Sunday, May 31, 2020

NƯỚC MỸ RỰC LỬA (Nhã Duy)




Nhã Duy
31/05/2020

Mississippi Burning là một trọng án của nước Mỹ và là bí hiệu trong hồ sơ đặc biệt của FBI về vụ án này. Câu chuyện xảy ra vào năm 1964, khi ba thanh niên hoạt động dân quyền, một người da đen cùng hai người trắng, đến Mississippi để vận động cử tri da đen tham gia bầu cử và đã bị nhóm kỳ thị chủng tộc KKK thủ tiêu với sự tiếp tay của những viên chỉ huy cảnh sát sở tại.

Ba nhân vật mất tích trong vụ án Mississippi Burning. Nguồn: Hồ sơ FBI

Đích thân Bộ Trưởng Tư Pháp Robert Kennedy lúc bấy giờ đã ra lịnh cho FBI chịu trách nhiệm điều tra chính và tổng thống Lyndon Johnson đã đề nghị lập một văn phòng FBI dã chiến ngay tại Jackson, Mississippi, cho đến khi tìm ra hung thủ. Sau ba tháng điều tra, FBI đã bắt giữ khoảng 18 nghi phạm, có cả cảnh sát trưởng và cấp phó tại thị trấn xảy ra vụ án.

Vụ án thật này đã được dựng thành bộ phim cùng tên vào năm 1988, nhận được khá nhiều đề cử cho giải Oscar. Nhắc đến vụ án và bộ phim này vì nó liên quan đến sự kỳ thị chủng tộc, những tội ác vì lòng căm hận, những cuộc bạo loạn, xung đột sắc tộc dữ dội trên nước Mỹ một thời rực lửa. Và vì nó lại đang xảy ra ngày hôm nay, trong năm 2020 này.

Những cuộc xuống đường xảy ra trong vài ngày qua tại vô số thành phố lớn nhỏ khắp nước Mỹ đang biến thành những cuộc bạo động dữ dội sau cái chết của người đàn ông da đen George Floyd. Công lý sẽ phán xét nhưng những gì người dân thấy được là, những cảnh sát viên Minneapolis đi quá xa với quyền hạn và những điều cần thiết, đã gây ra cái chết cho người đàn ông này một cách tàn nhẫn ngay chốn công cộng, trước mặt đông người.

Sự phẫn nộ không chỉ trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi mà với bất cứ những ai có lương tri, yêu công lý, chuộng công bằng xã hội. Và đó là lý do mà nhiều người lên tiếng trong các cuộc biểu tình có nhiều sắc dân tham gia, không riêng gì cộng đồng Mỹ gốc Phi. Họ có lý do để giận dữ, để xuống đường. Đây không phải lần đầu trong nhiều năm qua xảy ra vụ việc như vậy và chắc chắn chẳng là lần cuối.

Nói điều này không đồng nghĩa với việc chấp nhận, dung túng bạo loạn, đập phá, hôi của. Những việc này ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân và tài sản công dân, dẫn đến sự bất ổn chung của xã hội, của cả quốc gia. Rõ ràng chúng cần được ngăn chận và nghiêm trị những hành vi quá khích theo khuôn khổ của pháp luật, một khi xảy ra.

Đây là thời điểm thử thách của giới lãnh đạo quốc gia. Thực thi công lý, trấn an công luận và đưa xã hội về lại sự bình yên. Nhưng rất tiếc những gì đang xảy ra cho thấy, người đứng đầu quốc gia – tổng thống Donald Trump, đã thất bại trong vai trò này.

Khi gọi tất cả những người biểu tình là “côn đồ”, hăm dọa nổ súng, xua chó dữ hay sử dụng “vũ khí đáng sợ”…, Trump đang kích động, châm thêm dầu vào cơn giận dữ của người biểu tình.

Thay vì những kêu gọi sự bình tĩnh nơi người dân, xoa dịu cơn thịnh nộ của người biểu tình, những mẩu tin nhắn trong vài ngày qua của Trump đã đe dọa sử dụng vũ lực, công kích giới lãnh đạo tiểu bang, thành phố, xem đây là âm mưu có tổ chức của những nhóm cực tả, Antifa…, đủ dừng lại để chưa kết án đảng Dân Chủ “giật dây”, thay vì nhìn vào thực chất của vấn đề.

Những người biểu tình bên ngoài Khu vực 3 trụ sở cảnh sát ở thành phố Minneapolis đang cháy, ngày 28/5/2020, thành phố Minneapolis, bang Minnesota. Nguồn: AP / John Minchillo.

Điều này cũng kích động những người chống biểu tình, những người da trắng xem đây là cuộc chiến màu da và kiếm tìm, vận động sự hậu thuẫn nơi đồng minh chính trị và cử tri ủng hộ mình khi đặt sự việc vào bối cảnh chính trị hơn là nhìn nhận cội rễ mang tính lịch sử. Đây là điều vốn dĩ thường được Trump sử dụng trước mọi biến cố của quốc gia, từ dịch bịnh đến bạo loạn hiện nay.

Những nhân viên công lực và giới lãnh đạo địa phương có kinh nghiệm và hiểu rõ nhiệm vụ vãn hồi trật tự của họ trước những cuộc bạo động. Còn trong vai trò và tư cách của một lãnh đạo quốc gia, Donald Trump không thể hành xử với tâm thế đáp trả theo kiểu côn đồ cá nhân và tạo thêm sự chia rẽ trong người dân, bởi bạo lực sẽ dẫn đến bạo lực, sự kích động sẽ dẫn đến giọt nước tràn ly. Nước Mỹ sẽ cháy rực như Mississippi ngày nào, nếu súng nổ và máu đổ trên đường phố.

Đó là điều mà nước Mỹ và tất cả người dân không bao giờ muốn thấy, bất kể phải trái thuộc về ai. Và đó là điều mà Donald Trump cần nhìn thấy để tìm giải pháp, tránh để xảy ra, thay vì hăm dọa khả năng sẽ xảy ra. Đó là kiểu dùng xăng để chữa một đám cháy, như cách ví von của một số người.

Sắc tộc là một vấn nạn lâu đời mà những người từng xem qua Mississippi Burning ắt có thể còn nhớ lời nhân vật Thị Trưởng Tilman đã nói trong phim. Tilman bảo rằng: “Sự thật là, chúng ta đã có hai văn hóa nơi đây: Văn hóa của người da trắng và văn hóa người da màu. Nó đã luôn là vậy và sẽ mãi còn là vậy“. Quả thật như thế. Dẫu ngấm ngầm hay bề mặt, sự xung đột chỉ chờ chực để nổ tung từ những ẩn chứa của kỳ thị sắc tộc khi có dịp.

Giới lãnh đạo nước Mỹ không phải chỉ đối phó khi những vụ bạo động xảy ra mà có trách nhiệm ngăn ngừa nguy cơ xảy ra. Tôn vinh sự bình đẳng, sự tôn trọng giữa người với người và lòng yêu thương sẽ ngăn chận được nó. Còn những kích động, cổ súy bạo lực và hận thù sẽ dẫn đến một nước Mỹ bị thiêu rụi. Đáng buồn là nước Mỹ đang bị rực cháy, ở nhiều mặt, dưới sự lãnh đạo của Donald Trump. America is burning…






No comments: