Monday, May 18, 2020

TI TIỆN (Anh Van)






Ngày tôi còn ở Saigon, trên đường Trương Minh Giảng, đi từ phía trung tâm thành phố, qua khỏi cầu và Đại Học Vạn Hạnh, đến ngã tư kế tiếp là đường Trần Quang Diệu, nếu tôi nhớ không lầm. Tôi không biết chính xác tên đặt từ hồi nào, nhưng thiết tưởng đã rất lâu, vì đường Bùi Thị Xuân ở Saigon đã mang tên từ hồi nảo hồi nao.

Trần Quang Diệu là ai? Là một võ tướng Tây Sơn, chồng của nữ tướng Bùi Thị Xuân. Trong thời tranh chấp đầu thế kỷ 19, Tây Sơn và nhà Nguyễn - Nguyễn Phúc Ánh hay vua Gia Long - là kẻ thù không đội trời chung. Nguyễn Huệ sau khi chiếm Phú Xuân, đã cho đào lăng tẩm 8 đời chúa Nguyễn, lấy hài cốt vứt xuống sông, và giết chúa đời thứ 9 là Nguyễn Phúc Thuần ở Long Xuyên. Nguyễn Huệ làm vậy vì lý do gì, chỉ có thể đoán. Nguyễn Phúc Ánh khi khôi phục tổ nghiệp, đã quật mả Nguyễn Huệ, phơi thây, bêu đầu, và có hành động đái vào đầu lâu Nguyễn Huệ, để trả thù.

Ông Ngô Đình Diệm làm thượng thư nhà Nguyễn. Người ta nói ông Diệm xấu nhiều điều, nhưng có người bảo với tôi gia phong nhà ông ấy nghiêm khắc. Đã nhận mưa móc phải biết ơn và thờ nhà Nguyễn. Saigon thuở trước có đủ các đường mang tên vua chúa nhà Nguyễn. Nhưng cũng có tên đường Trần Quang Diệu, Nguyễn Huệ, và Bùi Thị Xuân, giao ở ngã ba với đường Ngô Tùng Châu và chạy song song với đường Võ Tánh, ngay trung tâm Saigon.

Vì sao lại đặt cho những con đường bằng tên của kẻ thù nhà Nguyễn, tôi không thể xác quyết. Chì có thể đoán là vào thời ấy, đạo đức, nhân tính, và khái niệm công bằng vẫn còn thịnh trong xã hội, trong con người ở miền nam. Nên dù là kẻ thù của nhà Nguyễn, nhưng có cái gì đó đáng trọng vọng thì vẫn dùng tên đặt cho đường để mọi người không quên.

Điều tôi nhớ nhất về ông Trần Quang Diệu là việc vây thành Quy Nhơn. Thành vào lúc đó thuộc nhà Nguyễn, nhưng trước đó thuộc Tây Sơn. Khi tình trạng trong thành trở nên bi đát vì cuộc vây khốn, quan trấn thủ là Võ Tánh viết thư cho Trần Quang Diệu, hứa sẽ giao thành để tránh điêu linh cho dân quân, với điều kiện Trần Quang Diệu không giết kẻ hàng. Diệu nhận lời, Tánh mở cổng, và tự thiêu chết theo thành. Trần Quang Diệu giữ lời tha cho hàng binh và dân, và cảm kích Võ Tánh, cho xây mộ ông ngay trong thành.

Người Việt xưa, dù ở bất kỳ vị thế trách nhiệm nào, cũng coi trọng danh dự và khí khái kẻ địch. Một lần nói chuyện trên mạng với một cựu sĩ quan nhảy dù miền Nam, người ấy đã có ý nhắc tôi không nên dùng lời lẽ bôi bác với một ông tướng miền Bắc, vì họ được dạy từ trong quân trường, thái độ khinh miệt người khác, dù là kẻ thù, thì không xứng đáng với một sĩ quan quân đội. Tôi đã phải mất công giải thích sự hiểu lầm về từ ngữ với viên cựu sĩ quan đó.

Khi người cộng sản chiếm miền nam, họ đã xoá tên đường Võ Tánh và Ngô Tùng Châu (nhà Nguyễn), thay vào đó cái tên của một cán bộ CS nằm vùng chả ai cần biết là ai. Hành động đó tôi cho là ti tiện với lịch sử VN, nhưng còn có thể hiểu được khi họ chính thức coi nhà Nguyễn như môt loại kẻ thù của giai cấp họ.

Ở Mỹ, một võ quan ra điều trần trước Quốc Hội về những việc ông đã chứng kiến khi tham gia nội các chính phủ nọ. Những điều ông nói ra bất lợi vì nó ám chỉ sự sai trái của nội các đó trong công việc. Anh lãnh tụ và cũng là thượng cấp của võ quan kia đã hộc tốc sa thải ông ấy để trả thù hành vi và bổn phận của một sĩ quan là tôn trọng sự thật và luật pháp, giữa thanh thiên bạch nhật. Ấy là tư cách của một kẻ ti tiện hơn cộng sản một bậc, khi anh lãnh tụ nọ chỉ làm vì cá nhân anh ấy, coi nhẹ trách nhiệm và bổn phận của mọi công chức, như một hôn quân, trong khi anh ấy cũng chỉ là một công chức, được bầu lên để làm việc trong tinh thần trách nhiệm, chứ không phải để ngồi trên đầu pháp luật như một kẻ tâm thần và vĩ cuồng không còn phân định nổi phải trái, với ý niệm cỏn con nào về sự công bằng.

Vậy mà có lắm kẻ tự xưng thấm nhuần văn hoá miền nam, vỗ ngực VNCH, vẫn đi theo tôn sùng, bênh vực mọi hành động của lãnh tụ kia bằng được. Tôi thiết tưởng hoặc họ là những kẻ đầy mặc cảm nhược tiểu, hèn hạ phù thịnh, hoặc họ mạo danh. Vì nếu họ không phải như vậy thì quả miền nam đang thời mạt vận, mất cả đất nước lẫn con người.
Top of Form
Bottom of Form







No comments: