Wednesday, May 27, 2020

VIỆT NAM GIA TĂNG ĐÀN ÁP TRUYỀN THÔNG TỰ DO BẰNG BẠO LỰC MẠNH HƠN! (RFA)




RFA 
26/05/2020

Ba vụ bắt giữ liên tiếp

Nhà văn Phạm Chí Thành, bút danh Phạm Thành, chủ trang blog Bà Đầm Xòe, bị bắt giữ vào ngày 21/5/2020 với cáo buộc làm, tàng trữ, phát tán tài liệu chống Nhà nước”, theo Điều 117 Bộ luật Hình sự. Thân nhân của Nhà văn Phạm Thành, một ngày sau đó, cho RFA biết ông bị tạm giam 4 tháng tại nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội.

Vào sáng hôm 23/5, Nhà báo Nguyễn Tường Thụy, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập và là blogger của Đài RFA, bị Công an TP.Hồ Chí Minh khởi tố và bắt ngay tại nhà ở Hà Nội cũng cùng cáo buộc như đối với nhà văn Phạm Thành. Ông Thụy bị di lý từ Hà Nội vào Sài Gòn.

Trước đó 1 tháng tròn, ngày 23/4, Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ Nhà thơ Trần Đức Thạch với cáo buộc "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", theo điều 109 Bộ luật hình sự.

Cựu tù chính trị-Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, vào tối hôm 26/5 lên tiếng với RFA liên quan 3 vụ việc chính quyền vừa bắt giữ giới cầm bút bất đồng chính kiến tại Việt Nam:

“Không ai năng nổ và mạnh mẽ như Nhà văn Phạm Thành. Ông đã liên tục chỉ trích Tổng Bí thư-Chủ Tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Bởi vì ông Trọng vẫn tỏ thái độ thân Trung Quốc. Cũng như không ai giống Nhà báo Nguyễn Tường Thụy. Ông đã thay mặt cho những người đấu tranh mang tiếng nói đối lập hoàn toàn và trong một tổ chức Hội Nhà báo Độc lập để nói lên tiếng nói của người dân. Và cũng không ai như là Nhà thơ Trần Đức Thạch. Ông đã có những bài thơ để lên án Chính quyền Cộng sản.”

Với chia sẻ vừa rồi, Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa khẳng định rằng động thái bắt giữ 3 cựu chiến binh cầm bút, 3 nhà hoạt động dân chủ tại Việt Nam đã biểu thị thái độ Chính phủ Hà Nộ đối với các vấn đề mà cả 3 nhà hoạt động này đang quan tâm và đòi hỏi. Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa nhấn mạnh:

“Tức là họ muốn triệt tiêu hết tất cả những đòi hỏi của những người dân yêu nước chống Trung Quốc, muốn hòa hoãn và xích lại gần Mỹ để phát triển kinh tế và dân chủ, bảo vệ quốc gia, lãnh thổ và hải đảo.”

Ba nhà cầm bút bất đồng chính kiến vừa bị bắt trong tháng 4 và tháng 5/2020: Nhà văn Phạm Thành, Nhà báo Nguyễn Tường Thụy và Nhà thơ Trần Đức Thạch (bìa trái sang). RFA edited.


Gia tăng đàn áp và bạo lực

Ông Vũ Quốc Ngữ, Giám đốc Tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders) nhận định rằng động thái bắt giữ mới nhất của Chính quyền Việt Nam đối với ba nhà bất đồng chính kiến Trần Đức Thạch, Phạm Thành và Nguyễn Tường Thụy nhằm hai mục tiêu:

“Tôi nghĩ rằng là một mặt họ trấn áp giới bất đồng chính kiến, đặc biệt là những người cầm bút. Thứ hai là ban lãnh đạo chính quyền Cộng sản của hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và Hồ Chí Minh (Sài Gòn) muốn lập công chẳng hạn. Tôi nghĩ rằng họ có thể muốn lập công trong kỳ đại hội Đảng sắp tới. Một bên bắt giữ ông Phạm Thành. Một bên bắt giữ ông Nguyễn Tường Thụy để mở rộng vụ án của ông Phạm Chí Dũng, bị bắt hồi cuối tháng 11 năm ngoái.”

Blogger Lập Quyền Dân, qua bài viết có nhan đề “Bắt Phạm Thành, Nguyễn Tường Thụy: Những giọt nước tràn ly”, đăng tải trên trang Blog của RFA hôm 24/5, cũng nêu lên vấn đề rằng có thể Đảng CSVN mở chiến dịch trấn áp thẳng tay các nhà báo độc lập để “trong sạch hóa địa bàn”, chuẩn bị cho “sàn đấu” của những nhóm người tại Đại hội Đảng XIII sắp tới hoặc là cuộc ra đòn cấp tập “vỗ mặt” các nhà đấu tranh dân chủ? Tác giả Lập Quyền Dân đưa ra lập luận cũng có thể là cả hai, bởi vì “trước sau Đảng CSVN cũng sao chép cái chủ trương mà Quốc hội Trung cộng đang thảo luận về Luật An ninh cho Hong Kong”.

Trong khi đó, Giám đốc Tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền lưu ý tình trạng Nhà nước Việt Nam gia tăng bắt bớ truyền thông tự do, kể từ khi Luật An ninh mạng có hiệu lực. Ông Vũ Quốc Ngữ cho rằng Chính quyền Việt Nam đàn áp mang tính chất hệ thống:

“Tôi nghĩ là một mặt họ bắt giữ những người tương đối nổi tiếng, có những tiếng nói nhất định trên mạng xã hội chẳng hạn; tức là truyền thông phi chính thống, không phải của Nhà nước Cộng sản hợp pháp. Bên cạnh đó thì họ cũng sẵn sàng bắt giữ những người ít nổi tiếng hơn là những người chỉ viết một vài bài hoặc nói về tự do dân chủ, tự do thông tin. Họ đàn áp mang tính chất hệ thống, không bỏ sót ‘con cá’ nào, tạo ra một không khí rất nỏng bỏng ở Việt Nam làm cho giới bất đồng chính kiến cũng phải chùn bước và người dân càng sợ hãi.”

Đồng quan điểm với Giám đốc của Defend the Defenders, Nhà báo Phạm Đoan Trang, vào tối hôm 26/5 lên tiếng với RFA:

“Chúng ta có thể thấy sự bắt giữ diễn ra dồn dập trong thời gian ngắn và chưa kể vụ bắt hai ông Thạch và ông Tường Thụy còn có màu sắc bạo lực rất là rõ. Công an không chỉ bắt mà còn đánh đập người bắt cũng như gây sự, đe dọa, khiêu khích người nhà…Đúng là không gian tự do trước giờ vốn đã hẹp thì dường như bây giờ lại càng hẹp hơn và bạo lực hơn nữa. Trước kia chỉ là bắt thì bây giờ ngoài việc bắt còn sẵn sàng đánh đập. Chúng tôi cũng lường trước được điều này và nghĩ rằng từ nay đến Đại hội Đảng CSVN sắp tới thì không gian tự do còn bị thắt chặt hơn nữa cũng như sự đàn áp sẽ còn gia tăng nữa.”

Tinh thần đấu tranh lan tỏa?

Mặc dù vậy, Nhà báo Phạm Đoan Trang nhìn nhận sau các vụ việc bắt giữ vừa xảy ra cho 3 nhà cầm bút bất đồng chính kiến thì càng có nhiều người tò mò, tìm hiểu hơn về họ và những tác phẩm viết lách của họ. Điển hình là một quyển sách của Nhà văn Phạm Thành, xuất bản hồi năm 2019 và bây giờ được đông đảo độc giả tìm kiếm. Nhà báo Phạm Đoan Trang nói về điều này với chúng tôi:

“Sau khi Nhà văn Phạm Thành bị bắt giữ thì có rất nhiều người liên hệ qua Facebook của cá nhân tôi và của Nhà Xuất bản Tự Do để mua cuốn ‘Thế thiên hành đạo hay đại nghịch bất đạo’. Ngay từ khi cuốn sách này ra đời vào mùa thu năm ngoái đã có nhiều người hỏi về nó. Và, sau khi ông Phạm Thành bị bắt thì lại càng có nhiều người hỏi về nó hơn. Tôi nghĩ những người hỏi mua, họ cũng sợ nhưng sự tò mò thắng sự sợ hãi.”

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa bày tỏ trong xúc động rằng cả ba Nhà thơ Trần Đức Thạch, Nhà văn Phạm Thành và Nhà báo Nguyễn Tường Thụy trong những tháng ngày sắp tới có thể sẽ rất là khó nhọc cho họ ở trại giam, vì tuổi già sức yếu lẫn đau đớn về mặt tình thần. Tuy nhiên, Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa tin rằng tinh thần bất khuất và kiên cường của những người lính “thất thập cổ lai hy” này sẽ càng được loan tỏa, đặc biệt đối với thế hệ thanh niên tại Việt Nam :

“Gần suốt một đời họ theo Cộng sản. Những người này họ có lý tưởng lắm. Không phải họ bị lừa dối bởi vì những nhà văn, nhà thơ họ có một tấm lòng, có sự hiểu biết và có niềm tin. Nhưng rồi 30-40 năm qua, sống trong chế độ Cộng sản, tất cả niềm tin của họ bị mai một và bây giờ họ nhận ra chế độ Cộng sản thế nào. Khi họ nhận ra rồi thì họ rất cương quyết từ bỏ nó và đi về phía mà họ nhận thấy chính nghĩa, chính đáng cần phải làm. Và tất nhiên là chúng ta cũng thấy rằng họ đã bị trả giá, họ bị đàn áp và bắt bớ. Đây là sự đau xót của họ. Nhưng ngược lại, chúng ta nhìn thấy gương sáng bởi vì một câu hỏi đặt ra cho rất nhiều người, trong đó có lớp trẻ rằng tại sao họ họ theo Cộng sản mà không thể theo hết đời và bây giờ họ phản tỉnh?”

Tinh thần của ba cựu chiến binh đấu tranh vì lý tưởng đất nước Việt Nam độc lập và dân chủ được những người trẻ dấn thân, như Nhà báo Phạm Đoan Trang chia sẻ rằng cô sẽ vững vàng tiếp tục con đường đã lựa chọn cho đến ngày “những mầm mống tốt đẹp trong xã hội được lan rộng, để xã hội dân sự phát triển, để sự tương thân tương ái giữa những người dân với nhau là điều bình thường, để việc viết, đọc và mua bán sách không còn là tội phạm…để con người được lương thiện”.








No comments: