Hiệp ước Vac-xa-va bị giải thể năm 1991) và lần kết nạp năm 2004, chủ yếu liên quan đến 3 nước vùng Baltic, những nước cộng hòa Xô Viết cũ sát biên giới với Nga.

Vào thời điểm đó, Nga còn yếu và vẫn muốn tham gia vào một tiến trình hợp tác với phương Tây. Và điều đó đã nuôi dưỡng những lời lẽ đầy cay đắng đối với các nước phương Tây, bị tố cáo là đã bội ước và lợi dụng một nước Nga kiệt quệ để tiến các quân cờ của mình.

Vào thời điểm đó, tổng thống Pháp Jacques Chirac đã khôn ngoan đề nghị một sự đền bù mang tính biểu tượng : Đạo luật thành lập Nga – NATO được ký vào tháng 7/1997, cho phép thiết lập Hội Đồng Nga – NATO. Nhưng nhanh chóng sau đó cùng với cuộc chiến Kosovo kéo dài từ tháng 3/1998 đến tháng 6/1999, người ta hiểu ra rằng điều này không vận hành được.

Cuộc khủng hoảng Kosovo là yếu tố quan trọng trong cảm nhận của Nga về NATO. Lần đầu tiên, Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương này, viện dẫn phòng thủ, đã sử dụng vũ lực bên ngoài lãnh thổ theo điều khoản số 5, và nhất là không có sự ủy thác của Liên Hiệp Quốc. Đối với Nga, đây là một sự đoạn tuyệt về chiến lược quan trọng. Hơn nữa, vụ việc liên quan đến Serbia, quốc gia mà Nga có một mối quan hệ đặc biệt. Trong khoảng thời gian này, nhiều cuộc khủng hoảng khác nối tiếp nhau xảy ra : Irak, Libya v.v…

Về cơ bản, dự đoán của G. Kennan đã thành hiện thực. Nhà ngoại giao nổi tiếng này của Mỹ từng chứng kiến Chiến Tranh Lạnh bùng lên để rồi sau đó đưa ra học thuyết ngăn chặn Liên Xô. Năm 1997, ông cho rằng việc mở rộng khối NATO sang phía Đông là một sai lầm lịch sử, chỉ làm nuôi dưỡng thêm chủ nghĩa dân tộc Nga và tinh thần trả thù. Đây chính xác là những gì người ta đang chứng kiến.

 

TV5MONDE : Tại sao Ukraina sẽ là lằn ranh đỏ cho việc mở rộng NATO chứ không phải là các nước vùng Baltic hay các nước Cộng hòa Xô Viết cũ khác ?

Arnaud Dubien :  Tại sao là Ukraina ư ? Bởi vì Nga cho rằng – dù đúng hay sai – Ukraina không là một nước như bao nước khác. Nga tạo dựng một kết nối lịch sử giữa Nhà nước Kiev và Đại công quốc Matxcơva. Xin nhắc lại, Kiev là nhà nước đầu tiên của tộc người Slave phía Đông (một tượng đài hoàng tử Vladimir, người từng cải theo Chính Thống Giáo năm 988, đã được khánh thành năm 2016, đối diện với điện Kremlin). Còn Đại công quốc Matxcơva, sau này là Đế chế Sa hoàng, Liên Xô và bây giờ là Liên bang Nga.

Giữa hai nước có một sự gần gũi về văn hóa, ngôn ngữ, chưa kể đến sự đan xen giữa hai dân tộc, khoảng 1/3 người Ukraina có gia đình ở Nga. Rồi còn có gần ba thế kỷ chung sống, từ năm 1654 – ngày sáp nhập các tỉnh Ukraina nằm ở bờ đông sông Dniepr – cho đến năm 1991.

Trong lịch sử Nga vài thế kỷ qua, những cuộc xâm lăng lớn, hầu hết các vấn đề chiến lược và các mối đe dọa đều đến từ sườn phía Tây. Kế hoạch cho kết nạp Ukraina vào NATO đang khơi dậy những cảm nhận này và đây là một viễn cảnh hoàn toàn khó thể chấp nhận đối người dân Nga, chứ không riêng gì với Vladimir Putin. Họ nói lên điều đó, họ muốn người ta biết điều đó, và tôi nghĩ rằng họ sẽ không buông xuôi nếu không có được điều gì đó.

 

TV5MONDE : Việc Nga cho sáp nhập bán đảo Crimée là một bước ngoặt trong mối quan hệ với NATO ?

Arnaud Dubien : Chắc chắn rồi. Không phải ngẫu nhiên mà cuộc đối đầu này diễn ra tại Ukraina. Vào thời kỳ đó, chính sự cạnh tranh giữa Hiệp Định Đối Tác Phương Đông do Bruxelles chủ xướng và Liên Minh Kinh Tế Á-Âu của Matxcơva đã châm ngòi nổ. Tổng thống dân cử lúc bấy giờ là ông Viktor Ianoukovitch buộc phải chọn lựa. Ông quyết định tránh nói đến chủ đề này, kéo dài thêm thời gian, đây chính là điều dẫn đến các cuộc biểu tình ở Kiev – phong trào Maidan. Nếu như nhìn từ phương Tây, sự ra đi của Viktor Ianoukovitch là một thắng lợi cho các lực lượng dân chủ thì đối với Matxcơva, đây là một cuộc đảo chính.

Cuộc khủng hoảng 2014 tại Ukraina thật sự là một bước ngoặt trong các mối quan hệ giữa Nga và phương Tây, nhưng cũng cho chính bản thân nước Nga. Cuộc khủng hoảng khép lại một chu kỳ lịch sử 30 năm bắt đầu với Perestroïka. Nhiều người ở phương Tây cũng như là tại Nga nghĩ rằng, trong dài hạn, sự hội tụ giữa Liên Hiệp Châu Âu đang trong quá trình mở rộng và nước Nga là điều không thể tránh khỏi. Một sự hội tụ được cho là Nga sẽ chấp nhận mô hình phương Tây. Điều đó giờ đã lỗi thời.

Ngày nay, Nga coi mình là một cực độc lập trên trường quốc tế và không có ý định gia nhập vào một nhóm phương Tây mở rộng. Năm 1999 rồi năm 2004, Nga đã nuốt nhục nhiều. Năm 2007, trong bài diễn văn của ông Vladimir Putin tại Munich, rồi năm 2008 cùng với cuộc xung đột ở Gruzia bùng phát do sự can dự của quân đội Gruzia tại tỉnh ly khai Nam Ossetia, điện Kremlin đã bắn đi nhiều tín hiệu mạnh mẽ và hy vọng rằng đã ngăn chặn được tiến trình mở rộng của NATO sang vùng Liên Xô cũ. Hiển nhiên, ban lãnh đạo Nga không mấy gì chắc chắn điều đó và dường như cảm thấy rằng thời gian không đứng về phía họ.

 

TV5MONDE : Theo như những gì ông nói, người ta có cảm giác là Nga chỉ phản ứng trước việc mở rộng khối NATO và Liên Hiệp Châu Âu. Vậy đâu là học thuyết của Nga đối với Ukraina và về những gì mà người ta gọi là « nước ngoài gần kề » ?

Arnaud Dubien : Tôi không chắc là có một học thuyết. Chính sách đối ngoại của Nga từ nhiều năm qua được thể hiện như một chuỗi các thành công, các sáng kiến xuất sắc, tóm lại như là sự thể hiện của một quốc gia có một tầm nhìn đang tiến các quân cờ. Điều đó thường đúng ngoại trừ tại Liên Xô cũ.

Liên Xô cũ có thể là vùng duy nhất trên thế giới mà Nga chưa bao giờ có được những ý tưởng rõ ràng và thực hiện được một chính sách chặt chẽ. Tại sao ư ? Bởi vì có quá nhiều tầm ảnh hưởng, nhất là khi người ta nói về « lõi Slave » như Belarus và Ukraina. Vùng Trung Á hẳn được coi như là « nước ngoài gần » (một thuật ngữ ngày càng được ít sử dụng tại Matxcơva), nhưng người Nga hiểu rõ đó không phải là nước Nga. Với Ukraina, dù đúng hay sai, còn có một gánh nặng cảm xúc, mang tính biểu tượng, bản sắc hoàn toàn khác. Điều này đè nặng lên nhận thức, các phát ngôn và nhiều quyết định.

 

TV5MONDE : Liệu có nên lo lắng về một chủ nghĩa đế quốc Nga ?

Arnaud Dubien : Đã có – nhất là trong những năm 1990 – một ý định hội nhập vùng trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và quân sự trong khuôn khổ CEI – Cộng Đồng Các Quốc Gia Độc Lập được dựng nên từ đống tro tàn của Liên Xô cũ (không có các nước vùng Baltic). Nhưng dự án này không đi xa hơn được bởi vì phần lớn các nước Cộng hòa Xô viết cũ trên thực tế đều muốn xa rời Matxcơva. Cùng lúc này, có một số nước xích lại gần Nga như Belarus, Kazakhstan hay Armenia, vốn dĩ đều lệ thuộc vào Nga trên bình diện an ninh.

Nhưng một dự án tái thiết đế chế là phi thực tế. Người Nga muốn một thứ khác. Họ thực sự tiếc nuối cho đế chế, một tổ chức khu vực hợp nhất. Tuy nhiên, họ không chấp nhận sự tiến công của NATO trong khu vực này, đặc biệt là tại Ukraina. Nếu chúng ta bình tĩnh phân tích tình hình, chúng ta có thể xem các vị thế chiến lược của Nga đã xuống cấp rất nhiều so với những gì chúng từng tồn tại cho đến tận năm 1989. Đừng quên rằng vào thời điểm đó, Matxcơva và Washington thảo luận « ngang vai phải vế », Matxcơva cũng từng là tâm điểm của cả một « thế giới xã hội chủ nghĩa », và chiến xa Nga từng đã ở biên giới Đông Đức.

Ngày nay tuyến phòng thủ chiến lược đã được dịch chuyển xa về phía Đông, từ Kaliningrad cho đến Crimée đi qua cả Belarus. Một lần nữa, dù đúng hay sai, người Nga vẫn cho rằng họ không thể thoái lui được nữa và các lợi ích sống còn của họ đang bị đe dọa.

 

TV5MONDE : Vấn đề gia nhập khối NATO có một vị trí ra sao trong chính sách của Ukraina ? Theo ông, liệu người dân có một nguyện vọng theo hướng này không ?

Arnaud Dubien :  Ngày nay, đa số người Ukraina sẽ bỏ phiếu để gia nhập NATO và Liên Hiệp Châu Âu. Vì một lý do khá đơn giản : NATO biểu tượng cho an ninh còn Liên Hiệp Châu Âu tượng trưng cho sự phồn thịnh. Dĩ nhiên, người dân Ukraina khao khát trở nên giầu có và sống yên bình. Điều này không phải lúc nào cũng được như thế cả. Ukraina trước khi có phong trào Maidan đã bị chia rẽ làm đôi về những vấn đề này. Sự chia rẽ đó từng được phản ảnh rõ trong các kết quả bầu cử. Đã có một sự phân hóa rất rõ giữa các vùng phía nam và đông Ukraina với các vùng khác.

Ba mươi năm sau khi Liên Xô kết thúc và gần 8 năm sau phong trào Maidan, tình hình trở nên phức tạp hơn : Trước hết, bán đảo Crimée bị Nga sáp nhập, một phần vùng Donbass bị Kiev đánh mất, một bộ phận người dân Ukraina không được bỏ phiếu tại Ukraina. Tiếp đến là còn có một phản ứng sâu sắc từ một phần lớn xã hội Ukraina, kể từ giờ đang được xây dựng đối lập với Nga. Có một tinh thần dân tộc đang trỗi dậy trong bối cảnh chiến tranh chưa được khai chiến nhưng lại có thực với Nga. Điều này đặc biệt đúng ở giới trẻ, nhưng không chỉ có thế.

 

TV5MONDE : Đâu là những luận điểm cơ bản cho lập trường của Nga và Ukraina ?

Arnaud Dubien : Kiev và các nguồn hậu thuẫn phương Tây cho rằng việc ứng cử vào NATO tuân thủ một nguyên tắc cơ bản được quy định trong Hiến Chương Paris, đó là bất kỳ quốc gia nào cũng có thể lựa chọn liên minh cho mình. Về điều này, Nga phản đối tính chất không thể tách rời về an ninh : An ninh của nước này không thể được thực hiện mà gây bất lợi cho an ninh của nước khác. Ở đây có hai nguyên tắc cơ bản không tương thích, cho đến lúc này chưa được giải quyết, và thời khắc thực tế đang đến gần.

Giờ phải xem xem điều gì còn có thể xuất hiện từ các cuộc đàm phán vừa được khởi động. Tái thiết an ninh châu Âu chắc chắn là một mục tiêu rất được mong đợi. Tổng thống Macron từng đề cập đến hồi năm 2019 khi ông ấy khởi xướng một cuộc đối thoại mới với Nga – nhưng điều này sẽ phải mất nhiều năm. Trong ngắn hạn, đương nhiên người ta có thể kích hoạt một sự năng động chính trị tại vùng Donbass và thoát ra khỏi vòng xoáy đối đầu .

Tôi  nghĩ rằng đây mới chính là một mục tiêu thực tiễn : Các cuộc thảo luận phải thật sự được nối lại, Nga cũng như là Ukraina phải tuân thủ luật chơi và áp dụng thỏa thuận Minks, những điều thực sự đã không diễn ra trong những năm qua.

 

TV5MONDE : Ông có nghĩ rằng với tân chính quyền Mỹ, liệu có nhiều triển vọng để nối lại đối thoại thẳng thắn, điều cần thiết hiện nay không ?

Arnaud Dubien : Trong mọi trường hợp, mối quan hệ này là một chặng đường dài. Mức độ tin cậy hầu như không có, đồng thời, kể từ cuộc gặp thượng đỉnh Biden – Putin tại Geneve ngày 16/06/2021, người ta thấy là nhiều kênh đối thoại song phương đã được thiết lập giữa các tham mưu trưởng, các nhà ngoại giao và hơn thế nữa. Về một hồ sơ gai góc khác như an ninh mạng, mọi việc cũng có tiến triển đôi chút. Việc Joe Biden đắc cử tổng thống không những không làm cho mối quan hệ Nga-Mỹ thêm trầm trọng nguy kịch như lo ngại của nhiều nhà quan sát Nga, mà còn dẫn đến một sự năng động – tuy vẫn còn mong manh, nhưng tích cực và rõ nét.

Tôi nghĩ là Putin đang đánh cược rằng Biden dường như là người tốt nhất để tham gia vào một cuộc đối thoại thực dụng với Nga. Rất có thể bởi vì ông ấy từng trải qua Chiến Tranh Lạnh và giờ ông không muốn điều đó nữa. Điều này khá phản trực giác, gây thất vọng nhiều tại Ukraina và nhiều nước phía Đông, từng xem Biden như một dạng chống Trump. Rất có thể ở Biden còn có một hình thức chủ nghĩa hiện thực, một cách phân tích bình tĩnh về thực tế địa lý và chính trị, và nhận thức rằng nước Nga lần này phải được coi trọng, bằng không, có nhiều rủi ro gánh lấy những kịch bản tồi tệ.

Dẫu sao thì, chính quyền Mỹ cũng đã có những quyết định bất ngờ như trong hồ sơ Nord Stream 2, khi cho miễn trừng phạt dự án. Chính quyền Biden rất có thể sẽ đi theo chiều hướng này đối với hồ sơ Ukraina, không hẳn một cách công khai để đổi lấy những tín hiệu thiện chí từ Nga.

 

TV5MONDE : Ông có nghĩ rằng trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, viễn cảnh Ukraina gia nhập NATO có khả thi hay không ?

Arnaud Dubien : Trong ngắn hạn, triển vọng trở thành thành viên chính thức của NATO trong ngắn hạn gần như là không, ngay cả Mỹ cũng nói như thế. Trước hết, bởi vì một phần lãnh thổ Ukraina không nằm dưới sự kiểm soát của Kiev. Rồi khi gia nhập NATO còn bao hàm cả việc mở rộng bảo đảm an ninh (tức điều khoản số 5) cho bất kỳ quốc gia thành viên nào, nghĩa là cam kết tiến hành chiến tranh, kể cả hạt nhân, nếu như nước đó bị tấn công. Nhưng Ukraina trên thực tế đang trong một cuộc xung đột và với một cường quốc hạt nhân khác, đó là Nga. Thế nên, không một ai ở phương Tây sẵn sàng chết cho Kharkiv hay Mariupol cả.

Do vậy, ít có nhà lãnh đạo Tây Âu nào, nhất là ở Paris, ủng hộ cho một kịch bản như thế. Pháp luôn tuyên bố phản đối Ukraina gia nhập vào NATO, Đức cũng vậy. Lập trường này đã được tái khẳng định hồi năm 2008 nhân kỳ thượng đỉnh NATO ở Bucarest (thủ đô Rumani) khi vấn đề này được đề cập đến. Nhưng lại không đi đến cùng, vì vậy mà « hồ sơ Ukraina » lại trỗi dậy.

Vào thời điểm đó, Paris và Berlin đã kháng cự chính quyền Bush và nói « Không » cho việc ban hành Kế hoạch Hành động mở đường cho việc kết nạp thành viên. Nhưng thông cáo chung cuối cùng lại cài một câu ghi rằng một ngày nào đó Ukraina và Gruzia sẽ là thành viên của NATO. Giờ đây, người Nga đòi chúng ta phải khép hẳn lại cánh cửa này.

Hiện tại, không chỉ đơn giản việc kết nạp chính thức Ukraina vào NATO gây ra vấn đề, mà còn cả các chương trình hợp tác quân sự song phương – Anh, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí là Pháp – với Ukraina, cũng như là việc gởi các loại thiết bị và hệ thống vũ khí. Nhìn từ Nga, điều trước đây từng không thể chấp nhận cho đến lúc này chính là việc Ukraina nằm trong khối NATO ; giờ thì NATO trên lãnh thổ Ukraina.

 

------------------------------------------------------------------------------

 

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

QUAN HỆ NGA - MỸ

Đàm phán Nga-Mỹ về Ukraina mở ra với 2 trọng tâm: Tên lửa và hoạt động quân sự

 

ĐIỂM BÁO - NGA - UKRAINA

Nga xâm lăng Ukraina? Dấu hỏi lớn cho châu Âu năm 2022

 

UKRAINA - NGA - TÂY PHƯƠNG - NATO

Ukraina : Phương Tây muốn giải pháp ngoại giao với Nga nhưng vẫn lo ngại chiến tranh





No comments: